Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

TÌNH YÊU TRỞ LẠI

TÌNH YÊU TRỞ LẠI

Thương tặng Nguyễn Thị Mừng, em gái của anh, nhân ngày thành hôn 31-08-03 tại  Biên Hòa -Việt Nam.


Ba mươi năm …tưởng chừng đã tắt
Bỗng… mối tình trở giấc, nở hoa
Người xưa gặp lại người xưa
Bao nhiêu tha thiết cho vừa hỡi ai ?

Nước sông Đồng bên trời vẫn chảy
Núi Bửu Long ghi mãi mối tình
Rõ ràng duyên nợ ba sinh
Thì đem hương lửa kết tình trăm năm.

Thời gian có âm thầm chồng chất
Đoá hải đường không mất vẻ tươi
Tình yêu trẻ mãi em ơi
Tình tăng sức sống yêu người yêu ta.

Tiết trời đã vào thu em nhẻ
Gió heo may khe khẽ lạnh lòng
Mừng em hương ấm tình nồng
Mừng em, em đã có chồng hôm nay.

                               Thế Nhân

                                (12-08-03)

Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

BÀ BA BÁN CHUỐI CHỢ BIÊN HÒA

Những ai ở chung quanh chợ Biên Hoà hoặc hằng ngày đi chợ… đều biết bà Ba Bán Chuối. Gian hàng chuối của bà Ba đặt tại phía đầu chợ trên, khoảng ngang  nhà sách Huỳnh Hiệp đường Lê Văn Lễ Biên Hoà .

 Bà Ba không những bán chuối mà còn bỏ mối nhiều loại trái cây cho những người bán lẻ trái cây quanh chợ Biên Hoà. Riêng tại gian hàng, Bà Ba chỉ bán thuần các loại chuối sứ, chuối cao, chui bôm, chuối lửa, chuối già, chuối chà bột v…v.. Có thể nói, các loại chuối tại gian hàng bà Ba tương đối ngon và rẻ hơn các gian hàng khác, nên bà Ba bán rất đắt hàng….

Một bà bán chuối thì có điều gì đáng nói phải không các bạn? - Điều đáng nói ở đây… bà Ba là má tôi, một bà mẹ khổ cực, truân chuyên nhất chợ Biên Hoà. Nếu tôi là thi sĩ tài ba, tôi sẽ viết một bài thơ thật tuyệt để ca tụng Bà, hoặc nếu tôi là người biên kịch giỏi, tôi sẽ soạn một vở kịch thật hay, cho nhân vật diễn tả tỉ mỉ những điều thống khổ của Bà ….kể lại từng quãng đời chịu nhiều sóng gió, gian truân và khổ hạnh của Bà, nhưng  rất tiếc tôi không phải là thi sĩ mà cũng không phải là nhà biên kịch, tôi chỉ xin viết về Bà bằng một đoản văn theo lời kể của Bà vào một năm rất xa xôi, cách nay hơn năm mươi năm, khi chỉ có hai mẹ con ngồi bên nhau nơi gian hàng chuối vào một buổi chiều mưa tầm tã.
 Bà kể rằng: “Má sanh quán ở làng Tân Ba, một làng quê hẻo lánh thuộc quận Tân Uyên tỉnh Biên Hoà, khi Má lên sáu tuổi thì mồ côi cha…hai năm sau, bà ngoại tái giá, gia đình sống nhờ vào hai con trâu và vài sào ruộng…mặc dù cơ cực nhưng đời sống vẫn có niềm vui.

Má không hiểu tại sao, vào một ngày mưa gió bão bùng, bà Ngoại lại đem bán má cho một người đàn ông xa lạ, sống nghề hạ bạc, thường ngày xuôi ngược trên sông nước Đồng Nai. Một người đàn ông không vợ, không con, thích uống rượu, sáng xỉn, chiều say ….Mỗi lần ông ấy say rượu là má bị ông ấy đánh thê lương, và thường, sau khi đánh má, ông ấy ấn đầu má vào cánh cửa sổ ghe, khép xiết chặt nơi cổ má, với tư thế thân người bên trong ghe, còn cái đầu thì kẹt phía ngoài sông nước, thật là một cực hình thương đau cho một đứa trẻ mồ côi. Thời gian sống với ông ta, má rất khổ sở và đến nay má vẫn thắc mắc “Tại sao má mình không nuôi mình mà l ại bán mình cho người xa lạ?” – Lúc đó má 8 tuổi, có thể chăn trâu hoặc phụ giúp việc nhà. Và Bà Ngoại bán má vì tiền hay vì một lý do nào khác ? Ông Ngoại kế không hề ghét má, mà tại sao bà Ngoại lại bán má cho người khác, trong khi đó bà Ngoại lại phải mướn một đứa trẻ khác giúp việc chăn trâu?  Hay có lẽ trâu không cần người giữ cũng nên!? Lúc đó, má buồn vô kể con ơi! Quyết định của bà Ngoại đã khiến má đứng lặng người như chết, thở không ra hơi, rồi cũng đành khắn gói quả mướp theo người xa lạ, vừa đi vừa khóc, mẹ mình nở dứt bỏ tình ruột thịt….rồi sau đó, má nghĩ chắc tại số phận của má hẩm hiu, đành phải chịu vậy thôi…
Dòng đời bất hạnh lặng lẽ trôi qua, bỗng một hôm trời nắng đẹp, có một người đàn ông khác thấy tình cảnh của má đáng thương, nên hỏi mua má, và cuộc ngã giá bắt đầu
-Chú Tám à! Chú nuôi con bé nầy mà chú không thương, cứ đánh nó hoài thì chú bán nó lại cho tôi đi, tôi sẽ trả cho chú có lời… Thật sự, má không biết tên người cha nuôi thứ nhất, chỉ nghe thiên hạ gọi là ông Tám và cũng không nhớ rõ số tiền mua bán má lúc bấy giờ là bao nhiêu. Thế là má bị bán sang tay cho một người đàn ông khác để làm con nuôi, nhưng thực tế chẳng khác nào một con ở đợ…tuy nhiên, Má rất mừng, vì đã thoát khỏi bàn tay ác độc của người cha nuôi thứ nhất…. Ông Tư, người cha nuôi thứ hai, đưa má về nhà, một ngôi nhà khá rộng rãi, toạ lạc phía sau nhà hàng Ông Năm Tao (sau nầy đổi tên là Hạnh Phước) Biên Hoà …
Hai vợ chồng, cha mẹ nuôi của má không có con ruột, nhưng đã có một đứa con gái nuôi, trước khi má về làm con gái nuôi thứ hai. Ông ấy đặt tên cho má theo họ của ông ấy, là họ Hà. Và sau khi nhận hai đứa con gái nuôi thì người mẹ nuôi của má sanh được nhiều người con. 
  -Nhà của ba nuôi của má ở gần chợ và hằng ngày, từ sáng sớm, má đã phải ra chợ, gánh nước mướn từ sông Đồng Nai lên cho bạn hàng bán tôm cá, trưa về lo cơm nước, giữ em, tối đến thì đi may đồ mướn  - Vào năm 1910-1915, Biên Hoà chưa có nhiều tiệm may và máy may, nên về đêm má đi may vá mướn quần áo cho những người bình dân, nghèo khổ , má may tay và may rất khéo các loại áo túi , áo bà ba và quần đen đáy giữa hoặc đáy lá nem.
Đời sống tương đối thoải mái, không bị đánh đập như lúc còn ở với ông Tám, người cha nuôi thứ nhất của má, nhưng cũng vô cùng vất vã, làm việc cả ngày, không có lúc nào được rãnh tay…

Vì thế, khi Má 18 tuổi, có một người Ấn độ làm nghề góp tiền chỗ (thu hoa chi) đến dạm hỏi, xin cưới má, thì má ưng ngay, mục đích lấy chồng của má là mong có sự đổi đời, có cuộc sống tự lập và có cơ hội vươn lên… Nói là lấy chồng nhưng thực tế má bị bán lần thứ ba, vì người cha nuôi của má đã thẳng thắn đặt vấn đề với người dạm hỏi …
“-Hồi đó tôi mua nó bao nhiêu, nuôi nó tốn bao nhiêu, bây giờ gả nó, tôi phải lấy số tiền đó lại (Má tôi chỉ kể thoáng qua đoạn nầy, không nói chi tiết… nhưng chắc chắn người đâu tư nào cũng muốn thu nhiều lợi nhuận , càng nhiều càng tốt, nhất là bán một phụ nữ tuổi đang xuân cho người ta đem về thương yêu và làm vợ thì nhiều khi lại có giá cao không thể tưởng….Thật là đau thương cho má của tôi)”

Trong thời Pháp thuộc, cuộc sống của mọi người cực khổ nhiều hơn sung sướng, nhưng rất may cho Má, sau khi có chồng, Má có được một đời sống khá ấm no, không nhọc nhằn, long đong như thuở trước, thì bỗng một ngàymá ruột của má, tức bà ngoại của con, xuất hiện, tìm gặp má…má nhìn bà ngoại với đôi mắt lạnh lùng, hờ hững, trong lúc má vừa sanh một đứa con gái đầu lòng …
Bao nhiêu tủi nhục, đau buồn chất chứa trong lòng Má mười mấy năm qua đã vùng lên, khiến má khóc ngất và thốt lên…
“Má tìm tôi làm chi? Má đã bán tôi cho người ta rồi. Tôi vất vã bao lâu nay má  làm gì không biết? Má thỉnh thoảng cũng có đi chợ và má cũng biết tôi sống cơ cực như thế nào? Má đã nở bỏ quên tôi, bây giờ má nghe tôi có chồng giàu, má tìm đến…Tìm đến để làm gì?
Bà Ngoại đứng lặng thinh và sau đó khóc sụt sùi.  Phần má, sau khi tuôn ra được những dòng nước mắt ấm ức bấy lâu …má cảm thấy lòng má được nhẹ nhàng, thanh thản hơn bao giờ.  Má buồn tủi vì đã trải qua ba lần bị mua bán, mà người bán má đầu tiên là mẹ ruột của mình….nhưng nghĩ cho cạn cùng, dù sao thì bà Ngoại cũng là người đã sanh ra má…nên má đã tự nhiên giãm đi lời cay đắng đối với bà Ngoại và đã bỏ qua tất cả uất tức mà má đã ôm ấp từ lâu và giờ đây, má phải cố quên và tha thứ để có niềm vui sống …”

Tôi thật ngỡ ngàng xúc động khi nghe Má tôi kể lại quãng đời sóng gió, gian truân mà Bà. Đang lúc tôi ngùi ngùi muốn khóc thì Má tôi kể tiếp…
“Má sinh ra chị Hai con nhưng không nuôi được. Rồi sau đó Má sinh tiếp một người anh trai, cũng không nuôi được, nên chồng của Má không vui, nhưng Má vẫn được  chăm sóc chu đáo, cuộc sống có thể nói là nhàn hạ, vô ưu… và rồi Má lại có bầu lần thứ ba.  Trong lúc đang mang bầu thì Biên Hoà xẩy ra một trận lụt lớn, ngậpkhắp khu chợ…Lúc nước rút hết và chợ nhóm lại, thì tất cả bạn hàng trong chợ cùng nhau xin được miễn hoa chi (không biết khoảng bao lâu). Vốn có lòng nhân từ nên chồng Má chấp thuận lời yêu cầu miễn thu thuế.  Không thu thuế thì tròn nhân đức đối với bạn hàng, nhưng bị coi là không làm tròn trách nhiệm đối với ông chủ lớn ở Sàigòn. Sau đó, chồng của Má, vì sợ bị truy tố về tội miễn thuế hoa chi cho bạn hàng và không biết là đứa con trong bụng Má có nuôi được hay không, nên chồng Má lặng lẽ bỏ má, mà trở về xứ Ấn Độ của ông ta.
Vậy là cuộc sống ấm êm qua nhanh như cơn gió thoảng. Má lại phải một mình lo liệu những tháng ngày sắp tới, phải một mình sinh con và tự lo liệu đời sống cho hai mẹ con trong cảnh đơn chiếc. Rất may, Má sinh lần nầy được một đứa con trai, rất kháo khỉnh, khoẻ mạnh, giống cha như đúc, nhưng lại không có cha….
Thế là mẹ goá con côi, Má phải buôn tần bán tảo, sống cảnh cơ hàn tháng lụn ngày qua.   Đến ba năm sau, Má tái giá…..mong có được tấm chồng tốt để được phụ giúp nuôi con và che chở trong tháng ngày còn lại….Nào ngờ số đoạn trường cứ dai dẳng đeo mang, má lấy nhầm một ông chồng làm việc thì ít, mà nhậu nhẹt thì nhiều… 
Để có thể nuôi các con ăn học nên người, Má phải chấp nhận tiếp tục bán tảo buôn tần nuôi chồng nuôi con…Với ông chồng nầy, Má hạ sanh được một gái và ba trai. Người con gái tức chị Ba của con, rất ngoan, chấp nhận hy sinh tuổi hoa niên, phụ má buôn bán để nuôi anh và các em ăn học. Má và chị Ba của con dốt đặc đến độ không biết mặt chữ I chữ tờ là thế nào hết…Riêng người chồng của Má, v ì uống rượu nhiều quá nên mang bịnh và qua đời.

“-Ba lần bị mua bán thì sao lại không thể có ba đời chồng?
Ba năm, sau khi chồng của Má mất, Má bước thêm bước nữa ….người đó là ba của con một hạ sĩ quan trong một đơn vị Pháp . Ở với ba của con trong khoảng thời gian từ năm 1940-1954, má cũng vẫn sanh sống với nghề buôn bán, nhưng có phần nhàn hạ hơn… mặc dù Ba của con không cho má một đời sống sung túc, giàu sang, nhưng Ba của con rất thương yêu má, má cảm thấy có hạnh phúc trong tình nghĩa vợ chồng ấm êm…..Chuyện sau nầy thì con đã biết, má không cần nói nữa.”

Má tôi, một cô bé 8 tuổi bị mẹ bán đi, rồi qua bao cay đắng, đoạn trường. Bà không biết đọc, biết viết, nhưng bà hiểu rõ giá trị của sự học và đã cố gắng cho tôi ăn học thi vào trường Gia Long, miệt mài đèn sách bảy năm.
Lăn lốc giữa chợ đời, má tôi chọn sự thật thà trong buôn bán, tuyệt đối không buôn bán những mặt hàng có sự  “cân, đo và đong” mà chỉ bán nhưng mặt hàng “ thấy rõ và đếm được”. Má tôi quan niệm, cái lít, cây thước và cái cân có thể ăn gian nếu mình muốn, bằng cách đong hoặc đo hoặc cân nặng tay hoặc nhẹ tay….còn  mặt hàng đếm thì không thể ăn gian được…

Tuy dốt chữ nhưng má tôi hiểu được giá trị của sự học vấn và giá trị của sự thật thà, nên bà đã cố gắng giữ lòng ngay thẳng và xoay sở  bán buôn , cần kiệm để nuôi con ăn học nên người hữu ích trong xã hội.
Năm 1982, Má tôi bị tai nạn xe đụng rất hy hữu, do một thanh niên lái xe gắn máy ẩu tả ,chạy lủi vào cổng nhà, đụng phải má tôi đang ngồi trên chiếc ghế thật thấp, té ngồi xuống đất, rất nhẹ ,nhưng bị  gãy cổ xương đùi…. lúc đó má tôi đã 82 tuổi rồi,…  rất may, nhờ  người  bạn, anh Nguyễn Thành Bảo, Trung uý  Không quân Biên Hoà , có tay nghề bó thuốc gãy xương với bài thuốc gia truyền của thân phụ anh là “Bác Hai Hứng” để lại…. chỉ trong vòng bốn tuần lễ là lành vết thương và tập đi -  một bài thuốc bó gãy xương rất thần diệu…..

Năm 1989, Má tôi vĩnh biệt cuộc đời vì chấn thương sọ não,trong một tai nạn giao thông trên đường Nguyễn Hữu Cảnh Biên Hoà, do một cán bộ đương thời, lái xe gắn máy bất cẩn đụng phải, rồi sau đó lẻn đi, lẫn trốn trách nhiệm. Má tôi qua đời cách nay đã hai mươi hai năm. Tôi đã thật sự mồ côi cha lúc tôi mười ba tuổi và mồ côi mẹ lúc tôi bốn mươi tám tuổi đời, nhưng trong lòng tôi lúc nào cũng có mẹ - T ôi tin tưởng Má tôi lúc nào cũng ở bên cạnh tôi, giúp đỡ, phù hộ tôi qua từng bước khó khăn trong cuộc đời - Mẹ là kim cương, mẹ là vàng khối của đời tôi.

Bà Ba bán chuối chợ Biên Hoà được nhiều người biết đến qua tánh tình ngay thẳng và thật thà trong việc mua bán….hằng ngày vui vẻ tiếp đón khách hàng  đến mua chuối của bà, chứ ít ai biết cuộc đời rất ư là khổ cực, truân chuyên của Bà . Bà bị bán chuyền tay đến ba lần và ba lần lận đận trong việc hôn nhân…Nỗi lòng thầm kín uất nghẹn của Bà được trao cho đứa con út trong ba dòng con, cũng là đứa con duy nhất với người chồng sau cùng tên Trần Công Thông, nguyên quán quận Phong Điền thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế, một hạ sĩ quan thời Pháp thuộc và đã tử trận tại Điện Biên Phủ vào năm 1954.

Bà là người mẹ tôi yêu kính nhất đời.  Tôi biết không phải chỉ một mình tôi nhớ thương Bà, mà chồng tôi và các con của tôi cũng rất nhớ thương Bà, vì bà đã đem lại nguồn vui và hạnh phúc cho tất cả, khi bà còn sanh tiền, tình thương yêu bà đối với chúng tôi rất đậm đà, thân thiết.
Trên thế gian nầy, không có một thứ tình thương yêu nào được ví bằng tình mẹ thương con và con thương yêu cha mẹ. Riêng tôi, tôi đã thương yêu Má tôi với một tình thương yêu vô bờ bến và tôi rất cảm phục Má tôi đã có một ý chí kiên cường, vì theo tôi, trên cuộc đời nầy không có một người phụ nữ nào khổ hạnh hơn Má tôi, nhưng Bà vẫn ung dung chấp nhận dấn bước trong khổ hạnh và lấy khổ hạnh cuộc đời làm nguồn vui và lẽ sống.
Hôm nay, trời Chicago đang giá buốt, một màu trắng xoá khắp nơi và tuyết vẫn đang rơi….tôi chạnh nhớ đến Má tôi, nhớ lời tâm sự của Bà gửi gắm cho tôi cách nay hơn năm mươi năm mà cảm thương Bà vô cùng và cũng nhân sắp đến ngày Lễ Mẹ, Mother’ Day, tôi viết bài nầy gọi là nén hương lòng tưởng nhớ,  kính dâng hương hồn Má tôi đang ở một phương trời Tịnh Độ xa xôi nào đó hoặc đã đi đầu thay kiếp người, đang sống trong bình an và hạnh phúc.
                                                   Chicago, ngày 10 tháng 2 năm 2011

                                                                        Trần Hà Lộc

TƯỞNG NHỚ NHÀ VĂN BÌNH NGUYÊN LỘC...

Tưởng Nhớ Nhà Văn BÌNH NGUYÊN LỘC
và Một Chút Nhớ Về Người Bạn Gái Ngày Xưa


         Hôm Chúa Nhật ngày 6-3-2005,trong buổi tiệc họp mặt đồng hương Biên Hoà tại nhà một người bạn tại thành phố Chicago, tôi có dịp nghe bản nhạc Dò Dọc do nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng sáng tác phỏng theo tập truyện dài cùng tên Đò Dọc của nhà văn Bình Nguyên Lộc, trong một băng nhạc Paris By Night, do hai ca sĩ Thanh Tuyền và Sơn Tuyền trình bày rất duyên dáng trong lời dân ca êm dịu..
                  ‘Có một gia đình trung lưu trí thức
                  Từ bỏ ngôi vôi về với ruộng đồng
                  …
                  Cô hứa thôi thời mình nên ở giá
                  Trung hiếu cho tròn tình mẹ nghĩa cha’.

         Trong bầu không khí đang vui, tôi bỗng ngùi ngùi nhớ đến nhà văn Bình Nguyên Lộc, một  nhà văn xứ Bưởi. Tôi bâng quơ nhìn lên tấm lịch treo tường và nhận ra ngày mai là ngày giỗ thứ mười tám của nhà văn Bình Nguyên Lộc, sở dĩ tôi nhớ ngày nầy là vì ít có người  được như BNL, sanh tử cùng ngày.  Ông sanh ngày 7-3-1914 tại Tân Uyên Biên Hoà, Ông mất ngày 7-3-1987 tại Sacramento / California.
 Hôm nay(7-3-2005) tôi viết mấy dòng nầy để tưởng nhớ nhà văn Bình Nguyên Lộc và cũng để nhớ về một người bạn gái xa xưa, ở cùng xóm với tôi, cô gọi Bình Nguyên Lộc bằng bác. Nhờ cô mà tôi đọc được nhiều tác phẩm của nhà văn BNL.
                                            
Nói đến nhà văn Bình Nguyên Lộc thì lắm người biết, lắm người thương vì ông là một nhà văn lớn của Việt Nam, nổi tiếng từ thập niên 50. Ông viết rất đều đặn và đã cho xuất bản đến ba mươi tác phẩm. Văn của BNL hay, gọn, bình dân, dể hiểu nên được nhiều người yêu thích.
              Biết bao nhiêu người đọc say sưa các tác phẩm của Bình Nguyên Lộc, nhưng ít người biết gốc gác của BNL. Tôi rất may, được biết nhà văn BNL gốc người Tân Uyên/Biên Hoà rất sớm, nhờ cô bạn gái ở cùng xóm chợ Biên Hoà. Thỉnh thoảng cô cho tôi mượn rất nhiều sách để đọc. Nhà cô có một tủ sách, gồm đủ loại , phần nhiều là tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn và có cả các loại báo cũ, như Hà Nội Báo, Tiểu Thuyết Thứ Bảy xuất bản tại Hà Nội, loại hai xu, khổ lớn trang bìa có  hình một bức tượng bán thân…
 Có lần tôi vui miệng hỏi lý do nào cô đã sưu tầm hầu như gần đủ bộ tiểu thuyết của BNL. Cô bạn tôi chậm rãi trả lời rằng:"Tôi yêu thích văn của BNL, vì Ông là nhà văn xứ Bưởi, cùng quê với tôi. Ông sanh quán ở Tân Uyên/Biên Hoà và ông còn là bác của tôi…". Cô bạn tôi tỏ rõ niềm hãnh diện vì có người trong họ là một nhà văn nổi tiếng, nhà văn xứ Bưởi, làm tôi cảm thấy vui lây. Từ đó, tôi bắt đầu ngưỡng mộ nhà văn BNL. Tôi lần lượt mượn lại những tác phẩm của BNL mà tôi đã có dịp đọc qua để đọc lại kỹ hơn. Tôi tìm hiểu và được biết BNL tên là Tô văn Tuấn, sinh ngày 7-3-1914 tại Tân Uyên Biên Hoà, là bác của cô bạn gái tôi tên Tô Y.N.  Tôi chưa được hân hạnh một lần diện kiến nhà văn, chỉ ‘văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình’, mãi về sau nầy có dịp đọc quyển ‘Cuống Rún Chưa Lìa’, thấy nơi trang bìa sau quyển truyện nầy có hình của nhà văn BNL, có gương mặt giống hệt của ông Tô văn Sáu tự Sáu Tỏn, làm việc trong ban chấp hành nghiệp đoàn xe LÔ (location) đưa rướt hành khách Biên Hoà – Saigòn, và ở phía sau nhà tôi, khu rạp hát Vạn Khánh Hưng góc đường Phan Chu Trinh và Lý Thường Kiệt(BH). Tôi đoán BNL là anh ruột hoặc anh chú bác với ông Tô văn Sáu, nên có lần tôi hỏi ông Sáu và được ông xác nhận BNL là anh của ông ta.
              Thuở đó tôi cố đọc và cố nhớ nhiều về các tác phẩm của nhà văn BNL chỉ với mục đích chực chờ người bạn gái tôi hỏi mà trả lời về cốt chuyện, tình tiết, lời văn…như học trò trả bài cho cô giáo vậy.
              Thời gian lặng lẽ trôi qua, vào một buổi sáng đẹp trời ngày chúa Nhật cuối năm 1957, cô bạn gái của tôi sang thăm tôi với vẻ mặt buồn buồn, lời nói và cử chỉ không tự nhiên như những lần cô mang sách đến cho tôi mượn trước đây, lần nầy cô bạn mang đến cả hai chồng sách, được cô gói cẩn thận và nói xin biếu tôi để đọc lâu dài, xong cô nàng chào tôi và ra về. Tôi đoán, chắc có chuyện gì xảy ra. Tôi vội mở hai chồng sách ra, thấy những quyển sách quen thuộc tôi đã từng đọc qua. Trong mỗi quyển sách đều có ghi ngày cô cho tôi mượn và ngày tôi trả và có chữ ký tắt L+N tên tôi và tên cô bạn. Tôi vội giở nhanh từng trang sách như cố tìm một cái gì. Khi giở đến quyển Trăm Nhớ Ngàn Thương của BNL, bên trong có một giấy màu xanh dương nhạt xếp đôi, cô nàng viết:"Anh Lộc thương!  Em hiểu lòng anh, và chắc anh cũng hiểu được lòng em, chúng ta chưa một lần nói tiếng yêu nhau, nhưng qua biểu hiện tình cảm, ánh mắt, nụ cười, phút giây chờ đợi, cho em đoán rằng trong lòng chúng ta đã có sự thầm kín mến thương nhau. Nay ba má em quyết định gả em lấy chồng, nói là em đã lớn, đã hai mươi tuổi rồi. Thật tình, em chẳng biết tính sao, đành cúi đầu vâng lệnh. Mong anh hiểu lòng em . Xin chào vĩnh biệt". Tôi cầm lá thư trong tay mà hồn tôi như đã lạc phương nào, chỉ nghe trong lòng đang vời vợi một nỗi buồn xa vắng. Cô bạn cắt đứt quan hệ với tôi, rời bỏ xóm làng, đi lấy chồng, thật ra chẳng có gì đáng trách. So sánh cảnh sống thuở ấy của tôi và hoàn cảnh của nàng,  tôi đoán chắc sẽ có ngày nầy, ngày nàng nói lời chia tay vĩnh biệt với tôi.Chuyện gì đến đã đến, coi như mọi việc đã an bài. Tôi chỉ thoáng buồn và tiếc là phải xa cách một người bạn tốt. Một năm sau, tôi được một người hàng xóm báo tin sắp đến ngày lễ vu qui của cô bạn, tôi từ phương xa trở về đúng lúc. Tôi đến nhà người hàng xóm có cửa sổ trông sang nhà cô bạn, tôi lén vẫy tay chào cô và thầm chúc cô hạnh phúc.
 Sau nầy, tôi biết tin cô bạn ngày xưa của tôi trở thành một goá phụ rất sớm, ở độ tuổi hai mươi lăm, tuổi xuân còn nồng đượm, nhưng cô quyết thủ tiết thờ chồng, ở vậy nuôi ba đứa con ăn học nên người. Khoảng năm 1987 tôi có dịp gặp lại cô bạn và được cô cho biết nhà văn BNL đã qua đời bên đất Mỹ, sau khi ông sang định cư tại đây được hai năm.
Cô bạn tôi hiện đang sanh sống ở Việt Nam, dù xa xôi, tôi vẫn ghi lòng biết ơn cô, nhờ cô mà tôi có dịp đọc nhiều tác phẩm của Bình Nguyên Lộc.
Nay tôi viết mấy dòng chữ nầy coi như nén hương lòng của tôi, một người dân xứ Bưởi kính dâng nhà văn xứ Bưởi Bình Nguyên Lộc trong niềm hãnh diện và thương tiếc Ông nhân ngày kỷ niệm năm thứ 18 Ông vĩnh biệt cuộc đời trên đất Mỹ. Ông để lại cho đời những ba mươi tác phẩm sau đây:
 
-Nhốt Gió                          -Xô Ngã Bức Tường Rêu
-Dò Dọc                            -Gieo Gió Gặt Bão
-Ký Thác                                    -Nhện Chờ Mối Ai
-Bóng Ai Qua Song Cửa     -Ái Ân Thu Ngắn Cho dài Tiếc Thương
-Hoa Hậu Bồ Đào               -Nửa Đêm Trăng Sụp
-Tâm Trạng Hồng              -Đừng Hỏi Tại Sao
-Mưa Thu Nhớ Tằm            -Một Nàng Hai Chàng
-Quán Tai Heo                   -Trăm Nhớ Ngàn Thương
-Thầm Lặng                       -Uống Lộn Thuốc Tiên
-Cần Giờ                           -Diễm Phương
-Sau Đêm Bố Ráp              -Cuống Rún Chưa Lìa
-Khi Từ Thức Về Trần         -Lột Trần Việt ngữ
-Tình Đất                                  
-Những Bước Lang Thang Trên Phố của Gã BNL
-Ngồn Gốc Mã Lai của Người Dân Tộc Việt Nam

              Là người Biên Hoà, đang sống nơi hải ngoại, ta nên tìm đọc những tác phẩm trên đây của BNL, để có dịp tiếc thương Ông và nhớ về cội nguồn, miền Sông Đồng Núi Bửu. Trong 30 tác phẩm trên đây có một số quyển như quyển Cuống Rúng Chưa Lìa đã vượt ra khỏi lãnh vực văn chương, trở thành phương thuốc,  có thể chữa cho những ai đang mang Nỗi Sầu Xa Xứ.

                                                           Nguyễn Kim Lộc
                                                    (Chicago, ngày7-3-2005)


TƯỞNG NHỚ VỀ CHA

Tháng vừa qua, nhân Lễ Vinh Danh Mẹ (Mother’s Day) vào ngày Chúa Nhật 9-5-2010, tôi có viết bài Mẹ Tôi, đăng trên Bản Tin Tháng 5 của Hội Ái Hữu Biên Hoà (Houston-Texas). Sau đó, tôi nhận được điện thoại và điện thư  của vài đồng hương và thân hữu, khen bài viết với giọng văn “nghèo mà vui” và khiến cho nhiều người chạnh lòng nhớ về Mẹ.
-Qua điện thoại, nhà văn Hooàng Anh Tài nói: “Đọc bài viết về Mẹ của em, khiến anh nhớ đến mẹ của anh quá! Mẹ của anh qua đời trong lúc anh còn đang bị tù cải tạo ở Sơn La miền Bắc Việt Nam…..”
- Điện thư của nhà thơ Vương Hồng Ngọc viết: “Hôm qua nhận được BTHT Biên Hoà mình, đọc chuyện anh viết mà bùi ngùi.   Cũng hơn 40 năm, HN vẫn còn nhớ hình ảnh Bác. Trong gia đình anh, HN chỉ biết chị Hoà, Hiệp, Mừng.   Bác thiệt giỏi và có tấm lòng, xoay sở làm ăn lo cho một đàn con.  Có được những người con biết thương yêu và thông cảm với mẹ mình, chắc chắn là Bác cũng đã cảm được niềm hạnh phúc khi còn sống.  Ai rồi cũng đi qua con đường Sinh Lão Bệnh Tử.  Bác nằm xuống ở tuổi 83 là đã thọ.  Thương mẹ, nhưng cũng phước cho anh, khóc mẹ ở tuổi bạc đầu.   HN thì khóc mẹ từ thuở lên 7.  Có bất hạnh nào hơn một trẻ thơ mất mẹ.  Một đời thiếu tình thương của mẹ, một đời cứ nghe hụt hẫng.  Thấy những người như HN để biết mình hạnh phúc nha anh”

-Điện thư của nhạc sĩ LMST viết: “Cám ơn bài thơ "Lời Ru Của Mẹ" thật tuyệt vời của TN.
TN được nhiều hạnh phúc trong vòng tay của Mẹ nên còn nhớ lại từng lời ru của Mẹ từ ngày xa xưa nào.
Lmst mất Mẹ lúc chỉ 3 tuổi nên ký ức về Mẹ chỉ qua hình ảnh xưa cũ mà thôi. Tuy nhiên trong thời gian gần 80 năm qua, không đêm nào, trước khi đi ngủ, lmst có thể quên không cầu nguyện cho linh hồn Mẹ”, đồng thời gởi tặng bản nhạc “Lời Ru Của Mẹ” phổ từ thơ TN và tấm hình toàn gia đình chụp năm 1933, gồm song thân và bốn anh chị em của LMST (lúc LMST mới 3 tuổi). Tôi tht sự xúc động khi xem tấm hình và đọc phần ghi chú thâm tình của LMST.

-Và vài người bạn khác đề nghị tôi viết một bài về Cha cho tháng kế tiếp cũng nhân ngày Vinh Danh Cha (Father’s Day) vào ngày Chúa nhật ngày 20-6-2010, cho công bình….vì cha mẹ đều là đấng sinh thành dưỡng dục…nghĩa trọng tình thâm, mà trong dân gian vẫn thường so sánh “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” và  công cha luôn được ví như “núi Thái Sơn” , nhưng đến mùa tưởng nhớ công đức sinh thành, người ta thường nghiêng hướng về mẹ nhiều hơn, mười bài viết về mẹ hoạ hoằn mới có một bài viết về cha…

Tôi ngập ngừng giây phút, vì không biết thời gian cho phép hay không, vả lại viết về cái tôi là một điều tôi vô cùng ái ngại và có thể gây cho nhiều người khó chịu về “Cái tôi đáng ghét”….nhưng sau cùng tôi chấp nhận viết về người cha hiền hậu và đáng kính của tôi với trọn niềm tưởng nhớ…., tuy nhiên tôi cũng trình bày cùng Ông Hội Trưởng Hội AHBH rằng, nếu đã nhận được bài viết về Cha mà không có chữ “tôi” vướng trong đó, thì cứ cho ưu tiên lên khuôn, còn bài viết nầy cho qua một bên vậy.
***   

Trước hết, tôi mở bản nhạc “Tình Cha” của Ngọc Sơn, do chính tác giả trình bày, để hoà lòng tưởng nhớ, khơi gợi nguồn cảm hứng…

“Tình Cha ấm áp như vầng Thái Dương
Ngọt ngào như giòng nước tuôn đầu nguồn
Suốt đời vì con gian nan,
Ân tình đậm sâu bao nhiêu, Cha hỡi Cha già dấu yêu

Và con nhớ mãi những ngày tháng qua
Kỷ niệm năm nào khó phai trong lòng
Nhớ hoài tuổi thơ bên Cha, gian khổ ngày đêm chăm lo
Mong muốn con được lớn khôn
Còn nhớ những ngày ấy, những đêm trường giá lạnh
Và Cha nằm ôm con sưởi ấm những canh dài
Nhè nhẹ hôn con và Cha khẽ nói: Này con yêu ơi...
Con hãy nhớ… hãy nhớ... lời Cha sống cho nên người
và con hãy chớ bao giờ dối gian
Nghèo thì cho sạch rách sao cho thơm!
Những lời của Cha năm xưa
Con nguyện ghi sâu trong tim
Cha hỡi Cha già dấu yêu...”

Lời bản nhạc rất sâu sắc, diễn đạt được tình cha ấm áp, ngọt ngào làm sao, nói lên được sự lo lắng của người cha dành cho con như  thế nào trong quá khứ và nguyện luôn nhớ lời cha dạy  là “ chớ gian dối” và luôn giữ “nghèo cho sạch, rách cho thơm”

Thật sự mà nói, không có người cha nào mà không thương con, nhưng tình thương của người cha lúc nào cũng kín đáo hơn người mẹ, nên người con nào cũng thấy mẹ thương con nhiều hơn cha; người mẹ thường bao dung, nuông chiều hoặc đồng loã, che giấu những lỗi lầm của con, không cho người cha biết để kịp thời sửa chữa, dạy dỗ v à vô tình tạo đứa con hư hỏng, dân gian vẫn có câu “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”.   Người cha nghiêm khắc hơn người mẹ và thương dạy con đôi khi bằng roi vọt, hoặc trách mắng nặng lời, không như người mẹ, lúc nào cũng nhỏ nhẹ, cho con toàn lời âu yếm nuông chìu….Người mẹ thương con và thường lo cho con cái ăn cái mặc, còn người cha thương con, bằng những lời giáo huấn cần thiết nhằm hướng định cho con một tương lai tươi sáng hoặc truyền cho con những bí quyết để thù thắng cuộc đời… Tôi xin phép được viết đôi điều về cha tôi.

          Cha tôi từng là công chức, làm giám thị đề lao Biên Hoà, dưới quyền của ông Tống Đình Đê (Cù Lao Phố-Biên Hoà); một thời làm thơ ký cho Hãng Mễ Cốc Đông Dương tại Sàigòn; từng tham gia Phong Trào Việt Minh chống Pháp, nhưng trở về thành rất sớm…. và từ đó làm đủ thứ nghề, phụ mẹ tôi, nuôi một bè con bảy đứa. Việc làm sau cùng của ba tôi là quản lý rạp chiếu bóng Trần Điển (sau nầy có tên là Vạn Khánh Hưng) nơi góc đường Lý Thường Kiệt và Phan Châu Trinh biên Hoà.
Tôi chỉ nghe kể “Từ ông bà cố đến ông bà nội tôi đều thuộc gia đình giàu có, vào thời điểm thập niên 20, 30, gia đình có tiệm tạp hoá lớn hiệu Phú Bổn, ở Chợ Lớn (Sài Gòn), có lò thuộc da và lò nhuộm ở vùng Quán tre (Gia Định), nhưng ông bà nội tôi qua đời sớm, lúc ba tôi và cô của tôi còn nhỏ;  bà nội tôi trăn trối gởi ba tôi và cô tôi cho người em gái nuôi, cùng ký thác một số lớn tài sản. Ba tôi sống với người dì ruột và được cho ăn học nên người. Đến khi ba tôi trưởng thành, lập gia đình, ra riêng thì phần tài sản chẳng còn; phần tài sản được khẩu trừ vào tiền nuôi ăn học, may sắm quần áo Tết, tiền tiêu, tiền nghệ, tiền ớt, tiền hành, vân vân được ghi chi tiết trong một bảng liệt kê thật dài…. Ông bác tôi biết được việc nầy, bảo ba tôi đi kiện để lấy lại một phần nào tài sản…Ông bác tôi nói “Phải kiện tụng ra toà, phải làm cho ra lẽ….  “cha nó lú chú nó khôn không lẽ một phồn nó daị”   Đứng trước ông Bác của tôi, ba tôi vâng dạ, tỏ ra nghe lời việc đề nghị  kiện tụng để đòi lại phần tài sản của ông Nội tôi để lại, nhưng trong lòng của ba tôi thật sự không muốn hành động như vậy. Ba tôi nói với mẹ tôi rằng:” Dì ruột cũng như mẹ, nếu đưa ra tụng đình thì mình sẽ thắng kiện…. nhưng rồi người dì sẽ buồn rầu mà chết sớm đi thì mình có tội”, nên ba tôi quyết định bỏ qua việc thưa kiện nầy.  Ba mẹ tôi quyết định rời khỏi vùng Xóm Củi (Chợ Lớn), lên Biên Hoà làm ăn sanh sống, coi Biên Hoà là đất lành chim đậu, trong khi ông bác của tôi bảo ba tôi về Cần Thơ ở. Ông bác của tôi tên là Nguyễn Văn Bích, cựu Đốc Phủ Sứ là thân phụ của ông Nguyễn Văn Quí, từng là làm Quận Trưởng Quận Tân Uyên và sau đó làm Chánh Tham Biện (Tỉnh Trưởng) Biên Hoà vào thập niên 40. Ông bác của tôi có rất đông con, phần đông là công chức, có tên như sau : Nguyễn Thị Hường (chủ vựa cá mắm ở Ngã Bảy Phụng Hiệp Cần Thơ), Nguyễn Văn Thơm(thứ ba, làm tại Toà Đô Chánh Sài gòn), Nguyễn văn Quí (thứ Tư, cựu Tỉnh Trưởng Biên Hoà, có bút hiệu là Thân Văn, người sáng lập Ban Khuyến Lệ Cổ Ca), Nguyễn Văn Hiếu (thứ năm, kỷ sư Cầu Cống, vừa từ bên Pháp về Việt Nam, bị Việt Minh bắt tại Trung Lương trên đường từ Sài Gòn về Cần thơ, chung với ông Tạ Thanh Long và dẫn đi mất tích từ năm 1945(?), Nguyễn văn Để (thứ sáu, viên chức Bộ Tài chánh thời VNCH), Nguyễn Văn Tại (thứ bảy, Công chức), Nguyễn văn Cần(thứ tám, Công chức)... Tên đặt thật vần và ý nghĩa: Hường, Thơm, Quí, Hiếu, Để, Tại, Cần, Thơ….Phần ông bà nội tôi chỉ có ba người con, đặt tên theo con giáp (Can chi) Tí (tên của ba tôi Nguyễn Văn Tí, thứ hai), Sửu, Nguyễn Thị Sửu (thứ ba, qua đời lúc còn nhỏ), Dần, (Nguyễn thị Dần thứ tư, sau nầy đổi tên là Hạnh và đôn lên hàng thứ Ba. Cô Ba của tôi hiện nay đã hơn 90 tuổi, sống với con cháu ở Quận 7 Sài Gòn.
Thời thanh niên, ba tôi từng là thủ môn của đội banh Biên Hoà, ba tôi không có kể cho tôi nghe về chuyện nầy, tôi chỉ tình cờ được người chú hàng xóm cho xem tấm hình khổ lớn 24x32, chụp đội banh Biên Hoà, mặc áo đỏ sọc đen, trong hình có trọng tài Ký và trong tài Jean, nhà văn Lương Văn Lựu, ông Trần Minh Miêng(người giữ tấm hình); ba tôi biết đàn tranh (thập lục huyền cầm) học thầy Năm Trù ở Cây Chàm, đàn rành rẽ nhiều bài bản Nam Ai , Kim Tiền Bản, Đảo Ngũ Cung, Ba Nam Sáu Bắc, sáu câu vọng cổ…có chân trong ban nhạc Tỉnh Biên Hoà thời ông Tỉnh trưởng Hậu(?), thổi kèn Bariton, cây kèn to nhất trong ban nhạc, nhiệm vụ giữ trường canh ….nhưng khi đến khoảng bốn mười lăm tuổi, ba tôi bắt đầu ăn chay trường, nghiên cứu kinh sách, bắt đầu tu tại gia và tầm thầy học về Đông Y, tánh dược, phương thang, chẩn mạch, châm cứu vân vân, với mục đích giúp người nghèo khổ…. cho đến khoảng cuối thập niên 70, ba tôi quyết đoạn tuyệt lục dục thất tình, xuất gia cầu Phật. Chìu theo ý của ba tôi, gia đình chúng tôi rất đông con cháu đưa ba tôi đến tại Trung Tâm Tịnh Xá (Gò Vấp),dự lễ Trai Đàn, các vị thượng toạ làm lễ thí phát …. Ba tôi chính thức qui y Tam Bảo, quyết chí tu hành, trường chay đạo hạnh với pháp danh Minh Đạt; trong dịp nầy tôi cũng được Đại Đức Thích Giác Ngộ ban cho pháp danh Minh Thành.
 Sau lễ, chúng tôi ra về, ba tôi ở lại bắt đầu cuộc đời tu hành, trì chay giữ giới, tìm vui trong câu kinh tiếng mõ nơi chốn thiền am…… Sau đó một thời gian, thình lình, gia đình nhận được tin ba tôi ngã bịnh nặng, Trung Tâm Tịnh Xá đề nghị rước ba tôi về nhà chữa trị và tiếp tục tu tại gia…
Tại thành phố Biên Hoà không có chùa hoặc tịnh xá nào mà ba tôi không lui đến để dâng hương lễ Phật cùng thọ giáo những lời vàng ngọc của các sư. Và thường ngày, ba tôi làm hai công việc bố thí, thí tài vài thí pháp. Khi nào ba tôi có chút đỉnh tiền, do con cháu cho, thì ba tôi lại đem cho những người đi xin ăn quanh chợ hoặc mua thức ăn chay cúng dường cho các sư đi khất thực hoá duyên. Ngoài ra ba tôi cũng thường giảng kinh cho những người có ý hướng tu hành, mà ông vẫn thường gọi là thí pháp, nhằm hướng dẫn mọi người ăn chay, niệm Phật, làm lành lánh dữ…Những người dân quanh khu chợ Biên oHoà gọi ba tôi với biệt danh là ông Hai Hát Bóng…. Những người trong xóm thường nói “Không thấy ai hiền như anh Hai Hát Bóng, ăn ở không mếch lòng đến một đứa con nít”.
Tôi học hỏi ở ba tôi rất nhiều, những bài học thực tiễn, quí giá, qua việc làm hằng ngày của ba tôi về tính tình, cách đối nhân xử thế, ý hướng tu học và giúp đời…
Tôi từ giã ba tôi, lên máy bay qua Mỹ theo diện HO vào năm 1991, qua năm sau (1992), ba tôi vĩnh biệt cõi đời, tôi trong hoàn cảnh không về được để thọ tang…. Những hoạt động sinh thời của ba tôi được tôi ghi nhận, và chuyển đạt thành những bài thơ thô thiển sau đây, tôi viết, trong những khi tưởng nhớ nhiều về  người cha hiền lành đáng kính… và tôi xin trình bày nơi đây hôm nay, như một nén hương lòng kính dâng Hiền Phụ.
 



HÌNH ẢNH ÔNG HAI HÁT BÓNG

Già gọi Hai Hát Bóng
Tuổi trẻ kính ông Hai
Người cao, dáng hơi gầy
Mắt sáng nguồn đạo hạnh

Ông Hai cố gắng tu
Biên Hoà ai cũng biết
Đi tìm đường giải thoát
Trong ý hướng độ đời

Một phật tử thuần thành
Bốn mươi năm chay lạt
Với pháp danh Minh Đạt
Người quyết chí tu hành

Tiếng mõ vẫn đều tay
Tiếng chuông ngân ngân dài
Gợi người qui Tam Bảo
Xóm làng vui lắng tai…

Thiền định cả giờ lâu
Bậc thềm dường bốc khói
Bốn bức tường lửa cháy
Gởi hồn về đâu đâu

Một tu sĩ tại gia
Niệm lục tự Di Đà
Giữa hàng kinh vô tự
Vượt thoát đời phong ba

Thực hiện lời nguyện ước
Đã một lần xuất gia
Ngoạ bịnh, thêm tuổi già
Nửa chừng đành bỏ cuộc

Hối tiếc tháng năm qua
Đã không sớm xuất gia
Để đời tu lỡ dịp
Trở về tu tại gia.
                     (Thế Nhân)





HÌNH ẢNH NGƯỜI CHA

                                   Đi tu mục đích giúp đời
                              Cứu người hoạn nạn vớt người trầm luân

 Nhận thức được đời là bể khổ   
Cảnh vô thường nay có mai không
Tử sinh khép một vòng tròn
Lá rơi, bóng nhạn mờ dần nẻo xa

Người vội vã tầm sư học đạo
Viếng nhiều chùa tự tạo cơ duyên
Trầm tư trút cạn nỗi niềm
Muốn xa lánh khỏi ưu phiền trần gian

Tự thách thức gian nan khổ hạnh
Đi tìm thầy kề cận sớm hôm
Kệ kinh thiền định tu thân
Điều tâm, học mạch, phương thang độ đời

Học tánh dược, tạng người thời khí
Học thêm môn châm cứu nhuần tay
Ước mong có được một ngày
Giúp người nghèo khổ, vớt người trầm luân


Trong giấc ngủ mơ màng thi Phật
Sợ trể giờ lật đật đi nhanh
Đến nơi với tấc lòng thành
“Phật xuất địa ngục” đáp nhanh đổ liền


Một đêm khác êm đềm trong giấc
Mơ màng cùng các vị cao tăng
Đi về dự Hội Linh Sơn
Đồi hoa chim hót chập chờn khói mây

Tuổi tác cao ngày càng vội vã
Nghĩ không còn thông thả được đâu
Đời như đèn sắp cạn dầu
Đôi bờ sinh tử chiếc cầu hiện ra

Người nhất quyết xuất gia đầu Phật
Chốn thiền am chẳng được bao lâu
Tuổi già ngả bệnh cơ cầu
Trở về gia thất niệm câu Di Đà

Khi tịnh dưỡng không xa niệm chú
Vẫn trường chay quyết chí tu thân
Đến ngày nhắm mắt xuôi chân
Hàng ngàn kinh pháp hồng trần tiễn đưa

Nắm hài cốt chỉ vừa chiếc hủ
Sau trăm ngày ấp ủ kệ kinh
Đẹp trời… một buổi bình minh
Sông Đồng nước cuốn ảnh hình tan đi.
                                         (Thế Nhân)


LỜI CHA DẠY

Dạy con nhỏ nhẹ với đời
Tránh cho khẩu nghiệp cấp thời dấy lên
Phiền lòng cô bác đôi bên
Kẻ hờn người dỗi chẳng nên chút nào
Nói năng thêm chút mật vào
Cho trơn thanh quản ngọt ngào người nghe
Dù cho việc khó trăm bề
Cũng đừng phóng hoả đốt bè trí khôn
Người tu phải giữ hanh thông
Những lời ác độc phải nên bỏ ngoài
Nói năng càng chậm càng hay
Tránh cho ý nghiệp lăn quay xổ càng
Một lời vội vã nói nhanh
Bốn con ngựa chiến không phăng kịp thời
Nói ra ân hận đã rồi
Lời qua cửa miệng thu hồi được đâu
Tâm viên ý mã cơ cầu
Lòng xôn xao động, ý lao vút vời
Dặn con nên phải giữ lời
Đừng cho ý mã phóng rồi lại ngăn
Lại còn phải giữ nghiệp thân,
Sát sanh trộm đạo tà dâm phải chừa
Cũng đừng uống rượu nói bừa
Vướng vào giới luật nhà chùa đã răn
Dặn con cố diệt tam bành
Tham sân si vốn ghi lòng đừng quên
Giữ gìn từng bước lục căn
Tránh cho duyên khởi lục trần dấy lên
Thế là diệt ý, khẩu, thân
Tam bành lục tặc con nên giữ gìn
Lời cha dạy… nhớ ân cần
Mỗi ngày ba cữ dặn lòng đừng quên.
                                         (Thế Nhân)                 

Ở trên đời nầy, hẳn ai ai cũng có một người cha để thương yêu khi cha còn sanh tiền và để tưởng nhớ khi người cha đã quá vãng. Mỗi người có một niềm hãnh diện riêng, không ai giống ai, về người cha của mình, nhưng nén hương lòng tưởng niệm gần như mang ý nghĩa giống nhau.
                                                                             Nguyễn Kim Lộc
                                                                                   (Chicago, ngày 9-5-2010)