Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2016

THƯƠNG TIẾC CỤ GIẢN CHI

CHÚT DUYÊN VĂN NGHỆ VỚI HỌC GIẢ GIẢN CHI
QUA TRUNG GIAN THI SĨ HOÀI KHANH NĂM 1986




Tuần vừa qua, nhân lúc trà dư tửu hậu, tôi và vài ba người bạn lạm bàn chuyện văn chương, một người bạn của tôi đề cập đến nhà văn Lỗ Tấn, một nhà văn viết truyện ngắn xuất sắc nhất của nền văn học Trung Quốc, tiêu biểu cho trường phái văn chương hiện thực, từng lãnh đạo phong trào văn học cách mạng, từng giúp đỡ những người viết văn trẻ tuổi và trở thành người thầy của nền văn học vô sản... những sáng tác của ông có tầm ảnh hưởng to lớn đối với các nhà văn thế hệ kế tiếp. Trong khi người bạn nầy đang thao thao bất tuyệt thì một người bạn khác của tôi ứng tiếng, phản bác, cho rằng văn của Lỗ Tấn là văn cách mạng; về tư tưởng, Lỗ Tấn đi theo chủ nghĩa dân tộc, gần giống như đường lối văn học Cộng Sản…mà người bạn nầy vốn dĩ là một cựu sĩ quan Quân Lực VNCH, bị đi cải tạo nhiều năm trong ngục tù CS,  anh không ưa Việt Cộng, anh luôn dị ứng với những gì có dính líu đến Việt Cộng và Trung Cộng,  nên anh tỏ thái độ phản đối mãnh liệt, dẫn đến việc bất hòa, sứt mẻ tình bạn ….Tôi đứng ra can gián và cố gắng giãm dần sự căng thẳng bằng cách giải thích “Việc nghiên cứu văn học dân tộc thời hậu Phong Kiến và tiền Cách Mạng ở khắp nơi, không riêng gì ở Trung quốc là một điều đáng khích lệ, vì đó là một điều hữu ích, mang tính phục vụ nhân sinh; còn việc theo đường lối văn học phản truyền thống văn hóa dân tộc và phục vục mưu đồ chính tri là một chuyện khác. Hơn nữa, thời tiền cách mạng, các nhà văn như Lỗ Tấn và nhiều nhà văn khác chủ trương phá vỡ lề thoái phong kiến như “ Quân xử thần tử thần bất tử bất trung, phụ xử tử vong tử bất vong bất hiếu”( Vua bảo tướng  chết mà tướng không chết là không tỏ tấm lòng trung hậu, cha bảo con chết mà con không chết là coi như bất hiếu), hoặc “ trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng” hoặc trọng nam khinh nữ (nhất nam viết hữu thập nữ viết vô),  hoặc  “làm thân con gái cha mẹ đặt đâu phải ngồi đấy”, mà các nhà văn vừa kể cho đó là những định kiến độc tài, những bất công xã hội….đã lỗi thời, cần được phá bỏ, nên các nhà văn đó được những người đương thời quí mến… Tiếp đó, tôi đưa ra thí dụ, một cố giáo sư Văn Khoa Đại học thời VNCH , cũng là một học giả nổi tiếng, đó là cụ Giản Chi, chẳng những cụ nghiên cứu về Lỗ Tấn mà còn dịch truyện của Lỗ Tấn ra tiếng Việt để tiện cho việc giảng dạy (trong truyện ngắn của Lỗ Tấn, điểm nổi bật nhất là hệ thống bố trí nhân vật) nhưng giáo sư Giản Chi vẫn trầm tĩnh trước các biến thiên lịch sử, cụ chỉ cố làm tròn thiên chức của một nhà giáo đang sống trên miền đất tự do, nghiên cứu văn học, phân tách văn học, giảng dạy văn học, phục vụ cho một nền giáo dục dựa trên Chân Thiện Mỹ….Tiếp đó, cũng trong ý hướng giảng hòa tình bạn, tôi nói lảng qua giai thoại giao duyên văn nghệ khá hy hữu giữa tôi và cụ Giản Chi như sau…

 Sau khi đi tù cải tạo về tôi tình cờ gặp lại thi sĩ Hoài Khanh ở  Biên Hoà khoảng năm 1982 và cũng từ đó chúng tôi thường xuyên đến với nhau nơi các quán vệ đường, khi thì tại quán cà phê Hoa Sứ đường Phan Châu Trinh, khi thì quán cà phê Hoa Mận đường Nguyễn Hữu Cảnh Biên Hoà do hai chi em cô Lê Ngọc Sương và Lê Ngọc Xuân làm chủ, uống trà bàn luận văn thơ hoặc nhắc lại một vài kỷ niệm thân thương của những ngày tháng cũ…
Vào một buổi sáng tinh mơ năm 1986 Hoài Khanh đến rủ tôi đi uống cà phê và lần nầy anh Hoài Khanh có trao cho tôi một bài thơ đường luật của cụ Giản Chi, vừa làm xong, có tựa là Trầm Ngâm; đồng thời yêu cầu tôi làm thơ hoạ bài thơ nầy, giúp cụ Giản Chi có thêm niềm vui ở tuổi “cảnh ngày xế bóng, cảnh người tàn niên”. Theo Hoài Khanh, lúc bấy giờ cụ Giản Chi đã quá bát tuần, gương mặt cụ luôn vui tươi, hiếu khách nhưng thỉnh thoảng không tránh được nét trầm buồn thoáng hiện, như thiếu vắng bạn tri âm. Bạn của cụ rất đông nhưng lúc bấy giờ đã đi đâu mất cả, một số đã lặng lẽ đi về thiên cổ, một số khác đang nổi trôi theo vận nước tận chốn trời xa… chỉ thỉnh thoảng có vài người đến thăm cụ trong số có thi sĩ Hoài Khanh. Tôi vẫn thường xuyên hỏi thăm tin tức về cụ và thầm mừng cụ vẫn khoẻ mạnh và tinh thần còn minh mẫn. Từ đó đến gần hai mươi năm sau, tôi tình cờ biết tin cụ qua đời với tuổi thọ 101. Tôi chạnh lòng thương tiếc về cụ, rồi âm thầm thả hồn về chốn xa xưa.
Tôi và thi sĩ Hoài Khanh ở chung thành phố Biên Hoà và vẫn thường gặp nhau sau khi tôi đi tù cải tạo về. Chúng tôi thường ngồi uống cà phê nơi các quán vệ đường và trao đổi chút văn thơ của thời dĩ vãng. Tôi rất yêu thích thơ Hoài Khanh và mến con người nghệ sĩ của anh, anh gốc người Bình Thuận, nhưng đã nhận Biên Hoà làm quê hương thứ hai, cưới vợ người xứ Bưởi và chọn ấp Phước Lư Phường Quyết Thắng(BH) làm nơi trú quán,  ngoài tài văn thơ, anh còn am tường và đam mê về hội hoạ, trong nhà anh (ở ấp Phước Lư) có treo nhiều tranh của hoạ sĩ nổi tiếng Vann Gogh… Anh đã từng một thời là giám đốc nhà xuất bản Ca Dao và cũng đã từng góp mặt với đời bằng các tập thơ Dâng Rừng, Thân Phận, Thơ Lục Bát Hoài Khanh.. và tập truyện ngắn Đoá Hồng và Dế với nhiều bài thơ bất hủ với những vần thơ thật dễ thương mà tôi cố học thuộc lòng để mong nhớ mãi…
Bến sông nầy, bến sông nầy
Trăng xưa lạnh xuống hàng cây gục đầu
Người xưa chừ biết là đâu
Này trăng gió cũ này câu giã từ
Lối đi vàng nhạt mùa thu
Nghe lau lách động niềm u uất buồn
Mắt người mang cả quê hương
Lòng ta mang cả đoạn trường tháng năm
Trăng chia niềm nhớ thì thầm
Lệ chia niềm nhớ ướt dầm núi sông
            Lớn lên vì một tấm lòng
Để bao nhiêu hận buộc vòng sơ sinh
Bao nhiêu tuổi bấy nhiêu tình
Bao nhiêu nguyện ước giận mình bấy nhiêu
Nhưng thôi buồn đã ra nhiều
Trong ta là mấy vạn chiều rưng rưng
Trong ta là núi là rừng
Là trăm tiếng hát đã dừng trên môi
Tiễn đưa thì tiễn đưa rồi
Nhớ thương thì nhớ thương rồi người ơi
Vòng tay không chặt luân hồi
Xa xưa nghe nặng bong trời luân lưu
Người mang đi cả mùa thu
Ta mang về chút tạ từ héo hon
Bến sông nầy, gió trăng còn
Mênh mang vị cũ nghe buồn lay bay.
Tưởng chừng như chặt bàn tay
Ta ôm vũ trụ tròn đầy mà mơ
Nhưng khi đã biết tình cờ
Thì hai thứ tóc đã mờ giấc xưa
Với trăng chia nhớ đôi bờ
Với sông bến nọ chia giờ ra đi
Người ơi còn lại những gì ?
Mai sau nếu chút tình si úa tàn ???”
            (Trông Theo/ Thân Phận)


“Người em gái trở về đây một bận
Con đường câm bỗng sáng ánh diệu kỳ
Tôi lẫn trốn vì thấy mình không thể
Mây của trời rồi gió sẽ mang đi
……..
Rồi em lại ra đi như đã đến
Dòng sông kia cứ vẫn chảy xa mù
Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu”
            (Ngồi Lại Bên cầu/ Thân Phận)


Sau đây là bài thơ Trầm Ngâm của cụ Giản Chi, xin mời các bạn thưởng thức những lời thơ trầm buồn, cụ tả kiếp nhân sinh là cuộc vay trả, con người cứ lênh đênh mãi bến lầm với nước bầu cơm giỏ, chẳng tìm thấy tương lai, trong thời điểm 1986 và tác giả cũng xác định là tác giả đã thoát ra khỏi cái bóng tương lai mờ mịt đồng thời chấp nhận một dĩ vãng với tấm lòng thành không mờ nhạt…
 
Trầm Ngâm

Là vay là giả cuộc trăm năm
Dâu bể lênh đênh cát bụi lầm
Nắng hạ mưa thu dài lẽo đẽo
Nước bầu cơm giỏ lạnh trầm ngâm
Một lần đã chạy hai lần mất
Nửa kiếp mong tu mấy kiếp nhầm
Thoát bóng tương lại trồng dĩ vãng
Mười phương không tịch một chơn tâm.
      Giản Chi
 (1986)

Khi nhận bài thơ trên đây, tôi mở ra đọc ngay và rất lưỡng lự, không biết có nên nhận lời yêu cầu của Hoài Khanh hay không, vì ngại bài hoạ của mình không đạt  yêu cầu. Hoài Khanh nói ‘‘ Tôi tin bài thơ hoạ của anh sẽ đem nguồn vui cho cụ Giản Chi’’. Thế  là tôi nhận lời và hứa sẽ cố  gắng. Và đây là hai bài thơ hoạ của tôi:

SOI TÂM
                                                                             
Đường đời xuôi ngược mấy mươi năm
Chớt tỉnh mới hay một kiếp lầm
Chạy chuốc công danh cuồng ảo vọng
Tìm mua nhân nghĩa rộn sầu ngâm
Chiếc thân tứ đại mai tan rã
Cái kiếp phù sinh dự tính nhầm
Xoá bóng tương lai dìm dĩ vãng
Chong đèn soi rọi mãi lương tâm.

Thế Nhân(1986)

BÈO TÂM

Đầu ghềnh cuối bãi chẳng bao năm
Số phận rủi dung mãi bến lầm
Sáng hợp chiều tan thân lận đận
Trăng đưa gió đẩy lệ sầu ngâm
Cuộc đời trôi nổi sương rơi phủ
Kiếp sống lênh đênh nắng rọi nhầm
Mưa giạt sóng dồi từng cánh rã
Vẫn thầm theo nước trở về tâm.
                                            Thế Nhân(1986)

Và trong dịp nầy tôi có trình bày, nhờ hai người bạn, anh Trần Quang Nghĩa ngụ tại Tân Phong(BH), cựu sĩ quan Không Quân thời Đệ Nhất Cộng Hoà, thân phụ của anh là cố Trưởng Toà Trần Quang Nghiêm chủ đồn điền sở Quít, ngoài vòng đai, hướng Bắc và Tây Bắc phi trường Biên Hoà từ làng Tân Phong đến làng Bình Ý, nơi ông Trương Gia Mãng( thân phụ của ông Trương Gia Triệu tức Trần Bạch Đằng, bút hiệu Nguyễn Trương Thiên Lý tác giả Ván Bài Lật Ngữa) có một thời làm quản lý; và anh Nguyễn Thành  Trung, cựu Chánh Sở Nhân Viên Bộ Lao Động thời VNCH(thân phụ của anh Nguyễn Thành Liêm, sĩ quan tình báo chiến lược đơn vị 101, thuộc Bộ tổng Tham Mưu QLVNCH….) ngụ gần khu Dốc Sỏi đường  Phan Đình Phùng (Biên Hoà), viết hai bài họa sau đây

ĐAU THƯƠNG

Thực hư vinh nhục gẫm bao năm
Hồn mãi lang thang xác lại lầm
Thành bại bại thành vài giấc mộng
Nhục vinh vinh nhục mấy câu ngâm
Đời rơi bão táp chân chưa hãm
Tuổi ngã hoàng hôn bước vẫn nhầm
Cội cũ nguồn xưa ràng rụa nhớ
Và còn quằn quại vết thương tâm.

Thu Mặc Tùng Tư
 (Trần Quang Nghĩa)
(1986)

MỘT TẤM LÒNG

Đời người dễ được đến trăm năm
Trong cuộc bể dâu khối chuyện lầm
Nước lũ mưa nguồn thường sống động
Cây rừng đá núi mãi trầm ngâm
Nam Kha một giấc mê hay tỉnh
Bừng sáng soi gương mới thấy nhầm
Cuộc sống bon chen nhiều hệ lụy
Làm sao giữ được một chơn tâm.
                                                Nguyễn Thành Trung
                                                             (1986)



Khoảng hai tuần lễ, sau khi nhận bài thơ Trầm Ngâm của cụ Giản Chi, tôi có dịp gặp lại Hoài Khanh và trao cho Hoài Khanh bốn bài thơ hoạ nói trên ...
Tôi tin rằng cụ Giản Chi đã nhận được tất cả bốn bài thơ hoạ, nhưng tôi vô tình không hỏi anh Hoài Khanh về cảm nghĩ của cụ Giản Chi. Mấy bài thơ trên là cả một sự cố gắng và tấm lòng của chúng tôi đối với cụ Giản Chi qua trung gian anh Hoài Khanh.
Sau khi qua Mỹ định cư, tôi có họa thêm hai bài thơ dưới đấy và định lòng một ngày nào đó, có dịp gữi về tặng cụ Giản Chi, qua trung gian thi sĩ Hoài Khanh.


MÃI PHÂN TÂM

Xa quê thắm thoát đã mười năm
Trở gót về quê cát bụi lầm
Các đỉnh lầu cao hương vị đảng
Những căn nhà thấp lệ sầu ngâm
Thiên đường Cộng Sản nghe mà chán
Thế giới Tự Do tính mãi nhầm
Đã xoá chín phần quân gian ác
Một phần còn lại mãi phân tâm.
                                                     Thế Nhân
                                                         (2001)

THẸN VỚI LƯƠNG TÂM

Rời xa đất mẹ đã mười năm
Bấm đốt thiên can cảm thấy lầm
Sức yếu tuổi già thân lận đận
Đường xa gió lộng bóng sầu ngâm
Thù nhà chưa trả không tròn hiếu
Nợ nước còn mang mãi vết nhầm
Thôi thế cũng đành theo số phận
Quan hà cam thẹn với lương tâm.
                                                       Thế Nhân
                                                            (2001)

Những bài thơ trên đây chưa có dip gửi  đi…thì vào một buổi sáng, cách đây ba năm, tôi vào mạng lưới thông tin quốc tế,  biết được tin cụ Giản Chi qua đời ở Việt Nam vào chiều ngày 22-10-2005, đăng trên báo ‘Người Việt Online’ . Tôi đâm ra thẫn thờ, buồn vô kể, tiếc thương một học giả mà lòng tôi vô cùng kính trọng, mặc dù tôi chưa được một lần hân hạnh diện kiến, chỉ ‘văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”.
Qua sách báo, tôi biết cụ Giản Chi, tên thật Nguyễn Hữu Văn, sanh năm 1904 tại tỉnh Hà Đông, là một giáo sư, Hán học uyên thâm, từng giảng dạy môn triết học Trung Quốc và Hán Nôm Việt Nam tại các đại học Văn Khoa, Sư Phạm và đại học Huế và đã từng dịch các tác phẩm Cô Độc của Lỗ Tấn(1954), Lỗ Tấn Tuyển Tập(1987), Cái Đêm Hôm Ấy(tác phẩm của Somerset Maugham 1965), Tấc Lòng (thơ 1993), Vương Ma Cật họa sư thi Phật(Viết về Vương Duy), và cụ Giản Chi đã soạn chung với Nguyễn Hiến Lê các tập: Đại Cương Triết Học Trung Quốc(hai quyển-1965), Sử Ký Tư Mã Thiên(1972),  Chiến Quốc Sách(1967), Tuân Tử, Hàn Phi Tử.
Khi còn ở Việt Nam, tôi định lòng sẽ đến thăm Giáo sư Giản Chi khi có cơ hội để học hỏi ở giáo sư nhiều điều hữu ích về viết văn, làm thơ, nhất là kinh nghiệm từng trải trong cuộc đời… nhưng rồi… vì đường ngược đường xuôi, chén cơm manh áo sau cuộc đổi đời cho đến ngày lên máy bay rời quê mẹ, tôi vẫn không thực hiện được ý định của mình.

Khoảng tháng Mười năm 2005, khi nghe tin cụ Giản Chi vĩnh viễn ra đi, lòng tôi cảm thấy bùi ngùi thương tiếc, nhớ về chuyện hoạ bài thơ ‘Trầm Ngâm’ của Cụ qua trung gian thi sĩ Hoài Khanh cách nay hơn mười năm. Trong lúc buồn, thương tiếc…tôi hoạ tiếp một bài sau đây, thay nén hương lòng, kính dâng hương linh của Cụ.

            Bác Về Tiên Cảnh

Tuổi đời thượng thọ quá trăm năm
Xa lánh trần gian chẳng chút lầm
Bác rảnh rang rồi nơi Cõi Tịnh
Tôi còn bận bịu mấy câu ngâm
Tin đưa rằng Bác về tiên cảnh
Thoảng nghĩ rằng tôi đã hiểu nhầm.
Sự thật đấy mà ! – Đây sự thật !
Bùi ngùi nghe lệ nhỏ vào tâm.                            
Thế Nhân
  (2005)                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                 

Tôi viết bài nầy cách đây gần ba năm khi hay tin cụ Giản Chi cỡi hạc qui tiên, nhưng mãi đến hôm nay, nhân cuộc “trà dư tửu hậu” nói trên, tôi mới có dịp nhắc lại việc họa bài thơ Trầm Ngâm của cụ và cũng nhờ chút giai thoại nầy, mà các bạn tôi đề huề tình bạn.
        Những bài thơ tôi họa sau nầy, đã không còn dịp trao đến giáo sư Giản Chi nữa rồi, nhưng tôi vẫn cố tìm cách liên lạc, để trao cho thi sĩ Hoài Khanh đọc để cùng thương tiếc cố Giáo Sư Giản Chi, cũng là một học giả, một nhà thơ… và cũng để tưởng nhớ hai người bạn thơ của tôi Trần Quang Nghĩa và Nguyễn Thành Trung từng tham gia họa bài thơ “Trầm Ngâm” nói trên, cũng đã chào vĩnh biệt cuộc đời, đi về miền Tịnh Độ…  
Tôi đang sống nơi hải ngoại còn thi sĩ Hoài Khanh đang cặm cụi ở quê nhà… tôi nghe có lúc anh về quê ở Phan Thiết dưỡng bịnh (?), nhưng nay lại nghe nói, Hoài Khanh đã trở lại Biên Hòa làm kiếp con tằm, tiếp tục nhả tơ…và theo tin nơi tập san Thư Quán Bản Thảo do anh Trần Hoài Thư chủ trương, thi sĩ Hoài Khanh đang dự định cho xuất bản các tập thơ “Hương Sắc Mong Manh”, “Phương Trời Lưu Viễn”, “Quê Hương Đỉnh Cao và Hố Thẳm”… 
Viết đến đây, tôi xin dừng lại, cám ơn thi sĩ Hoài Khanh, cám ơn cố giáo sư Giản Chi đã lưu lại trong tôi một trời kỷ niệm.

                                                                                                  Nguyễn Kim Lộc
                                                                                                Chicago 16-6-2008


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét