Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

VẦN THƠ NGƯỜI MẤT TRÍ

VẦN THƠ NGƯỜI MẤT TRÍ

Vừa nghe một người bạn phương xa, rất có cảm tình với miền sông Đồng núi Bửu,nhắc đến Bác Sĩ Nguyễn Văn Hoài, lòng tôi bỗng da diết nhớ về quê hương tôi- Biên Hoà xứ Bưởi có một “trại điên” nhốt những người loạn trí- Trại nầy do người Pháp lập nên vào năm 1914 và đã nhiều lần thay đổi “bảng tên”, khi thì Trại Điên, khi “Nhà Thương Điên”, khi thì “Dưỡng Trí Viện Biên Hoà”, khi thì “Bịnh Viện Tâm Thần”, mà Bác sĩ Nguyễn Văn Hoài là Việt đầu tiên được bổ nhiệm làm Giám Đốc thay thế một Bác sĩ người Pháp tiền nhiệm vào năm 1929.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hoài cùng ban điều hành bệnh viện nầy đã hết lòng chăm sóc sức khoẻvà điều trị cho những người bệnh loạn trívới niềm mong muốn họ chóng được bình phục và sớm về với gia đình.Những người được đưa đến nơi đây, hầu hết là những người điên ở nhiều cấp độ khác nhau.Trại nầy, trong những ngày tháng đầu tiên, thời kỳ Pháp thuộc, người Pháp nhốt phần đông những người điên vì thời cuộc, những người trí thức yêu nước thương dân, nhưng không có phương tiện đấu tranh, không có phương cách giúp cho đất nước thoát khỏi cảnh bị Pháp đô hộ; họ suy nghĩ quá nhiều hoá ra điên loạn…Rồi nơi đây, dần dà thu nhận càng ngày càng đông đủ moi dạng người điên; điên vì tình phụ, yêu người mà chẳng được người yêu; điên vì thi trợt, lỡ bước công danh; điên vì gặp hoàn cảnh đời nghiệt ngã…
Tôi và người bạn đời của tôi thỉnh thoảng có nhiều dịp tham quan khu Dưỡng Trí Viện Biên Hoà và cảm thấy thương xót vô cùng cảnh đời của người điên loạn.Tôi tiếp xúc với những người điên “tỉnh”, có nhiều người là viên chức, hoặc văn nhân thi sĩ. Tôi lại thích thú sưu tầm những vần thơ “điên” của các thi sĩ chọn nơi nầy làm nơi nương náo, hoặc những vần thơ của những kẻ thất chí, tâm hốn nửa điên nửa tỉnh trong xã hội đầy rẫy bất công, mà họ không thể giúp được gì cho quê hương xứ sở, họ mượn rượu giải sầu, tìm quên đời sống hiện tại, tâm trạng lúc nào cũng như một người điên, họ viết lên những lời thơ diễn tả thân phận lẻ loi, bất lực trong thời kỳ đất nước bị người Pháp cai trị, hoặc diễn tả kiếp người trong xã hội lầm than…
Tôi khởi đầu bằng những vần thơ của Bùi Giáng. Bùi Giáng là một thi sĩ nổi tiếng, một giáo sư dạy Việt Văn cho nhiều trường trung học tư thục ở Sài Gòn vào thập niên 50, 60 ; nhưng ông có một thời gian là người khách quen thuộc của Dưỡng Trí Viện Biên Hoà.

Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu
Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu rất xa.
Gọi tên là một hai ba,
Ðếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm.
              (Hỏi về tiểu sử, Bùi Giáng trả lời)

Người điên ngôn ngữ điệp trùng
Dở chừng như mộng dở chừng như mê
Thưa em ngôn ngữ quặt què
Làm sao nói được nghiệp nghề người điên
(Người điên) 

Lớp phiêu bồng mọc trăng ngàn
Thành xưa phố cũ muôn vàn phía sau
Ðạp thanh vẽ bóng lộn mầu
Góp dâng cữ gió nghiêng đầu sương mây
Ngõ ban sơ hạnh ngân đài
Cổng xô còn vọng điệu tài tử qua
Xin chào giữa bước chân ra
Chết từ sơ ngộ mầu hoa trên ngàn
                      (Mầu hoa trên ngàn)


Hồng quần rất mực bước ra
Trường quần duệ địa phong hoa lá cồn
Phải rằng nắng quáng dập dồn?
Hay là đèn trút linh hồn oái oăm?
Phải là nguyệt giữa đêm rằm?
Nguyên tiêu lãng đãng lá nằm ngẩn ngơ?
Kể từ hằng thủy ban sơ?
Kể từ sơ thủy về tờ vẽ trang?
Kể từ thu tạ lên đàng?
Rừng phong thu đã quan san nhuộm mầu?
Phải rằng đó trước kia sau?
Hay là sau trước còn tao ngộ gì?
                      (Con đường ngả ba)


Thưa em rượu uống bây giờ
Là trăm năm gục hai bờ tử sinh
Ðộng hờ hững chúa điêu linh
Em làm Hoàng Hậu mọc tình cỏ phơi
Nhà ma cửa quỷ đi đời
Chìm hơi thở đục trong lời sương xanh

Thưa em rượu uống bây giờ
Là trong lát nữa lên bờ đuổi ma
Chạy quang cồn cụm lá già
Rách như bươm suốt ruộng sa mạc đồng
Càn khôn gió đổ chất chồng
Rú như beo rống như hùm đổi hang
Trên rừng dưới lũng tan hoang
Vẫn sừng sững bóng chắn ngang quỷ sầu
Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không
Ta đi còn giữ đôi giòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù
Một hôm gầu guốc gầm ghì
Hai hôm gần gũi cũng vì ba hôm
Bôm ha?đạn hả? Bao gồm
Gồm bao gạo đỏ bỏ gồm gạo đen

Câu thơ viết ngắn viết dài
Ghép làm một mảnh miệt mài cho nhau
Ghép thật chậm ghép thật mau
Ghép lui ghép tới ghép gào rống tru
(Câu thơ viết ngắn)

Tôi ngồi chép mãi bài thơ
Quẩn quanh vần điệu bao giờ cho xong
Ðôi phen lệ chảy ròng ròng
Tâm tình kín đáo giòng giòng tuôn ra
Tiếng cười tiếng khóc tiếng ca
Tưởng chừng khép mở màu hoa mấy mùa
(Chuyện bữa trước bữa sau) 
Mỗi ngày thân thể mỗi gầy
Mỗi năm tim máu mỗi nhầy nhụa ra
(Mỗi ngày) 

Và tiếp theo đây là những vần thơ của những người điên “tỉnh”, từng trải qua một thời gian ở“Nhà Thương Điên Biên Hoà” viết, do thi sĩ Kỳ Linh sưu tầm …tôi mượn ghi ra đây, để các bạn đọc giải trí nhân dịp xuân về và bỏ ra vài giây phút thương cảm cho hoàn cảnh của những người điên loạn, sống với thân phận con người đã mất bản năng về trí tuệ; với đầu óc có lúc rỗng không, có lúc như  một mớ bồng bông ảo ảnh loạn cuồng, họ hành động hoàn toàn vô ý thức, chợt nhớ chợt thương, chợt buồn, chợt giận… Những vần thơ dưới dây, có vần thẳng như ruột tượng, nói toạc móng heo, nhưng cũng có những vần, đọc rồi, đến ba ngày sau mới thấm…Từng đoạn thơ dưới đây do người sưu tầm đặt tựa.

THƠ ĐIÊN

Biên Hoà có một “nhà thương”
Người điên khắp x về nương chốn nầy
Có người oán ghét thằng Tây
Có người thù hận cả bầy Tàu man

BẦU TÂM SỰ
Có người hết khóc lại cười
Hết cười lại khóc hết ngồi lại đi
Con người có lúc có khi
Hết điên rồi tỉnh có gì lạ đâu
Lạ chăng có đứa mang bầu
Không tuôn ra hết…cho sầu rụng rơi
Vui chăng ? Sao chẳng dám cười !
Nhìn trời để hở đến mười cái răng

MỘNG GỐI CHĂN
Ta mơ khoảnh khắc hồn điên dại
Để được cùng ai mộng gối chăn
Để được vai kề môi má cận
Rồi cùng tan biến giữa không trung

HÃY NGHE ĐÂY
Bỗng dưng trời đất xui ta đến
Giữa chốn loạn cuồng để gặp anh
Giấc mộng trở màu điên thác loạn
Nguồn vui nghiêng ngã bóng thiên đường
Tất cả loã lồ không che đậy
Những người nhắm mắt hãy nghe đây


CUỒNG ĐIÊN TÍM BẾN
Ta về thầm nhủ với lòng
Phù vân tình mộng một dòng trôi xuôi
Tìm quên hương vị cuộc đời
Xuân qua hạ đến thu rồi sang đông
Cũng đành tiễn sáo sang sông
Cuồng điên tím bến lạnh dòng Phố Giang

SẦU CHIA NHÁNH
Ta điên ta ngủ vùi năm tháng
Cho nhạt hương đời lạc dấu yêu
Không gian điên loạn sầu chia nhánh
Con dế phiêu bồng vỗ cánh xiêu

ĐIÊN LOẠN LÀ TA
Tiên bị đoạ đày tiên lộn kiếp
Một mình lạc lõng giữa trần ai
Chao ơi! Năm tháng nhoà hương sắc
Điên loạn là ta chốn đoạ đày

TÌNH TRỐNG KHÔNG
Người ta say rượu ta điên tình
Nó mặt áo vàng hoa cúc xinh
Còn ta trần trụi theo năm tháng
Nhìn mấy vòng eo thấy phát kinh
Nó gọi tình yêu tình đứng lại
Còn ta gọi mãi …tình tình tinh !

TÌM NÀNG TIÊN NÂU
Người ta đãi cát tìm vàng
Còn tôi đãi cát tìm nàng tiên nâu
Bên em đốt lửa giải sầu
Ngày đêm nhả khói bên lầu phù dung
Sắc hương lãng đãng chập chùng
Áo mây khép nép lưng chừng phố hoa
Ô kìa – em đã thành ma…
Còn ta là quỉ là đà…sương bay

ĐI MÃI…
Đối diện với lương tâm
Ăn năn và hối lỗi
Người điên không có tội
Người say quên lối về
Một đi không trở lại
Đời trần trụi còn chi
Cứ đi và cứ đi
Dù bước trên gai nhọn
Hoặc vào nơi lửa đạn
vẫn cười và vẫn đi…
cho đến khi ngã gục
Vẫn cười - Đời- Hi hi!

BUỒN THÂN PHẬN
Tôi xin bạn chớ cười tôi
Tôi điên mới tỉnh nên ngồi lại đây
Vần thơ tròn mấy ngón tay
Ngón dài ngón ngắn ngón ngay ngón ngầu
Sương khuya rơi ướt mái đầu
Buồn thương thân phận nỗi sầu chiến chinh

VẦN THƠ CUỐI MÙA
Dòng sông bên lở bên bồi
Đến khi nước cạn bãi lòi cát trơ
Thương sao kiếp tằm nhả tơ
Tâm tư cạn kiệt vần thơ cuối mùa
Vần thơ bán chẳng ai mua
Cho không ai nhận… cợt đùa bướm hoa
Có người đứng giữa mưa…ca
Có người đứng khóc giữa tà huy bay

HOA ĐÁ
Một dòng sông tịnh – dòng sông
Một dòng uốn khúc tao phùng phù vân
Từ em trần trụi hoá thân
Một nàng tiên giữa phong trần say mê
Ta đi nhặt ánh trăng thề
Cho loài hoa đá tái tê hương lòng

THUỞ NON LÒNG
Kìa ai hát khúc điên khùng
Giữa đêm trường hận mưa phùn ngất ngây
Thôi anh! Mình hãy đi về
Ôm nhau thầm lặng tái tê phiêu bồng
Yêu anh từ thuở non lòng
Bây giờ em đã mất chồng quên con

TÌNH THEO MÃI
Mộng tàn theo nước mắt rơi
Nỗi buồn đến cuối nẻo đời chưa tan
Em đi chân bước hai hàng
Tình yêu bất tử cưu mang suốt đời
Tình theo em mãi anh ơi !
Bao giờ đốt lửa hẹn thời phùng sinh ?!

THƯƠNG ĐẾN RÃ RỜI
Những vần lục bát nổi trôi
Xa căm đến tận phương trời dở dang
Chiều nay rây rứt con tim
Mà sao anh chẳng đi tìm người thương
Tại vì gió cát bụi đường ?!
Quên em từ thuở phố phường tả tơi
Một người thầm lặng anh ơi
Thương sao thương đến rã rời cuồng điên


CHO SẦU ĐÂM NHÁNH
Cuộc đời như chuyện dòng sông chảy
Sáng xuống chiều lên ngọn thuỷ triều
Có những nỗi buồn vô duyên cớ
Điên cuồng tôi vớt… gói vào đây
Mỗi ngày chẻ nỗi buồn ra
Cho sầu đâm nhánh chia xa cõi gầy

KHÉP KÍN CUỘC ĐỜI
Người ta đi học nên quan
Còn tôi đi học lầm than cuộc đời
Chiều lên nắng xuống ơ hờ
Trại điên khép kín cuộc đời từ đây

HỜI HỢT QUÊN
Người ta đi học nên khôn
Còn tôi đi học vùi chôn cuộc đời
Người ta muôn nét vẽ vời
Còn tôi chỉ một lối hời hợt quên

Y CHANG
Cuộc đời sân khấu y chang
Con mặc áo đỏ thằng quàng khăn đen
Ba hồi chiêng trống –Thùng ! cheng !
Thi nhau cắn lộn thằng điên con khùng
Gườm nhau mấy độ tương phùng
Tối ngủ chung mùng …đến bảy đứa con

GIÀ ĐIÊN
Ai đoán ngày mai trời nổi bão
Cho đời gió bụi cuốn hồng nhan
Chưa già –Thiên hạ tôn bà lão
Chống gậy về trời biệt thế gian !

THOÁNG HIỆN QUA HỒN
Câu thơ buồn khóc ngẩn ngơ
Ca dao đứng lặng bên bờ ly tan
Truyện Kiều học lóm đôi hàng
Đã nghe tim vỡ hồn tan giữa trời
Nghiêng đầu cắn chặt vành môi
Để nghe rỉ máu lòng sôi sục buồn
Bóng ai thoáng hiện qua hồn
Dung nhan kiều diễm đẫm nguồn cội xưa

GIỮA DÒNG CUỒNG LƯU
Tập thơ không tựa
Bài thơ vô đề
Đặc san ‘‘Ki Cóp Gió Gì’’
Bút cong bút gẫy bút tê tái lòng
Bút buồn – anh biết hay không ?
-Thì ra anh tỉnh giữa dòng cuồng lưu

NGÀY SANH TÔI VỀ
Sao anh cứ mãi đèo bồng
Không thương con vợ gánh gồng nuôi anh
Thì thôi ! Thôi thế cũng đành
Chào anh lặng lẽ ngày sanh tôi về !!

QUE DIÊM TẮT RỒI
Nhìn mây phiêu lãng bên trời
Nương theo khói thuốc chơi vơi nỗi buồn
Hỏi người xa xứ nghe không ?
Lập loè tình mộng trở trăn kiếp người
Nhìn que diêm đã tắt rồi
Tiếc làm chi nữa cuộc đời đã đi
Đừng than thở nữa làm gì
Cánh song sắt khép tình suy chợ tàn !

NỬA VỜI
Tôi theo cánh hạc nửa vời
Nửa vi vút gió nửa khơi dòng sầu
Nửa vầng trăng bạc mái đầu
Nửa banh cong gãy chìm sâu lũng tình
Nửa dòng hương khói lung linh
Nửa mùa thu chết bóng hình ly tan
Nửa thương nửa nhớ bàng hoàng
Nửa chờ nửa đợi mùa sang theo mùa
Nửa dung nhan trước cổng chùa
Nửa dòng sầu thảm nửa thưa thớt buồn
Người đi quạnh vắng qua hồn
Nửa sương giá lạnh nửa nguồn hoang sơ

Sau đây là những vần thơ của Nguiễn Ngu Í, một khách hàng quen thuộc của nhà thương Chợ Quán và Dưỡng Trí Viện Biên Hoà. Ông tên Nguyễn Hữu Ngư. Từ thuở thiếu thời ông đã tỏ ra ngơ ngẩn lạ kỳ, nên gia đình thường gọi ông là Ngư khùng Ngư điên. Ông từng là giáo sư dạy học ở Sài gòn, và dường như có lúc ông làm việc cho hãng Hàng Không Dân Sự Sài gòn(?).Một giai thoại về ông. Cứ vào mùa hè, khi thời tiết Sài gòn quá oi bức, ông thường tự động, một mình đi thẳng lên Dưỡng Trí Viện Biên Hoà, xin nhập viện để được điều trị và tịnh dưỡng mà chẳng báo cho gia đình và sở làm biết, để mặc cho mọi người phải ‘quýnh đuốc’ đi tìm… Ông đã đóng góp rất nhiều bài thơ cho Đặc San ‘Ki Cób Jó Gì’ do Dưỡng Trí Viện Biên Hoà thực hiện, thời Bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh làm Giám Đốc.

Nhưng mà lạ quá, ôi là lạ
Ngó phía nào đây Trắng cũng theo
Trắng phủ vây tôi, tôi sợ quá
Làm sao trốn Trắng, hỡi người ôi!
(Trắng, 1940)

Mắt mờ đã thấy xiềng nô lệ
Hồn đi còn mơ gió tự do

Cũng tưởng một đi không trở lại
Nào ngờ duyên nợ lại dằng dai
Bỗng nhiên sực tỉnh nằm trong “khám”
Khám của lòng ai, ai của ai…
(Tái Ngộ Dưỡng TViện, 1966)

Má ơi! Con má điên rồi
Má còn trông đứng trông ngồi mà chi

Nằm đây mà ngó lên trời
Lá cây dứa đã mấy đời đong đưa
Nằm đây mà nhớ mơ hồ
Cây xanh tóc ấy bây giờ về đâu
Lâu lâu, có dịp đọc những dòng thơ điên, tôi cảm thấy trong lòng có chút gì lạ lạ, vui vui qua những dòng tư tưởng phiêu bồng, ý thơ đang vui bỗng đột ngột trở buồn, tiếng cười rơi từ một độ cao, xuống nửa chừng dừng lại, lơ lửng giữa tầng không, diễn giải mơ hồ; nhưng cũng có lúc ý tưởng lại quàng xiêng, nhưng nếu chịu khó đọc lại một lần nữa, chúng ta sẽ bắt gặp được ẩn ý vô tình, thú vị.
Bài viết nầy tôi không đề cập đến phần tiểu sử của Bác Sĩ Nguyễn Văn Hoài, vì đã có người bạn trình bày rất tĩ mĩ trong Đặc San 2013 nầy; phần tôi chỉ góp nhặt những vần thơ điên để cống hiến các bạn đọc vui trong lúc xuân về và cũng để có dịp cảm thông, xót thương cho thân phận những người tâm trí không được toàn vẹn, vì hoàn cảnh đời nghiệt ngã, đã làm chấn động phần não bộ, gây nên trạng thái tâm trí loạn cuồng, thật đáng thương.
Nhân đây tôi cũng muốn trình bày thêm. Nếu các bạn cảm thấy thích thú, muốn đọc thêm những vần thơ ‘điên’ của các thi sĩ từng qua ngưỡng cửa Dưởng Trí Viện Biên Hoà, thì xin mời các bạn vào trang web của Hội Thân Hữu Điện Lực Việt Nam Hải Ngoại (http://www.thdlvnhn.net) đọc bài “Thơ Của Người Mất Trí” của tác giả Cổ Lổ Sĩ NTB, trích từ bài “ Bác Sĩ Nguyễn văn Hoài -Dưỡng Trí Viện Biên Hoà” của một đồng hương Biên Hoà viết vào năm 2007.
Đọc thơ tình yêu, chiến tranh, hận thù mãi rồi cũng chán; thỉnh thoảng đọc mấy vần thơ điên của những người điên “tỉnh”, tôi cảm thấy vui và ý vị; thấy lòng mình vui theo cái “tỉnh” của người vừa được phục hồi tâm trí,hoặc có dịp đắm chìm trong dòng tư tưởng mờ ảo chập chùng pha lẫn hiện thực không che chắn trong những vần thơ của những người vừa bước ra khỏi vùng tâm tối loạn cuồng…Tôi rất thích những vần thơ sau đây.

“Tôi mở quán cho đời vui chút chút
Bán ruột gan nhưng để lại tấm lòng”

hoặc:
“Thằng điên nặng lại ở ngoài
Còn tôi điên nhẹ vào ngay chốn nầy
Phủ chăn trùm chiếu tối ngày
Mà sao họ biết chỉ ngay chỗ nằm”

hoặc: những câu thơ, tôi có dịp đọc trên 40 năm, mà mãi đến hôm nay, tôi vẫn chưa hiểu trọn vẹn ý nghĩa, tôi thật sự không biết thi sĩ Bùi Giáng muốn diễn tả cái gì, mặc dù lời thơ rất hoa mỹ và vần điệu êm như ru.

Em về giũ áo mù sa
Trút quần phong nhuỵ cho tà huy bay
(Bùi Giáng)

                                                                        Trần Hà Lộc
                                                          Chicago, ngày 15-10-2012




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét