CÔNG CHÚA MARTINE BOKASSA
(là câu chuyện kể về người con gái của bà Nguyễn Thị Huệ, quê quán Cù Lao Phố - Biên Hoà, được Tổng Thống Xứ Cộng Hoà Trung Phi thừa nhận là con ruột vào thời điểm thập niên 70)
(là câu chuyện kể về người con gái của bà Nguyễn Thị Huệ, quê quán Cù Lao Phố - Biên Hoà, được Tổng Thống Xứ Cộng Hoà Trung Phi thừa nhận là con ruột vào thời điểm thập niên 70)
Vào năm 1972, tại Miền Nam
Việt Nam, có một vụ tìm con khá hy hữu. Một người cha ở một phương trời xa thẳm,
tìm một đứa con ở một chốn xa xôi, nhưng việc cung cấp lý lịch lại quá mơ hồ, người
cha không biết tên con và cũng không biết là trai hay gái. Đó là chuyện Tổng
Thống nước Cộng Hoà Trung Phi gởi công hàm cho chính phủ Pháp, nhờ Toà Đại Sứ
Pháp tại Việt Nam Cộng Hoà yêu cầu nước Việt Nam Công Hoà tìm dùm đứa con rơi
của ông, một đứa con hai dòng máu Việt Nam và Phi Châu, bị thất lạc gần hai
mươi năm. Tin tức được bảo mật, nên không ai biết việc nầy, ngoài cơ quan được giao phó trách nhiệm sưu tầm.
Sau đó không lâu, vào một
buổi sáng đẹp trời, hầu hết các tờ báo ở thủ đô Sàigòn đồng loạt đăng tin việc Tổng
Thống nước Cộng hoà Trung Phi nhờ tìm đứa con rơi đã mang lại kết quả. Bộ Ngoại
giao Việt Nam Cộng Hoà đã tìm được cô gái tên Baxi ở xóm Gà (Cây Quéo) –Gia
Định….và đã phối hợp Toà Đại Sứ Pháp hoàn tất thủ tục xuất cảnh, đưa cô gái nầy
đi đoàn tụ với người cha là Jean Bedel Bokassa, đương kiêmTổng Thống nước Cộng
Hoà Trung Phi.
Các bài báo có nội dung
nói trên, cùng hai tấm hình của mẹ con bà Thân và cô Baxi, đã gây xôn xao khắp
bàn dân thiên hạ trong nước lẫn ngoài nước. Dư luận cho rằng cô gái lọ lem Baxi đẻ bọc
điều, kiếp trước có tu, nên kiếp nầy được hưởng, vô hình chung trở thành nàng công
chúa xứ Trung Phi.
Việc Tổng Thống nước
Cộng Hoà Trung Phi tìm được đứa con rơi, tưởng chừng đến đấy là chấm dứt; nào
ngờ, có một người tên Ba Rắc, một quân nhân tùng sự tại Sư Đoàn 3 Không Quân,
con của ông Năm Chiểu ở Cù Lao Phố xã Hiệp-Hoà Biên Hoà, tình cờ đọc được tin
tức nầy trên tờ báo Tin Sáng…..Anh Ba Rắc quá đổi ngạc nhiên và có linh cảm cô
Baxi đã được Tổng Thống Bokassa nhận là
con ruột, là “cô gái lọ lem” giả mạo và quả quyết cô Martine, người con gái hai
dòng máu của bà Nguyễn Thị Huệ, quê quán Cù Lao Phố Biên Hoà, mới chính là “cô
gái lọ lem” thật …..
Anh Ba Rắc tức tốc liên lạc với gia đình bà
Huệ, trình bày mọi chi tiết nói trên và được bà Huệ tin cẩn giao phó mọi giấy
tờ và hình ảnh liên quan cuộc tình của bà và ông Jean Bokassa, khi ông nầy là
một trung sĩ nhất thuộc lực lượng Viễn Chinh Pháp tại Việt Nam. Anh Ba Rắc thấy
hai tấm hình của ông Jean Bokassa chụp chung với bà Huệ và tấm hình của cô
Martine có gương mặt giống nhau như đúc…..chỉ cần nhìn thoáng cũng nhận ra được
hai người có liên quan tình ruột thịt… Anh
Ba Rắc lập tức đi từ Biên Hoà xuống Sài Gòn vào một buổi sáng sớm, đi thẳng đến
tòa báo Tin Sáng, trình bày sự thật về cô Martine, nhưng toà báo Tin Sáng từ
chối can dự vào việc nầy, vì sợ gặp rắc rối đối với chính quyền…
Anh Ba Rắc bước ra khỏi
toà báo Tin Sáng mà lòng buồn vời vợi, với nỗi vô vọng chán chường, nhưng sau
vài phút suy nghĩ, anh Ba Rắc quyết tìm đến toà báo Trắng Đen, theo sự chỉ dẫn
của toà báo Tin Sáng. Anh Ba Rắc gặp ký giả Nguyễn Việt, đang trực tại văn
phòng toà soạn và xin gặp ông chủ nhiệm, trong khi ông chủ nhiệm (Việt Định
Phương) đã về nhà nghỉ trưa….Anh Ba Rắc trình bày sự thật về đứa con rơi của
Tổng Thống Bokassa, cùng trưng bày tài liệu gồm tấm hình bà Huệ chụp chung với
ông Bokassa và tấm hình chụp theo kiểu chân dung của Martine, cùng một tờ giấy thế
vì khai sanh mang tên Nguyễn Thị Martine, (sanh năm 1955 tại Rừng Sác và cha vô
danh) vào một buổi trưa trời nắng gắt…
Anh Ba Rắc đã dám quả
quyết rằng cô Martine, con của bà Nguyễn Thị Huệ quê quán Cù Lao Phố Biên Hoà, mới
chính là đứa con rơi của Tổng Thống nước Cộng Hoà Trung Phi.
Ông Nguyễn Việt, với nhiều năm kinh nghiệm
trong nghề làm báo, đặt một số câu hỏi, cho anh Ba Rắc trả lời, với ý cố tìm hiểu sự thật, để rồi lượng
giá xem có thể giúp cho ông Ba Rắc việc nầy hay không.
Sau khi nghe anh Ba Rắc trình bày, từ việc
tình cờ đọc tờ báo Tin Sáng và biết được việc Tổng Thống Nước Cộng Hoà Trung
Phi tìm kiếm đứa con rơi và cũng theo báo chí đăng tải là đã tìm được một cô Baxi ở xóm Gà Gia định và Bộ Ngoại Giao lập thủ tục xuất cảnh, đưa cô bé nầy qua Phi châu rồi….nhưng anh Ba Rắc
quả quyết đó là một sự lầm lẫn …và ông Ba Rắc đã không ngần ngại
mà
xác nhận rằng chính cô bé Martine mới đích thật là con
của Tổng Thống Bokassa …. đồng thời trình bày, ông có đến toà báo Tin Sáng để nhờ giúp đỡ việc nầy, nhưng nơi đây từ chối và khuyên ông nên đến toà
báo Trắng Đen…
Nhà báo Nguyễn Việt mở ngay một cuộc phỏng
vấn, đặt câu hỏi với anh Ba Rắc. - Bác là gì của bà Huệ? – Sao bà Huệ không đi
khiếu nại mà nhờ đến bác? – Sao bác tìm đến báo Trắng Đen đưa những tài liệu nầy?
…vân vân và vân vân..
Sau khi nghe ông Ba Rắc trình bày, ông
là em của Bà Huệ, chị của ông bận công việc, nên nhờ ông đại diện, đi liên lạc
nhà báo nhờ làm sáng tỏ việc nầy. Ông Nguyễn Việt nhận xét sự trình bày của ông
Ba Rắc rất rành rẽ, không có ý gì gian xảo, với lời lẽ thật thà, bộc trực và
cương quyết…cùng trưng bằng chứng hình ảnh và giấy thế vì khai sanh của
Martine, ông Nguyễn Việt lượng giá xác suất khả tín trên 50%, rồi ký giả Nguyễn
Việt đặt tiếp câu hỏi. Nếu muốn toà báo
Trắng Đen can thiệp làm sáng tỏ vụ việc nầy, thì ông Ba Rắc và gia đình bà Huệ
phải chịu một số điều kiện là không được cung cấp cho bất cứ tờ báo nào, kể cả
báo ngoại quốc những tin tức liên quan đến bà Huệ và Martine, và tuyệt đối
không tiếp xúc với ai hết…có nghĩa là dành cho toà báo Trắng Đen sự độc quyền trong
việc điều tra, làm sáng tỏ việc nầy...
Sau khi nghe ông Ba Rắc thốt lời chấp nhận
những điều kiện vừa kể… Nguyễn Việt tỏ rõ niềm vui và vội vã hỏi tiếp
-Bây giờ bà Huệ và cô Martine ở đâu?
Anh Ba Rắc trả lời nhanh như cắt: “Gia
đình chúng tôi đang ở khu Chợ Nhỏ Thủ Đức, còn Martine đang làm phu khuâng vác
xi-măng ở nhà máy Xi-Măng Hà Tiên trên xa lộ Biên Hoà Sàigòn”
Ký giả Nguyễn Việt cảm thấy trong lòng
vui như mở hội, một mặt ông mời ông Ba Rắc ngồi chờ; mặt khác, ông liên lạc
trình bày mọi việc cho ông Việt Định Phương chủ nhiệm toà báo Trắng Đen biết….
Sau khi nghe báo cáo sự việc nêu trên,
ông chủ nhiệm tức tốc lái xe đến toà soạn gặp ông Ba Rắc và sau khi đích thân
nghe ông Ba Rắc trình bày, ông Việt Định Phương quyết định chở anh Ba Rắc lên
Thủ Đức, gặp bà Huệ và cô Martine, để đưa hai người đến ở một nơi an toàn và kín
đáo, hầu tránh mọi tai mắt của các nhà báo khác và cả nhơn viên chánh quyền.
Trong
khi ông Việt Định Phương đi đến nhà bà Huệ…thì toàn bộ ký giả báo Trắng Đen được
triệu tập và nhận sự phân công của anh phụ tá chủ nhiệm Vị Thuỷ.
-Lam Hồng Cúc và Đoan Khánh (đều là nữ
ký giả) đi gặp Martine khai thác về đời tư của cô gái nầy…
-Thế Nguyễn đi chụp ảnh ở những nơi bà
Huệ và Martine đã sống qua, ở Tân Thuận Đông, Tân Qui Đông và Thủ Đức....
-Vi Thuấn và Minh Hoàng sưu tầm tin tức
trong dân chúng sau khi các bài báo được trình làng, đồng thời thăm dò các phản
ứng dân chúng ở Xóm Gà - Cây Quéo…
-Các phóng viên còn lại như Phương Thảo,
Trường Nam, Anh Thu, Việt Thu, Phan Trần Mai, Lan Anh, Du Miên, Hữu Hào, Du
Linh, Đức Dũng v.v. mỗi người đều được
giao công việc liên quan đến vụ Martine và phải thường xuyên có mặt tại Câu Lạc
Bộ Báo Chí tại góc đường Tự Do và Lê Lợi vào buổi chiều để nghe Bộ Dân Vận Thông Tin Chiêu Hồi hợp báo phổ biến tin tức trong ngày.
Trong khi ở xứ Cộng Hoà Trung Phi đang mở
tiệc liên hoan mừng Tổng Thống Bokassa vừa tìm được người con gái tên Baxi….đồng
thời Tổng Thống Bokassa gởi lời khen ngợi và cám ơn Bộ Ngoại Giao Pháp và chính
phủ VNCH đã tích cực giúp ông tìm được đứa con gái Baxi…thì ở Việt Nam bỗng rộn
lên chuyện tìm được đứa con gái thật sự của Tổng Thống Bokassa, tên là Nguyễn
Thị Martine.
Việc phát hiện Nguyễn Thị Martine là con
ruột của Tổng Thống Bokassa được coi như một quả bom nổ trên mặt báo. Báo chí ở
Sài Gòn đều đăng tải tin nầy, nhưng hầu hết các tờ báo, kể cả các tờ báo nước
ngoài, đều chỉ đăng tin vuốt đuôi theo tờ báo Trắng Đen …Thời gian nầy, toà
báoTrắng Đen đã chịu áp lực không ít về nhiều mặt, trong việc đăng tải tin tức về
cô Martine, đối với chính quyền, nhất là đối với Bộ Thông Tin Dân Vận Chiêu Hồi,
Bộ Ngoại Giao và cả bên Phủ Đặc Uỷ Trung Ương Tình Báo:
- Bộ Ngoại Giao yêu cầu Trắng Đen cho ngưng
khai thác loạt bài…..
-Bộ DVTTCH khuyến cáo Trắng Đen, nếu cuộc
điều tra xác thật thì nên trưng bày bằng chứng và viết theo chiều hướng có lợi
cho chính phủ…
-Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo thì gọi điện
thoại yêu cầu đừng nên khai thác vụ Baxi…
Trong tình huống nầy, toà báo Trắng Đen chỉ
đăng tin về việc tìm được cô gái Martine là con của Tổng Thống Xứ Cộng Hoà
Trung Phi, chứ không dám đăng tin, đá động gì đến chuyện cô Baxi.
Việt Định Phương đã khéo léo, một mặt giữ
mẹ con bà Nguyễn Thị Huệ ở một nơi kín đáo, an toàn; mặt khác, tìm phương cách liên
lạc thư tín với Tổng Thống Bokassa, để trình báo mọi tin tức liên quan đến Martine Bokassa, qua ngã chánh thức Bộ Ngoại Giao VNCH và một ngã khác, qua
trung gian đặc phái viên của Trắng Đen tại Pháp. Thời gian nầy là thời gian căng thẳng nhất đối
với toà báo Trắng Đen, Việt Định Phương cử người thường xuyên liên lạc với Bộ
Ngoai Giao Pháp tại Bangui, cũng như cử người túc trực tại Bộ Ngoại Giao VNCH,
để nghe ngóng tin tức xác nhận từ Tổng Thống xứ Cộng Hoà Trung Phi…
Trong khi chờ đợi, toà báo Trắng Đen nhận
thêm tin vui là phóng viên Lam Hồng Cúc đã cải trang thành người dân quê đến
làng Tân Thuận Đông, vùng kém an ninh ở ven biên Sàigòn để điều tra và đã tìm
ra được bản gốc giấy khai sanh của Martine nằm trong sổ hộ tịch của làng Tân
thuận Đông, có ghi rõ tên mẹ là Nguyễn Thị Huệ và tên cha là B. Bokassa. Tài liệu
nầy cũng được photocopy gởi qua cho Tổng thống Bokassa, qua các ngã vừa kể.
Sau đó không lâu, vào một buổi sáng đẹp
trời, cả toà báo Trắng Đen tràn ngập niềm vui, khi nhận được điện tín của Tổng
Thống Bokassa qua hệ thống bưu điện, với nội dung “ xác nhận người đứng chụp
hình chung với bà Huệ trong hình chính là Tổng Thống Xứ CH Trung Phi - xác nhận
bà Huệ chính là vợ của ông trước đây, xa cách gần 20 năm”, và tiếp theo đó, toà
báo Trắng Đen lại nhận được văn thư từ Bộ Ngoại Giao VNCH chính thức thông báo cho
Trắng Đen biết, với
đại ý:
-TT Bokassa nhìn nhận bà Huệ là vợ và
Martine là con ruột của ông ta
-TT Bokassa mong được gặp vợ con ông
trong một ngày gần nhất
-TT Bokassa cũng mong báo Trắng Đen cử
người đưa vợ con ông đến thủ đô Bangui.
Thế là một phái đoàn do Việt Định Phương sắp
xếp thành phần nhân sự để đưa mẹ con bà Huệ và Martine sang nước Cộng Hoà Trung
Phi, gồm có hai vợ chồng ông bà Việt Định Phương, hai mẹ con bà Huệ và cô
Martine, đáp chuyến bay Air France từ Việt Nam qua Pháp, đón tuỳ viên Văn Hoá, đại
diện cao cấp của VNCH cùng đi, theo thủ tục ngoại giao, để bàn giao cô Martine
cho Tổng Thống Bokassa. Từ Paris phái đoàn đi tiếp đến Brazzaville,
thủ đô nước Congo, và sau đó lấy máy bay cánh quạt đi Bangui.
Khi đến xứ Cộng Hoà Trung Phi, phái đoàn
của Việt Định Phương được trọng đãi, Tổng Thống Bokassa chính thức nhận Martine
là con ruột và bắt đầu từ giây phút đó Martine trở thành công chúa của xứ Cộng
Hoà Trung Phi, ông đề nghi bà Huệ ở lại với ông, nhưng bà Huệ từ chối, vì bà đã
có chồng con ở Việt Nam. Riêng số phận của cô Baxi lúc nầy rất căng thẳng và eo
sèo, nhưng cũng được Tổng Thống Bokasa nhận làm con nuôi.
Việc
Tổng Thống nước Cộng Hoà Trung Phi tìm đứa con “vô tình có” và bị thất lạc gần
hai mươi năm, mang lại kết quả như trên và coi như hồ sơ nội vụ đã chấm dứt,
tuy nhiên vẫn có một số ít người thắc mắc là tại sao và do đâu xảy ra việc Bộ Ngoại Giao VNCH đưa lầm cô Baxi ở xóm
Gà Gia Định đi qua xứ Trung Phi như vậy?…
Lúc
bấy giờ tôi có theo dõi việc Tổng Thống Bokassa nước
Cộng Hoà Trung Phi nhờ Toà Đại Sứ Pháp tại Việt Nam yêu cầu chính quyền VNCH tìm
dùm một đứa con rơi….và sau khi Toà Đại Sứ Pháp chuyển hồ sơ nội vụ qua Bộ Ngoại
Giao VNCH thì hồ sơ nầy được giao phó cho
Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo phụ trách,
nhưng vì hồ sơ với lý lịch quá mơ hồ, hầu
như chẳng có chút chi tiết nào rõ ràng, không có tên tuổi, chỉ có thể ước đoán
là một cô gái lai, mang hai dòng máu Việt Nam và Phi Châu, khoảng độ 17 hoặc 18
tuổi….cũng chẳng có tên mẹ. Một mục tiêu với chi tiết lý lịch quá giới hạn, rất khó truy tầm và cũng rất dễ lầm lẫn …do đó nhân viên phụ trách đã tìm được cô Baxi ở xóm Gà Gia
Định….
Và để cho danh chính ngôn
thuận, Bộ Ngoạo Giao lập một hồ sơ chuyển đến Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia để mở
cuộc điều tra. Phòng 4 Sở Ngoại Kiều thuộc Bộ Tư Lệnh CSQG phụ trách, mở hồ sơ
ra, thấy một giấy thông hành (Laissez Passez), một phiếu lý lịch mang tên Baxi
và một văn thư yêu cầu khẩn điều tra….. nhưng khôi hài thay! Cuộc điều tra chưa
hoàn tất, Sở Ngoại Kiều chưa phúc hoàn kết quả điều tra xác nhận ….thì cô Baxi
đã có đầy đủ giấy tờ xuất cảnh và trên đường bay đến xứ Cộng Hoà Trung Phi.
Dư luận cho việc làm nầy
có điều mờ ám….nhưng không ai biết được nguyên nhân từ đâu và do ai chủ trương
hiến kế…nhưng theo tôi nghĩ, chắc giới chức cao cấp VNCH, lúc bấy giờ muốn tạo
cảm tình đối với Toà Đại Sứ Pháp và Tổng Thống nước Cộng Hoà Trung Phi, nên mới
giải quyết một cách quá vội vàng và vô tình tạo nên sự nhầm lẫn như vậy.
Trong công
tác tình báo cũng như việc làm của các phóng viên nhà báo, đôi khi hay không
bằng hên….Việc may mắn đến tận toà báo Tin Sáng, nhưng toà báo nầy, quá cẩn
thận, đã không dám khai dụng vì sợ đụng chạm đến chính quyền, nên để lọt qua tờ
báo Trắng Đen…
Toà báo
Trắng Đen chấp nhận làm sáng tỏ việc tìm kiếm Martine Bokassa, theo lương tâm
chức nghiệp của người làm báo, đã trải qua lắm gian nan và bị áp lực không ít, đối Bộ Ngoại Giao, Bộ Dân Vận Thông Tin
Chiêu Hồi….nhưng bù lại, chủ nhiệm toà báo Trắng Đen được Tổng Thống Bokassa
hậu tạ với một món quà dĩ nhiên không thể nhỏ, và về mặt thương trường, báo
Trắng Đen được nổi tiếng, uy tín dâng cao và thu gặt được nhiều tiền quảng cáo.
Giới báo
chí Sàigòn ngày đó, thầm khen ông chủ nhiệm kiêm chủ bút Việt Định Phương, đã
khéo giấu hai mẹ con bà Huệ và Martine ở một nơi an toàn, cách ly mọi tiếp xúc với
bà Huệ từ bên ngoài; đặt tất cả các tờ báo, kể cả báo ngoại quốc có trụ sở ở
Sàigòn, lúc bấy giờ, đều phải đăng tin vuốt đuôi theo tờ Trắng Đen… và một điểm
quan trọng nữa là Việt Định Phương khéo điều động Ban Biên Tập dấn thân vào
việc điều tra vụ Martine một cách hăng hái, để thu thập thêm bằng chứng …nên ngoài
tài liệu quí giá đã nắm trong tay, hai tấm hình và giấy thế vì khai sanh của cô
Martine, còn có thêm bản gốc giấy khai sanh của Martine, với đầy đủ lý lịch có
tên mẹ là Nguyễn Thị Huệ và cha là G. Bokassa.
Sau khi
nhận ra Martine là con ruột của ông và bà Huệ, Tổng Thống Bokassa cũng nhận cô
Baxi làm con nuôi và sau đó,tuyển chọn Phò Mã cho hai cô Công Chúa nầy. Phò mã,
chồng của Martine Bokassa là Bác sĩ Jen-Bruno Deveavote và Phò mã, chồng của
Baxi là một sĩ quan tên Fidel Obrou
TT
Bokassa & Martine Đám Cưới Baxi
& Martine Đám Cưới Fidel &
Baxi
Bảy năm
sau, vào năm 1979 quân cách mạng Trung Phi, có sự tham dự của Phò Mã Fidel Obrou
(chồng của cô Baxi), đảo chánh Bokassa…..nhưng Fidel Obrou lại bị quân cách
mạng sát hại ngay trong dịp nầy….riêng chồng của Martine cũng bị bắt và bị giết
vào năm 1981, sau khi bác sĩ nầy thú tội đã giết đứa con trai vừa hai tuần tuổi
của Baxi, theo lệnh của TT. Bokassa; còn Công Chúa giả Baxi cũng bị hai cận vệ
của Tổng Thống Bokassa bóp cổ đến chết trên đường chạy ra phi trường với ý định
trốn thoát về Việt Nam
Trong khi
quân cách mạng nổi lên, gia đình Tổng Thống Bokassa cùng con gái Martine và bốn
đứa cháu ngoại tên Jean-Barthélémy Bokassa, Princess Marie, Jeannne Bokassa,…(con
của Martine Bokassa) thoát qua xứ Bờ Biển Ngà (Ivory Coast) lánh nạn.
Hiện
Martine Kota (tức là Martine Bokassa) đang định cư tại Pháp, sống trong lâu đài
Hardicourt (Normandy), sở hữu hai nhà hàng Việt Nam tại Pháp và một quán ăn
trên đảo Corsica (Pháp)
-Martine Kota đã làm thủ tục bảo lãnh,
rước mẹ là bà Nguyễn Thị Huệ, người dượng (tức chồng hiện tại của bà Huệ) và ba
nguời em cùng mẹ với Martine, qua định cư tại Pháp….Năm 2009, công chúa Martine
cùng chồng về Việt Nam, thăm bà con xóm làng ở Cù Lao Phố - Biên Hoà, nhất là thăm
gia đình dì Năm Của bán bánh thuẫn, xôi vò, cơm rượu
tại chợ Biên Hoà, mà Martine đã từng
giúp việc nhà cho dì Năm nầy trong thời gian gia
đình bà Huệ còn ngụ tại Cù Lao Phố, và trong dịp nầy Martine cũng không quên
ghé thăm một người bạn gái thuở hàn vị, rất thân, tên Vân cư ngụ tại Biên Hoà.
-Bà Huệ đang định cư tại nước Pháp, chắc
thỉnh thoảng bà cười thầm và cám ơn Trời Phật về vận mạng của bà, vì chính bà
cũng không ngờ một tấm hình trắng đen bà chụp với trung sĩ nhất Bokassa, người
xứ Trung Phi, mà bà cố tình cất giữ gần 20 năm, lại có giá trị lớn đến như vậy,
nhờ tấm hình đó mà Tổng thống Bokassa nhận ra bà là vợ và Martine là con, làm thay
đổi cuộc đời của bà và các con của bà.
Tôi xin kể sơ qua vài nét về Jean
Bédel Bokassa:
Jean Bédel Bokassa là người sinh trưởng ở
xứ Trung Phi, đăng vào lực lượng viễn chinh Pháp, lúc ông 18 tuổi, từng tham
gia các trận chiến chống Phát Xít Đức tại Pháp….Năm 1950, Bokassa được đưa qua
Việt Nam, tùng sự tại Tiểu Đoàn Bộ Binh Pháp, trách nhiệm vùng Sài Gòn- chợ Lớn
với tư cách là chuyên viên truyền tin, khi ông là Trung sĩ Nhất, thời gian nầy
ông lấy một cô gái xinh đẹp 17 tuổi tên Nguyễn thị Huệ, ăn ở với nhau, cô Huệ
có bầu…. Năm 1955, ông theo đơn vị trở về Pháp. Bokassa làm huấn luyện viên
truyền tin cho lính Phi Châu tân tuyển tại Fréjus. Năm 1956, Bokassa được thăng
thiếu úy và năm sau, thăng trung uý, rồi thăng Đại úy năm 1961. Đầu năm 1962 Bokassa
rời quân đội Pháp về nước, phục vụ cho lực lượng quân sự Công hoà Trung Phi dưới
thời Tổng thống David Dacko. Một năm sau đó, Bokassa trở thành Tư lệnh Quân đội
nước Cộng Hoà Trung Phi và được thăng lên Trung Tá năm 1964. Thời gian nầy nước
Cộng Hoà Trung Phi bi khủng hoảng chính trị, kinh tế và gặp nhiều vấn đề xã hội khó khăn, trong khi bị chánh
phủ Pháp ngưng viện trợ và Tổng Thống Dacko đang bắt tay với Cộng Sản Trung Quốc;
nên Bokassa cho thực hiện cuộc đảo chánh vào lúc giữa đêm khuya lúc 1giờ 30 sáng
ngày mùng 1 tháng Giêng năm 1966, với sự ủng hộ của Pháp, nhằm ổn định tình hình
trong nước, đồng thời thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Cộng.
Năm 1971, Bokassa tự phong lên ĐạiTá và
đến tháng 3- 1972, Bokasasa tuyên bố là Tổng Thống Muôn Năm. Năm 1976, Bokassa tuyên bố giải tán chế độ
Công Hoà, lập chế độ quân chủ và xưng là Hoàng đế Bokassa đệ Nhất.
Năm 1979, Bokassa bị lực lượng cách mạng,
có Phò mã, chồng của Baxi tham gia, đảo chánh, do cựu Tổng thống David Dacko cầm
đầu và có sự yểm trợ của Pháp, Bokassa chạy thoát bằng phi cơ, qua lánh nạn tại
xứ Bờ Biển Ngà (Ivory Coast) ngày 20-9-1979, sống ở Abidjan 4 năm, sau đó,
Bokassa xin qua Pháp, định cư tại lâu đài Hardicourt (Normandy).
Tháng 12-1980, Bokassa bị toà án xứ Cộng
Hoà Trung Phi xử tử hình khiếm diện về các tội phản quốc, sát nhân, ăn thịt người
và biển thủ…
Năm 1986, Bokassa trở về nước và chấp nhận
mọi đau thương. Ông bị bắt ngày 24-10- 1986 và sau các phiên toà rất cảm động kéo
dài 7 tháng , giảm bớt nhiều tội danh, nhưng sau cùng vẫn lãnh án tử hình vào
ngày 12-6- 1987. Tuy nhiên, một năm sau đó, được Tổng thống André Kolingba cho
giảm án xuống tù chung thân vào tháng 2-1988, và sau đó một thời gian, Bokassa
lại được giảm án một lần nữa, chỉ còn 20 năm.
Năm 1993, khi nền dân chủ của xứ Cộng Hoà
Trung Phi được phục hồi, Tổng Thống André Kolingba tuyên bố đại xá cho tất cả tù
nhân, Bokassa được trả tự do vào ngày 1-8-1993.
Bokassa chấp nhận sống tại quê hương cho
đến hết cuộc đời. Năm 1996 , sức khoẻ của Bokassa bắt đầu suy sụp, ông tuyên bố
ông là tông đồ thứ 13 và mong muốn có một cuộc gặp gỡ bí mật với Đức Giáo Hoàng….Ước
nguyện nầy chưa được thực hiện thì Bocassa đột ngột từ trần vì chứng bịnh tim vào
ngày 3-11-1996. Thọ 75 tuổi. Bokassa để lại 15 người vợ và 55 đứa con.
Viết đến đây, tôi thoạt nghĩ, biết đâu một
ngày nào đó, có một người Mỹ được bầu làm Tổng Thống Hoa Kỳ, lại đi tìm một đứa
con rơi hai dòng máu Mỹ-Việt trong số trên 3.000 trẻ em mồ côi, được di tản qua
Mỹ, Canada, Châu Âu và Úc Châu, theo
tinh thần nhân đạo, trong chiến dịch Babylift vào cuối tháng 4-1975; rồi lại liên
tưởng đến, mà thương cho thân phận của phụ nữ Việt Nam trong thời quê hương đầy
lửa loạn, họ đi làm việc cho Tây, cho Mỹ rồi lấyTây lấy Mỹ, đến khi người Tây,
người Mỹ về nước, họ lâm vào cảnh sống lầm
than và còn bị người đời khắt khe, nhìn họ bằng đôi mắt không thiện cảm….rồi
tôi nghĩ xa hơn nữa, mà thương cho những đứa trẻ Việt lai Mỹ đang sống khắp đó
đây, đang tự hỏi họ là ai và quê hương họ ở đâu?” hoặc có một đứa trẻ nào đó học
giỏi và sau nầy làm Tổng Thống, lại tự hỏi “cha mẹ ruột của mình là ai và đang ở
đâu?”- Từ những suy nghĩ đó tôi thầm ghét chiến tranh.
Bài viết nầy, tôi đã dựa vào : 1/- Lời tường
thuật khách quan của cô Lê thị L., người quê quán Cù Lao Phố Biên Hoà, hiện ngụ tại Santa
Barbara, Cali. 2/- Một phần trong bài viết
rất dài của ông Nguyễn Việt, một ký giả kỳ cựu của toà báo Trắng Đen, kể rất tỉ
mỉ và đầy đủ gốc rễ ngọn ngành về vụ Tổng Thống Xứ
Cộng Hoà Trung Phi tìm đứa con rơi tên Martine; ông viết về đất nước xứ
Cộng Hoà Trung Phi, về nghề nghiệp làm báo, kỹ thuật viết báo, lối viết câu độc
giả, ông cũng có nêu rõ, sau khi giao cô gái Martine cho Tổng Thống Bokassa, trở
về Việt Nam, hằng tháng bà Huệ được Tổng Thống Bokassa chu cấp, qua trung gian
ngân hàng Pháp Á, một số tiền 200 000đ, tương đương 5 lượng vàng vào thời điểm
1973… 3/- Một chút tin tức của hai người bạn, một
người phụ trách Ban Báo Chí Dân Sự tại Phủ Tổng Thống VNCH, hiện ngụ tại Tampa,
Florida và một người làm việc tại Phòng 4 Sở Ngoại Kiều, hiện ngụ tại
Sacramento, Cali. Tôi xin cám ơn quí vị vừa kể, nhất là ký giả Nguyễn Việt có một
trí nhớ rất tốt, về các sự việc xảy ra trên 30 năm mà ông còn nhớ vanh vách. Thật
đáng cho tôi khâm phục.
Nguyễn Kim Lộc
(Chicago, ng ày
7-11-2010)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét