Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

TƯỞNG NHỚ NHÀ VĂN BÌNH NGUYÊN LỘC...

Tưởng Nhớ Nhà Văn BÌNH NGUYÊN LỘC
và Một Chút Nhớ Về Người Bạn Gái Ngày Xưa


         Hôm Chúa Nhật ngày 6-3-2005,trong buổi tiệc họp mặt đồng hương Biên Hoà tại nhà một người bạn tại thành phố Chicago, tôi có dịp nghe bản nhạc Dò Dọc do nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng sáng tác phỏng theo tập truyện dài cùng tên Đò Dọc của nhà văn Bình Nguyên Lộc, trong một băng nhạc Paris By Night, do hai ca sĩ Thanh Tuyền và Sơn Tuyền trình bày rất duyên dáng trong lời dân ca êm dịu..
                  ‘Có một gia đình trung lưu trí thức
                  Từ bỏ ngôi vôi về với ruộng đồng
                  …
                  Cô hứa thôi thời mình nên ở giá
                  Trung hiếu cho tròn tình mẹ nghĩa cha’.

         Trong bầu không khí đang vui, tôi bỗng ngùi ngùi nhớ đến nhà văn Bình Nguyên Lộc, một  nhà văn xứ Bưởi. Tôi bâng quơ nhìn lên tấm lịch treo tường và nhận ra ngày mai là ngày giỗ thứ mười tám của nhà văn Bình Nguyên Lộc, sở dĩ tôi nhớ ngày nầy là vì ít có người  được như BNL, sanh tử cùng ngày.  Ông sanh ngày 7-3-1914 tại Tân Uyên Biên Hoà, Ông mất ngày 7-3-1987 tại Sacramento / California.
 Hôm nay(7-3-2005) tôi viết mấy dòng nầy để tưởng nhớ nhà văn Bình Nguyên Lộc và cũng để nhớ về một người bạn gái xa xưa, ở cùng xóm với tôi, cô gọi Bình Nguyên Lộc bằng bác. Nhờ cô mà tôi đọc được nhiều tác phẩm của nhà văn BNL.
                                            
Nói đến nhà văn Bình Nguyên Lộc thì lắm người biết, lắm người thương vì ông là một nhà văn lớn của Việt Nam, nổi tiếng từ thập niên 50. Ông viết rất đều đặn và đã cho xuất bản đến ba mươi tác phẩm. Văn của BNL hay, gọn, bình dân, dể hiểu nên được nhiều người yêu thích.
              Biết bao nhiêu người đọc say sưa các tác phẩm của Bình Nguyên Lộc, nhưng ít người biết gốc gác của BNL. Tôi rất may, được biết nhà văn BNL gốc người Tân Uyên/Biên Hoà rất sớm, nhờ cô bạn gái ở cùng xóm chợ Biên Hoà. Thỉnh thoảng cô cho tôi mượn rất nhiều sách để đọc. Nhà cô có một tủ sách, gồm đủ loại , phần nhiều là tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn và có cả các loại báo cũ, như Hà Nội Báo, Tiểu Thuyết Thứ Bảy xuất bản tại Hà Nội, loại hai xu, khổ lớn trang bìa có  hình một bức tượng bán thân…
 Có lần tôi vui miệng hỏi lý do nào cô đã sưu tầm hầu như gần đủ bộ tiểu thuyết của BNL. Cô bạn tôi chậm rãi trả lời rằng:"Tôi yêu thích văn của BNL, vì Ông là nhà văn xứ Bưởi, cùng quê với tôi. Ông sanh quán ở Tân Uyên/Biên Hoà và ông còn là bác của tôi…". Cô bạn tôi tỏ rõ niềm hãnh diện vì có người trong họ là một nhà văn nổi tiếng, nhà văn xứ Bưởi, làm tôi cảm thấy vui lây. Từ đó, tôi bắt đầu ngưỡng mộ nhà văn BNL. Tôi lần lượt mượn lại những tác phẩm của BNL mà tôi đã có dịp đọc qua để đọc lại kỹ hơn. Tôi tìm hiểu và được biết BNL tên là Tô văn Tuấn, sinh ngày 7-3-1914 tại Tân Uyên Biên Hoà, là bác của cô bạn gái tôi tên Tô Y.N.  Tôi chưa được hân hạnh một lần diện kiến nhà văn, chỉ ‘văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình’, mãi về sau nầy có dịp đọc quyển ‘Cuống Rún Chưa Lìa’, thấy nơi trang bìa sau quyển truyện nầy có hình của nhà văn BNL, có gương mặt giống hệt của ông Tô văn Sáu tự Sáu Tỏn, làm việc trong ban chấp hành nghiệp đoàn xe LÔ (location) đưa rướt hành khách Biên Hoà – Saigòn, và ở phía sau nhà tôi, khu rạp hát Vạn Khánh Hưng góc đường Phan Chu Trinh và Lý Thường Kiệt(BH). Tôi đoán BNL là anh ruột hoặc anh chú bác với ông Tô văn Sáu, nên có lần tôi hỏi ông Sáu và được ông xác nhận BNL là anh của ông ta.
              Thuở đó tôi cố đọc và cố nhớ nhiều về các tác phẩm của nhà văn BNL chỉ với mục đích chực chờ người bạn gái tôi hỏi mà trả lời về cốt chuyện, tình tiết, lời văn…như học trò trả bài cho cô giáo vậy.
              Thời gian lặng lẽ trôi qua, vào một buổi sáng đẹp trời ngày chúa Nhật cuối năm 1957, cô bạn gái của tôi sang thăm tôi với vẻ mặt buồn buồn, lời nói và cử chỉ không tự nhiên như những lần cô mang sách đến cho tôi mượn trước đây, lần nầy cô bạn mang đến cả hai chồng sách, được cô gói cẩn thận và nói xin biếu tôi để đọc lâu dài, xong cô nàng chào tôi và ra về. Tôi đoán, chắc có chuyện gì xảy ra. Tôi vội mở hai chồng sách ra, thấy những quyển sách quen thuộc tôi đã từng đọc qua. Trong mỗi quyển sách đều có ghi ngày cô cho tôi mượn và ngày tôi trả và có chữ ký tắt L+N tên tôi và tên cô bạn. Tôi vội giở nhanh từng trang sách như cố tìm một cái gì. Khi giở đến quyển Trăm Nhớ Ngàn Thương của BNL, bên trong có một giấy màu xanh dương nhạt xếp đôi, cô nàng viết:"Anh Lộc thương!  Em hiểu lòng anh, và chắc anh cũng hiểu được lòng em, chúng ta chưa một lần nói tiếng yêu nhau, nhưng qua biểu hiện tình cảm, ánh mắt, nụ cười, phút giây chờ đợi, cho em đoán rằng trong lòng chúng ta đã có sự thầm kín mến thương nhau. Nay ba má em quyết định gả em lấy chồng, nói là em đã lớn, đã hai mươi tuổi rồi. Thật tình, em chẳng biết tính sao, đành cúi đầu vâng lệnh. Mong anh hiểu lòng em . Xin chào vĩnh biệt". Tôi cầm lá thư trong tay mà hồn tôi như đã lạc phương nào, chỉ nghe trong lòng đang vời vợi một nỗi buồn xa vắng. Cô bạn cắt đứt quan hệ với tôi, rời bỏ xóm làng, đi lấy chồng, thật ra chẳng có gì đáng trách. So sánh cảnh sống thuở ấy của tôi và hoàn cảnh của nàng,  tôi đoán chắc sẽ có ngày nầy, ngày nàng nói lời chia tay vĩnh biệt với tôi.Chuyện gì đến đã đến, coi như mọi việc đã an bài. Tôi chỉ thoáng buồn và tiếc là phải xa cách một người bạn tốt. Một năm sau, tôi được một người hàng xóm báo tin sắp đến ngày lễ vu qui của cô bạn, tôi từ phương xa trở về đúng lúc. Tôi đến nhà người hàng xóm có cửa sổ trông sang nhà cô bạn, tôi lén vẫy tay chào cô và thầm chúc cô hạnh phúc.
 Sau nầy, tôi biết tin cô bạn ngày xưa của tôi trở thành một goá phụ rất sớm, ở độ tuổi hai mươi lăm, tuổi xuân còn nồng đượm, nhưng cô quyết thủ tiết thờ chồng, ở vậy nuôi ba đứa con ăn học nên người. Khoảng năm 1987 tôi có dịp gặp lại cô bạn và được cô cho biết nhà văn BNL đã qua đời bên đất Mỹ, sau khi ông sang định cư tại đây được hai năm.
Cô bạn tôi hiện đang sanh sống ở Việt Nam, dù xa xôi, tôi vẫn ghi lòng biết ơn cô, nhờ cô mà tôi có dịp đọc nhiều tác phẩm của Bình Nguyên Lộc.
Nay tôi viết mấy dòng chữ nầy coi như nén hương lòng của tôi, một người dân xứ Bưởi kính dâng nhà văn xứ Bưởi Bình Nguyên Lộc trong niềm hãnh diện và thương tiếc Ông nhân ngày kỷ niệm năm thứ 18 Ông vĩnh biệt cuộc đời trên đất Mỹ. Ông để lại cho đời những ba mươi tác phẩm sau đây:
 
-Nhốt Gió                          -Xô Ngã Bức Tường Rêu
-Dò Dọc                            -Gieo Gió Gặt Bão
-Ký Thác                                    -Nhện Chờ Mối Ai
-Bóng Ai Qua Song Cửa     -Ái Ân Thu Ngắn Cho dài Tiếc Thương
-Hoa Hậu Bồ Đào               -Nửa Đêm Trăng Sụp
-Tâm Trạng Hồng              -Đừng Hỏi Tại Sao
-Mưa Thu Nhớ Tằm            -Một Nàng Hai Chàng
-Quán Tai Heo                   -Trăm Nhớ Ngàn Thương
-Thầm Lặng                       -Uống Lộn Thuốc Tiên
-Cần Giờ                           -Diễm Phương
-Sau Đêm Bố Ráp              -Cuống Rún Chưa Lìa
-Khi Từ Thức Về Trần         -Lột Trần Việt ngữ
-Tình Đất                                  
-Những Bước Lang Thang Trên Phố của Gã BNL
-Ngồn Gốc Mã Lai của Người Dân Tộc Việt Nam

              Là người Biên Hoà, đang sống nơi hải ngoại, ta nên tìm đọc những tác phẩm trên đây của BNL, để có dịp tiếc thương Ông và nhớ về cội nguồn, miền Sông Đồng Núi Bửu. Trong 30 tác phẩm trên đây có một số quyển như quyển Cuống Rúng Chưa Lìa đã vượt ra khỏi lãnh vực văn chương, trở thành phương thuốc,  có thể chữa cho những ai đang mang Nỗi Sầu Xa Xứ.

                                                           Nguyễn Kim Lộc
                                                    (Chicago, ngày7-3-2005)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét