Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

NÉN HƯƠNG LÒNG

                                      

                NÉN HƯƠNG LÒNG

                                      Kính dâng hương linh
                                   Cố Đại Tướng Đỗ Cao Trí

            Đây nén hương lòng xin kính gởi
            Anh hùng họ Đỗ đất Đồng Nai
            Ra đi… để lại trời thương tiếc
            Nhang khói còn vương khắp chốn nầy.

            Danh tướng không mơ ngày tóc bạc
            Quyết đem tài trí giữ non sông
            Diệt phường gian ác, quân vô đạo
            Đem lại an cư, tạo thái bình.

            Một thuở Địa Đầu vang chiến tích
            Cao Nguyên tỏ rõ bước uy danh
            Miền Đông nổi tiếng truy quân địch
            Khí thế, hùng ca, khúc diễn hành.

            Chao ôi ! Vận nước còn đen tối
            Người đã về đâu? Hỡi nước mây!
            Trong chuyến phi hành quan sát trận
            Trời Tây lửa đỏ phủ thân người.

            Xe tăng thay ngựa đưa thân xác
            Về chốn nghìn năm vĩnh biệt đời
            Quân Đội Nghĩa Trang còn ghi dấu
            Trời buồn nhỏ lệ ánh sao rơi.

                                                            Thế Nhân

                                                (Biên Hoà, ngày 23-2-1971)

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2016

TÌNH CỜ NGHE LẠI THƠ TÔI

BẤT NGỜ NGHE LẠI THƠ TÔI

Thật bất ngờ…nghe bài thơ tôi viết
Về một người tôi kính phục từ lâu
Một nhân tài tên gọi Nguyễn Ngọc Huy
Người đã chết nhưng Tên Người vẫn sống

Nơi Châu Úc một chiều xuân nắng ấm
Trại Hoa Vàng trang trọng đón đồng hương
Từng đoàn người chiêm bái trước  vong linh
Thương, tương, nhớ một Người vì dân tộc

Nhà Chí Sĩ quê hương làng Mỹ Lộc
Tính can trường yêu nước mãi không thôi
Gương của người tôi giữ mãi trong tôi
Luôn nhắc nhỡ cháu con…truyền sức sống

Bài thơ đọc trong không gian trầm lắng
Vẻ ngậm ngùi thoang thoảng chút hương bay
Người đã về thiên cổ - chốn ngàn mây…
Gương vẫn đó và tên Người vẫn đó

Trại Hoa Vàng chiều nay đang mở ngõ
Đón những người ngưỡng mộ Nguyễn Ngọc huy
Đón những người vì Cộng Sản… ra đi
Nhưng vẫn hứa ngày mai về Đất Mẹ

Úc Đại Lợi – Gió xuân đang  thoảng  nhẹ
Len mùi hương dìu dịu bưởi Biên hoà
Tôi mở lòng đón hương bưởi lan xa
Và hãnh diện –Vì tôi người xứ Bưởi


                                Thế Nhân

TẢN MẠN VỀ CÂY BẮP TÂN TRIỀU


TẢN MẠN VỀ CÂY BẮP và BẮP TÂN TRIỀU

Đọc tờ Bản Tin Hàng Tháng số 61 của Hội Ái Hữu Biên Hòa, tôi thấy có đoạn văn “ Ngoài ra, Tân Triều còn có bắp nổi danh đều hột, trái nhỏ, thơm ngon, dẻo và ngọt thịt. Có thể ghi nhận là mỗi khi ăn bắp, mọi người còn có thể ngậm cùi bắp hút nước mật ngọt như đường ’’, khiển tôi nhớ về những ngày thơ ấu của tôi nơi quê hương Biên Hòa, tôi thích ăn bắp trái của những nông dân làng Tân Triều đem xuống chợ Biên Hòa bán vào những buổi sáng tinh sương …
Bây giờ, tôi ở cách xa quê hương đến nửa vòng trái đất, muốn ăn một trái bắp nếp Tân Triều, để tìm lại hương vị ngày xưa, thật không phải là chuyên dễ, vả lại tôi không biết ngày nay, làng Tân Triều (Vĩnh Cửu-Đồng Nai) còn trồng loại bắp nếp mà tôi có dịp ăn trước đấy hay không, hay đã chạy theo thị trường, tìm những loại bắp khác có năng suất cao….để cho giống bắp nếp Tân Triều đi theo số phận giống Bưởi Ổi Tân Triều ‘‘Bưởi Ổi giờ cả xứ Tân Triều chẳng còn bao cây. Nhà nào còn thì chỉ để nhà vườn ăn hoặc làm quà biếu. Những người sành bưởi ở tại Biên Hòa cũng đành tiếc nhớ một hương vị ngày xưa !!’’

     
 
Ở đây, mỗi khi thèm ăn bắp nếp Tân Triều thì tôi mua bắp Mỹ, giống Silver Queen, ăn cho đỡ ghiền thôi, mặc dù loại bắp nầy không ngon bằng bắp Tân Triều…(theo cảm nhận của riêng tôi).

Ở đất Mỹ nầy, muốn ăn bất cứ thứ trái cây nào, cứ vào siêu thị hỏi mua là có ngay, hàng ướp lạnh, không cần đợi đúng mùa như ở Việt Nam, nhưng đúng mùa thì mặt hàng rộ hơn, tươi hơn, ngon ngọt hơn, mà rẻ tiền hơn… người ta có thể mua bắp non về nấu súp, mua bắp trái đông lạnh, đem về bào nầu chè…. nhưng nếu muốn ăn bắp nướng, bắp luộc, người ta phải đợi đến mùa Hè. Những tiệc vui chơi, ăn toàn món nướng (barbecue) vào đầu mùa Hè ở bất cứ nơi nào trên đất Mỹ, đều có kèm món bắp luộc hoặc bắp nướng thoa bơ.Thời điểm nầy, bắp chưa chín tới, nhưng vốn dĩ người ta thích ăn bắp non, bắp sữa, rất ngọt nhưng hạt bắp không dẻo và không có nhiều bột ….


Ở Việt Nam, bắp đứng vào hàng thứ hai sau lúa gạo, nhưng ở Mỹ thì ngược lại, bắp được xếp vào hàng số một. Việt Nam một thời nổi tiếng là vựa lúa của Đông Nam Á, với những cánh đồng lúa cò bay thẳng cánh ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long, thì nước Mỹ nổi tiếng là nơi sản xuất bắp nhiều nhất thế giới. Tại Mỹ bắp được dùng trong việc biến chế nhiều thứ thức ăn, bột bắp áo gà chiên, như Popeye’s fried chicken, kentucky’s fried chicken, bắp rang (pop corn), corn dog, corn flakes, corn bread, Sweet Corn và hầu hết các loại “Chips” giống bánh tráng và bánh phồng của Việt Nam, nhưng được cắt nhỏ cho vào bịt để giữ độ giòn, như Chili & Cheese Corn chips, Garlic & Vinegar Corn Chips, Barbecue Corn Chips, Tostitos chips, …cùng thực phẩm dành cho gia súc: mèo, chó, gà, chim, cá….và điểm đặc biệt nhất là hầu hết những người sống trên đất Mỹ đều sử dụng dầu bắp (corn oil) hiệu Butcher Boy (cholesterol free), để tránh bịnh “Phì”.
Ở Việt Nam, bắp được chế biến ra nhiều thứ thức ăn, như xôi bắp (bắp hột nấu với nếp trộn đậu xanh nhuyễn,  đường cát, hành cháy); bắp hầm (trộn đường, muối mè, cơm dừa nạo chỉ, giò lụa hoặc thịt chà bông); bắp trộn trứng gà chiên dòn; bột bắp áo gà chiên dòn(corn flour for fried chicken); bắp non nấu súp, bắp non xào gà…. Cũng từ trái bắp, người ta chế biến món bắp hột chiên giòn (bắp non lẩy hạt rồi hấp cho chín để giữ vị ngọt, xong cho bắp đã hấp vào chảo dầu đang sôi, chiên vàng, vớt ra, nêm nếm gia vị và hành phi). Món bắp này vừa giòn, vừa béo, rất hợp khẩu vị đối với nhiều người, nhất là “dân nhậu” miền quê. hoặc biến chế món chả bắp (bắp non, bào mỏng, giã nhuyễn, nêm nếm gia vị (chút muối, chút đường, chút tiêu, với hành lá xắt nhuyễn, thêm quả trứng gà, trộn đều, nắn thành hình cài đĩa nhỏ bề dày chừng một phân, cho vào chảo, chiên vàng hai mặt, để nguội xắt hình thoi, những miếng chả này làm món khai vị rất tuyệt. Chè bắp thì nấu đơn giản hơn, bắp non, vừa ngậm sữa, bào mỏng, dùng cùi bắp nấu lấy nước ngọt, lược sạch rồi lại đun sôi... cho bắp đã bào mỏng vào, khuấy đều tránh bị khê, khi bắp đã chín ta cho đường và chút bột bắp vào để chè được sánh... Chè bắp ăn nóng hay ăn lạnh, với nước cốt dừa, đều ngon.
Bắp, có thời là món ăn chánh của dân chúng miền Cao Nguyên trung phần và giữ vai trò quan trọng trong việc biến chế thức ăn cho gia súc.

Bắp được trồng nhiều nhất ở vùng “đất đỏ Bazan” ở Bình Long, Long Khánh , Bà Rịa …và vùng Cao Nguyên, dọc theo các triền núi và thung lũng Ea Po, Đăkrong, Đăk Wil(Kontum)…, chung quanh phố thị cho đến bản làng xa xôi… Vào mùa bắp, có dịp đi trên các quốc lộ 13 vùng Bến Cát (Trị Tâm-Tây Ninh) hoặc quốc lộ 14(Ban Mê Thuột – Nha Trang) ta sẽ nhìn thấy một màu xanh phơn phớt, mượt mà của những cánh đồng trồng bắp. Bắp có nhiều giống nhưng chỉ được phân ra làm hai loại: Bắp ăn trái (loại bắp mềm) và bắp công nghệ (là giống bắp cứng, bắp đá). Bắp được dùng vào việc biến chế thức ăn cho người và cho gia súc. Và cách đây hơn hai thập niên, nước Mỹ phát hiện trong cây bắp có chất ETHANOL, chất nầy có thể biến chế thành nhiên liệu để dùng trong kỹ nghệ máy nổ và cũng từ đó, người Mỹ đưa ra phương châm ‘‘Food for Today, Fuel for Tomorrow” (bắp dùng làm thức ăn cho hôm nay, làm nhiên liệu cho ngày mai)

Mỹ đang khuyến khích nông dân Mỹ gia tăng trồng bắp. Những năm trước đây tiểu bang Indiana dẫn đầu về trồng bắp, nhưng năm 2007 vừa qua, thành phố Mc Lean thuộc tiểu bang Illinois đã dẫn đầu về việc sản xuất bắp trong toàn nước Mỹ, đạt 77 triệu thùng (loại 36 lít) trên tổng số 2,3 tỷ thùng trong toàn quốc. Mỹ cũng đang đặt kế hoạch, đến năm 2010, sẽ thay thế 10% xăng dầu sử dụng tại Mỹ bằng chất Ethanol và đến 2012 sẽ đạt 30%. Năm 2006 Mỹ sản xuất đến 6 tỉ gallon Ethanol. Viết đến đây, tôi lại nhớ đến quyển sách “A Step To Energy Independence” (Một bước tới độc lập năng lượng) của Tiến sĩ Pearce Lyons, chủ tịch Công Ty Alltech (một công ty sinh học hàng đầu thế giới, thành lập năm 1980) đã dự báo khả năng thay thế nhiên liệu xăng dầu bằng chất Ethanol lấy ra từ trái bắp và cụm từ “Ruộng bắp là giếng dầu” ra đời từ đó. Thời điểm 1980 giá mỗi thùng dầu chỉ 10 đô la, mà đến 28 năm sau, giá một thùng dầu thô đã có lúc lên đến 144 đô la (thời điểm 3-7-2008) và đến nay đa hạ xuống khoảng 100 đô la (thời điểm 12-9-2008), và tin trong tạp chí Ethanol Producer, khoảng đầu năm 2006 đã có 100 nhà máy sản xuất chất Ethanol ở Bắc Mỹ được thành lập và đưa vào hoạt động. Hiên nay nhiên liệu hổn hợp 85% Ethanol và 15% xăng nguyên chất được bày bán tại 727 cây xăng tại vùng Trung Tây Hoa Kỳ dưới dạng nhiên liệu E85 (E85 fuel)
 Riêng tại Việt Nam, loại xăng pha cồn E5, gọi là xăng sinh học, được bán thử nghiệm tại Hà Nội từ ngày 15/9/2008, với giá 16.500 đồng một lít, tức rẻ hơn 500 đồng, so với xăng A92 thông thường,  Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) cho biết xăng pha cồn sinh học E5 có hàm lượng ethanol quy định là 5% và cũng cho biết rõ Ethanol là nhiên liệu dạng cồn, được sản xuất bằng phương pháp lên men và chưng cất các nguyên liệu như mía hay sắn… Nông dân miền Bắc Việt Nam đang được khuyến khích trồng mía và sắn (khoai mì) để cung cấp cho một cơ sở sản xuất nhiên liệu sinh học tại tỉnh Phú Thọ. Công ty PV Oil sẽ đẩy mạnh phát triễn kinh doanh xăng E5 tại Saigon , Hải Phòng và Cần Thơ vào tháng 10-2008. Hiện nay, Việt Nam 

xuất cảng  300.000 thùng dầu thô mỗi ngày, nhưng nhiên liệu tiêu dùng trong nước hoàn toàn lệ thuộc vào nguồn xăng nhập cảng.

Trong hơn mười năm hướng dẫn đội bóng đá người  Việt tại thành phố Chicago (Illinois) đi tranh giải ở các tiểu bang Iowa, Michigan, Indiana (USA) và Toronto (Canada)….,tôi có dịp nhìn thấy những cánh đồng bắp một màu xanh mướt, trồng hai bên các trục lộ xuyên bang, những cánh đồng bắp bạt ngàn tiếp giáp với những cánh đồng trồng đậu nành….một nguồn tài nguyên vô cùng phong phú. Ở Mỹ, mùa thu hoạch bắp thường vào khoảng thời gian từ tháng Bảy đến cuối tháng Mười, các trang trại trồng bắp rất rộn rịp, một mặt lo thu hoạch, mặt khác, lo tiếp đón khách hàng tìm thú vui dã ngoại và học sinh do các trường tổ chức đến tham quan, nghiên cứu về nông nghiệp trong những chuyến du khảo.…
Từ trên không nhìn xuống ta thấy mỗi trang trại có một khu trồng bắp đặc biệt, được thiết kế rất công phu theo hình dạng con gà trống khổng lồ, dạng chiếc tàu của cướp biển, hoặc dạng con khủng long, hoặc dạng một người Mỹ(Uncle Sam) với nhiều lối đi ngoằn ngoèo, rắc rối, giống hình Bát Quái Trận Đồ trong binh pháp xa xưa, dành cho du khách và học sinh đến vui chơi và học hỏi; lối đi vào vườn bắp “ngoằn ngoèo” thật dễ dàng, nhưng càng đi sâu vào càng gặp nhiều ngõ cụt…. và khó tìm lối ra… Người Mỹ gọi trò chơi nầy là CORNFIELD MAZES hoặc CORN MAZES (Đường rắc rối trong vườn bắp). Hiện nay, nước Mỹ có trên 600 khu vườn bắp giải trí loại nầy, do công ty The MAiZE thiết kế, mà người cha đẻ ra trò chơi nầy là ông  Don Frantz trú sở tại trang trại Annville tiểu bang Pennsylvania, ông phát động mô hình giải trí nầy tại Mỹ vào năm 1993. Nhưng trò chơi tương tự nầy, European hedge mazes (dùng hàng rào phân cách lối đi thay vì dùng những luống bắp) đã có tại Âu Châu từ lâu và được đưa vào phim “Field Of Dreams” vào năm 1989. Người Mỹ rất quan tâm đến loại trang trại nầy vì đó là mô hình giải trí dã ngoại đem lại sự thoải mái cho nhiều người và cũng là địa điểm giáo dục về nông nghiệp dành cho học sinh trong những chuyến du khảo (field trips).
 Hương vị của bắp: Khi ăn bắp luộc, ta nghe hương vị ngọt thanh, deo dẻo… người dân lao động Việt nam thích ăn một trái bắp vào buổi sáng, vừa rẻ tiền vừa no, vừa giản dị….
Bắp vừa khô râu được coi là đã chín tới, trái no tròn. Khi luộc người ta để nguyên bao vỏ, dựng trái bắp đứng lên, nắp nồi phải thật kín. Bắp luộc phải vừa chín tới, hạt no mọng, nhưng không được nở quá mức, ăn nóng có vị ngọt thanh...
Bắp nướng thì phải dùng lửa than. Nếu không có than thì ta cứ nướng với ngọn lửa già. Khi nướng người ta lột bớt lớp vỏ bao ngoài chỉ để lại ba bốn lớp lụa là vừa. Khi nướng cháy lớp lá đó, bắp bên trong cũng đã chín đến tám mươi phần trăm rồi. Người ta lột bỏ lớp lá này, rồi nướng sơ lại cho hạt bắp vàng đều và tỏa mùi thơm... Người thích ăn béo thì thêm chút bơ hoặc mỡ hành phi.
Ở Việt Nam, thường,vào cuối tháng 5, người nông dân bắt đầu trỉa bắp, đến một trăm ngày sau thì thu hoạch. Hiện nay, tại những vùng ruộng cao, thiếu nước, người nông dân áp dụng xen canh, một mùa lúa một mùa bắp thay vì trồng hai mùa lúa như trước đây. Trái bắp vừa chín tới được bẻ xuống, luộc, nướng, hoặc làm bất cứ thức ăn gì đều ngọt ngon cả, bắp để càng lâu hoặc chuyên chở đi càng xa, chất ngon ngọt bị giãm dần…nên người sành điệu ăn bắp nói “ bắp chở qua sông đã bớt ngon ngọt rồi”
Nước Mỹ trồng bắp nhiều nhất thế giới. chiếm 36% toàn cầu.  Bắp, ngoài việc biến chế thức ăn cho người và gia súc, nước Mỹ đang có kế hoạch biến chất ethanol trong bắp thành nhiên liệu để tránh áp lực giá dầu của các nước vùng Trung Đông càng ngày càng gia tăng…
Ở Mỹ có rất nhiều loại bắp, trái rất to, loại bắp hạt trắng (Silver Queen corn), loại hạt vàng ( Buttter & Sugar Corn), loại hạt nâu, tím, hoặc xám, vàng, đen lẫn lộn gọi là bắp Ấn Độ (India corn)…. Nhiều loại bắp hạt vàng, hạt trắng, hạt đỏ được bày bán trong  các chợ Mỹ như bắp Ruby Queen, bắp “Gotta Have it” , bắp “Peaches & Cream”, bắp “Quickie”, bắp “Seneca Dancer”, bắp “Sugar Dots”, bắp “Delectable”, bắp  “Indian Ornamental”, riêng tiếu bang Maryland có những giống bắp Treasure, Silverado, Even sweeter,  SS7801,  Fancasia, Starshine, Silver Queen, Snow Bell, Snow White…còn rất nhiều giống bắp…  nhưng người ta chỉ thích loại bắp trắng loại Silver Queen.
       Thỉnh thoảng, tôi cũng mua loại bắp nầy, đem về luộc ăn… bắp cũng ngon…nhưng so với bắp nếp Tân Triều (Biên Hòa) thì loại bắp nầy hãy còn thua xa, không ngọt bằng bắp Tân Triều mà cùi bắp thì cứng quá, không như bắp Tân Triều, sau khi cạp hết hột rồi, bạn có thể nhai luôn cùi bắp, cùi bắp mềm và chất ngọt thanh còn đọng trong đó.
Nói về cây bắp: Người ta phát hiện cây bắp được trồng ở vùng Trung Mỹ trên 7.000 năm với cái tên Zea Mais. Cây bắp họ cỏ nên rất dễ dàng nuôi súc vật, riêng ở Mỹ, người trồng bắp đầu tiên được ghi nhận Joseph Hagan người Ái Nhĩ Lan đến Mỹ lập nghiệp vào năm 1856 cùng bà vợ là Margaret lập rẩy bắp tại Bloombury (?). Tùy giống bắp mà thời vu dài hay ngắn, 72 ngày đến 100 ngày. Giống bắp Silver Queen chỉ cần 92 ngày, mỗi trái bắp dài trên hai tấc, có từ 14 đến 16 hàng hạt, mỗi hàng hạt có từ 28  đến 35 hạt, màu trắng, mềm, thơm khi luộc chín, rất được nhiều người ưa chuông. Đến nay loại bắp nầy không còn chiếm giữ  chức vị “ Nữ Hoàng” nữa, đã nhường cho các giống bắp khác, và có nơi “Silver Queen” gần như tuyệt giống; cụm từ ‘Silver Queen” chỉ còn dùng trong quảng cáo cho một giống bắp tương tự khác, đó là giống Argent & White Magic. Hiện tại, có nhiều nơi trồng bắp trong nhà kính để kịp thu hoạch, đáp ứng nhu cầu bán du khách vui chơi ngày lễ Độc Lập (4 tháng 7) của Mỹ. Dĩ nhiên, giá phải đắt, một trái bắp nướng thoa bơ lên đến mấy đô la trong khu vực chờ xem bắn pháo bông, mừng ngày lễ…
Mỹ có rất nhiều giống bắp, nhưng không có giống bắp nào hạt to bằng giống bắp trắng (white corn) của Mễ Tây Cơ (Mexico), hạt bắp to gắp đôi hạt bắp Silver Queen của Mỹ và không có loại bắp nào ăn vừa ngon, vừa ngọt, vừa thơm bằng bắp Tân Triều, Biên Hòa, Đồng Nai, Việt Nam. 


       Trời sinh khí hậu từng miền
Đất sinh bản sắc cho riêng từng vùng
       Biên Hòa bưởi ổi thơm ngon
Trầu bai nổi tiếng vừa thơm vừa giòn
       Tân Triều bắp nếp dẻo ngon
Lửa than nướng chín, mỡ hành “hết chê”
       Trầu bai các bà lão mê
Bưởi ổi đải khách thuộc về quí ông
       Gái Tân Triều thuở chưa chồng
Bắp nghi ngút khói… má hồng ửng duyên.
                             TN


Xã Tân Triều thuộc quận Công Thanh (bây giờ là huyện Vĩnh Cửu) thuộc tỉnh Biên Hòa (nay là tỉnh Đồng Nai) là một vùng đất đặc biệt, phù sa màu mỡ, ưu đải cho những nông dân sanh sống tại đây, trồng loại cây trái nào cũng được tươi tốt và ngon nổi tiếng, bưởi ổi Tân Triều, trầu bai Tân Triều, bắp nếp Tân Triều và thuốc lá Tân Huệ(thuộc làng Tân Triều ?). Trước đây, khi có dịp đến viếng vùng đất nầy, người ta vẫn thường nghe những câu thơ đối đáp
      
              Anh người xứ sở Biên Hoà
       Đố anh biết bưởi thanh trà đâu ngon?
              Thuốc đâu đắm khói mê hồn?
       …
Hoặc…
              Bắp non mà nướng lửa lò
       Tân Triều giựt giải chẳng thua nơi nào

Bài thơ trên rất dài và có cả bài thơ đáp, đăng trong tờ Biên Hùng Nguyệt Báo khoảng thập niên năm mươi, do ông Lý Quí Phát (thân phụ của cố dân biểu Lý Quí Chung) đang giữ chức Quận Trưởng Quận Châu Thành Biên Hòa, làm chủ nhiệm kiêm chủ bút với sự cộng tác của các nhà văn, nhà thơ Lương Văn Lựu, Lý Văn Sâm, Hoàng Anh Tài, Vĩnh Ân, Hoàng Trọng Miên…
Giống trầu bai, màu không xanh bằng trầu của mười tám thôn vườn trầu ở Hốc Môn- Bà Diểm, nhưng rất thơm ngon, được nhiều người ưa chuộng, nhưng loại trầu nầy đã tuyệt giống từ sau khi Tỉnh Biên Hòa bị trận bão lụt năm Thìn 1952 và cũng sau đó, giống bưởi ổi Tân Triều phát lên và nổi tiếng…Tân Triều còn một thứ nổi tiếng nữa, đó là giống bắp nếp, ngon ngọt hơn nhiều loại bắp trong vùng.
Hồi tôi còn nhỏ, khoảng 7 tuổi, tôi thường đón mua bắp Tân triều vào những buổi sáng sớm, tôi biết thưởng thức bắp Tân Triều từ độ ấy, từng trái bắp còn nóng hổi, thơm và ngon ngọt làm sao. Tôi đâu có nhiều tiền mà mua hai hoặc ba trái một lúc. Chỉ mua một trái thôi, tôi cạp hết hột rồi, tôi mút cái cùi bắp đến hết nước ngọt rồi mà vẫn chưa muốn ném bỏ và đôi khi nhai luôn cái cùi bắp nữa.
Người dân Tân Triều thường trồng bắp nếp, để luộc bán bắp trái, chứ không trồng nhiều loại như vùng Long Khánh… nhưng việc bán bắp trái của làng Tân Triều,có phương thức riêng, người nông dân không gặt hái một lượt, mà chỉ hái vừa đủ bán trong ngày, lựa những trái bắp vừa chín tới, thường, bắp được hái vào cuối chiều, chặt bớt cùi, tét bỏ bớt một hai lá già rồi cho vào nồi, đến  khoảng hai hoặc ba giờ khuya thì thức dậy nấu cho đến gần sáng sớm thì vớt ra, cho vào túi nylon cột kín lại và chở thẳng xuống chợ Biên Hòa bán. Bắp chở đến chợ hãy còn nóng. Mua trái bắp nóng, lột ra còn tỏa khói, vừa ăn, vừa cảm thấy thích thú, khoái khẩu làm sao, vừa ngon ngọt vừa thơm. Hồi còn nhỏ tôi thích ăn theo lối tiết kiệm, lảy hột, ăn từ từ, không ăn vội vì sợ mau hết…. Nhắc đến bắp Tân Triều tôi còn thèm, ước muốn có được vài trái ăn ngay…

       Tân Triều bắp nếp ngọt đường mía lau
       Cuối vườn có những hàng cau
       Trầu bai nổi tiếng duyên trao mặn nồng
       Xin mời khách tự viễn phương
       Ghé qua thưởng thức làn hương Tân Triều
                                                  TN

Tôi chỉ biết bắp Tân Triều là bắp ngon nhất trong tỉnh Biên Hòa, không dám so sánh với bắp của các nơi khác ở Việt nam, biết đâu ở nơi nào đó có một loại bắp ngon hơn thì sao ?

Bắp nguồn nông sản chính, đang giữ vai trò quan trọng trên thế giới trong việc biến chế thức ăn cho con người và gia súc. Về mặt y học, người ta khuyến khích nên thường xuyên ăn bắp vì trong bắp có nhiều chất xơ (fiber), giúp điều chỉnh lượng mỡ trong máu, ngừa các chứng bịnh tim mạch, (áp huyết cao và xơ vữa động mạch), ngoài ra râu bắp (nấu uống) còn là vị thuốc quan trọng trong dân gian nhằm tăng bài tiết mật, làm tăng lượng nước tiểu trong các bịnh viêm túi mật, hoặc bịnh phù thủng trong các bịnh về tim thận. Nay, người ta còn phát hiên bắp còn là nguồn năng lượng đáng kể. Thật sự, không ai ngờ trong giai đoạn xăng dầu khan hiếm, bắp còn hữu dụng trong lãnh vực kỹ nghệ, và dĩ nhiên giá trị của cây bắp được gia tăng, vì trong bắp có chất Ethanol. Nhiều nước nửa mừng vì có thêm được nguồn năng lượng từ bắp để có thể tránh bớt phần nào áp lực giá xăng dầu từ các nước vùng Trung Đông càng ngày càng tăng ….nửa lo cho viễn ảnh thế giới thiếu hụt lương thực cho người và súc vật….vì nước Mỹ trong tương lai sẽ phải sử dụng đến 52% tổng sản lượng bắp hằng năm, khoảng 250 triệu tấn cho việc biến chế nhiên liệu từ bắp. Công nghiệp sản xuất ethanol của Mỹ đã tác động ít nhiều tới Việt Nam thời gian gần đây, bởi vì các nhà máy chế biến thức ăn gia súc của Việt Nam nhập cảng đến 80% bắp từ Mỹ và Argentine.
Nông dân Việt Nam cũng đang được khuyến khích trồng bắp nhưng thực tế nông dân Việt Nam không có đất để trồng vì toàn bộ đất từ Càu Mau đến ranh giới mới còn cách Ải Nam Quan của Việt Nam(nay đã thuộc Trung Quốc) khoảng chừng 3 cây số, đều do Nhà Nước Việt Nam quản lý. Nhiều nông dân muốn có nhiều đất để trồng bắp giúp đất nước đi lên cũng đành bó tay. Tình trạng nầy, giá bắp ở Việt Nam cũng sẽ gia tăng. Năm 2005, giá một ký lô bắp chỉ từ 1.400 đến 1.500 đồng VN, năm nay (2008) giá tăng từ 4.000 đến 5.000 đồng/ký.
Khi thèm ăn bắp nếp Tân Triều tôi viết bài bắp nầy coi như cách ăn bắp hàm thụ cho đỡ thèm… không ngờ càng viết về bắp….tôi lại càng nhớ về Biên Hòa và nỗi thèm bắp nếp Tân triều càng tăng….

                                           Nguyễn Kim Lộc
                                             (29-9-2008) 

XUÂN VỀ TẾT ĐẾN ÔNG ĐỒ MÚA MAY

                                    Tưởng ông đồ biệt ngàn năm
                                    Nào ngờ… khi gió chớm xuân lại về
Nghiên son - phố thị - vỉa hè
Bút lông lại múa những lời vàng son.
                                    Thế nhân

Hằng năm, cứ vào khoảng rằm tháng Chạp Âm Lịch, người ta thường ghi nhận bầu không khí chuẩn bị cho những ngày Tết Việt Nam bắt đầu rộn rịp. Hầu như mọi người đều ý thức ngày truyền thống văn hoá nầy, ngày cả nhà đoàn tụ, hoan hỷ đón mừng xuân mới trong sự quan tâm đùm bọc lẫn nhau và nhớ về cội nguồn, nên mọi người đều vui vẻ lo phần việc của mình, phái nam lo dọn dẹp sạch sẽ trong nhà ngoài ngõ, quét vôi tường, sơn cửa, đánh bóng lư đồng, trưng bày bàn thờ  tổ tiên, tìm mua một cành mai hay một cành đào… còn phái nữ  thì lo việc bếp núc chuẩn bị các thức ăn để cúng gia tiên, cửu huyền thất tổ và bày tiệc mừng Xuân…. Tết là ngày lễ lớn nhất trong năm, mang ý nghĩa truyền thống văn hoá đặc thù của dân tộc Việt Nam.
Báo chí điện tử trong nước mô tả sinh hoạt chợ Tết tăng dần từng ngày, các gian hàng quần áo, trái cây đủ loại…đến ngày 23 Âm Lịch đã có nhiều gian hàng bán bánh mứt đủ loại thèo lèo cứt chuột; hàng vàng mã, giấy tiền vàng bạc, cờ bay ngựa chạy, được bày bán để  phục vụ cho ngày tiễn đưa Ông Táo về Trời, trình tấu Ngọc Hoàng mọi việc vui buồn, ấm lạnh ở trần gian… kế đến là một chuỗi ngày Giỗ Tổ tuỳ theo ngành nghề mà tổ chức vào những ngày khác nhau trong những ngày cuối năm. Nhiều gian hàng trái cây đủ loại, bưởi, cam, quít, ổi, mãng cầu…, chợ dưa hấu, chợ bánh mứt bắt đầu được dựng lên và sau cùng là các chợ kiểng hoa.
Chợ búa càng lúc càng náo nhiệt, người đi mua sắm đồ Tết càng lúc càng đông, nhất là ba ngày cuối năm, có chợ đêm… khoảng thời gian nầy, các ông đồ lại có dịp xuất hiện, ngồi trên các vỉa hè, viết chữ, bán hoa tay, nét bút…
Còn ở đây, thành phố Chicago nổi tiếng là “Thành Phố Gió”, nơi gia đình tôi đến định cư trên mười lăm năm, vẫn một vẻ im lìm, vẫn như mọi ngày, không có một nét gì khơi gợi cảnh Xuân và Tết, ngoại trừ một số ít cửa hàng Á Đông tại khu chợ Argyle, có bày bán các mặt hàng dành cho người Việt và người Hoa, mua về sử dụng trong ba ngày Tết; một số tập san Ngày Mới, Hôm Nay, Chicago Việt Báo, Diễn Đàn Chiacago, Người Việt Illinois… trình bày những bức tranh dân gian và những bài viết liên quan đến Xuân và Tết Việt Nam, cùng kèm theo những lời Chúc Mừng Năm Mới của các nhà doanh thương và một số thông báo họp mặt của các hội đoàn về  tiệc “Tất Niên” hoặc “Tân Niên”.
Vào thời điểm nầy, đất trời Chicago chưa thấy có một chút màu xanh tươi nào cả, những hàng cây vẫn trơ cành, mặc cho tuyết phủ, không gian một màu trắng xoá, hoa tuyết phất phơ bay trong gió lạnh,  nhưng người Việt Nam sinh sống tại đây vẫn không quên Tết truyền thống ….nên hối hả đi mua những thứ cần thiết dành cho những ngày đầu Xuân trong ý hướng nhắc cho con cháu nhớ về cội nguồn và tập tục Tết Việt Nam.
Cộng Đồng Người Việt tại Chicago thường niên vẫn tổ chức Hội Chợ Mừng Xuân trong những phòng ốc rộng rãi, có đủ thứ trò chơi giải trí:  bầu cua cá cọp, tranh giải cờ tướng…. và các gian hàng bày bán các thức ăn thuần tuý Việt Nam, bánh chưng, bánh tét, chả giò, giò lụa ….có Lân múa mừng Xuân đón Tết và thường có mời rất đông quan khách, có cả thị trưởng địa phương tham dự.
Hầu hết người Việt cư ngụ tại thành phố Chiacago và các vùng phụ cận đều tham gia đông đảo, để nhân cơ hội nầy, trao nhau những lời cầu chúc “Hạnh Phúc và Trường Thọ”, nhất là các vị cao niên sẵn sàng giải thích cho các em cháu nghe  về truyền thống Tết Việt Nam và cũng sẵn sàng giải đáp những điều các em cháu thắc mắc về tập tục Việt Nam, về sử Việt Nam, về ca dao, tục ngữ , về cây mai cành đào, về ông đồ ngồi trên vỉa hè viết chữ, bán hoa tay…
Năm nay, phần tôi đóng góp, tôi xin giới thiệu hai bài thơ tả về ông đồ: bài thơ “Bóng Ông Đồ” của thi sĩ Vũ Đinh Liên, khai bút vào mùa xuân Nhâm Tuất (1982) đăng trên báo Người Lao Động số ra ngày 29-1-2006, mà báo nầy ca ngợi “Bài thơ Bóng Ông Đồ, xem như là Ông Đồ 2 - một sự tiếp nối hoàn hảo - mà nhà thơ đã âm thầm như một con tằm nhả tơ trong những năm tháng cuối của cuộc đời” và bài thơ “Ông Đồ Già” của nhà thơ Thế Nhân viết vào năm 1983.

Bóng Ông Đồ

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bút nghiên và giấy đỏ
Ngồi đúng chỗ ngồi xưa.

Ôi ! Cái nghiệp nghiên bút
Tô điểm cho cuộc đời
Người chết nghiệp không chết
Nợ tiền kiếp luân hồi.

Trải trăm ngàn dâu bể
Giấy mực màu không thay
Chữ Nhân và chữ Nghĩa
Vẫn những nét thẳng ngay.

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Khăn áo bạc màu dưa
Nhắc cho người qua thấy
Lẽ Nhân đạo, Thiên cơ.

Cách Mạng là nhân nghĩa
Ông Đồ là thi thư
Chữ tuôn dòng Thiện Mỹ
Từ ngón tay ông Đồ.

Xuyên qua bài thơ trên, ta thấy Vũ Đình Liên muốn cho “Ông Đồ” của ông sống lại, qua bài viết “Bóng Ông Đồ”. Ông tưởng tượng Ông Đồ của ông, xuất hiện trên đất Bắc vào năm 1936, đã chết theo thời Nho Học lụi tàn, nay hiện về, ngồi đúng chỗ ngày xưa, theo chu kỳ mỗi năm khi hoa đào nở, cùng bút nghiên, giấy đỏ, thi thố hoa tay…nhưng chỉ là chiếc “Bóng”, chỉ riêng tác giả thấy mà thôi.

      Mỗi Năm hoa đào nở
      Lại thấy ông đồ già
      Bút nghiên và giấy đỏ
      Ngồi đúng chỗ ngày xưa.

 “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên ngày xưa là một bài thơ bất hủ, một hình ảnh đẹp, cần được ông cho hiện về, tiếp tục cái nghiệp bút nghiên
      Người chết nghiệp không chết
Nợ tiền kiếp luân hồi

Nhưng rồi, nhờ bùa phép Cách Mạng, ông đồ được hóa thân, nhắc nhở cho mọi người thấy:

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Khăn áo bạc màu dưa
Nhắc cho người qua thấy
Lẽ Nhân đạo, Thiên cơ

Vũ Đình Liên cũng xác nhận ‘nghiệp nghiên bút” tô đẹp cho cuộc đời, tạo cho cuộc sống thêm ý nghĩa với chữ NHÂN và chữ NGHĨA lúc nào cũng giữ được nét thẳng ngay cùng lẽ NHÂN ĐẠO và THIÊN CƠ…nhưng có một điều làm cho nhiều người ngạc nhiên khi so sánh bài thơ “Bóng Ông Đồ”và bài thơ “Ông Đồ” của họ Vũ. Bài thơ “Ông Đồ” Vũ Đình Liên viết năm 1936, với tâm hồn khoáng đạt, vô tư, phục vụ cho nhân bản, còn bài thơ “Bóng Ông Đồ” viết vào năm 1982, mang ý nghĩa lệ thuộc vào Cách Mạng

     Cách Mạng là nhân nghĩa
Ông đồ là thi thư
Chữ tuôn dòng Thiện Mỹ
Từ ngón tay ông đồ

Sau khi bài thơ “Bóng Ông Đồ” ra đời năm 1982, có nhiều người chê ngòi bút của Vũ Đình Liên đã bị uốn cong đi phần nào và một số người khác từng thương mến bài “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên, tỏ ra hối tiếc và than rằng: “ Phải chi Vũ Đình Liên đừng viết bài thơ “Bóng Ông Đồ”; trong khi đó, có một số người khác bênh vực, cho rằng Vũ Đình Liên ở trong tư thế chẳng đặng đừng “Ăn cây nào rào cây ấy mà thôi”. Người viết thì cứ viết, cứ bày tỏ lòng mình lên trang giấy, còn việc phê phán là chuyện của người đời, cứ để người đời tự nhiên phê phán thôi…

Sau đây, tôi lại mời quí vị đọc bài thơ “Ông Đồ Già” của Thế Nhân, tả một ông đồ thật sự, ông đồ bằng xương bằng thịt (không phải là cái bóng), ông đồ có tên hẳn hoi, người đời thường gọi ông là Lý Tiên Sinh, ngụ tại hẽm Cây Me (hẽm 163 đường Hàm Nghi, nay là đường Cách Mạng Tháng Tám-Biên Hòa). Khoảng thập niên 80, Thế Nhân tình cờ gặp lại Lý Tiên Sinh vào những ngày cuối Đông, ông bày mực Tàu giấy đỏ trên lề đường, phía trước căn nhà số 14 B Phan Chu Trinh Biên Hòa và đang cắm cúi viết những câu liễn và vẽ những bức tranh…

Ông Đồ Già

            kính tặng Lý Tiên Sinh(Biên Hoà)

Năm nay đào lại nở,
Ông đồ lại ngồi đây…
Lý Tiên Sinh có phải?
Hình dáng có đổi thay!

Sau mấy năm cải tạo,
Nét bút vẫn như xưa.
Chấm phá đầy cương-quyết,
Ý-chí hãy còn thừa…

Nhũ vàng trên giấy đỏ:
Phúc tràn đầy biển đông,
Lộc cao, thêm cao mãi,
Thọ ngất trời Nam-Sơn.

Nầy, “dưỡng sơn sinh hải”
Nọ, “hòa khí xuân phong”
Ơn nghĩa kia sâu thẳm,
Gia thế ngát hương lòng.

Khuôn " Thiên Quan Tứ Phúc",
Bảng "Định Phúc Táo Quân",
Sao mà trang nghiêm thế !
Sức sống truyền ngàn năm.

Viết trên hai mươi năm.
Bán chữ vào độ xuân,
Vẽ thêm tranh tùng-hạc,
Lưỡng long, hổ, điểu, cầm...

Nét bút còn bay bướm,
Nét vẽ đọng xinh tươi
Tâm hồn đầy sảng khoái
Ở tuổi ngoài tám mươi.

                        Thế Nhân
                          (1983)

Qua bài thơ “Ông Đồ Già” trên đây, ta thấy nhà thơ Thế Nhân diễn tả được hoa tay tuyệt diệu của ông đồ Lý Tiên Sinh trong những câu chúc lành bằng chữ Nho (giống chữ Hán hay chữ Tàu ngày nay), với nét bút linh hoạt đầy sức sống, nói lên được nếp văn hóa truyền thống dân tộc, qua những câu
                        Phúc Lộc Thọ Trường
                        Ngũ phúc thọ vi tiên
                        Tứ thời xuân tại thủ
                        ….

Ngoài ra, Lý Tiên Sinh còn là một nhà họa sĩ tài danh, ông vẽ tranh màu nước theo lối thủy mặc. “Đồ nghề” của ông sử dụng, ngoài cây bút lông, nghiên mực, nhũ vàng, dùng để viết chữ, ông có thêm một hộp màu nước và vài miếng cao su cắt từ những  chiếc dép phế thải, làm dụng cụ vẽ. Gian hàng viết chữ nhỏ bé của ông thường có rất đông người bao quanh, xem ông vẽ và viết chữ, tay ông uyển chuyển, linh hoạt như cái máy, nguệch ngoạt, chấm phá thành những bức tranh tuyệt đẹp, mà độ sai lệch giữa hai tấm tranh cùng loại không cách biệt là bao… nhiều người đứng xem đã phải buộc miệng “ thật tuyệt vời”, tài viết chữ cũng như tài vẽ tranh của Lý Tiên Sinh chắc chỉ có một không hai ở Biên Hòa nói riêng và cả miền Nam thời bấy giờ nói chung. Tài nghệ của ông đã đạt đến độ “ bút pháp tung hoành, nhất khí quán hạ”, nét chữ trầm tĩnh, nét bút định hồn. Nhà thơ Thế Nhân rất ngưỡng mộ Lý Tiên Sinh ở tài viết chữ “như phượng múa rồng bay” và tài vẽ tranh thủy mặc điêu luyện với phong cách khoáng đạt dựa vào các đề tài của những bức tranh nổi tiếng, bát cảnh Tiêu Tương  bên Tàu ngày xưa:
Viễn phố qui phàm( chiếc thuyền buồm ở xa về)
Sơn tự hàng chung(tiếng chuông chùa từ trên núi vọng lại)
Bình sa lạc nhạn(đàn chim nhạn bay xuống bãi cát)
Sơn thị tình lam( Chợ chiều ở chân núi)
Ngư thôn tịch chiếu(náng chiều ở xóm chày)
Động đình thu nguyệt(cảnh trăng thu Động Đình Hồ)
Giang biên mộ tuyết( tuyết rơi bên sông lúc chiều xuống)
Tiêu Tương dạ vũ(mưa đêm trên sông Tiêu Tương)
Bộ tranh Tứ Linh (Long, Ly, Qui , Phụng)
Bộ tranh Tứ Nghiệp (Ngư-Tiều-Canh-Mục)
Bộ tranh Tứ Thời (Mai Lan Cúc Trúc)

 Khi nhà thơ Thế Nhân có dịp đi HO qua Mỹ năm 1991, Lý Tiên Sinh cảm kích bài thơ “Ông Đồ Già” nói trên, có viết tặng cho nhà thơ Thế Nhân ba tờ thư họa bằng chữ Nho có đệm hình bát tiên(Hớn Chung Ly, Hà Tiên Cô…..)và hình chim, hoa, bướm:
VẠN SỰ NHƯ Ý, 
HÒA KHÍ SINH TÀI
PHÚC LỘC THỌ (có chua thêm Phúc như Đông Hải, Thọ Tỷ Nam Sơn….)
và bốn bức tranh:
Hợp Nhất Gia (bức tranh mấy con gà),
Tùng Hạc Diên Niên(hai con hạc và mấy cây tùng),
Hoa Điểu Tương Đàm ( hoa và hai con chim)
Anh Hùng Tương Ngộ (Con cọp và chim đại bàng),

Đến nay nhà thơ Thế Nhân vẫn còn giữ kỹ các bức tranh và thư họa có bút tích và triện son của Lý Tiên Sinh đề “ Lý Tiên Sinh thân tặng” nói trên để làm kỷ niệm.
Thế Nhân và Lý Tiên Sinh, tuổi đời có chênh lệch, một trẻ một già, nhưng hai người rất cảm mến nhau, họ thường gặp nhau trao đổi về hội hoạ, thư pháp và văn thơ hoặc luận bàn về “nghệ thuật vị nghệ thuật’ hay “ nghệ thuật vị nhân sinh”  trong tinh thần tương đắc …có thể ví như chuyện Bá Nha với Chung Tử Kỳ. Thế Nhân kính phục tài vẽ tranh và thư pháp của Lý Tiên Sinh, ngược lại Lý Tiên Sinh cảm mến Thế Nhân qua những vần thơ tả thực.
Ngày đầu tiên gặp lại, Thế Nhân ngạc nhiên khi thấy Lý Tiên Sinh có phần gầy hơn trước, hỏi ra mới biết Lý Tiên Sinh bị bắt đi tù cải tạo về tội “phục quốc” và vừa được tha về….  lúc nầy, Lý Tiên Sinh đã ngoài tuổi tám mươi, nhưng Lý Tiên Sinh vẫn còn khỏe mạnh, và có thói quen, thường trầm ngâm bên bầu rượu đế vào những buổi chiều tàn và còn ăn uống rất mạnh… Và cũng từ đó Thế Nhân thường đến vấn an Lý Tiên Sinh, cảm kích tài nghệ viết chữ vẽ tranh cùng tính tình phóng khoáng và cương trực của Lý Tiên Sinh, nên sau cùng Thế Nhân viết bài thơ “Ông Đồ Già” tặng Lý Tiên Sinh, với những lời thực tế…
Năm nay đào lại nở
Ông đồ lại ngồi đây
Lý Tiên Sinh có phải ?
Hình dáng có đổi thay!
Sau mấy năm cải tạo, thân xác của Lý Tiên Sinh có gầy đi, nhưng tinh thần cũng như hoa tay và nét bút của Lý Tiên Sinh vẫn vững vàng, không có chút nào thay đổi…
            Sau mấy năm cải tạo
            Nét bút vẫn như xưa
            Chấm phá đầy cương quyết
            Ý chí hãy còn thừa…
Rồi, Lý Tiên Sinh cứ viết những câu chúc lành với lời hay, ý đẹp… tuôn tràn đậm dòng nhân bản…
            Nhũ vàng trên giấy đỏ
            Phúc tràn đầy biển Đông
Lộc cao thêm cao mãi
            Thọ ngất trời Nam Sơn…

            Nầy “Dưỡng sơn sinh hải”
            Nọ “ Hòa khí xuân phong”
            Ơn nghĩa kia sâu thẳm
Gia thế ngát hương lòng.

Khuôn “Thiên Quan Tứ Phúc
Bảng “ Định Phúc Táo Quân
Sao mà trang nghiêm thế
Sức sống truyền ngàn năm.

Lý Tiên Sinh cho Thế Nhân biết, ông rất đam mê thư pháp chữ Nho và vẽ tranh thuỷ mặc từ thời còn nhỏ, nhưng thực hiện việc làm “ông đồ” bán chữ vẽ tranh chỉ chừng hơn hai mươi năm thôi(khoảng thời gian từ 1963 đến 1983).
           
Viết trên hai mươi năm
Bán chữ vào độ xuân
Vẽ thêm tranh tùng hạc
Lưỡng long ,hổ, điểu, cầm

Nét bút còn bay bướm
Nét vẽ đọng xinh tươi
Tâm hồn đầy sảng khoái
Ở tuổi ngoài tám mươi.

Tôi cảm thấy có duyên và rất thích thú được đọc những bài thơ tả về “ông đồ” của tiền bối Vũ Đình Liên và kẻ hậu sanh Thế Nhân, những bài thơ năm chữ, rất duyên dáng, tả ông đồ trong từng bối cảnh xã hội Việt Nam khác nhau
Bài “Ông Đồ”  Vũ Đình Liên viết năm 1936, một bài thơ bất hủ, tả thân phận “ông đồ” trong thời Nho Học lụi tàn.. với hoài niệm chút hương xưa “những người muôn năm cũ… hồn ở đâu bây giờ”…
Bài “Ông Đồ Nhỏ” của Thế Nhân, viết sau năm 1975, khi dải đất Miền Nam đã thay ngôi đổi chủ, dân chúng lâm vào cảnh khốn khó, không có ai thừa tiền để mua chữ nghĩa vui xuân, nên  văn chương chữ nghĩa rẻ như bèo, đến nỗi “ Những người yêu nét bút, những khách trọng văn thơ, đã đi về thiên cổ, chắc hồn còn ngẩn ngơ”…
Bài “ Bóng Ông Đồ” của Vũ Đình Liên khai bút vào xuân Nhâm Tuất(1982), thời Miền Nam đang tiến dần lên Xã Hội Chủ Nghĩa, với sự tưởng tượng ông đồ hiện về. “Bóng Ông Đồ”, cái Bóng nhưng rất tận tình phục vụ cho Cách Mạng…
Bài “Ông Đồ Già” của Thế Nhân, viết năm 1983, tả về tài nghệ của ông đồ Lý Tiên Sinh, người của chế độ cũ, tham gia tổ chức Phục Quốc và bị bắt cải tạo…mặc dù tuổi tác cao nhưng vẫn giữ được phong độ trong nghệ thuật vẽ tranh, viết liễn và thư hoạ.

So sánh hai bài thơ “Bóng Ông Đồ” và “Ông Đồ Già” trên đây, ta thấy hai thi sĩ đều viết theo thể ngũ ngôn(loại thơ, mỗi câu năm chữ và mỗi đoạn bốn câu), “Bóng Ông Đồ” có năm đoạn, bài “Ông Đồ Già” có bảy đoạn, được viết trong khoảng thời gian gần nhau, 1982-1983, Vũ Đình Liên tả bóng ông đồ, được nhiều người đánh giá, coi như là  “Ông Đồ” 2, nhưng thực tế chỉ là một cái “Bóng”, mà đã là cái bóng thì không phải thật, thì làm sao có thể phục vụ hữu hiệu cho Cách Mạng được, bài thơ mang tính gượng ép…, chỉ là bóng thì làm sao “Ông đồ vẫn ngồi đấy- Khăn áo bạc màu dưa”,  để “ Nhắc cho người qua thấy- Lẽ Nhân đạo- Thiên cơ” hoặc thấy “ Chữ tuôn dòng Thiện Mỹ -Từ ngón tay ông đồ” . Đã là chiếc Bóng hay Bóng Ma, hoặc Bóng Đè… chỉ riêng  tác giả bài “Ông Đồ” thấy mà thôi…. Có một tờ báo(tôi không nhớ tên) đã nhận xét về bài thơ nầy như sau “Thật khó mà tin được rằng bài “Bóng ông đồ” lại là tác phẩm vào lúc cuối đời của họ Vũ . Nhất là trong thời buổi hàng nhái, hàng giả, bằng cấp vàng thau lẫn lộn từ bao nhiêu năm rồi ở quê nhà. Thật lòng không muốn tin rằng cụ Vũ lại có thể “xuất chiêu” theo cái lối kê toa thuốc tễ như thế. Nhưng nếu quả là vậy thì đúng là cụ đã tiên tri mấy mươi năm về trước rồi”

Còn bài “Ông Đồ Già” của Thế Nhân, tác giả không đề cập gì đến chính trị, chỉ thuần tuý tả về thân phận và nghệ thuật thư họa của ông đồ Lý Tiên Sinh. “ Sau mấy năm cải tạo - Nét bút vẫn như xưa - Chấm phá đầy cương quyết - Ý chí hãy còn thừa”, cùng tài nghệ tuyệt vời của ông ấy “Viết trên hai mươi năm - Bán chữ vào độ xuân - Vẽ thêm tranh tùng hạc - Lưỡng long , hổ, điểu. cầm” để rồi đến tuổi quá tám mươi mà “Nét bút còn bay bướm- Nét vẽ đọng xinh tươi- Tâm hồn đầy sảng khoái- Ở tuổi ngoài tám mươi”.

Đã hơn ba phần tư thế kỷ trôi qua, hình ảnh Ông Đồ mỗi năm lại vắng dần, cho đến hôm nay họa hoằn lắm còn được vài “ông đồ” đúng nghĩa với tuổi đời chồng chất, hoặc đã lên hàng thượng thọ, chín mươi hoặc trăm tuổi rồi, các vị nầy không còn khả năng cho nét chữ “phượng múa rồng bay” nữa, nhưng họ rất trang trọng đối với chữ NHO( loại chữ cỗ của Việt Nam), mà họ luôn luôn cho đó là chữ của THÁNH HIỀN và họ rất hãnh diện đã một thời là tín đồ của Tam Giáo (Phât-Lão-Nho ?). Họ luôn tôn trọng nét đẹp trong nề nếp cũ với “ Tam Cương Ngũ Thường” dành cho đấng trượng phu, và “Tam Tùng Tứ Đức” dành cho những người phụ nữ tiết hạnh đoan trang, trong số những người nầy, tôi thấy còn nhà thơ trào phúng Tú Sót (tên thật là Chu Thành), còn giữ được phong cách “ông đồ” , vẫn còn viết chữ, bán hoa tay vào mỗi độ Xuân Về Tết Đến trong khung trời Hà Nội,  mặc dù tay của ông hơi run và  mắt của ông đã kém vào dịp Xuân Bính Tuất (2006).
Ông đồ mỗi ngày mỗi vắng, chữ Nho mỗi ngày ít người biết đọc, nhưng những chữ thông thường như “Phúc Lộc Thọ”, Hợp Nhất Gia”, “Ngũ Phúc Lâm Môn”, “Hòa Khí Sinh Tài”….đã trở thành nề nếp truyền thống trong nền văn hóa Việt Nam. Tôi mong bài viết nầy mang đến cho quí vi một chút ý vị  thâm trầm trong những ngày đầu Xuân Kỷ Sửu -2009.

                                                                    Chicago, ngày 12-12-2008
                                                                              MỘC ĐÌNH NHÂN

*Vũ Đình Liên sanh ngày 12-11-1913  tại Hải Dương mất ngày 18-1-1996 tại Hà Nội. Tác phẩm: Ông Đồ (một bài thơ trường thọ) và những bài thơ Lòng Ta Là Những Thành quách Cũ, Bông Hoa Úa, Ông Lão Hát Xẩm…Bóng Ông Đồ

**Thế Nhân, là bút hiệu của anh Nguyễn Kim Lộc, sanh ngày 21-4-1937 tại Bình Trước Biên Hoà, đang định cư tại Mỹ,  có thơ đăng trên các nguyệt san Hải Ngoại Nhân Văn, Người Việt Illinois, Chicago Việt Báo, Diễn Dàn Chicago, Hôm Nay,  Tuần San Việt Nam Online (Canada) …và nhiều bài viết đăng trên Bản Tin Hội Ái Hữu Biên Hoà và trên nhiều website khác, tác giả bài “Ông Đồ Nhỏ” và bài “Ông Đồ Già”đề cập trên đây.