Người đi mãi nhớ
Biên Hoà
Nhớ tôm Bến Gỗ nhớ trà Tam An.
Có dịp đọc những
bài thơ, bài văn viết về ‘Quê Hương’, ta mới thấy quê hương ai cũng đẹp, dù một
làng quê hẻo lánh xa xôi hay ở môt tỉnh thành hoa lệ, nơi nào cũng có nét đẹp
riêng hoặc nhân tạo hoặc thiên tạo, dễ thắm nhập lòng người và trở thành những
kỷ niệm khó quên. Ai cũng hãnh diện về quê hương của mình và luôn thương nhớ
mỗi khi xa cách.
Quê hương là một
đề tài dễ gây xúc cảm và gợi hứng cho những tâm hồn nghệ sĩ, khiến họ dễ vẽ nên tranh, đặt thành thơ, viết
nên nhạc.
Từ màu sắc và chất liệu thiên nhiên người ta
vẽ nên những bức tranh, những mái nhà đơn sơ quyện khói lam chiều, hoặc những bức
tranh tả một dòng sông với những con đò đang đợi khách…
Từ thực tế người ta đặt thành thơ , những lời
thơ êm ả ngọt ngào…
‘Quê hương là chùm khế ngọt. Cho tôi trèo hái
mỗi ngày…Quê hương là đường đi học. Tôi về rợp bướm vàng bay. Quê hương là con
diều biếc. Tuổi thơ tôi thả trên đồng. Quê hương là con đò nhỏ. Êm đềm uống nước
ven sông …Quê hương nếu ai không nhớ. Sẽ không lớn nổi thành người’(1).
‘Có bao giờ em
hỏi quê hương mình ở đâu. Có bao giờ em hỏi tháng mấy trời mưa ngâu…Mùi hương nào
gợi nhớ, vườn trăng thoảng hương cau… Bây giờ em đã biết. Em đã chết từ lâu’(2).
Từ thực tế người
ta viết nên nhạc, những điệu nhạc êm dịu,
ru hồn về tận đâu đâu…
‘Quê hương tôi
có con sông đào xinh xắn… Trời về khuya vẳng tiếng sáo đê mê…’(3)
‘Làng tôi luôn
luôn vương vài đám khói, những mái tranh buồn nhớ người… Quê cũ đã nghèo lắm rồi,
thêm đói thêm sầu mà thôi. Nằm mơ mơ thấy trăm họ tốt tươi, mơ thấy bên lề cuộc
đời. Áo dài đùa trong nắng cười’.(4)
Tình quê hương
thấm vào lòng người, chảy theo dòng sông, vươn lên đỉnh núi, lan tràn trên bờ sông
ngọn cỏ, len trong truyền thống giống nòi, thoang thoảng trong mùi khoai nướng,
toát ra từ những câu ca dao ‘Đi đâu cũng nhớ quê nhà - Nhớ canh rau muống nhớ
ca dầm tương’…`Ôi quê hương vẫn đẹp nghìn đời’.
Xem tranh, đọc
thơ và nghe nhạc về quê hương, lòng tôi nhớ Biên Hoà vô hạn. Bao hình ảnh quê hương
hiện đến xáo trộn trong lòng tôi: trường tiểu học tỉnh lỵ Nguyễn Du ngày nào với
một cây phượng vĩ duy nhất phía trước văn phòng ông Đốc Học Hồ văn Tam khoảng năm
1949-50, cùng bao gương mặt thân thương của các vị thầy cũ lần lượt hiện về trong tâm trí tôi như một cuốn
phim, khởi đầu thầy Nguyễn văn Nên (dạy tôi lớp Năm), thầy Thú (dạy tôi lớp Tư),
thầy Hưng (dạy tôi lớp Ba), thầy Đổ Cao
Khoẻ (dạy tôi lớp Nhì), thầy Phạm văn Tiếng (dạy tôi lớp Nhất), thầy Nguyễn văn
Thuyế (dạy thể dục) thầy Mẫn (dạy vẽ), ông cựu Đốc Học Lê Hữu Vĩnh dạy Hán Văn, thầy Nguyễn Văn Tỵ dạy nhạc, cùng những vị thầy khác tuy không trực tiếp dạy tôi nhưng tôi vẫn
một lòng kính trọng như thầy Trình, thầy Phách, thầy Chinh, thầy Dợt, thầy Bổ,
thầy Lô, cô Rời, cô Hữu, cô Giếng…cùng một số bạn bè như Đổ Hữu Cảnh, Đổ Công
Trường, Đổ Tấn Sĩ, Đổ Khoa Luật, Đổ Cao Phước, Đổ Cao Thọ, Lý quí Chung. Nguyễn
văn Long, Tạ Lý Báng…Giờ nầy thì hầu hết các thầy cô đã lần lượt đi về thiên cổ,
người mà tôi có dịp đốt nén nhang đưa tiễn lần sau cùng trước khi tôi rời Việt
Nam để đi Mỹ là thầy Phạm văn Tiếng (thân phụ của hai trung tá KQ/VNCH Phạm
kim Ngôn và Phạm kim Lân), thầy dạy tôi lớp Nhất, biết rỏ gia đình tôi, thương
tôi nghèo mà hiếu học, thỉnh thoảng thầy gọi tôi vào nhà, thầy dạy bảo thêm và
cho tôi nhiều sách đọc, phần nhiều là sách của tác giả Alphonse Daudet và Anatone
France… và một quyển Les Grands Coeurs của Edmond De Amicis. Thật là những kỹ
niệm nhớ đời. Riêng bạn bè thì kẻ còn người mất, phần đông đã đền nợ nước. Số bạn
vừa kể là bạn thời còn học Tiểu Học, lớp Năm, lớp Tư, rồi sau đó mỗi người được
phân ra, học khác lớp, cho đến khi lên Trung Học lại càng xa cách nhau hơn, rồi
vào đời, mỗi người mỗi nghề nghiệp, binh nghiệp khác nhau, rày đây mai đó rồi mất
hẳn liên lạc. Tôi chắc các bạn tôi không còn nhớ hoặc hình dung ra tôi là ai,
ngoại trừ một số bè bạn tôi còn có dịp giữ được liên lạc.
Và những hình ảnh
kế tiếp vẫn là…
-Con sông Đồng
Nai bắt nguồn từ Lang Biang, qua vùng thác Tri An, chảy ngang qua khu phố chợ Biên Hoà rồi chia thành hai nhánh,
một nhánh qua cầu Rạch Cát, một nhánh qua Cầu Gành bao quanh Cù Lao Hiệp Hoà để
rồi gặp lại nhau, xuôi dòng về Gia Định. Chao ôi ! một dòng sông đẹp, một dòng
sông tôi thường ra tắm, nhất là vào những mùa hè, tôi lội ra đến giữa sông, khoảng
trước đình Tân Lân hướng về phía cầu Mới, khoảng nầy có một cồn cát, dân trong
làng thường gọi là Cồn Gáo, bề dài chừng trên ba mươi thước, bề ngang chừng mười
thước, có một gia đình duy nhất, đó là gia đình của bà Tám Nuôi Heo, chuyên sống
nghề gánh nước mướn tại chợ cá Biên Hoà và nuôi heo nái. Cồn gáo khó trồng dừa nầy
nay đã chẳng còn, đã tan biến dần dần theo bàn tay của những người thợ lặn chuyên
sống nghề lấy cát bán cho những nhà thầu xây cất nhà khắp miền Nam. Các nhà thầu
cũng như những người tự xây cất nhà rất ưa chuộng Gạch, Đá, Cát của Biên Hoà.
-Núi Châu Thới
(thuộc xã Hoá An) và núi Bửu Long ( thuộc xã Tân Thành/ Biên Hoà), trên đỉnh đều
có chùa, hai địa điểm thu hút không ít người Sài Gòn và cả người dân Biên Hoà vào
những ngày cuối tuần hoặc những ngày lễ lớn. Họ đến đó để chiêm ngưỡng những cảnh
trí thiên nhiên cho thư giãn tình thần, sau những ngày làm việc vất vả, bon
chen vì cuộc sống, hoặc họ đốt một nén hương lễ Phật, hoặc sám hối một điều gì
hoặc chơi thuyền đạp nước trong hồ Long Ẩn để cho tâm hồn được thanh thản.
-Trường Mỹ Nghệ gần công trường Sông Phố Biên Hoà, nơi du khách
ngoại quốc thường đến thăm viếng và thưởng thức nghệ thuật Gốm Việt Nam tại Biên
Hoà và những Lò Gốm, thiết lập rải rác bên kia sông Đồng Nai thuộc xã Hoá An và
xã Tân Vạn (Đức Tu- Biên Hoà trước đây) chuyên sản xuất hàng gốm mỹ thuật.
-Những quán ăn tại
xã Bửu Hoà nổi tiếng với các món đặc sản bánh canh đầu cá lóc hấp, gỏi tôm càng,
cháo lòng và dồi lòng heo với hương vị đặc biệt, nếu ai có dịp thưởng thức rồi
sẽ nhớ mãi đến lần sau, ngoài ra còn một số quán ăn khác mà mỗi quán nổi tiếng
một món, thường gọi là món chủ lực, quán Tân Hiệp nổi tiếng về món bánh canh đầu
cá hấp, quán Tuyết Hồng nổi tiếng gà quây xôi chiên phòng( tròn như trái banh đá),
quán Bình Minh nổi tiếng cá trê nướng cuốn cải bẹ xanh, nhà hàng La Plage nổi tiếng
cá cơm lăn bột chiên, nhà hàng Hạnh Phước nổi tiếng món càng cua bọc tôm chiên
và món chân vịt rút xương xào hột điều, dành cho dân nhậu, quán Sáu Mồng nổi tiếng rượu tiết dê, tiết
chim sẻ và cary gà, quán ông Tư Giử nổi tiếng duy nhất món cary dê và nước chấm
đặc biệt, cà tím pha chế xào theo phương thức gia truyền, quán bà Bảy Anh tại
chợ Biên Hoà chỉ bán độc nhất món cháo trắng với các món mặn ăn kèm rất bình dân
như dưa mắm, tép chiên mặn, trứng vịt muối, khô lốc chấy mặn, cá trê kho khô… một
quán cháo bình dân nổi tiếng, rất đông khách và quán lộ thiên, không tên, chỉ bày
bán về đêm, nhưng được khách giang hồ tứ chiếng thường gán cho cái tên là quán
Cháo Khuya hoặc quán cháo Nửa Đêm Về Sáng.
-Những gian hàng
trái cây được dựng dài theo lề Xa lộ Biên Hoà –Sài gòn, bày bán chôm chôm Phú Hội,
sầu riêng Long Thành, mít tố nữ vùng Nhơn Trạch và nhiều loại bưởi, đặc biệt là
bưởi ổi Tân Triều…
-Những vườn bưởi
chạy dọc dài theo hai bên bờ sông Đông Nai,
chao ơi đẹp ! nhiều thương buôn từ phương xa đến đặt mua cả vườn vào những
tháng cận Tết …
-Còn nhiều thật
nhiều thứ, không sao kể hết trong một hai trang giấy… mỗi cảnh vật đã trở thành
kỷ niệm, theo cách tả của một nhà văn Pháp Anatone France là mỗi viên đá có một
cái tên, mỗi cái cây có một linh hồn, những thứ đó thắt chặt với hồn tôi bằng một
thứ tình quyến luyến sâu xa (Chaque pière a un nom - Chaque arbre a une âme- Qui s’attachent à mon âme avec force d’aimer)
hay ‘ Tôi nhớ mãi làng tôi nhớ mãi- Nơi sống qua những tuổi ấu thơ ( Je me
souvien de mon village – Òu j’ai vécu les premiers ans..) hay viết theo Edmond
De Amicis trong quyển Grands Coeurs (được Hà Mai Anh dịch ra với tựa Tâm Hồn Cao
Thượng) ở đoạn một người đi du lịch nơi xa về, ngồi trên boong tàu, nhìn về phía
xa xa thấy hình ảnh quê hương tôi hiện ra, tự nhiên mắt trào lệ cảm. Ta mới thấy
chẳng nơi nào hơn quê hương ta, vì thiếu ‘chất’ tình quyến luyến nhớ thương,
thiếu những kỷ niệm đầu đời, thiếu một thời vang bóng…. Có nhiều người đi du lịch
khắp năm châu, đến Pháp viếng tháp Eiffel, đến Ai Cập viếng Kim Tự Tháp, qua
Trung Quốc đặt chân lên Vạn Lý Trường Thành…họ thấy tận mắt và hết lời khen. quả
là những kỳ công tuyệt mỹ, đáng khâm phục. khi trở về họ tha hồ kể cho bạn bè
nghe, rồi một thời gian sau những hình ảnh nầy lại chìm vào quên lãng, vì các kỳ
quan trên có vĩ đại thật nhưng đối với họ không có hồn, không có tình… không bằng
một dòng sông quê mẹ bên lở bên bồi, có cô lái đò một nắng hai sương…, nắng quê
mẹ đẹp, trăng quê mẹ nên thơ…Cái gì có liên quan đến quê mẹ, nơi chôn nhao cắt
rốn, có liên hệ đến tập tục cổ truyền, văn hoá dân tộc đều đẹp cả
Tôi rất yêu quê
hương Biên Hoà, xứ Bưởi của tôi, nhưng chế độ Cộng sản quá khắc khe, kỳ thị, phân
biệt đối xử trong mọi hoàn cảnh, kiểm soát tôi cũng như hầu hết những người phục
vụ trong chế độ cũ một cách nghiêm khắc từ trong trại tù cho đến ra ngoài xã hội.
Là kẻ chiến bại, tôi đành chấp nhận thôi, nhưng trong lòng tôi không bao giờ ngừng
suy nghĩ tìm một hướng thoát thân ra khỏi nước. Rất may, nhờ những người Việt
Nam chạy thoát trước ngày 30-4-75 và các tổ chức Quốc Tế tranh đấu, nhất là chánh
quyền Mỹ tận tình can thiệp, chương trình H.O. được hình thành. Tôi và gia đình
được sang định cư tại Hoa Kỳ theo số thứ tự H.O. 6 vào ngày 05-04-1991. Khi đến
nước Mỹ, tuổi tôi cũng đã năm mươi lăm rồi, nói già thì chưa hẳn đã già, nhưng dứt khoát là không còn được xếp ở hàng
trung niên nữa, rất khó tìm việc làm, nhưng rồi mọi việc cũng êm xuôi, trời
sanh voi sanh cỏ. Riêng các con tôi ở vào cái tuổi cũng lỡ làng việc học, nên
quyết định bung ra đi xin việc làm. Coi các con tôi không thành công trong việc
học, có nghĩa là không vươn tới địa vị kỹ sư hay bác sĩ, nhưng cũng có công việc
làm mười mấy năm qua và đã có dịp mua được một ngôi nhà. Đại gia đình dâu, rể, con,
cháu sống chung, quanh quẩn với nhau rất hài hoà, rất hạnh phúc trong tinh thần
tri túc tiện túc, không se sua, không bon chen, hơn mười năm rồi mà vẫn chưa bỏ
‘tật’ mua các loại hàng hoặc thức ăn theo dịp có giá ‘On Sale’ và luôn giữ bản
chất khiêm tốn và cần cù của người Việt Nam.
Trên đây là tôi
kể những cái mà nhiều người biết, còn biết bao cái gọi là riêng tư, chỉ mình tôi
biết, đã trở thành những kỷ niệm khó quên trong đời tôi, như làn sóng lăn tăn trên mặt sông Đồng gợi tôi
nhớ hủ tro hài cốt của thân phụ tôi được đập ra và thả theo dòng sông theo lời
trăn trối.., đồi cây Bạch Đàn ở Tam Hiệp nơi có nấm mồ, mẹ tôi yên nghỉ giấc
nghìn thu hoặc một ánh mắt, một nụ cười, một bàn chân qua ngõ vắng một chiều mưa
mà một thuở làm lòng tôi xao xuyến…, những hình ảnh ấy đã mấy chục năm rồi, vẫn
còn đọng mãi trong hồn tôi. Tôi đã hứa với lòng sẽ có một ngày tôi trở lại quê
hương, dù chỉ là một nắm tro tàn.
Nguyễn
Kim Lộc
(Chicago, ngày 21-4-05)
Ghi chú: (1) thơ
của Giáp văn Thạch, (2) thơ và nhạc của Trần Chí Phúc, (3), (4) nhạc của Phạm
Duy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét