Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

XÀ-LAN CHỞ CÁT ĐỤNG SẬP CẦU GÀNH-BIÊN HÒA

XÀ-LAN CHỞ CÁT ĐỤNG SẬP CẦU GÀNH (BIÊN HÒA)

        






          


  Tôi sững sờ khi nghe tin Cầu Gành bắc ngang sông Đồng Nai, đoạn nối liền hai bờ sông  Cù Lao Phố (Xã Hiệp Hòa) và Chợ Đồn (Phường Bửu Hòa –TP. Biên Hòa), bị xà-lan chở cát đụng sập lúc 11giờ 30 ngày 20-3-2016. Tôi tiếc cho cây cầu trên 100 tuổi, chẳng những mang biểu tượng lịch sử và nên thơ của tỉnh Biên Hòa mà còn giữ một phần quan trọng trong sinh hoạt của người dân Việt, qua hệ thống đường sắt nối liền các tỉnh từ Nam ra Bắc. Cầu Gành sập, tất nhiên đường xe lửa xuyên Việt gián đoạn.


             

  Rất nhiều bài báo đăng trên hệ thống mạng lưới Internet, mô tả  vào khoảng 11 giờ 30 ngày 20-3-2016, dân chúng ở gần hai đầu cầu Gành, nghe một tiếng va chạm mạnh trên sông Đồng Nai và nhiều người chứng kiến chiếc xà-lan chở cát đụng vào trụ cầu, khiến cầu Gành bị gãy ở khoảng giữa, hai nhịp cầu rơi xuống sông, chiếc xà-lan chở cát bị lật úp; trên cầu có 5 người đang lái xe gắn máy chạy đến nhịp cầu gãy, ba người bị té nhào, người và xe rơi xuống nước, nhưng một người đã lội vào bờ và hai người bám được thanh sắt cầu leo lên; còn hai người chạy phía sau hoảng sợ bỏ xe, chạy ngược trở lên thoát nạn; trong khi đó có vài người dân ở gần đầu cầu phía phường Bửu Hòa, hoảng sợ, chạy báo cho nhân viên trạm gác cổng xe lửa, những người nầy đang trong tư thế chuẩn bị hạ cổng ngăn xe và người đi bộ, để đón đoàn tàu số hiệu 2542 đã liên lạc xin qua cầu, đang chạy từ ga Sóng Thần (Dĩ An-Bình Dương) về hướng Biên Hòa; đoàn xe lửa được thông báo khẩn cấp cầu Gành bị sập. Tài công điều khiển đoàn tàu, đã tỏ ra bình tĩnh, thắng kịp thời và dừng hẳn lại khi đoàn tàu còn cách cầu Gành khoảng chừng 200 thước.
            Dân chúng ở hai xã Hiệp Hòa và phường Bửu Hòa cùng một số rất đông khách qua đường, tấp nập đến bờ sông gần hai bên đầu cầu, đứng xem cảnh hãi hùng cầu sập vừa xảy ra.

            Hiện trường, nơi xảy ra tai nạn, trụ cầu số 2 và nhịp cầu số 3 rơi chìm hẳn xuống nước và nhịp cầu số 2 một đầu chúi xuống sông, một đầu còn gác trên mố cầu và chiếc xà-lan chở cát, trong tình trạng lật úp đang vướng ở cạnh cầu, và dường như chiếc tàu đẩy xà-lan đã bị chìm. Những tài công trách nhiệm điều khiển hai chiếc tàu nầy đã bỏ trốn; trong khi Công An Thành Phố Biên Hòa, Công An Đường thủy, cùng đơn vị Phòng Cháy Chữa Cháy tỉnh Biên Hòa, được huy động đến nơi mở cuộc điều tra và trợ giúp việc tìm kiếm những người qua cầu, bị té xuống sông, khi xảy ra tai nạn. Kết quả chỉ vớt lên được ba xe gắn máy và không có người nào bị chết chìm.

            Nhờ  vào biển số BS SG3745 của tàu đẩy và BS SG5984 của sà lan chở cát,  Công An TP. Biên Hòa  dễ dàng truy tầm và bắt tài công  tài công Phan Thế Thượng, 62 tuổi, trú quán tại Sóc Trăng, trách nhiệm điều khiển tàu đẩy và hai người điều khiển sà lan tên Trần Văn Giang và Nguyễn Văn Lẹ vào ngày hôm sau (21-3-2016); cả ba người trốn về Tiền Giang sau khi tai nạn xảy ra. Chủ sà lan cũng được xác định là bà Nguyễn Thu Hồng, quê quán Tiền Giang, hiện ngụ tại chung cư 43 Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, Sài Gòn.

            Tại Công An Biên Hòa, Phan Thế Thượng khai: "Vào ngày 20.3. 2016, ông Thượng điều khiển tàu mang số hiệu SG-3745 trách nhiệm đẩy xà-lan SG-5984, chở 800 tấn cát đi từ Sóc Trăng lên tỉnh Đồng Nai; nhưng  Khi đến TP. Hồ Chí Minh, ông Thượng lên bờ, giao tàu đẩy cho Trần Văn Giang điều khiển. Khi đến gần Cầu Gành, do thiếu quan sát, nên Giang đã để xà-lan đâm vào trụ cầu số 2 làm sập 2 nhịp Cầu Gành, trong khi xà-lan bị lật úp và tàu đẩy bị chìm, nên Trần Văn Giang và Nguyễn Văn Lẹ bơi nhanh vào bờ gọi điện cho ông Thượng báo tin sự việc xảy ra, rồi cả hai đón xe đò trốn về quê ở miền tây."
            Người dân Biên Hòa tỏ ra vô cùng luyến tiếc đối với Cầu Gành trên trăm tuổi, đã gắn liền theo dòng lịch sử thăng trầm của vùng đất Biên hòa, nhất là người dân Cù Lao Phố - Xã Hiệp Hòa và phường Bửu Hòa với đầy ấp kỷ niệm từ tuổi thơ đi học trường tỉnh cho đến lúc trưởng thành, có những vị cao niên đã 80 hoặc 90 tuổi đã rơi lệ khi nghe tin cầu Gành bị xà-lan đụng sập, rồi cao hứng nhắc nhiều chuyện quá khứ liên quan đến cây cầu.

            Nhắc về lịch sử Cầu Gành và cầu Rạch Cát – Do một kiến trúc sư người Pháp Gustave Eiffel (1832-1923) thiết kế và giao cho công ty Daydé & Pillé  de Creil(?) thực hiện, với tất cả vật liệu tiền chế và phương tiện từ Pháp chuyển đến Việt Nam, khởi công năm 1902 và khánh thành vào năm 1904. Cầu Rạch Cát có 03 nhịp, dài 129 mét, bắc qua nhánh sông nhỏ, có tên là Hà Sa, từ bờ sông ấp Phước Lư qua bờ sông Cù Lao Phố; còn cầu Gành bắc qua nhánh sông lớn có tên là Phước Long, cầu nầy có 04 nhịp, dài 238 mét bắc từ Cù Lao Phố qua xã Bửu Hòa (Biên Hòa). Hai cây cầu nầy chẳng những giúp cho người dân Cù Lao Phố tăng niềm vui và sức sống trong việc làm ăn, thuận lợi trong việc tiếp xúc với các thương buôn bằng đường bộ và đường thủy, mà còn giữ một vai trò quan trọng cho tuyến đường sắt nối liền Sài Gòn – Hà Nội, qua nhiều trạm: ga Biên Hòa, Phan Thiết, Tháp Chàm (Bình Thuận), Nha Trang, Tuy Hòa ( Phú Yên), Diệu Trì (Qui Nhơn), Quảng Ngãi, Tam Kỳ (Quảng Nam), Đà Nẵng, Huế, Đông Hà (Quảng Trị),  Đồng Hới (Quảng Bình), Thanh Hóa, Hà Tỉnh, Vinh (Nghệ An), Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình,  Hưng Yên, Hà Nội, Hải Phòng… và nhiều nhánh đường sắt phụ: Sai gòn –Mỹ Tho; Tháp Chàm –Đà Lạt;  Dĩ An (Biên Hòa)- Lộc Ninh (Hớn Quảng- Bình Long); Hà Nội- Lào Cai. 

            Cầu Gành sập, dân chúng ở thành phố Biên Hòa có thể sử dụng cầu Hiệp Hòa ( khánh thành năm 2012) và cầu Bửu Hòa (khánh thành tháng 4- 2013), hai cây cầu nầy cũng gác nhịp qua Cù Lao Phố ở hạ nguồn nhánh sông Hà Sa và Phước Long, cầu Hiệp Hòa cách cầu Rạch Cát chừng 600 mét và cầu Bửu Hòa cách Cầu Gành khoảng 900 mét; hoặc sử dụng cầu Hoá An cũng bắc qua sông Đồng Nai, khoảng xã Tân Thành qua xã Hóa An (TP. Biên Hòa). Đường bộ thì có thể giải quyết như vừa kể, còn hệ thống đường sắt xuyên Việt coi như bị gián đoạn từ ngày 20-3-2016.  Hoạt đông đường sắt, đoạn từ thị xã Dĩ An (Bình Dương) đến Sài Gòn coi như bị tê liệt. Một số đầu máy và toa tàu lửa kẹt ở ga Hòa Hưng (Sài Gòn) và Ga Sóng Thần. Tổng Công Ty Đường Sắt xúc tiến ngay  giải pháp trung chuyển số đông hành khách đã mua vé tàu, từ Sai Gòn lên ga Biên Hòa và tạm thời chọn Ga Biên Hòa làm ga cuối (thay ga Sài Gòn) ở Miền Nam.
            Vì tầm quan trọng của hệ thống đường Sắt, Thủ Tướng Việt Nam đã chấp thuận một ngân khoản 298 tỷ đồng để xây mới Cầu Gành và dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 7-2016. Tuy nhiên Bộ Giao Thông Vận Tải đã quyết định sửa chữa 110 mét cầu cũ để có thể cho lưu thông tạm thời.
            Sự kiện quan trọng liên quan đến Cầu Gành và Cầu Rạch Cát thời VNCH:
            Khoảng năm 1970, có một buổi hợp tại Tòa Hành Chánh Biên Hòa gồm các giới chức chuyên môn về xây dựng cầu đường, gồm một số sĩ quan cấp tá của Sư Đoàn I Không Kỵ Hoa Kỳ, đại diện Ty Công Chánh Biên Hòa, xã trưởng Bình Trước, dưới sự chủ tòa của Đại Tá Lâm Quang Chính Tỉnh Trưởng Biên Hòa, để thảo luận về việc xây dựng một cây cầu chiến lược ngang sông Đồng Nai để dùng vào việc di chuyển quân của Việt Nam Cộng Hòa cũng như của Hoa Kỳ từ Biên Hòa đến các tỉnh thuộc Vùng 3 Chiến Thuật, nhằm ứng phó nhanh chóng hoặc yểm trợ hữu hiệu cho các cuộc hành quân, đồng thời giải tỏa một phần nào lưu lượng xe cộ di chuyển qua cầu Rạch Cát và Cầu Gành. Trong dịp nầy, ông Võ Hải Triều, Xã Trưởng Bình Trước có đề nghị phía Hoa Kỳ giúp đỡ tu bổ hai cầu Gành và Rạch Cát  bằng cách cho đổ bê tông cốt sắt mặt sàn cầu, thay vì sử dụng sàn gỗ dễ gây tai nạn và phải thay đổi đà gỗ thường xuyên;  Phía Hoa Kỳ đồng ý sẽ thực hiện theo thỏa thuận, nhưng đề nghị ưu tiên cho việc xây dựng cầu Hóa An. Thế là sau đó không lâu, cầu Hóa An với vật liệu bê tong cốt sắt, được hình thành vào năm 1973; đường Phạm Phú Quốc(sau nầy đổi tên là Nguyễn Ái Quốc), được nối dài đến bờ sông thuộc xã Tân thành, nơi đây làm đầu cầu bắc qua bờ sông thuộc xã Hòa An, và nơi đây mở đường đến quốc lộ 1 khoảng cầu Hang gần núi Châu Thới. Cây cầu nầy bị đặc công Việt Cộng đánh sập 2 nhịp vào năm 1974 và được cấp thời sửa chữa bằng đoạn cầu sắt dã chiến, cho sử dụng với trọng tải giới hạn.
            Có thêm một sự việc liên quan đến Cầu Gành xảy ra cùng khoảng thời gian vừa kể, do ông Nguyễn Nhơn, phó Tỉnh Trưởng Hành Chánh Biên Hòa thuật lại: “Cầu Gành đã từng bị tháo gở ván lót cầu khoảng gần cuối năm 1974, khi Đại tá Lưu Yểm mới từ Phước Long thuyên chuyển về Biên Hòa, không hiểu sao, bỗng nhiên Nha Hỏa xa cho tháo gở ván lót cầu Gành, chỉ để cho xe lửa lưu thông còn xe cộ không qua được - Được tin báo, đích thân Tư lịnh QĐ3 Phạm Quốc Thuần điện thoại cho Tỉnh trưởng ra nghiêm lịnh: Kỳ hạn trong vòng 2 tuần lễ, phải bằng mọi cách, cho lót lại ván cầu.Trễ hạn sẽ thọ trọng phạt. - Rồi Tư lịnh giải thích: Chiếc cầu Gành tuy nhỏ, nhưng là cầu dự phòng trọng yếu cho nhu cầu chuyển quân, nếu việt cọng tấn công phá hư cầu Đồng Nai và cầu Mới Biên Hòa như cầu Mới BH đã vừa bị phá hoại. -Vậy phải khẩn cấp thi hành nghiêm lịnh. -Vậy là Tỉnh trưởng hộc tốc chạy về Nha Hỏa xa yêu cầu khẩn cấp cho lót lại ván lót cầu Gành -Trong họa được phúc: Cầu Gành được lót lại đà ván mới tinh!”

                Trước tháng 4-1975, đại đội Địa Phương Quân trách nhiệm giữ an ninh cầu Gành và cầu Rạch Cát, do Đại úy Lê Văn Năm chỉ huy, thi hành lệnh của Tiểu khu Biên Hòa, cho đặt mìn vào Cầu Gành, dự phòng giựt sập khi cần, theo chiến thuật, nhằm ngăn chận chiến xa cộng quân tiến về Sài Gòn. Dân chúng ở gần cầu vô tình trông thấy việc đặt mìn, nên khuyên đơn vị an ninh tại đây, không nên giựt sập cầu; tuy nhiên Đại úy Lê Văn Năm vẫn phải thi hành theo lệnh của Tiểu Khu. Ngày 26-4-1975 một  đơn vị VC mở cuộc tấn công đại đội giữ an ninh cầu, từ hướng Cù Lao Phố với ý đồ chiếm lĩnh trục lộ nầy. Cuộc chiến giằng co đến ngày 29-4-1975, trước sư chiến đấu dũng cảm của chiến sĩ ĐPQ gác cầu và có sự yểm trợ của trực thăng võ trang, VC rút đi để lại trận địa 52 xác chết. Sáng ngày 30-4-1975, khoảng 10 giờ 30, theo lệnh buông súng của Đại Tướng Dương Văn Minh, Đại úy Lê Văn Năm cho lệnh binh sĩ tản hàng trong cảnh ngậm ngùi, ứa lệ chia tay.
           
            Cầu Gành sau tháng 4-1975
            Ngày 6-2-2011, một tai nạn tàu hỏa xảy ra ngay trong lòng cầu Gành, giữa đoàn tàu SE2 chạy từ Sài Gòn ra Hà Nội, đoàn xe lửa nầy đã  tông 6 ôtô, khiến 2 người chết và 22 người khác bị thương với nguyên nhân những nhân viên gác cổng cầu xe lửa không làm tròn trách nhiệm, lơ đểnh, không hạ gác chắn xuống kịp thời để ôtô chạy ngược chiều cùng lúc vào cầu, làm nghẻn cầu, trong khi tàu hỏa chạy đến, tong vào các ô tô và gây ra tai nạn. Tòa Án Biên Hòa (Đồng Nai), trong phiên xử ngày 24-4-2011, đã phạt 4 nhơn viên gác cổng hỏa xa, mỗi người 5 năm tù giam về tội thiếu trách nhiệm, gây hiệu quả nghiêm trọng và xử phạt một người lái xe ô tô tên Trần Minh Châu 7 năm tù giam về tội cản trở giao thông đường sắt (không nghe lời nhân viên gác cổng, bảo khẩn cấp lái lùi xe trở ra khỏi cầu). Sau tai nạn nầy, Thủ Tướng Việt  Nam ra lệnh xây hai cầu Bửu Hòa và Hiệp Hòa nói trên, với mục đích giải tỏa bớt lưu lượng xe hơi xuyên qua cầu Gành.
            Tháng 4/2013, sau ngày khánh thành cầu Bửu Hòa, Bộ Giao Thông Vận Tải Việt Nam đã ra lệnh cấm tất cả ôtô và xe 2 bánh lưu thông qua Cầu Gành, nhưng sau đó, theo đề nghị của UBND Tỉnh Đồng Nai, Bộ GTVT chấp thuận cho xe hai bánh và bộ hành được lưu thông trên hành lang một chiều từ Cù Lao Phố qua phường Bửu Hòa (Biên Hòa). Hành lang nầy được ngăn cách với đường xe lửa bằng hai bức tường chắn ở hai đầu cầu.


            Cầu Gành đã trên trăm tuổi, nhân dịp nầy phá bỏ, xây cầu mới theo lối kiến trúc tân thời bằng bê tông cốt sắt, vững vàng hơn, rộng rãi hơn, phân luồng rõ ràng, tránh được nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra là một điều tốt, nhưng người dân Biên Hòa đã gắn bó với hai cây Cầu Gành và Rạch Cát trên trăm năm với rất nhiều kỷ niệm, nên ngậm ngùi luyến tiếc. Ước vọng của người dân là mong muốn chánh phủ sửa chữa lại Cầu Gành và bảo đảm thêm độ bền vững dành riêng cho hệ thống tàu hỏa và xây thêm một cây cầu bê tông cốt sắt kế bên dành cho đường bộ. Có được như vậy thì người dân Biên Hòa rất là vui mừng.


CẦU GÀNH GÃY NHỊP

                       Thế nhân trăm tuổi về trời
                  Cầu Gành trăm tuổi chơi vơi giữa chiều !

Cầu Gành bốn nhịp vòm cong
Ngựa xe chung lối bộ hành nẻo riêng
Nên thơ những buổi chiều êm
Cầu soi bóng nước cùng em sang bờ

Trăng khuya dòng nước tuyệt vời
Tiếng xe lửa hú nhắc thời xa xưa
Trải bao sáng nắng chiều mưa
Cầu Gành nối nhịp Bửu Hòa - Cù Lao

Cách sông ta vẫn có nhau
Cầu Gành nối nhịp ta vào tình yêu
Bây giờ con cháu đã nhiều
Tàu đêm gợi nhớ mỹ miều tháng năm

Hai đầu cầu hiệp nhất tâm
Hẹn thề thắt chặt trăm năm cuộc đời
Bỗng hôm nay cảm rã rời
Cầu Gành gãy nhịp cách đôi bến bờ

Luyến thương gió quyện hồn thơ
Tàu đêm réo gọi bây giờ còn đâu
Cá tôm dường lạ bến cầu
Hai con chim nhạn hai đầu gọi nhau

Cầu Gành giờ đã úa sầu
Đồng Nai con nước kém màu thiên thanh


                                                                         Nguyễn Kim Lộc
                                                                             (Ngày 25-03-2016)
           
             


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét