Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

TƯỞNG NHỚ GIÁO SƯ NGUYỄN NGỌC HUY

TƯỞNG NHỚ GIÁO SỰ NGUYỄN NGỌC HUY

                                         Hào khí văn chương vang núi Bửu
                               Kinh luân quốc sách rạng sông Đồng
                                                                       (Thế Nhân)

Nói đến Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, hầu như những nhà hoạt động chính trị trong và ngoài nước, ai cũng biết, bởi tấm lòng thiết tha phục vụ quê hương Việt Nam của ông. Ông là người học cao hiểu rộng và có uy tính trên nhiều lãnh vực. Ông là một nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động chính trị lỗi lạc, được nhiều người kính trọng và riêng tôi đã vô cùng ngưỡng mộ ông, từ khi tôi còn ở tuổi mười lăm và có dịp đọc bài thơ ‘Anh Hùng Vô Danh’ của ông với bút hiệu Đằng Phương.
          Họ là những anh hùng không tên tuổi
          Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông
          …
          họ là kẻ muôn nghìn năm thuở trước
          Đã phá rừng xẻ núi, lấp đồng sâu
          …
          Họ là kẻ khi quê hương chuyển động
          Dưới gót giày của những kẻ xâm lăng
          Đã xông vào khỏi lửa quyết liều thân
          Để bảo vệ tự do cho Tổ Quốc
          …
          Họ là những anh hùng không tên tuổi
          Trong loạn ly như giữa lúc thanh bình
Bền một lòng dũng cảm, chí hy sinh
Dâng đất nưóc cả cuộc đời trong sạch
Tuy công nghiệp không ghi trong sử sách,
Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên
Tuy mồ hoang xiêu lạc dưới trời quên
Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật
Nhưng máu họ đã len vào mạch đất,
Thịt và xương trộn lẫn với non sông
Và anh hồn chung với tấm trinh trung
Đã hoà hợp làm linh hồn giống Việt.
          Ôi! một bài thơ tuyệt tác, khiến lòng tôi rung cảm, thương làm sao những anh hùng không tên tuổi, âm thầm đóng góp xương máu của mình cho Tổ Quốc thân yêu. Thật tình mà nói, lúc bấy giờ tôi không biết thi sĩ Đằng Phương là ai, chỉ yêu những dòng thơ đầy hào khí, sau nầy tôi mới biết Đằng Phương chính là Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, nguyên quán quận Tân Uyên tỉnh Biên Hoà, và có họ hàng với nhà văn kiêm thi sĩ Thái Thuỵ Vy tức nhà nhiếp ảnh nghệ thuật Đỗ Khoa Luật, người xứ Bưởi, trong trường hợp người dì thứ bảy của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy là bà nội kế của anh Đỗ Khoa Luật.
          Xin nhắc lại một chút xa xưa, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy bắt đầu việc học từ trường làng Mỹ Lộc đến trường quận Tân Uyên, rồi sau đó thi đậu vào trường Pétrus Trương Vĩnh Ký Sai gòn.
Năm mười chín tuổi, ông làm thư ký tại Toà Hành Chánh Cần Thơ. Năm hai mươi một tuổi, ông gia nhập Đại Việt Quốc Dân Đảng. Năm hai mươi hai tuổi, ông trở về Sai gòn, làm việc trong Thư Viện Quốc Gia, thời gian nầy ông rất bận rộn vì ngoài giờ làm việc cho Chánh Phủ, ông còn làm nhiều việc khác: Viết tài liệu cho Đảng và viết báo. Những bài bình luận chính trị với bút hiệu Hùng Nguyên và những bài trào phúng với bút hiệu Cuồng Nhân, ông cho đăng trên tờ Thanh Niên, và ông cũng dùng bút hiệu khác như Ba Xạo hay Tư Xạo hoặc Việt Tâm khi viết cho tờ Đuốc Việt…
          Năm 1949, ông bỏ làm công chức, dành toàn thời gian hoạt động cho ĐVQDĐ, nhận làm huấn luyện viên chính trị cho trường cán Bộ Thanh Niên Nha Trang và sau đó được đưa ra hoạt động chi nhánh Thanh Niên Bảo Quốc Đoàn ở Bắc Việt.
          Năm 1951, tổ chức Thanh Niên Bảo Quốc Đoàn bị giải tán, ông về làm thầy giáo dạy văn tại trường Lê Bá Cang, Khu Bàn Cờ Sài gòn. Thời gian nầy ông tự học thêm và thi đỗ bằng Tú Tài.
          Năm 1955, ông được ĐVQDĐ chỉ định sang Pháp, phụ giúp Bác Sỹ Nguyễn Tôn Hoàn (đang lưu vong). Ông ghi tên học tại trường Đại Học Paris về môn Luật Pháp, Chính Trị và Kinh Tế, và ông đã thi đỗ bằng Tiến Sĩ Chính Trị Học năm 1963 và được trường Đại Học Sorbonne trao cho giải thưởng xuất sắc về luận án tiến sĩ với đề tài ‘Người ưu tú trong tư tưởng chính trị Trung Quốc cổ thời’.
          Ông trở về Việt Nam sau ngày nền Đệ Nhất Cộng Hoà bị sụp đổ và được đề cử làm Đổng Lý Văn Phòng Phó thủ Tướng Đặc Trách Bình Định Nguyễn Tôn Hoàn, được ông Dương Văn Minh mời từ Pháp về, nhưng chỉ được chừng hơn hai tháng, Việt Nam lại có cuộc chỉnh lý  ngày 30-01-1964, Tướng Nguyễn Khánh lại buộc ông và Nguyễn Tôn Hoàn phải lưu vong. Sau khi ở Hồng Kông và Nhật chừng hai tháng(9 &10-1964), ông trở về SàiGòn hoạt động lại, khi Nguyễn Khánh đã trao quyền cho ông Phan Khắc Sửu và Trần Văn Hương.
          Nhìn kỹ, ta thấy con đường tham chính của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy rất gian nan, được mô tả như bất phùng thời hay nói một cách khác là không có số làm lãnh tụ tối cao như nhiều người mong đợi, chỉ làm Đổng Lý Văn Phòng Phó Thủ Tướng Đặc Trách Bình Định được khoảng hai tháng, lại phải lưu vong, rồi khi được trở về nước, chỉ giữ các vai trò như Thành viên Hội Đồng Dân Quân (1967), Thành viên Phái Đoàn VNCH tham dự Hoà Đàm Paris(1968-1970), thành viên phái đoàn VNCH tham dự cuộc thương thuyết La Celle Saint Cloud (1973). Tuy nhiên, ông đã thành công trên nhiều lãnh vực khác: về hoạt động chính trị, ông là đảng viên ĐVQDĐ (1945-1964), Tổng Thư Ký Đảng Tân Đại Việt (1964-1969), Tổng Thư Ký Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến (1969-1975), Đồng Chủ Tịch Liên Minh Xã Hội, gồm 6 chánh đảng (1973-1975),Chủ Tịch ủy Ban chấp Hành Trung Ương Liên Minh Dân Chủ Việt Nam(1981-1990), Sáng Lập Viên Ủy Ban Quốc Tế Yểm Trợ Việt Nam Tự Do(1986-1990); về sự nghiệp giảng huấn, ông từng là Khoa Trưởng trường Đại học Luật Khoa và Xã Hội Học Cần Thơ (1967-1968) và giáo sư thỉnh giảng tại các trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, Viện Đại Học Huế, Đại Học Vạn Hạnh, Minh Đức, Trường Cao Đẳng Quốc Phòng, Trường Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp, Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, trường Đại Học Chính Trị…; về sự nghiệp văn chương, ông đã viết nhiều tác phẩm rất giá trị, như bộ ‘ Dân Tộc Sinh Tồn’ dưới bút hiệu Hùng Nguyên, ‘Quốc Triều Hình Luật’, ‘Bộ Hình Luật Nhà Lê’, ‘Péroistroika or The Revenge of Marxism over Leninism’, ‘Những Ẩn Số Chính Trị Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung’, ‘Hiệu Đính và Chú Thích Quyển Lục Súc Tranh Công’, ‘Hàn Phi Tử’, ‘Lịch Sử Các Học Thuyết Chính Trị’, ‘Hồ Chí Minh: Tội Phạm Nhân Quyền Việt Nam’, ‘Biện Chứng Duy Xạo Luận’, ‘ Dân Tôc Hay Giai Cấp’, ‘Nhận Định Tình Hình Thế Giới’, ‘Đề Tài Người Ưu Tú Trong Tư Tưởng Chính Trị Trung Quốc cổ Thời’, ‘Tên Họ Người Việt Nam’, ‘Phê Bình Nhơn Vật Tam Quốc Chí’, ‘Tây Hán Chí’, ‘Đông Châu Liệt Quốc’, ‘Lịch Sử Tranh Đấu Cho Độc Lập Và Tự Do Của Dân Tộc Việt Nam Giữa Thế Kỷ 19’, ‘Tái Thiết Cơ Cầu Hay Sự Trả Thù Của Chủ Nghĩa Marx Đối Với Chủ Nghĩa Lenin’ và tuyển tập thơ ‘Hồn Việt’ với bài thơ thay lời tựa, rất sắc nét, tả thân phận người dân Việt Nam sống trong nô lệ...
          Tôi chỉ là một người dân đất Việt
          Cảm nỗi buồn của kẻ mất quê hương
          Nỗi nhục nhằn, nỗi khổ cực đau thương
          Của nòi giống nghẹt trong cùm lệ thuộc
          Lúc đường sống mịt mù chưa thấy được
          Tôi mượn thơ để tỏ nỗi căm hờn
          Nỗi u buồn chán nản kẻ cô đơn
          Không phụng sự giang sơn như ý nguyện.
Thật không có nỗi nhục nào bằng nỗi nhục mất quê hương và kẻ sĩ luôn cảm thấy đau thương dưới trời nô lệ. Chừng ấy câu thơ ta thấy được nỗi lòng của thi sĩ Đằng Phương, một người luôn ý thức về nỗi quốc phá gia vong và quyết phục vụ cho quê hương đến hơi thở cuối cùng.

          Chúng ta thấy rõ dù ở phương vị nào trong xã hội Việt Nam, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy luôn luôn là người ủng hộ chính phủ quốc gia đối phó với Cộng Sản. Ông sang Hoa Kỳ từ năm 1975 và làm công việc khảo cứu cho trường Đại Học Luật Khoa Harvard. Năm 1981, ông và các người cùng chí hướng thành lập Liên Minh Dân Chủ Việt Nam nơi Hải Ngoại 
          Ông là người uyên bác, có chí lớn, giàu lòng tự tin và đức tính kiên nhẫn. Ông hiểu nhiều về Cộng Sản nên không ‘ưa’ Cộng Sản. Rất tiếc, ông có bằng Tiến Sĩ Chính Trị Học hạng ưu, nhưng không có nhiều cơ hội tham chính để giúp cho dân tộc Việt Nam thoát khỏi gông cùm Cộng Sản, giúp cho nước Việt Nam có được những ngày tự do dân chủ thực sự. Chúng ta thấy rõ tài đức của ông nổi bật trên những lãnh vực: hoạt động chính trị Đảng Đoàn,  làm giáo sư giảng dạy các trường Đại Học và viết văn làm thơ.
          Ông được nhiều người nhận xét là một chính trị gia trong sạch, cả đời làm việc với quyền cao, chức trọng mà chẳng có được một ngôi nhà hoặc một chiếc xe hơi riêng.
         
          Theo tài liệu trong quyển Biên Hùng Liệt Sử của nhà văn Thái thuỵ Vy thì giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy có một người vợ rất đãm đang, chấp nhận vất vả, làm nghề giặt ủi nuôi ông ăn học thành tài trên đất Pháp, về phần bà chỉ đỗ được cấp bằng Nữ Hộ Sinh Quốc Gia và bà đã bị tử nạn tại bãi biểnVũng Tàu(Việt nam) trong thời gian ông làm Đổng Lý Văn Phòng cho Phó Thủ Tướng Đặc Trách Bình Định Phát Triển và sau đó một thời gian khá lâu, nhiều người bạn thấy ông sống trong cảnh cô đơn, nên khuyên ông tục huyền, nhưng ông đã bỏ những lời khuyên giải ngoài tai, vì muốn giữ thuỷ chung với  người vợ tâm đầu ý hợp đã qua đời và cũng có ý không muốn vướng bận chuyện gia đình trong những tháng ngày còn lại, trên đường hoạt động, đấu tranh cho một nước Việt Nam dân chủ tự do và không còn Cộng Sản.
          Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy có người con trai tên Nguyễn Quốc Thuỵ tốt nghiệp trường Politechnique và đang làm việc cho Công Ty Điện Nước của Pháp, người con gái Tiến Sĩ Nguyễn Ngọc Thuý Tần, , có chồng người Mỹ gốc Do Thái đang ngụ tại Albany, tiểu bang New York( Mỹ) và Nguyễn Ngọc Thuỵ Khanh, ông gửi cho một vì tướng Mỹ nuôi dưỡng, nhưng đã tự tử bằng hơi đốt (gas) vì không toại nguyện ý định theo sống cận kề với người cha thân yêu, sau chuyến Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy ghé thăm và khuyên Thuỵ Khanh nên ở  với vị tướng Mỹ mà ông tin cẩn gửi gắm và bảo con cố gắng học hành cho đến khi thành đạt. Sau cái chết của Thuỵ Khanh, ông vô cùng hối hận và người ta thấy thỉnh thoảng,  khi màn đêm buông xuống, ông một mình một bóng đến ngồi thiền nơi Phật đài trước làng Mai bên Pháp và ông đã tự vắng mặt trong các hoạt động chính trị gần ba năm.
          Người ta còn ghi nhận, mặc dù lớn tuổi, nhưng Giáo Sư vẫn tìm học hỏi và thấy ông có lần dọn đến ở với thượng toạ Thích Giác Đức tại Boston (Massachusett) với mục đích học thêm chữ Hán với nhà tu Tiến Sĩ phái Tân tăng nầy để viết về ‘Nhơn Vật Tam Quốc’
Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy vĩnh biệt cuộc đời vì chứng ung thư thanh quản trên đất Pháp vào lúc 9 giờ 30 tối 28-07-1990. Ông để lại cho đời một một số sách báo quí giá cùng những tài liệu thiết thực, rất hữu ích cho những ai đang nghiên cứu về cuộc đấu tranh ôn hoà chống Cộng Sản, với ước vọng đem dân chủ tự do đích thực về cho Tổ Quốc Việt Nam.
Ông ra đi, mang theo tấm lòng nhiệt tình yêu nước, mang theo tâm sự ngậm ngùi của một kẻ sĩ chưa tròn bổn phận đối với quê hương, mang theo tấm lòng chung thuỷ đối với người vợ đã từng sát cánh với ông, từng nuôi ông ăn học thành tài và mang theo một niềm hối hận đối với đứa con Nguyễn Ngọc Thuỵ Khanh.
 Người Việt hải ngoại đều thấy rõ, trong những ngày cuối cuộc đời, ông chạy đua với thời gian, ông đi thuyết trình đó đây một cách hùng hồn, cho giới trẻ Việt Nam biết thế nào là tự do đích thực và thế nào là tự do trên giấy vẽ của bọn Cộng Sản gian manh, hại dân hại nước. Ông quan niệm rằng, phải hiểu Cộng Sản mới mong thắng Cộng Sản, còn hiểu lờ mờ về Cộng Sản dễ bị Cộng Sản tuyên truyền lừa gạt. Rất tiếc Giáo sư qua đời chỉ vài tháng, trước ngày bức tường Bá Linh sụp đổ, ông không được chứng kiến hệ thống Cộng Sản Quốc Tế tan rã một cách tức tưởi thảm thương, trước cảnh reo vui của hàng tỷ người thuộc hàng trăm quốc gia trên thế giới.
Giáo sư chết đi để lại nhiều thương tiếc trong lòng mọi người, nhất là các cựu sinh viên Học viện Quốc Gia Hành Chánh. Tôi xin mời các bạn đọc một trích đoạn bài thơ ‘Nguyễn Ngọc Huy Bất Tử’ của nhà thơ Nguyễn Mai, viết vào tháng 4-1997,  tỏ niềm thương tiếc đối với Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy:
Người đã chết nhưng sẽ thành bất tử
Trong hồn thiêng sông núi dấu yêu
Tinh thần Người là cao đỉnh chỉ tiêu
Tận nhân lực hiến trọn đời cho tổ quốc
Là lãnh tụ anh minh, lãnh tụ vĩ nhân
Đã kết hợp bao anh hoa , hào kiệt
Người đã sống một cuộc đời dũng liệt
Học thức huyên thâm, lãnh đạo ôn hoà
Lấy xã tắc, sơn hà làm lý tưởng
Hỡi ơi! Giữa dòng đời trầm luân xuôi ngược
Kẻ bạo tàn, gian tặc cứ phây phây
Mà những đoá hoa hồng thơm ngát giữa trùng vây
Cứ tiếp nối hao mòn tan tác rụng!
Người đã chết nhưng sẽ thành kính lộng
Người đã xa nhưng vẫn rạng bên lòng
Những anh hùng hào kiệt tấm gương chung
Soi sáng lối đi vào trang quốc sử
Để nước Việt yêu sớm được quang vinh
Long trọng rước Người về trong lá cờ tổ quốc !
Nguyễn Mai
         
          Xuyên qua các tác phẩm và lời thơ đầy hào khí cũng như quá trình hoạt động của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, chúng ta thấy rõ rằng ông là một người yêu nước vô bờ bến, dành cả cuộc đời đấu tranh tận tuỵ cho tự do dân chủ Việt Nam. Ông là một nhân tài hiếm có trên nhiều lãnh vực chính trị, giáo dục và văn thơ. Tôi ngưỡng mộ ông từ khi tôi đọc bài ‘Anh Hùng Vô Danh’ và càng kính trọng ông hơn qua cung cách lãnh đạo ôn hoà, giàu lòng dung thứ và tinh thần triệt để chống Cộng của ông, ngoài ra tôi còn hãnh diện về ông vì ông đã làm rạng rỡ tinh thần người dân xứ Bưởi. Tôi viết bài thay nén hương lòng tưởng nhớ ‘Người Xưa’, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, một người tài ba đức độ mà lòng tôi hằng tôn kính. Tôi cầu nguyện hồn thiêng của ông được siêu thoát và phù hộ cho những người đang tranh đấu cho Việt Nam có tự do dân chủ thực sự để tro tàn của Giáo Sư sớm được đưa về hoà quyện cùng hài cốt của bà vợ yêu quí của ông tên Dương Thị Thu ở quê nhà theo ước nguyện của Ông.
                                                              Nguyễn Kim Lộc

                                                      (Chicago, ngày 28-7-2005) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét