Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

THƯƠNG TIẾC BÁC SĨ TÔ DƯƠNG HIỆP

THƯƠNG TIẾC BÁC SĨ TÔ DƯƠNG HIỆP
GIÁM ĐỐC BỊNH VIỆN TÂM THẦN BIÊN HOÀ(1971- 1973)


Cách đây không lâu, tôi có dịp trình bày về Bác sĩ nguyễn Văn Hoài, người Việt Nam đầu tiên được bổ nhiệm làm Giám Đốc Dưỡng Trí Viện Biên Hoà vào năm 1947(thời kỳ Pháp thuộc). Ông đã bỏ ra nhiều công sức và tài trí trong việc chữa trị người điên loạn và xây dựng cơ sở vật chất nơi đây. Hôm nay có một đồng hương xứ bưởi mến mộ tài đức của cố Bác sĩ Tô Dương Hiệp từng giữ chức vụ Giám Đốc Dưởng trí Viện Biên Hoà từ năm 1971 đến 1973 và yêu cầu tôi chấp bút theo lời kể chuyện của cô.
Cô Lê Lộc, một cựu học sinh Trường Trung Học Ngô Quyền Biên Hoà (1968-1974). Cô kể, khi còn là học sinh trung học, cô rất mến cô giáo dạy văn của mình, nên thường đến thăm cô tại nhà riêng, trong cư xá Dưỡng Trí Viện Biên Hoà vào những ngày lễ hoặc ngày cuối tuần và hân hạnh được biết chồng của cô giáo của mình là một Bác sĩ, đang giữ chức vụ Giám Đốc Bệnh Viện Tâm Thần Biên Hoà. Cô quí mến ‘thầy’ từ đó và dần dà kính phục ‘thầy’, bởi ‘thầy’ rất hiền lành, một con người giàu lòng khoan dung và đức độ.
‘Thầy’ tên Tô Dương Hiệp là một bác sĩ thông minh, tài trí,liêm khiết, tận tuỵ và yêu nghề. Thân nhân của những người bịnh thường khen ‘thầy’ chẩn đoán chính xác, kê toa đúng thuốc, trị liệu đúng bịnh, giúp cho bịnh nhân sớm thuyên giảm cơn đau, phục hồi sức khoẻ …, bác sĩ Hiệp còn chuyên về khoa tâm lý, đã từng giúp cho nhiều người bịnh tâm thần sớm bình phục, trở về cuộc sống bình thường và sống đời đáng sống.
Dân trong thành phố Biên Hoà rất thương mến bác sĩ Hiệp và  đề nghị Bác sĩ mở thêm phòng mạch tư để có dịp giúp cho các bịnh nhân nghèo, nhất là lớp người bình dân sống quanh khu chợ Biên Hoà đang cần sự giúp đỡ của ông, thế là phòng mạch của Bác Sĩ Tô Dương Hiệp được khai trương trên đường Hàm Nghi, khoảng ngang quán Tuyết Hồng (Biên Hoà) và phòng mạch của ông luôn luôn đông khách.
 Cô Lộc kể với một giọng trầm buồn thương cảm, nhớ  tiếc xa xôi về Bác sĩ Tô Dương Hiệp, một bác sĩ tài đức, lấy Y Đạo làm phương châm chữa trị, lấy tình người làm phương tiện xử thế, tiếp đón bịnh nhân bằng sự niềm nở chân thành. Bác Sĩ luôn nói năng nhỏ nhẹ, lễ phép đối với những vị cao niên và đặc biệt quan tâm giúp đỡ những người nghèo. Thật là một cung cách đáng khâm phục, hiếm thấy trong một xã hội đầy ấp dục vọng kim tiền. Lời cô kể rất nhiệt tình, lôi cuống người nghe, tôi lắng tai, ghi nhận những gì cô muốn gửi gắm để có thể ghi lại một trang về tài ba, đức độ và lương tâm của người thầy thuốc Tô Dương Hiệp.
Cô kể, có một lần, Dưỡng Trí Viện Biên Hoà tiếp nhận một thanh niên bị chứng điên loạn sau khi thi hỏng Tú Tài. Bác sĩ Hiệp xem qua bịnh lý, ông cho thử nghiệm chuyên môn, ông nhìn vào mắt, ông ngắm dáng đi, rồi ông kết luận chứng điên loạn của thanh niên nầy chưa đến nỗi nào, nếu áp dụng biện pháp cách ly theo dõi và các biện pháp khác… có thể vô tình làm cho cơn bịnh tăng thêm, ông quyết định cho thanh niên nầy hưởng một qui chế đặc biệt, ở một nơi có bầu không khí thân thiện, ấm áp, tạo cho người bịnh có cảm giác như đang sống trong một gia đình. Bác sĩ Hiệp đặc biệt quan tâm thường xuyên lui đến chăm sóc và cho lời khuyên giải hợp lý. Phương pháp ‘Tâm Lý Trị Liệu’ quả là một phương thức thần diệu đối với những người bịnh tâm thần, chỉ trong một thời gian ngắn, thanh niên nầy trở lại bình thường và được ông giao trả về cho gia đình. Ông nhận xét thanh niên nầy có nhiều ý chí thù thắng và đoán y sẽ thành công trên trường đời trong mai hậu.
Trong khoảng thời gian làm Giám Đốc Dưỡng trí Viện Biên Hoà, người ta thấy ông làm việc bất kể giờ giấc, nhiều khi ông làm việc đến khuya, ông nghiên cứu từng loại bịnh trạng: điên vì thất bại trong tình trường, yêu người mà chẳng được người yêu; điên vì thất bại trên đường công danh sự nghiệp; điên vì tiền, điên vì đam mê đổ bát đến độ tài sản chẳng còn; điên vì thi hỏng;  điên vì quá sợ hãi chế độ;  điên vì quá nghèo mà mơ mộng cao xa;  điên vì suy nghĩ quá nhiều về quê hương trong thời lửa loạn…Mỗi người điên mang một nguyên ủy khác nhau. Bác sĩ phải làm sao nắm được yếu tố gây bịnh để gỡ lần cuộn tơ vò trong tâm não họ, nên ngoài việc trị liệu bằng y dược, trấn thống cơn đau thể xác cùng sự rối loạn tâm thần từng cơn bộc phát, bác sĩ còn phải kiên trì chờ cơ hội thuận tiện, hầu cho con bịnh ‘uống’ lời phân giải hợp lý hoặc dùng những phương pháp tâm lý khoa học khác, giúp con bịnh sớm trở về trạng thái bình thường, tư duy cuộc sống có ý nghĩa và yêu đời. Nhiệm vụ của bác sĩ chữa bịnh tâm thần rất ‘căng’, ngoài việc chẩn đoán và chữa trị thể chất, vị bác sĩ phân tâm còn phải nghiên cứu về những biến thiên trong xã hội…Xã hội là cội nguồn của chứng loạn thần kinh. Nếu đất nước có thanh bình, xã hội có tự do và bình đẳng, người dân được an cư lạc nghiệp, sống với tâm hồn thoải mái, không bị nỗi sợ hãi thường trực nào thì chứng bịnh thần kinh rất ít xảy ra, còn ngược lại thì chứng bịnh ‘ thần kinh phân liệt’ sẽ đầy rẫy trong xã hội.
Cô Lộc nói rằng cô rất quí mến và vô cùng khâm phục Bác sĩ Tô Dương Hiệp ở những ngày tháng sau cùng của cuộc sống. Sau khi ông phát hiện ông đang mang một chứng bịnh hiểm nghèo, ông cố phấn đấu với bản thân, để giữ được sự bình tỉnh trong sinh hoạt hằng ngày, ông quyết không tiết lộ cho bất cứ ai biết căn bịnh của mình, sợ người thân xuống tinh thần và bạn bè thất vọng, vì ông biết rõ căn bịnh hiểm nghèo nầy vào thời điểm đó vô phương chữa trị, chỉ có thể làm chậm tiến trình tử vong bằng phương pháp hoá trị hoặc lược máu của chính mình hoặc máu của người khác tặng hoặc cấy tuỷ sống.. Ông cố tìm đủ mọi thứ việc làm trong lãnh vực chữa trị bịnh nhân làm phương thuốc lãng quên căn bịnh của chính mình trong hiện tại với tinh thần đầy ắp nỗi lo âu và một hình ảnh kinh hoàng đang chờ đợi, đó là cái chết đang từ từ đến với ông; ông âm thầm, lòng dặn lòng phải lặng im cho đến hơi thở cuối cùng, vì ông biết chắc nếu có nói ra cũng chẳng ai giúp gì được, kể cả nền y học hiện tại cũng bó tay, nhưng đến một lúc nào đó, ông không thể giữ lặng im được nữa, vì khối ẩn ức của sự lặng im quá to, trĩu nặng tâm hồn ông, làm cho tinh thần ông chùng xuống, ông thố lộ cho gia đình ông biết căn bịnh hiểm nghèo của mình, chứng ung thư máu (leukemia). Bác sĩ Hiệp cảm thấy lòng mình nhẹ đi như vừa được chích một liều thuốc khoẻ. Ông tỉnh táo đề nghị Bộ Y Tế cử người thay thế ông trong chức vụ Giám Đốc Bệnh Viện Tâm Thần Biên Hoà.
Trong khi Bác sĩ Hiệp giữ thái độ thản nhiên đếm từng ngày, chờ đợi tử thần đến viếng… thì gia đình ông bắt đầu lo lắng xót thương ông, cấp tốc đưa ông vào bịnh viện Gia Định và Bộ Y Tế Việt Nam Cộng Hoà quyết định đưa ông qua Thái Lan chữa trị, trong trường hợp còn nước còn tát để cứu một vị bác sĩ tài đức. Mọi thủ tục xuất cảnh được khẩn trương tiến hành, các phần hành liên quan đến việc đưa Bác sĩ Hiệp qua Thái Lan, được lệnh chạy đua với thời gian với hy vọng đưa Bác sĩ Hiệp sang Thái Lan càng sớm càng tốt.
Dường như Bác sĩ Hiệp dự đoán được những gì sẽ xảy ra, nhưng bác sĩ không đủ can đảm từ chối lòng tốt của mọi người thân đang dành cho ông. Bác sĩ vẫn với vẻ mặt thản nhiên, nằm chờ đợi người nhà đem hành lý đến để cùng đi chuyến máy bay qua Thái Lan dự trù cất cánh vào lúc 10 giờ tối ngày 21-11-1973, nhưng khi chiếc đồng hồ tại bịnh viện Gia Định cũng như những chiếc đồng tay của thân nhân và bè bạn đang đứng chung quanh ông, chỉ 9 giờ 45 sáng cùng ngày thì Bác sĩ Hiệp trút hơi thở cuối cùng. Thế là xong, không còn chi nói nữa…, mọi người ngùi ngùi rơi lệ xót thương.
Cấp Y Tế có thẩm quyền đề nghị cho mai táng Bác sĩ Hiệp tại Nghĩa Trang Mạc Đĩnh Chi đường Hai Bà Trưng Saigòn, nhưng người nhà của Bác sĩ Hiệp quyết định đưa Ông về an nghỉ trong khuôn viên Dưỡng Trí Viện Biên Hoà, khu Nghĩa Địa của thế giới người điên, theo lời trăn trối “ khi ông sống, ông săn sóc những người điên, ông thương những người điên, ông quyết tâm chữa trị cho họ vì họ là những người đáng thương nhất trên đời, và khi ông chết, ông xin được chôn gần bên họ”,
 Khi nghe cô Lộc thuật đến đây, tôi bỗng nhớ lại câu chuyện Bác sĩ Naôê, nhân vật giả tưởng trong quyển ‘ Vô Đăng Ảnh’ của Bác sĩ kiêm nhà văn Nhật Bản Dzyunichi Watanabê và được dịch qua tiếng Việt với tựa  ‘Đèn Không Hắt Bóng’, Naôê là một bác sĩ phẩu thuật tài giỏi, cũng mang chứng bịnh hiểm nghèo, chứng ung thư cột sống(mieloma) nhưng tình tiết của hai trường hợp  có khác nhau đôi chút, Bác sĩ Kyosukê Naôê là nhân vật giả tưởng, nhật vật tiểu thuyết còn bác sĩ Tô Dương Hiệp là một con người hiện thực; Bác sĩ Naôê nổi tiếng về phẩu thuật tại một bịnh viện tư nhân, còn Bác sĩ Tô Dương Hiệp, giỏi về khoa phân tâm, làm Giám Đốc bịnh viện công, bịnh viện tâm thần, chuyên chữa trị người điên. Hai bác sĩ tự mình phát hiện ra chứng bịnh nan y, một người bị ung thư máu (leukemia), một người bị ung thư cột sống (mielomia). Cả hai người cùng quyết định âm thầm chịu đựng và thản nhiên đợi chờ cái chết, nhưng hai người đã chọn cách sinh hoạt khác nhau trong cuộc sống hằng ngày. Bác sĩ Naôê tìm quên căn bịnh của mình bằng rượu, bằng dục tình và trấn thống cơn đau bằng chất ma tuý, còn Bác sĩ Tô Dương Hiệp tìm quên căn bịnh bằng cách miệt mài trong công việc nghiên cứu, tìm phương cách chữa trị cho những người điên loạn, duy có một điều giống nhau là hai bác sĩ ban đầu cố giữ kín căn bịnh của mình, nhưng sau cùng cả hai đều tiết lộ cho người thân, bác sĩ Naôê thú thật về căn bịnh của mình với cô y tá thân tình tên Norikô mà ông đã âm thầm xem nàng như là người vợ chưa cưới và đang mang thai với ông, và sau cùng ông quyết định chọn cái chết sớm hơn bằng cách tự vẫn, trầm mình xuống đáy hồ Sikôtsu chằng chịt cành cây bạch dương giữa mùa đông tuyết giá, còn bác sĩ Tô Dương Hiệp tiết lộ căn bịnh của mình với gia đình,vợ con ông, và chấp nhận một sự  sắp xếp đưa ông đi ngoại quốc  chữa trị trong thời điểm quá ngặt nghèo và vô vọng, giai đoạn chót của chứng ung thư máu.
Là một thầy thuốc, Bác sĩ Hiệp hiểu bịnh trạng của mình hơn ai hết và gần như ông đoán được sự sắp ra đi vĩnh viễn của mình, nên có lời trăn trối với gia đinh là xin cho ông được chôn ở khu nghĩa địa của những người điên trong khuôn viên Dưỡng Trí Viện Biên Hoà.
Những tưởng Bác sĩ Hiệp sẽ thực hiện được nguyện ước của mình là xây cất một phòng mạch khang trang tại thành phố Biên Hoà để khám bịnh miễn phí cho những người nghèo, nào ngờ căn bịnh hiểm nghèo đã đến với ông quá sớm làm tan biến niềm mơ ước của ông.
Bác sĩ Tô Dương Hiệp giã biệt cõi đời, ở tuổi 38,  để lại cho người dân Biên Hoà nhiều thương tiếc. Ông sanh ngày 1 tháng 11 năm 1935 và vĩnh viễn ra đi vào ngày 21 tháng 11 năm 1973 (trùng tháng sanh là tháng 11), gần giống trường hợp thân phụ của ông là nhà văn Bình Nguyên Lộc, sanh tử cùng ngày cùng tháng là ngày 7 tháng 3.  Bác sĩ Tô Dương Hiệp về miền Tịnh Độ đã hơn ba mươi năm, nhưng đến hôm nay, những nén hương lòng của người dân xứ Bưởi dành cho ông vẫn còn nghi ngút khói.
Bác sĩ Tô Dương Hiệp gốc người quận Tân Uyên(Biên Hoà) có vợ là một cựu giáo sư dạy văn trường Trung Học Ngô Quyền Biên Hoà và bốn người con. Ông là trưởng nam của nhà văn Bình Nguyên Lộc. Tôi không có dịp gặp bác sĩ Hiệp một lần nào nhưng tôi vô cùng kính phục bác sĩ Hiệp qua trung gian người em gái tôi tên Nguyễn thị Hiệp ngụ tại khu chợ Biên Hoà luôn luôn khen ngợi Bác sĩ Hiệp là một con người hiền lành, đức độ, có tay phục dược, có nụ cười nhiều thiện cảm và luôn mở rộng vòng tay đón tiếp những bịnh nhân nghèo…do đó bác sĩ Hiệp được nhiều người kính phục và luôn dành cho ông một vị trí trang trọng trong lòng họ, trong số, có gia đình anh Lưu Huệ (cựu Trưởng Ty Lao Động Cần Thơ) gốc người Cù Lao Phố thường đưa con đến nhờ Bác sĩ Hiệp chữa trị.
Tôi viết bài nầy theo sự yêu câu của cô Lộc, một cựu học sinh Trường Trung Học Ngô Quyền Biên Hoà cùng một số đông người dân xứ Bưởi, đã từng mến mộ tài đức của Bác sĩ Tô Dương Hiệp. Riêng tôi vô cùng thán phục cách hành xử và sức chịu đựng đầy can đảm của Bác Sĩ Hiệp khi phát hiện mình mang chứng bịnh hiểm nghèo như đã nói trên. Xin hãy coi đây là nén hương lòng của tôi, của cô Lê Lộc và một số đồng hương Biên Hoà dâng hương hồn Bác sĩ Tô Dương Hiệp đang phiêu diêu miền Cực Lạc. Nếu gia đình Bác sĩ Hiệp có vô tình đọc bài viết nầy, xin thông cảm và thứ lỗi cho tôi nếu có chi tiết nào sai lạc. Trân trọng.
                                                           Nguyễn Kim Lộc
                                                      (Chicago ngày 21-11-05)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét