Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

MỘT CHÚT TÂM TÌNH

MỘT CHÚT TÂM TÌNH

Vào một buổi sáng đẹp trời, cách nay khoảng hơn một năm, tôi hân hạnh nhận được một số quà, gồm  kinh, sách văn thơ, do các người bạn thân của tôi, trong nhóm thi văn đoàn Sông Phố (Biên Hoà) sáng tác hoặc biên soạn, gởi tặng. Những tập sách viết tay, in ronéo trên giấy học trò, rất khiêm nhường, nhưng chứa chan tình cảm, chuyên chở được nội dung các đề mục: khuyến tu, hiếu hạnh, rèn luyện thân thể, diễn tả những chuyến hành hương cứu trợ, thăm viếng nhiều danh lam thắng cảnh, các ngôi  chùa cổ kính ở Việt Nam và việc sưu tầm các phương thuốc hiệu nghiệm từ cỏ cây … phổ biến rộng rãi trong ý hướng giúp người, độ đời. Thật là một việc làm có ý nghĩa.

-Chùm Thơ Ơn Nghĩa Sinh Thành của Lê Văn Chắt
-Trở Về Cõi Sáng của Đỗ Công Trường
-Cứu Trợ Và Tham Quan Buôn Mê Thuột của Vệ Hiệp
-Trở Lại Đường Xưa –Nha Trang 2005 của Vệ Hiệp
-Tập Thơ Người Cao Tuổi của Lê Văn Chắt
-Hành Hương Gia Lai của Vệ Hiệp
-Hành Trình Phương Bắc của Vệ Hiệp
-Hành Hương Thập Tự 2004 của anh Lê Văn Chắt
-Ký Sự Lần Đi 2004 của Vệ Hiệp
-Giác Ngộ Đến Giải Thoát của Vệ Hiệp
-Kinh Sám Hối Tam Nghiệp
-……

Tôi cảm thấy vô cùng thích thú, khi đọc các tập thơ văn và tâm tình của các bạn, nhất là lớp đàn anh đang sống ở quê nhà mà tôi đã từng kính trọng, mến thương…
Những dòng chữ cứ lướt nghiêng trên trang giấy học trò, nét bút tuy có hơi ngượng ngập vì tuỗi đời chồng chất, nhưng lời văn vẫn bóng bẩy, thâm trầm, ý tứ vẫn rạt rào thi vị…
Những tập sách trên cũng cho tôi một số thông tin hữu ích… Có lúc tôi cảm thấy lòng tràn ngập niềm vui, khi thấy bạn bè có dịp hành hương khắp đó đây, thăm viếng nhiều ngôi chùa cổ kính, cùng thưởng ngoạn những danh lam thắng cảnh của đất nước Việt Nam và mừng cho các bạn tôi đã buông xả nghiệp đời, dấn thân vào việc từ bi đạo hạnh, tự tìm con đường giải thoát … hoặc có lúc tôi trầm ngâm suy nghĩ về hai chữ Hiếu Thảo, khi đọc một trích đoạn lá thư của bác Lê Văn Nhơn(1) gửi anh Lê Văn Chắt năm 2004,  tâm sự về ‘ Mùa Vu Lan – Nghĩ Về Mẹ Và Quê Hương’ nơi trang cuối tập  ‘Chùm Thơ Ơn Nghĩa Sinh Thành’ của anh LVC, nói lên tình thương yêu cha mẹ của bác Nhơn, một người gần chín chục tuổi đời, tóc đã trắng màu sương, vẫn còn trĩu lòng biết ơn công đức sinh thành của cha mẹ và nặng tình hoài niệm quê hương cùng nhớ thương thân tộc đang ở Việt Nam…hoặc cũng có lúc tôi dừng lại, ngậm ngùi, khi đọc dòng tin anh Trần Doãn Chấp cựu chánh lục sự toà Thượng Thẩm Sài gòn ngày xưa, đã từ giã cõi đời vào năm 2005, ở tuổi 93 và còn để lại cho bè bạn thân thương nhiều bài thơ Đường giá trị với bút hiệu Kỳ Trung.

Trong nhóm bạn cùng nhau trao dồi việc Đạo và cùng trong nhóm các nhà thơ tài tử nói trên, tôi nhận ra các bạn sau đây:
-Anh Lê Văn Chắt (2), quản lý rạp hát Biên Hùng ngày xưa, nay đã gần ‘bát thập’, sức khoẻ còn dồi dào, trí nhớ còn minh mẫn, người gốc xã Hiệp Hoà, xóm Bình Tự, dáng vẻ hào hoa, tính tình hiền lành, dễ mến, tôi quen biết anh Hai Chắt rất lâu, nhưng mãi về sau nầy, tình thân thiện mới có dịp tăng dần, nhờ trung gian anh Ba Bì Văn Nhung, người bạn vong niên của tôi, đã 86 tuổi đời, gốc người Cù Lao Phố, hiện định cư tại Boston (MA)…, nhớ lần tôi với anh Ba Nhung, đi viếng đám tang thân phụ anh Hai Chắt khoảng năm 1990, ra về giữa đêm mưa tầm tã…
-Anh Đỗ Công Trường thứ nam của bác Đỗ Hữu Quờn, một nhân sĩ Biên Hoà ngày xưa, anh Trường là rể của Bà Sáu Chức, chủ tiệm vàng An Hoà tại khu chợ Biên Hoà, người bạn thời Tiểu Học của tôi, tính tình điềm đạm, vui vẻ, anh đã sớm nhận thức lẽ huyền vi trong ánh đạo vàng và ý thức được cuộc đời là cõi tạm nên đã say sưa nghiên cứu kinh sách và bỏ công sưu tầm những bài thuốc gia truyền hoặc các phương dược thảo trong ý hướng giúp người nghèo khổ…
-Anh Vệ Hiệp, gốc người Quảng Nam, cựu công chức Ty Điền Địa Biên Hoà từ năm 1960, chấp nhận Biên Hoà làm quê hương thứ hai, đất lành chim đậu, lập gia đình tại đây và chọn Xã Hiệp Hoà làm nơi trú quán…
Anh Nguyễn Châu Bửu, cựu viên chức toà Hành Chánh tỉnh Biên Hoà, từng làm Phó Quận trường Dĩ An, em rể của thầy Phùng văn Bé (một viên chức kỳ cựu của toà hành chánh tỉnh Biên Hoà hiện định cư tại Úc Châu), nhà ở gần cổng vào ga xe lửa Biên Hoà, là một người từ tốn và luôn có nụ cười đặc biệt …
Anh Lê Thanh Điển ,p/d Phước Hội, cựu viên chức Ty Kiết Thiết Biên Hoà ngày xưa…, tuổi đời ngoài tám mươi, hiện ngụ tại khu Vườn Điệp, gần Ty Công Chánh Biên Hoà, dường như anh đã gác bỏ ngoài tai mọi sự đời, chú tâm học đạo, anh đã soạn một bộ sách gồm bốn quyển (chép tay, in ronéo )với tựa  ‘Nhặt Lá Bồ Đề’ trình bày về những bước căn bản của Thiền và đã gởi tặng cho 40 người đang tu tập về Pháp môn nầy.

Các bạn nói trên hầu hết đều ở tuổi quá thất thập, tất cả đều có pháp danh và đang đi trên con đường từ bi hỷ xả…  

Lý thú làm sao, ở tuổi về chiều mà còn qui tụ được nhiều bạn thâm giao, để cùng nhau chia sẻ buồn vui và hướng dẫn nhau đi trên con đường tìm chân lý giải thoát. Tôi mừng cho các bạn tôi đã trở thành các phật tử thuần thành, hằng ngày đắm say trong ánh đạo mầu, vui thú trong các chuyến hành hương, viếng thăm các kiểng chùa khắp nơi trên đất nước Việt Nam, có dịp thả hồn phiêu bồng theo cảnh trí thiêng liêng huyền nhiệm và làm chuyện phúc đức, tổ chức cứu trợ những người nghèo trong cơn hoạn nạn, đang gặp thiên tai bão lụt…Nhưng phải thực sự mà nói, qua số kinh sách nói trên tôi nhận thấy các bạn tôi, mỗi người có một nét riêng, anh Đỗ Công Trường pháp danh Thiện Đức hăng say tìm đọc nhiều kinh sách, nghiên cứu, chọn những điều cốt lõi trong kinh pháp, lược giải, cô đọng, đưa vào quyển ‘ Trở Về Cõi Sáng’ để giúp cho những người không có thì giờ đọc nhiều kinh sách, đọc qua quyển ‘Trở Về Cõi Sáng’, có thể giúp họ dễ dàng lãnh hội yếu chỉ của đạo Phật và anh Trường cũng đã chịu khó bỏ ra nhiều thì giờ và công sức, sưu tập những phương thuốc gia truyền có khả năng chữa lành nhiều căn bịnh, phổ biến rộng rãi, giúp mọi người tự chữa trị, khi lâm bịnh, nhất là đối với những người dân ở nông thôn, đang trong hoàn cảnh nghèo khổ, thiếu thầy, thiếu thuốc, giúp cho mọi người hiểu giá trị của các phương dược thảo, có thể dễ dàng tìm được trong vườn, hoặc ngoài ngõ. Ngoài ra, anh Đỗ Công Trường còn làm thơ, mặc dù không chuyên nghiệp, nhưng lời thơ vẫn thắm màu nhân ái và nhiều bài thơ mang sắc thái đặc thù ở vị trí ba chữ cuối của câu thứ tư của mỗi đoạn thơ thất ngôn, tôi mời các bạn thưởng thức qua bài thơ dưới đây.

  MÂY TRẮNG ĐƯỜNG XƯA

Thôi nhé ! Cuộc đời là thế đấy
Mong manh dường thể hạt sương mai
Có chăng sương trắng miền quê ngoại
Vơi bớt nỗi niềm cay đắng cay.

Mây trắng đường xưa chợt nhớ anh
Nhớ lời anh dặn buổi hôm nay
Giữ lòng ngay thẳng, tâm bình chính
Đạo đức vững bền tay trong tay.

Bốn chục năm rồi không làm thơ
Ngày nay anh đã sáu mươi rồi
Tinh thần khương kiện, lòng thanh thản
Anh viết về anh lời đối lời.

Không biết vì sao tôi làm thơ
Nàng thơ xa lánh tự bao giờ
Hôm nay trở lại hồn tôi khuấy
Thôi nhé ! Thôi rồi, tôi biết tôi.
                           Biên Hoà, cuối Thu 2004
                         Thiện Đức Đỗ Công Trường


Anh Lê Văn Chắt, p/d Thiện Ngôn viết rất nhiều cả văn và thơ, qua tập thơ ‘Chùm Thơ Ơn Nghĩa Sinh Thành’ , tập thơ ‘Người Cao Tuổi’, ‘Hành Hương Thập Tự’ …cho tôi thấy được lòng hiếu hạnh của anh đối với song thân của anh và lòng hiếu hạnh của con anh là cháu Ngọc Quí đang định cư tại Marseille (Pháp) đối với cha mẹ (tức anh chị Hai Chắt). Trong tập thơ ‘Ơn Nghĩa Sinh Thành’ được coi là một dòng thơ ba thế hệ, thể hiện nền nếp đạo đức gia đình và truyền thống thương cha quí mẹ của Lê gia…Mời quí đồng hương đọc các bài thơ tiêu biểu sau đây.

                        Thế hệ thứ nhất
             (cư sĩ Lê Thanh Tân,
thân phụ của anh Lê Văn Chắt đã qua đời năm 1990)

Khuyến Tu

Ai muốn nương theo gót Phật Đà
Sầu thành tục sớm bước chân ra
Dò đường giác ngạn lần lần tới
Lấp lối mê tình thoát thoát qua.
Lò gốm tinh thần kìa sẵn đó
Kho tàng vô tướng có kia mà
Sụt sè chi nữa lòng ngơ ngẩn
Chúng Thánh mõi lòng luống đợi ta.
                        Lê Văn Tân
               Thế hệ thứ hai.
            (Thiện Ngôn Lê Văn Chắt)

                        Giỗ Cha

                        Ngày giỗ cha – con, tuổi đã già
                        Nhìn xem di ảnh nhớ cha ta
                        Thọ trên bát tuế - đời như ý
                        Hạnh phúc niềm vui đẹp thế gia
                        Về cõi non bồng – nơi đất tịnh
                        Tây Phương Cực Lạc có đâu xa
                        Hương trầm toả khắp – cha về chứng
                        Chay tịnh lòng con- Nhớ giỗ cha.
                                                 Thiện Ngôn
                       
                        Mừng Thọ Mẹ

                        Tết đến Quí Mùi Mẹ chín lăm
                        Chúng con chúc tho Mẹ trên Trăm
                        Bình an sức khoẻ tinh thần kiện
                        Bách tuế người già tính tháng năm
                        Diễm phúc hân hoan vì có mẹ
                        Cha thì khuất núi, Mẹ đầu râm
                        Chúng con cầu nguyện Như Lai Phật
                        Sức khoẻ là vàng, Mẹ vượt Trăm.
                                                       Thiện Ngôn
                                                          (2003)
Thế hệ thứ ba
(Ngọc Quí, con gái của anh Lê Văn Chắt)
                       
                        Nỗi Nhớ
                       
                        Nơi xứ lạ gởi về bao nỗi nhớ
                        Nỗi nhớ ông bà, nhớ mẹ, nhớ thương cha
                        Nỗi nhớ em , nhớ cháu thật đong đầy
                        Con bật khóc giữa mùa xuân bỡ ngỡ…
                        Nơi xứ xa, mùa Xuân như yên ngủ
                        Nhìn chung quanh, ta chỉ có mình ta
                        Nơi xứ lạ mọi người như tất bật
                        Quên xuân về trên mảnh đất quê xa…
                        ……
                        Con vẫn nhớ Mẹ giờ bên bếp lửa
                        Sửa soạn cơm canh để đón Ông Bà
                        Đêm ba mươi Cha với bàn hương quả
                        Đón giao thừa cầu Phúc Lộc Thọ đa.
                        Nơi xứ xa Mùa Xuân không hiện hữu
                        Nhưng trong con chan chứa nhớ quê nhà
                        Con sẽ về một mùa xuân nào đó ?
                        Trong nụ cười niềm nở của Mẹ Cha.
                        …….
                                                       Ngọc Quí
                                                 (Marseille-1997)

            Và sau đây tôi xin giới thiệu anh Vệ Hiệp pháp danh Thiện Phát, một nhà thơ tài tử (theo lời anh ghi). Anh làm thơ nhiều thể lọai, nhưng thể Song Thất Lục Bát là thể thơ anh thường sử dụng nhất, nên bạn bè  gán cho anh là chuyên gia về thể thơ Song Thất Lục Bát.  Anh Vệ Hiệp ở tuổi quá thất thập cổ lai hy, mà trí não vẫn còn tốt. Đi hành hương bất cứ nơi nào, anh cũng cố gắng nhiếp thu vào trí nhớ những chuyện hay, các cảnh đẹp và những nét đặc thù của từng địa phương… để khi trở về nhà, anh chuyển lại thành thơ. Hiện anh có đến năm tập thơ thể song thất lục bát, diễn tả những chuyến hành hương các tỉnh miền Bắc, các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long, các tỉnh miền Trung và cả vùng rừng núi Cao Nguyên Việt Nam…Tôi xin trích ra đây bài “Vịnh Hạ Long” trong tập thơ ‘Hành Trình Phương Bắc’, mời các bạn thưởng lãm…

Vịnh Hạ Long

Trên bến cảng, tàu thuyền nhiều quá
Đậu sát nhau kể cả số trăm
Mỗi thuyền chỉ chở hai lăm (25)
Nhổ neo rời bến tham quan biển trời…
Thuyền ghé qua nhiều nơi đã định
Chạy vòng quanh ngắm vịnh Hạ Long
Ghé vào “Đầu Gổ Thiên Cung”,
Thiên nhiên hùng vĩ lạ lùng lắm thay !
Trong toàn cảnh mười hai hang động,
Cấu tạo nên chẳng giống khuôn nào,
Chỗ thì từ thấp lên cao,
Như mây lơ lửng bám vào vách cây,
Tượng thạch nhũ hiện đầy quanh động
Dấu tích xưa sự sống còn đây…
Mỗi nơi hình tượng lạ kỳ,
Bên kia giống Phật bên nầy đầu voi
Kẻ thuyết minh làu làu truyền thuyết
Từng thuộc lòng mẫu chuyện xưa xa
Chỗ nào mình đã đi qua
Xem hình nhớ lại, không …là quên luôn.
người thợ ảnh nhiều phương lắm kế…
Phim tốc hành rửa sẳn chờ ta
Vòng ra đón tại bến phà
Thấy mình trong ảnh, tiền ra ảnh vào.
Vệ Hiệp
 (2002)
Viết đến đây, tôi dừng lại đợi chờ khá lâu mong có được vài ba bài thơ của anh Ba Điển, để ghi vào đây cho được đầy đủ các bạn trong thi văn đoàn tài tử nói trên và rất may, tôi vừa được một người bạn thân trao cho mấy bài thơ đượm màu sắc Thiền của anh Ba Điển, bút hiệu Tô Giang, tôi xin ghi vài đoạn dưới đây.

Hôm nay đầu nhựt thọ Bát quan
Nhận thấy cửa Thiền chốn tịnh an
Giúp cho giới tử lòng thanh thoát
Giấy phút Niết Bàn tại thế gian.
….
Giới sư hướng dẫn khoá tọa Thiền
Giới tử ba hàng định vị yên
Hơi thở ra vào dường sâu đậm
Quán niệm tâm về tận cội nguyên.
….
Sau độ trai viên đến kinh hành
Di Đà miệng niệm bước vòng quanh
Lục hoà chấm dứt tâm chế ngự
Giới tử dung thông dạ tín thành.
….
Một ngày ẩn náo chốn Thiền môn
Xa hẳn gia đình lắm bôn chôn.
Tâm linh an trụ trong thanh tịnh
Nguyện suốt đời theo Đức Thế Tôn.
                           (Sơ Nhựt Thọ Bát Quan trai/Phước Hội)
      
Trên đây là một ít vần thơ và đôi nét sinh hoạt của nhóm thi văn đoàn nghiệp dư Sông Phố ở quê nhà, tôi trích ra từ các tập thơ, văn nói trên, gửi đến quí đồng hương thưởng thức với tấm lòng rộng mở. Những vần thơ không chuyên nghiệp nhưng thể hiện được tấm lòng chân thành trong ý hướng xây dựng Đời và Đạo. Tôi rất khâm phục và kính trọng các bạn của tôi nói trên,  tuổi đời đã quá thất thập, nhưng vẫn năng hoạt động và cố gắng giữ gìn sức khoẻ để còn làm được những điều hữu ích, như tham gia hành hương cứu trợ nhiều nơi, nghiên cứu kinh sách hướng dẫn được nhiều người tu tập, ăn chay, niệm Phật, làm lành, lánh dử, đồng thời tìm được phút giây an nhiên tự tại trong  ‘Cảnh ngày xế bóng, cảnh người tàn niên’(3).
Viết đến đây, tôi cũng xin ghi vài nét về chùa Thanh Long, một ngôi chùa nằm khuất trong xóm ga xe lửa Biên Hoà, do thượng toạ Thích Huệ Hiền trụ trì, thầy được tín đồ Phật tử cũng như khách hành hương mô tả là bậc chân tu, quyết nương bóng Phật Đà, cứu nhân độ thế …. nhất là việc hoá duyên, tổ chức các chuyến hành hương, tạo cơ hội cho những người có thiện tâm mở lòng từ bi…trợ giúp cho những người đang cơn hoạn nạn, trong tinh thần lá lành đùm lá rách, hoặc trong tinh thần ‘Dẫu xây chín bậc phù đồ- Không bằng làm phước giúp cho một người’, mà các người bạn nói trên của tôi đã tích cực tham gia và hỗ trợ cho chùa.
 Và sau đây tôi xin gửi lời cám ơn đến anh Đỗ công Trường anh Lê Văn Chắt, anh Vệ Hiệp, anh Lê Thanh Điển… đã cho tôi nhiều phút giây thoải mái khi đọc qua các tập thơ, văn của quí anh. Xin kính chúc các bạn dồi dào sức khoẻ để an hưởng tuổi già trên hướng đi đã chọn.
             Nguyễn Kim Lộc
                 (Chicago ngày 21-4-07)


Ghi chú:  (1) Bác Lê Văn NHơn có bài viết ‘TẢN MẠN NGÀY XUÂN’ đăng trên Bản Tin số 31 của Hội AHBH, (2) Anh Lê Văn Chắt có bài thơ ‘MẸ LÀ TẤT CẢ’ với bút hiệu Thiện Ngôn, đăng Bản Tin số 34/HAHBH, (3) dịch từ tựa bài thơ ‘ Le déclin du jour et le déclin de la vie’ của nhà văn Pháp Victor Hugo.


 
                                                                         











 Lời thơ của Thiện Ngôn thẩm nhuần tư tưởng Phật giáo, Khổng giáo và Nho giáo, anh luôn nhấn mạnh chữ Tâm và lòng Hiếu Hạnh, qua bài Đôi Dòng Tự Sự nơi mấy trang đầu tập ‘Chùm Thơ Ơn Nghĩa Sinh Thành’ anh đã viết hai câu đối dưới đây:
                        Công cha dưỡng dục dường non Thái
                        Nghĩa mẹ sinh thành tựa biển Đông.

                        Và anh cũng mượn mấy câu ca dao nói về công đức của người cha và tầm quan trọng của người cha trong gia đình
           
Con có cha như nhà có nóc
Con không cha như nòng nọc đứt đuôi

Con cha gót đỏ như son
Một mai cha mất gót con lấm bùn

Đạo làm con chớ hững hờ
Phải đem hiếu kỉnh mà thờ từ nghiêm


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét