Những
ai ở chung quanh chợ Biên Hoà hoặc hằng ngày đi chợ… đều biết bà Ba Bán Chuối. Gian
hàng chuối của bà Ba đặt tại phía đầu chợ trên, khoảng ngang nhà sách Huỳnh Hiệp đường Lê Văn Lễ Biên Hoà .
Bà Ba không những bán chuối mà còn bỏ mối nhiều
loại trái cây cho những người bán lẻ trái cây quanh chợ Biên Hoà. Riêng tại
gian hàng, Bà Ba chỉ bán thuần các loại chuối sứ, chuối cao, chuối bôm, chuối lửa, chuối già, chuối chà bột v…v.. Có
thể nói, các loại chuối tại gian hàng bà Ba tương đối ngon và rẻ hơn các gian hàng
khác, nên bà Ba bán rất đắt hàng….
Một
bà bán chuối thì có điều gì đáng nói phải không các bạn? - Điều đáng nói ở đây…
bà Ba là má tôi, một bà mẹ khổ cực, truân chuyên nhất chợ Biên Hoà. Nếu tôi là
thi sĩ tài ba, tôi sẽ viết một bài thơ thật tuyệt để ca tụng Bà, hoặc nếu tôi là
người biên kịch giỏi, tôi sẽ soạn một vở kịch thật hay, cho nhân vật
diễn tả tỉ mỉ những điều thống khổ của Bà ….kể lại từng quãng đời chịu nhiều
sóng gió, gian truân và khổ hạnh của Bà, nhưng rất tiếc tôi không phải là thi sĩ mà cũng không
phải là nhà biên kịch, tôi chỉ xin viết về Bà bằng một đoản văn theo lời kể của
Bà vào một năm rất xa xôi, cách nay hơn năm mươi năm, khi chỉ có hai mẹ con ngồi
bên nhau nơi gian hàng chuối vào một buổi chiều mưa tầm tã.
Bà kể rằng: “Má sanh quán ở làng Tân Ba, một làng
quê hẻo lánh thuộc quận Tân Uyên tỉnh Biên Hoà, khi Má lên sáu tuổi thì mồ côi
cha…hai năm sau, bà ngoại tái giá, gia đình sống nhờ vào hai con trâu và vài sào
ruộng…mặc dù cơ cực nhưng đời sống vẫn có niềm vui.
Má
không hiểu tại sao, vào một ngày mưa gió bão bùng, bà Ngoại lại đem bán má cho
một người đàn ông xa lạ, sống nghề hạ bạc, thường ngày xuôi ngược trên sông nước
Đồng Nai. Một người đàn ông không vợ, không con, thích uống rượu, sáng xỉn, chiều
say ….Mỗi lần ông ấy say rượu là má bị ông ấy đánh thê lương, và thường, sau
khi đánh má, ông ấy ấn đầu má vào cánh cửa sổ ghe, khép xiết chặt nơi cổ má, với
tư thế thân người bên trong ghe, còn cái đầu thì kẹt phía ngoài sông nước, thật
là một cực hình thương đau cho một đứa trẻ mồ côi. Thời gian sống với ông ta, má
rất khổ sở và đến nay má vẫn thắc mắc “Tại sao má mình không nuôi mình mà l
ại bán mình
cho người xa lạ?” – Lúc đó má 8 tuổi, có thể chăn trâu hoặc phụ giúp việc nhà.
Và Bà Ngoại bán má vì tiền hay vì một lý do nào khác ? Ông Ngoại kế không hề ghét
má, mà tại sao bà Ngoại lại bán má cho người khác, trong khi đó bà Ngoại lại phải
mướn một đứa trẻ khác giúp việc chăn trâu? Hay có lẽ trâu không cần người giữ cũng nên!? Lúc đó, má buồn vô kể con ơi! Quyết định của bà Ngoại đã khiến
má đứng lặng người như chết, thở không ra hơi, rồi cũng đành khắn gói quả mướp
theo người xa lạ, vừa đi vừa khóc, mẹ mình nở dứt bỏ tình ruột thịt….rồi sau đó,
má nghĩ chắc tại số phận của má hẩm hiu, đành phải chịu vậy thôi…
Dòng
đời bất hạnh lặng lẽ trôi qua, bỗng một hôm trời nắng đẹp, có một người đàn ông
khác thấy tình cảnh của má đáng thương, nên hỏi mua má, và cuộc ngã giá bắt đầu
-Chú
Tám à! Chú nuôi con bé nầy mà chú không thương, cứ đánh nó hoài thì chú bán nó
lại cho tôi đi, tôi sẽ trả cho chú có lời… Thật sự, má không biết tên người cha
nuôi thứ nhất, chỉ nghe thiên hạ gọi là ông Tám và cũng không nhớ rõ số tiền mua
bán má lúc bấy giờ là bao nhiêu. Thế là má bị bán sang tay cho một người đàn ông
khác để làm con nuôi, nhưng thực tế chẳng khác nào một con ở đợ…tuy nhiên, Má rất
mừng, vì đã thoát khỏi bàn tay ác độc của người cha nuôi thứ nhất…. Ông Tư, người
cha nuôi thứ hai, đưa má về nhà, một ngôi nhà khá rộng rãi, toạ lạc phía sau nhà
hàng Ông Năm Tao (sau nầy đổi tên là Hạnh Phước) Biên Hoà …
Hai
vợ chồng, cha mẹ nuôi của má không có con ruột, nhưng đã có một đứa con gái nuôi,
trước khi má về làm con gái nuôi thứ hai. Ông ấy đặt tên cho má theo họ của ông
ấy, là họ Hà. Và sau khi nhận hai đứa con gái nuôi thì người mẹ nuôi của má sanh
được nhiều người con.
-Nhà của
ba nuôi của má ở gần chợ và hằng ngày, từ sáng sớm, má đã phải ra chợ, gánh nước
mướn từ sông Đồng Nai lên cho bạn hàng bán tôm cá, trưa về lo cơm nước, giữ em,
tối đến thì đi may đồ mướn - Vào năm
1910-1915, Biên Hoà chưa có nhiều tiệm may và máy may, nên về đêm má đi may vá mướn
quần áo cho những người bình dân, nghèo khổ , má may tay và may rất khéo các
loại áo túi , áo bà ba và quần đen đáy giữa hoặc đáy lá nem.
Đời
sống tương đối thoải mái, không bị đánh đập như lúc còn ở với ông Tám, người
cha nuôi thứ nhất của má, nhưng cũng vô cùng vất vã, làm việc cả ngày, không có
lúc nào được rãnh
tay…
Vì
thế, khi Má 18 tuổi, có một người Ấn độ làm nghề góp tiền chỗ (thu hoa chi) đến
dạm hỏi, xin cưới má, thì má ưng ngay, mục đích lấy chồng của má là mong có sự đổi
đời, có cuộc sống tự lập và có cơ hội vươn lên… Nói là lấy chồng nhưng thực tế má
bị bán lần thứ ba, vì người cha nuôi của má đã thẳng thắn đặt vấn đề với người
dạm hỏi …
“-Hồi
đó tôi mua nó bao nhiêu, nuôi nó tốn bao nhiêu, bây giờ gả nó, tôi phải lấy số
tiền đó lại
(Má tôi chỉ kể thoáng qua đoạn nầy, không nói chi tiết… nhưng chắc chắn người đâu
tư nào cũng muốn thu nhiều lợi nhuận , càng nhiều càng tốt, nhất là bán một
phụ nữ tuổi đang xuân cho người ta đem về thương yêu và làm vợ thì nhiều khi lại
có giá cao không thể tưởng….Thật là đau thương cho má của tôi)”
Trong
thời Pháp thuộc, cuộc sống của mọi người cực khổ nhiều hơn sung sướng, nhưng rất
may cho Má, sau khi có chồng, Má có được một đời sống khá ấm no, không nhọc nhằn,
long đong như thuở trước, thì bỗng một ngày…má ruột của má, tức bà ngoại của con, xuất
hiện, tìm gặp má…má nhìn bà ngoại với đôi mắt lạnh lùng, hờ hững, trong lúc má
vừa sanh một đứa con gái đầu lòng …
Bao
nhiêu tủi nhục, đau buồn chất chứa trong lòng Má mười mấy năm qua đã vùng lên,
khiến má khóc ngất và thốt lên…
“Má
tìm tôi làm chi? Má đã bán tôi cho người ta rồi. Tôi vất vã bao lâu nay má làm gì không biết? Má thỉnh thoảng cũng có đi
chợ và má cũng biết tôi sống cơ cực như thế nào? Má đã nở bỏ quên tôi, bây giờ má
nghe tôi có chồng giàu, má tìm đến…Tìm đến để làm gì?
Bà
Ngoại đứng lặng thinh và sau đó khóc sụt sùi.
Phần má,
sau khi tuôn ra được những dòng nước mắt ấm ức bấy lâu …má cảm thấy lòng má được
nhẹ nhàng,
thanh thản hơn bao giờ. Má buồn tủi vì đã
trải qua ba lần bị mua bán, mà người bán má đầu tiên là mẹ ruột của mình….nhưng
nghĩ cho cạn cùng, dù sao thì bà Ngoại cũng là người đã sanh ra má…nên má đã tự
nhiên giãm đi lời cay đắng đối với bà Ngoại và đã bỏ qua tất cả uất tức mà má đã
ôm ấp từ lâu và giờ đây, má phải cố quên và tha thứ để có niềm vui sống …”
Tôi
thật ngỡ ngàng xúc động khi nghe Má tôi kể lại quãng đời sóng gió, gian truân mà
Bà. Đang lúc tôi ngùi ngùi muốn khóc thì Má tôi kể tiếp…
“Má
sinh ra chị Hai con nhưng không nuôi được. Rồi sau đó Má sinh tiếp một người
anh trai, cũng không nuôi được, nên chồng của Má không vui, nhưng Má vẫn được chăm sóc chu đáo, cuộc sống có thể nói là nhàn
hạ, vô ưu… và rồi Má lại có bầu lần thứ ba.
Trong lúc đang mang bầu thì Biên Hoà xẩy ra một trận lụt lớn, ngậpkhắp khu chợ…Lúc
nước rút hết và chợ nhóm lại, thì tất cả bạn hàng trong chợ cùng nhau xin được
miễn hoa chi (không biết khoảng bao lâu). Vốn có lòng nhân từ nên chồng Má chấp
thuận lời yêu cầu miễn thu thuế. Không
thu thuế thì tròn nhân đức đối với bạn hàng, nhưng bị coi là không làm tròn trách
nhiệm đối với
ông chủ lớn ở Sàigòn. Sau đó, chồng của Má, vì sợ bị truy tố về tội miễn thuế
hoa chi cho bạn hàng và không biết là đứa con trong bụng Má có nuôi được hay không,
nên chồng Má lặng lẽ bỏ má, mà trở về xứ Ấn Độ của ông ta.
Vậy
là cuộc sống ấm êm qua nhanh như cơn gió thoảng. Má lại phải một mình lo liệu
những tháng ngày sắp tới, phải một mình sinh con và tự lo liệu đời sống cho hai
mẹ con trong cảnh đơn chiếc. Rất may, Má sinh lần nầy được một đứa con trai, rất
kháo khỉnh, khoẻ mạnh, giống cha như đúc, nhưng lại không có cha….
Thế
là mẹ goá con côi, Má phải buôn tần bán tảo, sống cảnh cơ hàn tháng lụn ngày
qua. Đến ba năm sau, Má tái giá…..mong có được tấm
chồng tốt để được phụ giúp nuôi con và che chở trong tháng ngày còn lại….Nào ngờ
số đoạn trường cứ dai dẳng đeo mang, má lấy nhầm một ông chồng làm việc thì ít,
mà nhậu nhẹt thì nhiều…
Để
có thể nuôi các con ăn học nên người, Má phải chấp nhận tiếp tục bán tảo buôn tần
nuôi chồng nuôi con…Với ông chồng nầy, Má hạ sanh được một gái và ba trai. Người
con gái tức chị Ba của con, rất ngoan, chấp nhận hy sinh tuổi hoa niên, phụ má
buôn bán để nuôi anh và các em ăn học. Má và chị Ba của con dốt đặc đến độ không
biết mặt chữ I chữ tờ là thế nào hết…Riêng người chồng của Má, v ì uống rượu nhiều
quá nên mang bịnh và qua đời.
“-Ba
lần bị mua bán thì sao lại không thể có ba đời chồng?
Ba
năm, sau khi chồng của Má mất, Má bước thêm bước nữa ….người đó là ba của con một
hạ sĩ quan trong một đơn vị Pháp . Ở với ba của con trong khoảng thời gian từ năm
1940-1954, má cũng vẫn sanh sống với nghề buôn bán, nhưng có phần nhàn hạ hơn…
mặc dù Ba của con không cho má một đời sống sung túc, giàu sang, nhưng Ba của
con rất thương yêu má, má cảm thấy có hạnh phúc trong tình nghĩa vợ chồng ấm êm…..Chuyện
sau nầy thì con đã biết, má không cần nói nữa.”
Má
tôi, một cô bé 8 tuổi bị mẹ bán đi, rồi qua bao cay đắng, đoạn trường. Bà không
biết đọc, biết viết, nhưng bà hiểu rõ giá trị của sự học và đã cố gắng cho tôi ăn
học thi vào trường Gia Long, miệt mài đèn sách bảy năm.
Lăn
lốc giữa chợ đời, má tôi chọn sự thật thà trong buôn bán, tuyệt đối không buôn
bán những mặt hàng có sự “cân, đo và đong” mà chỉ bán nhưng mặt hàng “
thấy rõ và đếm được”. Má tôi quan niệm, cái lít, cây thước và cái cân có thể ăn
gian nếu mình muốn, bằng cách đong hoặc đo hoặc cân nặng tay hoặc nhẹ tay….còn mặt hàng đếm thì không thể ăn gian được…
Tuy
dốt chữ nhưng má tôi hiểu được giá trị của sự học vấn và giá trị của sự thật
thà, nên bà đã cố gắng giữ lòng ngay thẳng và xoay sở bán buôn , cần kiệm để nuôi con ăn học nên người
hữu ích trong xã hội.
Năm
1982, Má tôi bị tai nạn xe đụng rất hy hữu, do một thanh niên lái xe gắn máy ẩu
tả ,chạy lủi vào cổng nhà, đụng phải má tôi đang ngồi trên chiếc ghế thật thấp,
té ngồi xuống
đất, rất nhẹ ,nhưng bị gãy cổ xương
đùi…. lúc đó má tôi đã 82 tuổi rồi,… rất
may, nhờ người bạn, anh Nguyễn Thành Bảo, Trung uý Không quân Biên Hoà , có tay nghề bó thuốc
gãy xương với bài thuốc gia truyền của thân phụ anh là “Bác Hai Hứng” để lại….
chỉ trong vòng bốn tuần lễ là lành vết thương và tập đi - một bài thuốc bó gãy xương rất thần diệu…..
Năm
1989, Má tôi vĩnh biệt cuộc đời vì chấn thương sọ não,trong một tai nạn giao thông
trên đường Nguyễn Hữu Cảnh Biên Hoà, do một cán bộ đương thời, lái xe gắn máy bất
cẩn đụng phải, rồi sau đó lẻn đi, lẫn trốn trách nhiệm. Má tôi qua đời cách nay
đã hai mươi hai năm. Tôi đã thật sự mồ côi cha lúc tôi mười ba tuổi và mồ côi mẹ
lúc tôi bốn mươi tám tuổi đời, nhưng trong lòng tôi lúc nào cũng có mẹ - T
ôi tin tưởng
Má tôi lúc nào cũng ở bên cạnh tôi, giúp đỡ, phù hộ tôi qua từng bước khó khăn trong
cuộc đời - Mẹ là kim cương, mẹ là vàng khối của đời tôi.
Bà
Ba bán chuối chợ Biên Hoà được nhiều người biết đến qua tánh tình ngay thẳng và
thật thà trong việc mua bán….hằng ngày vui vẻ tiếp đón khách hàng đến mua chuối của bà, chứ ít ai biết cuộc đời
rất ư là khổ cực, truân chuyên của Bà . Bà bị bán chuyền tay đến ba lần và ba lần
lận đận trong việc hôn nhân…Nỗi lòng thầm kín uất nghẹn của Bà được trao cho đứa
con út trong ba dòng con, cũng là đứa con duy nhất với người chồng sau cùng tên
Trần Công Thông, nguyên quán quận Phong Điền thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế, một hạ
sĩ quan thời Pháp thuộc và đã tử trận tại Điện Biên Phủ vào năm 1954.
Bà
là người mẹ
tôi yêu kính nhất đời. Tôi biết không phải chỉ một
mình tôi nhớ thương Bà, mà chồng tôi và các con của tôi cũng rất nhớ thương Bà,
vì bà đã đem lại nguồn vui và hạnh phúc cho tất cả, khi bà còn sanh tiền, tình
thương yêu bà đối với chúng tôi rất đậm đà, thân thiết.
Trên
thế gian nầy, không có một thứ tình thương yêu nào được ví bằng tình mẹ thương
con và con thương yêu cha mẹ. Riêng tôi, tôi đã thương yêu Má tôi với một tình
thương yêu vô bờ bến và tôi rất cảm phục Má tôi đã có một ý chí kiên cường,
vì theo tôi, trên cuộc đời nầy không có một người phụ nữ nào khổ hạnh hơn Má
tôi, nhưng Bà vẫn ung dung chấp nhận dấn bước trong khổ hạnh và lấy khổ hạnh cuộc
đời làm nguồn vui và lẽ sống.
Hôm
nay, trời Chicago đang giá buốt, một màu trắng xoá khắp nơi và tuyết vẫn đang rơi….tôi
chạnh nhớ đến Má tôi, nhớ lời tâm sự của Bà gửi gắm cho tôi cách nay hơn năm
mươi năm mà cảm thương Bà vô cùng và cũng nhân sắp đến ngày Lễ Mẹ, Mother’ Day,
tôi viết bài nầy gọi là nén hương lòng tưởng nhớ, kính dâng hương hồn Má tôi đang ở một phương
trời Tịnh Độ xa xôi nào đó hoặc đã đi đầu thay kiếp người, đang sống trong bình
an và hạnh phúc.
Chicago,
ngày 10 tháng 2 năm 2011
Trần
Hà Lộc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét