TRƯỜNG MỸ NGHỆ VÀ
GỐM MỸ THUẬT BIÊN HOÀ
Khi nhắc đến các trường học ở Biên Hoà,
như trường Tiểu Học Tỉnh lỵ Biên Hoà (L’Ecole Primaire de Bienhoa), được thành
lập năm 1915, sau nầy là trường Tiểu Học
Nguyễn Du; trường Nữ Tiểu Học nơi đầu dốc Thành Thái, đến trường Trung Học Tư
thục Thanh Thận đầu tiên, đường Trịnh Hoài Đức Biên Hoà, do ông giáo hồi hưu Phan Thanh Cần thành lập vào năm 1952 (chỉ có vài lớp học, do cô Hai (dâu của ông giáo
Cần) và ông Trần Văn Giáo ở Tân Phú, phụ trách); trườngTrung Học Tư Thục Phan
Chu Trinh, ở đường Đấp Mới, do giáo sư Phan Đình Mai làm hiệu trưởng; trường Tiến
Đức đường Phan Đình Phùng, do ông Trương làm hiệu trưởng; trường Trung Học Công
Lập Ngô Quyền đường Trịnh Hoài Đức; trường Trung Học Tư Thục Khiết Tâm trong
khuôn viên nhà Thờ Công Giáo Biên Hoà;
trường Trung Học tư Thục Minh Tân đường Hàm Nghi (do thầy Huỳnh Bá Hạnh
và thầy Nguyễn Tường Triệu chủ trương), trường trung Học bán công Trần Thượng
Xuyên kế cận trường Ngô Quyền Biên Hoà…mà không đề cập đến trường Mỹ Nghệ Biên Hoà là một điều thiếu sót…
Trường
Mỹ Nghệ Biên Hoà (École D’Art Bienhoa) được thành lập vào năm 1903, một truờng
dạy nghề, đặt tại góc đường Nguyễn Thái Học và đường Nguyễn Hữu Cảnh, kế cận Toà hành Chánh Biên Hoà, với
tên Trường Bá Nghệ Biên Hoà. Khởi đầu, do Ông Chesne, Chánh Tham Biện tỉnh Biên
Hoà, kiêm nhiệm hiệu truởng, trường có các ban:
Vẽ - Trang trí, Điêu khắc - Chạm trổ, Đan
lát, Nắn đắp tượng, Xây đồ sành sứ, Đổ thuỷ tinh, Đúc đồng, riêng ban Gò, Hàn sắt
và đóng móng ngựa đến tháng 4-1905, mới được hợp thức hoá.
Chương trình học bốn năm. Hai năm đầu học
sinh học tổng quát các môn căn bản vẽ, nắn, tạc tượng và mỗi ngày đều có một giờ
học văn hoá phổ thông về Quốc ngữ, chữ Nho, chữ Pháp, hoặc toán do các thầy trường
Nguyễn Du, luân phiên giảng dạy. Hai năm kế tiếp, học sinh chọn ngành chuyên môn
hoặc gốm mỹ thuật hoặc ngành đúc đồng …và có chương trình học thêm chữ Nho, chữ
Pháp trình độ giao dịch thông thường và môn tính nhẩm vào buổi tối từ 6 giờ đế
7 giờ 30.
Các học sinh được thu nhận vào trường Bá
Nghệ Biên Hoà, đều được cấp học bổng 4 đồng đến 7 đồng mỗi tháng, do làng xã
cung cấp.Trường cũng có nhận học sinh tự do, nhưng các học sinh nầy không được
hưởng trợ cấp.
Năm đầu tiên, trường thu nhận 55 em từ
12 đến 18 tuổi vào tháng 8-1903 và đến cuối năm số học sinh lên đến 64 người.
Năm 1905, trường có 76 học sinh, tuổi nhỏ
nhất là 13 và lớn nhất là 17. Vào năm nầy,
trường có ông Roth, người Âu, phụ trách ban sắt, còn các đốc công các ban khác
đều do người Việt và người Hoa đảm nhiệm, giảng dạy theo phương pháp xưa, và có
các học trò đốc công phụ giảng.
Tháng 9-1906, ông J. Lamorte, một kỹ sư
công nghệ, được mời phụ trách điều hành kỹ thuật và giảng dạy các môn tổng quát.
Và cũng vào năm nầy trường có mở tuyển sinh ngành gốm mỹ thuật.
Tháng 3-1907, trường Mỹ Nghệ Biên Hoà được
ông Maspéro, Tỉnh trưởng cho phép lập Hội Đồng Quản Trị điều hành nhà trường,
chánh thức lập thêm ban Gốm Mỹ Thuật và Ban Nữ Công Gia Chánh, dạy cắt may, đan,
thêu, dệt thảm.., do một phụ nữ người Pháp tên Buard phụ trách và sau nầy bà Vũ
Thị Hằng tiếp nối làm hiệu trưởng đầu tiên. Năm nầy số học sinh tăng lên 118
người và số học trò đốc công tăng lên con số 12 vị.
Tháng 8-1908, ông J. Lamorte xin nghỉ việc,
và ông A. Joyeux, một kiến trúc sư, đang giữ chức vụ thanh tra các trường mỹ
thuật bản xứ, được đề cử thay thế, làm hiệu trưởng.
Năm 1913, Trường Mỹ Nghệ Biên Hoà đổi tên
thành Trường Mỹ Nghệ Bản xứ Biên Hoà (École d’Art Indigène Bienhoa), thời gian đào
tạo là 3 năm, vẫn do A. Joyeux điều hành. Đến năm1916, thời gian học tập được nâng
lên một năm. Năm 1918, Ông Serré, thầy giáo dạy tại trường nầy, được đề cử thay
ông A. Joyeux…
Năm 1923, Chánh
phủ Pháp bổ nhiệm hai vợ chồng người Pháp, ông Robert
Balick, tốt nghiệp trường Mỹ thuật trang trí Paris và bà vợ,
Marie Balick, tốt nghiệp trường gốm Limoges-Pháp, đến quán
xuyến trường Mỹ nghệ Biên Hoà với phương vị, ông Balick làm hiệu
trưởng và bà Balick giữ vai phụ tá, trực tiếp phụ trách ban gốm mỹ thuật. Sau đó một thời gian, trường
có sự cải tổ, bỏ bớt một số môn; giao ban Chạm Khắc gỗ quí cho trường dạy nghề
Thủ Dầu Một, Ông Balick chỉ giữ ban gốm mỹ thuật và đúc đồng, đồng thời đổi tên
là Truờng Mỹ Nghệ Thực Hành Biên Hòa (École des Arts Appliqués Bienhoa), Ông
Balick phụ trách ban Đúc Đồng với ba đốc công, người Việt Nam và 21 học trò. Bà
Balick phụ trách Ban Gốm với một đốc công và
12 học trò, và cùng hợp tác hoạt động với quí thầy dạy nghề …
Sau khi ông bà
Balick về Pháp, ông Pochont được cử làm Hiệu Trưởng Trường Mỹ Nghệ và đến ở tại
ngôi nhà của hai vợ chồng ông bà Balick từng ở nói trên, nhưng sau đó không lâu
ông Pochont cũng trở về Pháp. Ông Đặng Văn Quới còn gọi là ông Quản Quới (ông
thân sinh của ông Đặng Văn Lâu, chủ nhà nhiếp ảnh “Studio d’Art” và Mỹ Dung khoảng
ngang nhà hàng Hạnh Phước đường Nguyễn Hữu Cảnh Biên Hoà), làm hiệu trưởng và ông
Bạch Đường Khúc tự Trinh, còn gọi là thầy đội Trinh, nhạc phụ của cựu Thiếu Tá
QL/VNCH Nguyễn Văn Tài cũng là nhà văn Hoàng Anh Tài, hiện định cư tại Pháp) làm
hiệu phó. Và khi ông Quới và ông Khúc về hưu, ông Trần Văn Ơn, thầy dạy đắp tượng
(nhà ở Chợ Đồn, sau nầy là xã Bửu Hoà) được cử thay thế chức vụ hiệu trưởng….
Sản phẩm
gốm Mỹ thuật Biên Hoà vốn đã nổi tiếng vào thời điểm nói trên, càng nổi tiếng
thêm, nhờ các tay thợ lành nghề, bậc thầy, đã góp nhiều công sức trong việc tạo
mẫu mã, biến chế men và nhiệt tình đào tạo nhiều thế hệ kế tiếp…..
Thầy Huỳnh văn Thọ (còn gọi là Ông Cả
Chà, thân phụ của anh Huỳnh Văn Thà), nhà ở Cây Chàm (Tân thành-Biên Hoà) dạy đắp
tượng, chính ông Ba Thọ là tác giả đắp tượng “Bạch Mã” thờ tại đình Tân Lân
Biên Hoà.
Thầy Huỳnh Quan
Thường, nhà ở Cù Lao Phố (đường vào Chùa Ông)
Thầy Đặng Cẩm Hồng
(anh rể của anh Trần Văn Là, cũng xuất thân từ Trường Mỹ Nghệ Biên Hoà), dạy vẽ
và trang trí, từng được học bổng, sang Pháp du học về Gốm và Hội hoạ. Tác phẩm
nổi tiếng của thầy Hồng là tượng 'Ba Con Hải Âu'.
-Thầy Nguyễn Văn Hai tự Hai Phan
-Thầy Nguyễn Văn
Thâu (cậu của ông Trần Mành, Trần Xuân… chủ rạp hát Trần Điển đường Phan Châu
Trinh và Lý Thường Kiệt Biên Hoà)
-Thầy Nguyễn văn
Cừ, dạy về đá nhân tạo
-Ông Mã Phiếu, phụ tá nhiều đời hiệu trưởng,
phụ trách hành chánh tài chánh (là thân
phụ của chị Ma Thị Ngọc Huệ, hiện đang định cư tại Nam California (Hoa Kỳ)
-Thầy Lê Văn Mậu (sau nầy làm Giám đốc
trường Trang Trí Mỹ Thuật Gia Định thế ông Đỗ Đình Hiệp), dạy vẽ, nắn, tạc tượng
và điêu khắc… có người vợ rất đẹp và đoan trang. Ông ở một căn trong dãy phố của
ông Trần Điển, căn bìa giáp miếng đất nhà của anh Nguyễn Văn Lung tự năm Lọ (chủ
tiệm vàng Nguyễn Văn Tới) đường Trịnh Hoài Đức BH. Trong nhà của ông có nhiều tác
phẩm gốm kỹ thuật, tượng ba con khỉ (một con bịt mắt, một con che tai và một
con bụm miệng), tượng hai con trâu cụng lộn, ngoài ra còn nhiều tượng người đẹp,
có gương mặt giống nhau, đó là tượng của vợ ông, được ông tạc vào nhiều thời điểm
khác nhau, ông Mậu có hai người con, một trai tên Lê Văn Hiệp và một gái tên
(?)đều tốt nghiệp tường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định….Sau ngày 30-4-1975, ông Mậu
bán nhà ở Biên Hoà về quê vợ ở Vĩnh Long và đã qua đời cách đây vài năm, trong
sự tiếc thương của đồng hương Biên Hoà đối với một hoạ sĩ kiêm điêu khắc gia tài
ba.
-Thầy Nguyễn văn
Thông, dạy về hội hoạ
-Thầy Trương
văn Chỉ, từng là hiệu trưởng trường Mỹ Nghệ Biên Hoà, từng đứng lớp giảng dạy về
hội Hoạ và nắn tượng, là thân phụ của chị Trương thị Ngọc Hương, đang định cư tại
Thuỵ Sĩ. Tác phẩm để đời của thầy là con ngựa xích thố bằng thạch cao được đưa
lên xưởng sơn mài Thành Lễ Bình Dương, phủ một lớp sơn đặc biệt (loại làm sơn mài)…. tượng
nầy được chị Trương thị Ngọc Hương mang qua Thuỵ Sĩ từ lâu, nhưng con ngựa xích
thổ nầy, hiện nay, đã được người cháu ngoại của ông Trương Văn Chỉ là cậu Nguyễn
Thanh Phong con của cô Trương Thị Ngọc Loan (ở
Kansas), xin đem về Florida (Mỹ)
để giữ làm kỷ niệm….
-Thầy Ung
Văn Nam, phụ trách dạy si đen tượng đồng, là thân phụ của anh Ung Thành Hoàng(Hải
Quân), chị Ung thị Phước, giáo viên tỉnh Biên Hoà, tác phẩm độc đáo của bác Năm
Nam là tượng đồng “Đầu cô Gái VN”
-Thầy Nguyễn Văn Đinh dạy đổ khuôn thạch cao
-Thầy Nguyễn Văn Nhàn, dạy xây, từng nhận được bằng khen “Hạng Đặc Biệt” về tài năng điều chế men, tại Hội Chợ Hà nội năm 1938.
…
Các người thợ lành nghề:
-Đoàn Văn Thắm
(thân phụ của giáo sư Đoàn văn Trọng, hiệu trưởng trường Nam Hà -Cù Lao Phố,
trước 1975)
-Nguyễn Văn
Tâm, thợ đúc đồng, con rể của ông Hai Chà chủ lò rèn phía sau rạp hát Biên Hùng
thuở xa xưa. Khoảng năm 1964 ông Tâm có mở xưởng đúc tượng đồng tại gia, phía
sau dãy phố của ông Ba Hoà, chủ cây xăng Biên Hùng. Sản phẩm đúc đồng của xưởng
ông Tâm được xuất cảng ra nước ngoài, ba tượng đồng ba phụ nữ người Việt: Bắc, Trung, Nam, rất được nhiều người ưa chuộng.
-Nguyễn Trí
Đồng, Trưởng Ban Gốm
-Nguyễn Trí
Vạn, thân phụ của anh Đạo, chủ lò gốm mỹ thuật tại Tân Vạn khoảng năm 1964, có
một khoảng thời gian khách yêu chuộng nghệ thuật và kiểng hoa, tấp nập đến xưởng
gốm của anh Đạo, để mua hoặc đặt mua những cây xương rồng kiểng trồng các chậu
gốm mỹ nghệ thật đẹp và sang trọng
-Đào văn Lương Trưởng Ban Đồng (ở Cù Lao Phố, là thân phụ của
giáo sư Đào thị Nga dạy Anh Văn và giáo sư
Đào Văn Sáu dạy Công Dân và Anh Văn trường Trung Học Ngô Quyền Biên Hoà.
- Ông Răng,
dạy điêu khắc,
-Ông Bế (nhà
ở Bửu Long), dạy vẽ và tạc tượng
-Phạm Văn Bác, -Võ văn Luông, -Ông Ngôn,…
Thầy dạy phổ thông:
Quí thầy
Nguyễn Hữu Lợi, Tống văn Quang, Đinh Văn Sái, Trần văn Lộc. Bùi Quang Huệ, Nguyễn
Văn Thông….
Năm 1945,
khi Nhật
đảo chánh Pháp, hai vợ chồng ông Balick trở về Pháp. Đến khoảng tháng 10-1948,
hai ông bà Balick trở qua Việt Nam, tiếp tục điều hành trường Mỹ Nghệ Biên Hoà…
Trường
đã đào tạo số học viên nồng cốt như sau:
-Ông Nguyễn Văn Thế, còn gọi là chú Sáu
Thế, người xuất thân từ trường Mỹ Nghệ Thực Hành Biên Hoà và sau đó, tốt nghiệp
qua các trường cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định, trường Mỹ Thuật Hà Nội và được học bỗng
du học tại Pháp…khi trở về Việt Nam phục vụ tại Văn Phòng Cố Vấn Mỹ thuật thuộc
Phủ Tổng Thống thời đệ nhất Cộng Hoà, chung với Kiến Trúc Sư Ngô Viết Thụ….)
-Thầy Phạm Văn Mẫn, dạy vẽ trường Tiểu Học
tỉnh lỵ Biên Hoà
-Anh Sáu Ninh (Nguyễn An Ninh?), phụ trách Hợp Tác Xã gốm mỹ thuật, đồng thời là thầy dạy đắp tượng
-Anh Sáu Ninh (Nguyễn An Ninh?), phụ trách Hợp Tác Xã gốm mỹ thuật, đồng thời là thầy dạy đắp tượng
-Ông Năm Chôm, thợ đúc đồng…
-Anh Dần (ở cư xá Thái Lập Thành-đường Trịnh
Hoài Đức), thợ lò
-Anh Huỳnh Văn Thà (con của bác Huỳnh văn
Thọ), thợ xây
-Anh Xướng (Anh em chú bác với anh Huỳnh
Văn thà) nhà ở Cây Chàm Biên Hoà, thợ xây và tạo mẫu
-Anh Trần Văn Là tự Út Bùi (em của anh
Trần Văn Khì, nổi tiếng nấu đồ Tây xuất sắc, cũng là em rễ của thầy Đặng Cẩm Hồng).
Anh Út Bùi là người thợ mỹ nghệ khéo tay nổi tiếng Biên Hoà về ba lãnh vực, vẽ
(tạo mẫu), xây nắn và đắp tượng, hầu hết các xưởng gốm mỹ thuật ở Biên Hoà, và
cả Bình Dương đều có bàn tay giúp việc của anh; nhưng anh quan niệm cuộc đời là
cõi tạm, là phù du, nên anh có ý hướng tu hành rất sớm, tâm niệm khai đạo và cứu
đời, các chùa cần vẽ, cần đắp tượng Phật anh sẵn sàng đến làm công quả….những
ngày tháng sau 1975, anh sanh sống bằng tay nghề mỹ thuật, lãnh xây hòn non bộ , cùng điêu khắc và trang
trí bàn thờ từ đường. Hoạ phẩm của anh mà tôi thích nhất là bức tranh mâm ngũ
quả đặt cạnh lá cờ Phật giáo bị rách một lỗ.
Anh Trần Ngọc Ẩn (anh của cô giáo Giếng
dạy trường nữ Tiểu Học Biên Hoà, cũng là anh của Trần Kim Biên, hiện ở
California-USA), bị động viên, phục vụ ngành Không Quân, người phụ trách nghiên
cứu và vẽ phù hiệu, huy hiệu của ngành Không Quân VNCH.
Anh Nguyễn Văn Thanh, phu quân của chị Dương
Thị Thể, con của ông Quản Đẩu, nhà ở thuở xa xưa là căn phố đối diện căn phố của
ông giáo Cần (Phan Thanh Cần), xuất thân từ Truờng Mỹ Nghệ Biên Hoà, nổi tiếng về
hội hoạ.
Anh Nguyễn Văn Bạch, nổi
tiếng về vẽ trên giấy, trên vải, và vẽ trên sân cỏ, mang số 10 của đội tuyển bóng
tròn Biên Hoà, bị động viên,phục vụ tại Phòng Đồ bản Bộ TTM, KBC 4002, đường Trần
Hưng Đạo Sài gòn, sau qua ngành Cảnh sát, biệt phái Văn phòng Mỹ Thuật Phủ Tổng
Thống, phụ trách nghiên cứu sắc phục và phù hiệu ngành Cảnh Sát…. bức tranh nổi
bật là bức tranh sơn dầu vẽ chiếc trực thăng bay qua hàng dây điện giữa khung
trời mùa hạ.
-Anh Trí tự Bé,
nhà ở gần hãng kẹo Mạch Nha khu Chùa Một Cột, Phường Hoà Bình-Biên Hoà, có mở xưởng
gốm mỹ thuật tại gia….
- Anh Liệt (phu quân
của cô giáo Tính, nhà ở xã Tân Thành-Biên Hoà) một hoạ sĩ, cũng là một nhà thơ
với bút hiệu Hoàng Trung Liệt
-Anh Đạo
(con của chú Bảy Vạn, nhà ở Tân Vạn, thợ đúc đồng), anh Đạo mở xưởng gốm mỹ nghệ tại nhà
ở Tân Vạn –Biên Hoà, xưởng gốm của anh Đạo, có một thời gian rất đông khách, nhờ
những chậu mỹ nghệ nhỏ có phong cách riêng, trồng đủ loại xương rồng kiểng trổ
hoa rất đẹp….
-Anh
Đỗ
Nam và Lê Bá Đáng mở gốm mỹ thuật ở Hoá An-Biên Hoà, bảng hiệu Gốm DONA, cơ sở
rộng lớn và sản xuất mạnh nhất Biên Hoà, sản phẩm đẹp nổi tiếng trong và ngoài
nước.
-Anh Nhựt, anh
Cao
(Hai anh em ruột),-anh Lực, anh Lào (đều ở Cù Lao Phố), -Anh Trí (Bửu Hoà), anh Tiếng
(Xóm Cây Chàm), đều là những người thợ có tay nghề cao, nắn hay, vẽ giỏi…
-Anh Nguyễn
Văn Phép, sanh năm 1942, trước 1975, ngụ
ở xóm Vườn
Điệp số 109/41/3A đường Phan Châu Trinh Biên Hoà, xuất thân từ
trường Mỹ Nghệ Biên Hoà, cựu giáo sư trường Trung Học Cao Thắng Sài Gòn, từng mở
hội quán hội hoạ, Trưởng Bộ Môn Gốm Mỹ Thuật Sài gòn, có xưởng
Điêu Khắc tại Cầu Hang Quốc lộ 1A xã Hoá An Biên Hoà, từng đoạt nhiều giải nhất
về Triễn Lãm và trang Trí Giáo Dục Kỹ Thuật và Nông Lâm Súc tại Sài Gòn. Sau ngày
30-4-1975, anh Phép trở về Biên Hoà, làm
công nhân cho công ty giấy COGIVINA, nhưng anh đã bị bắt đưa vào trại giam B5,
ngang Dưỡng Trí Viện Biên Hoà, rất sớm vì một tấm hình trên bìa báo do anh Phép
vẽ một nữ công nhân được bình bầu xuất sắc, có mái tóc che phủ nửa bên mặt, vẽ đúng
mẫu người công nhân tiên tiến ….nhưng ban lãnh đạo nhà máy cho rằng anh cố tình xuyên tạc, bôi lọ chế độ, vẽ công nhân tiên tiến mà chỉ thấy có một mắt (bức họa một nữ công nhân với suối tóc che nửa khuôn mặt và suối tóc có ba sọc dài đậm với dạng lá cờ VNCH…nên anh bị bắt. Sau ngày ra tù anh Phép làm việc cho xưởng gốm mỹ thuật của ông
Năm Hoà tại Cầu Hang Biên Hoà có tên là BIHIMEX (?)…. Gần đây, năm 2010, tôi được tin anh Phép bị chứng bịnh đường ruột, trong khi giải phẩu, huyết áp gia tăng
đột ngột, gây tai biến mạch máu não, khiến
tê liệt nửa thân người, anh đang sống trong niềm vô vọng …..Hằng
ngày anh nhìn các tác phẩm nghệ thuật của anh mà nước mắt cứ rưng rưng, ý chừng, tiếc
không còn đủ sức để thực hiện những hoài bảo phục vụ nghệ thuật hội hoạ cho đời…
-Anh Trần Văn Lên (con của Bà Mười, nhà ở
đường Lương Văn Thượng-Biên Hoà), từng học trường Mỹ Nghệ Biên Hoà (?), sau đó tốt nghiệp trường trang trí Mỹ Thuật Gia Định, chính
anh Lên đã tạc tượng Trần Hưng Đạo tại công viên bến Bạch Đằng Sài gòn
-Anh Lầu (con
của ông Năm Lềnh, bán kim chỉ tại chợ Biên Hoà), là một hoạ sĩ tài
ba, là giáo sư uy tín về môn hội hoạ; sau năm 1975, anh buồn vận nước, tình đời,
trở nên người thất chí, mượn rượu giải sầu đến chết
-Anh Trần
Thanh Thanh, xuất thân trường Mỹ Nghệ Biên Hoà, nhà ở khu chợ Kỷ Niệm, có bà mẹ phụ giúp công việc cho trường Tiểu học Trịnh
Hoài Đức, thời thầy Nguyễn Thành Phách (thân phụ của Bác sĩ Nguyễn Thành Phước)
làm hiệu trưởng. Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ Thuật Gia Định, Trần
Thanh Thanh nổi tiếng về điêu khắc, nhưng Thanh không bao giờ quên ơn những vị ân
nhân đã từng giúp ThanhThanh thành công trong việc học hành, gồm có tất cả quí
thầy của trường Mỹ Nghệ Biên Hoà và thầy Nguyễn Thành Phách.
-Em Hồ Xuân Định
(em của nhà thơ Hoàng Ánh Nguyệt), sau khi học Trường Mỹ Nghệ Biên Hoà và tốt
nghiệp Trường cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định, được gọi nhập ngũ ngành Pháo Binh
VNCH…bị thương và được giải ngũ… Sau năm 1975, làm việc cho các công ty dược phẩm
ở Sài Gòn, chuyên vẽ mẫu nhãn hiệu thuốc… Em đã qua đời cách đây vài năm. Nét vẽ
còn lưu dấu của hoạ sĩ Hồ Xuân Định là một bức tranh sơn dầu khổ 2 m2 x 1m5, vẽ một
đôi tình nhân người Nhật, tuyệt đẹp, có tên là “Âu Yếm”
Quá Trình Hoạt động của Trường Mỹ Nghệ Biên Hoà.
Theo tài liệu trong vài bài báo xưa cũ, Truờng Mỹ nghệ Biên Hoà, được
thành lập vào năm 1903, với tên Trường Bá Nghệ, dạy nhiều ngành nghề: mộc, rèn, đúc đồng, gốm
mỹ thuật, đan lát, gia chánh, vẽ cảnh, vẽ
chân dung, điêu khắc, nắn đắp tượng…nhưng sau đó, vào năm 1916, trường
có sự cải tổ, đổi tên là Trường Mỹ Nghệ Thực Hành Biên Hoà, đồng thời,
giản thể một số bộ môn, chỉ còn dạy vẽ, nắn, xây và đúc đồng.
Trường trải qua
nhiều hiệu trưởng người Pháp, nhưng người đem lại sự thăng tiến cho trường Mỹ
Nghệ Biên Hoà là hai vợ chồng ông Robert Balick. Năm 1923, chính phủ Pháp bổ
nhiệm ông bà Balick, người Pháp, đến điều hành trường, ông Balick làm hiệu trưởng
và bà Balick giữ vai trò phụ tá, đặc trách ngành gốm. Nhờ sáng kiến của bà
Marie Balick, trường cho thay đổi các mẫu mã và cải biến nước men từ tro pha với
mạt đồng tạo màu xanh đồng “vert de Bienhoa”đẹp nổi tiếng thế giới, không thua
màu xanh Islam trong kiến trúc đạo Hồi …Bà Balick cũng cho đi tìm những nguồn đất
ở vùng Đất Cuốc (Tân Uyên) và vùng Chánh Lưu (Thủ Dầu Một), loại đất chịu lửa tốt,
rất thích hợp cho việc làm gốm mỹ thuật. Bà còn chế ra một loại men đá đỏ rất đẹp
và chịu lửa đến 1280 độ, biến chế từ đá ông,
giúp hạn chế được sự biến dạng màu sắc và những vết nứt trên men. Từ đó, sản phẩm gốm Biên Hoà được những người ưa chuộng
nghệ thuật, đặc biệt chú ý, nhưng mãi đến mười năm sau, khoảng 1933, trường cho
thành lập Hợp Tác Xã Gốm, thu nhận các cưụ học viên đã tốt nghiệp, ở lại trường,
chuyên lo việc sản xuất. Trường mở thêm một chi nhánh gọi là trường
Mỹ Nghệ Trong toạ lạc trên đường Trịnh Hoài Đức, khoảng ngang đài Kỷ Niệm Biên
Hoà, để tiện thiết lập lò nung rộng lớn, có nhiều bàn xây và khuôn mẫu để dạy về thực hành, đồng thời giảm bớt việc nung sản phẩm tại trường chánh (đường Nguyễn Hữu Cảnh), hầu tránh phần nào khói và bụi
than gây ô nhiễm cho Toà hành Chánh kế
cận và nhà Thờ Công Giáo đối diện trường.
Thập niên 40, các
học sinh ra trường, đều được thu nhận ở lại trường vừa học vừa làm, với giá lương
20 đến 30 đồng mỗi tháng (tương đương một tấn gạo thời giá), ngoài ra còn lãnh thêm một
số tiền khoán sản phẩm .
Những sản phẩm
hoàn hảo, sẵn sàng tung ra thị trường….thường phải qua các giai đoạn: chọn lọc
đất, nắn, phơi, vẽ, khắc, chấm men, kiểm soát trước khi cho vào lò nung, hầm đúng
độ nóng, trong thời lượng ấn định….Hàng ra lò được chở ra phòng trưng bày tại góc
đường Nguyễn hữu Cảnh và Nguyễn Thái Học (công trường Sông Phố) hoặc xuất cảng qua pháp, Mỹ và
nhiều nước khác. Gốm mỹ nghệ Biên Hoà được nhiều nơi trên thế giới ưa chuộng,
nhờ sắc thái men giản dị, trầm lắng, đậm nét cổ kín phương Đông
Năm 1944, ông bà
Balick về Pháp…. Biến cố 1945 xảy ra, ông Võ Kim Đôi, giáo viên của trường, lên
làm hiệu trưởng. Hợp Tác Xã Gốm tan rã, nhưng sau đó không lâu, ông Trương văn Chỉ được cử lãnh trách nhiệm điều hành trường và chính
ông Chỉ đã cố công gây dựng lại ngành gốm mỹ thuật Biên Hoà về cả hai mặt hành
chánh và mỹ thuật. Ngày 10-10-1946, Ông Chỉ được chính phủ Pháp trao tặng “Huy
chương hạng nhì bằng bạc”
Năm
1948, ông bà Balick trở lại Việt Nam, tiếp tục các vai trò trước đây và đến năm
1950, ông bà Balick cùng đứa con gái, rời ngôi nhà (đối diện trường Mỹ Nghệ), kế
cận Bót Cảnh Sát, sau nầy là Ty Hiến Binh Biên Hoà, trở về Pháp, trong niềm thương
mến và biết ơn sâu xa của hầu hết ban giám hiệu của trường Mỹ Nghệ và tất cả thợ
thuyền của Hợp Tác Xã Gốm Mỹ Thuật Biên Hoà.
Sau
khi ông bà Balick về Pháp, ông Pochont được cử làm Hiệu Trưởng Trường Mỹ Nghệ và
đến ở tại ngôi nhà của hai vợ chồng ông bà Balick từng ở nói trên, nhưng sau đó
không lâu ông Pochont cũng trở về Pháp. Ông Đặng Văn Quới còn gọi là ông Quản
Quới (ông thân sinh của ông Đặng Văn Lâu, chủ nhà nhiếp ảnh “Studio d’Art” và Mỹ
Dung khoảng ngang nhà hàng Hạnh Phước đường Nguyễn Hữu Cảnh Biên Hoà), làm hiệu
trưởng và ông Bạch Đường Khúc tự Trinh, còn gọi là thầy đội Trinh, nhạc phụ của
cựu Thiếu Tá QL/VNCH Nguyễn Văn Tài cũng là nhà văn Hoàng Anh Tài, hiện định cư
tại Pháp) làm phó hiệu trưởng và khoảng chừng một năm sau đó ông Trần Văn Ơn được
cử thay thế làm hiệu trưởng.
Đến
năm 1955, ông Trần Văn Ơn về hưu, Ông Trương văn Chỉ (thân phụ của bà Trương Thị
Ngọc Hương, hiện định cư tại Thuỵ Sĩ) được cử thay thế…
Ngày
7-5-1955, Bộ Giáo Dục xếp các trường Mỹ Thuật Gia Định, trường Mỹ Nghệ Thực hành
Biên Hoà và trường Mỹ nghệ Thủ Dầu Một vào loại trường có xưởng kỹ nghệ đặc biệt
và kể từ ngày 20-9-1955 học sinh muốn vào trường nầy phải có bằng Tiểu Học và
phải qua một kỳ thi.
Năm
1956, trường Mỹ Nghệ Thực Hành Biên Hoà được đặt trực thuộc Nha Kỹ Thuật và Mỹ
Thuật Học vụ - Bộ Giáo Dục Sài Gòn; Ông Nguyễn văn Thâu, từng tốt nghiệp truờng
Cao Đẳng Mỹ Thuật Hà Nội, được bổ nhiệm
chức vụ Hiệu Trưởng thay thế Ông Trương Văn Chỉ. Ông Chỉ ra đứng lớp giảng dạy…
Năm
1957, trường đặt trực thuộc Nha Kỹ Thuật và Mỹ Thuật Học Vụ về cả hai phương diện
chuyên môn và hành chánh, không qua hệ
thống Ty Học Chánh điạ phương.
Năm
1958, ông Đan Hoài Ngọc, tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Hà Nội, giảng viên
truờng cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn, về làm hiệu trưởng thay thế ông Nguyễn Văn Thâu.
Nhằm
phát triễn ngành Gốm Mỹ Thuật trong nước, năm 1960, Chánh Phủ Sài Gòn rước các
chuyên viên gốm Nhật Bản, ông Ishizuka và
ông Mizuno đến cố vấn cho Trường Mỹ Nghệ
Biên Hoà về vấn đề biến chế men, xương đất và kỹ thuật xây lò, đồng thời gởi
người đi du học:
-Ông
Đặng Nhựt Thăng được cử đi tu nghiệp ở Tây Đức từ 1-8-1960 đến 28-2-1961 về men
gốm
-Ông Đặng cẩm Hồng
được Nha Học Vụ cử giữ chức vụ Giám Thị và
sau đó được cử đi tu nghiệp tại Vierzon Pháp từ ngày 11-9-1962- 30-6-1963
về men gốm.
-Ông Lê Bá Đáng
được cử đi tu nghiệp ở Nagoya - Nhật Bản từ 4-10-1962, về lò, xương đất và men.
Sản phẩm gốm và
đúc đồng của trường Mỹ Nghệ Biên Hoà được đưa qua triễn lãm ở Pháp vào năm 1922
và được nổi tiếng từ đó. Nhiều nước trên thế giới mời tham dự triễn lãm quốc tế
ở Pháp vào những năm 1925, 1933; 1938 tại Saint Denis (Reunion-thuộc Pháp); tại
Batavia (Nam Dương) năm 1934; tại Hà Nội năm 1938; tại Nayoga (Nhật Bản) năm
1937; tại Băng Kok Thái Lan năm 1955; tại
Phnompênh (Campuchia) năm 1956; tại Mỹ năm 1958…. và Việt Nam luôn được nhận huy
chương vàng và bằng danh dự …về đồ đồng
gồm có : cúp, gạt tàn, cái chận giấy, bình và tượng nhỏ làm bằng đồng và nhiều
đồ đồng mỹ thuật khác….về gốm gồm có các loại bình trang trí, gốm treo tường ,
bình đựng nước, và nhiều mặt hàng sành sứ khác…
Nét đặc biệt của
gốm mỹ nghệ Biên Hoà là men tự chế. Lúc đầu, khi mới nhận Ban Gốm, Bà Marie
Balick cho áp dụng nước men Tây phương, loại men Pháp, nhưng bà thấy loại men nầy
không phù hợp với gốm Đông phương, nên bà đã lập một nhóm nghiên cứu loại men mới
với những nguyên liệu có sẵn ở Việt Nam, như đá trắng An Giang, vôi Càn Long,
tro rôm, tro củi, và thuỷ tinh, đá ông mạt đồng và bột màu cobalt để tạo màu lên
men, màu men đặc biệt của gốm Biên Hoà, màu xanh đồng (vert de Bienhoa), còn đất
thì lấy từ Sông Bé (Bình Duơng), và bà Balick đã thành công là đã tạo cho gốm
Biên Hoà có một loại men độc đáo.
Đến năm 1960,
Trường Mỹ Nghệ Biên Hoà lại tiến thêm một bước nữa khá quan trọng, là cho áp dụng
đổ khuôn theo sự hướng dẫn của của các cố vấn người Nhật Bản, giúp cho mức độ sản
xuất tăng nhanh….đặc biệt là đổ khuôn các tượng ….
Và cũng từ thập
niên 50, một số thợ của Hợp Tác Xã Gốm Mỹ Thuật có điều kiện tài chánh và địa điểm
thuân tiện, lần lượt tách ra, mở xưởng gốm mỹ thuật riêng, như anh Đạo mở xưởng
ở Tân Vạn, anh Đỗ Nam và anh Lê Bá Đáng hợp tác mở xưởng ở Hoá An với bảng hiệu
“Gốm ĐÔNA”, sau nầy khoảng năm 1974 anh Lê Bá Đáng mở thêm một xưởng gốm mỹ thuật
tại xã Tân Đông Hiệp (quận Dĩ An), riêng tôi và anh Trần Văn Là tự Út Bùi chung
sức, mướn căn nhà của chú Ba Phu ở Hoá An mở xưởng làm gốm mỹ nghệ, nhỏ thôi, vào
năm 1973, sản phẩm xuất xưởng bán rất chạy, có người thu gom xuất cảng ra nước
ngoài, tôi bắt đầu thu lợi nhuận, nhưng chẳng được bao lâu…..chế độ miền Nam sụp
đổ.
Thời gian bước vào
nghề khai thác ngành gốm mỹ thuật, tôi cảm thấy vô cùng thích thú, làm chơi mà ăn
thiệt. Thỉnh thoảng tôi theo anh Út Bùi và anh Tùng (tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ Thuật
Gia Định) xuống Sai Gòn chơi, nhiều khi gần cạn tiền. anh Tùng bèn vào gặp bà Năm
có cửa hàng may áo dài trong khu thương xá TAX, hỏi mượn chút đỉnh, bà Năm cho
mượn ngay, đồng thời trao cho mấy sắp vải để vẽ hình bông hoa hoặc rồng phượng
với lời căn dặn, vẽ gấp, giao hàng vào ngày mai ….thế là chúng tôi lại có thêm
tiền ra quán La Pagode tại góc đường Tự Do-Lê Thánh Tôn, ngồi uống cà phê, ngắm
cảnh “dập dìu tài tử giai nhân” trên đường phố cuối tuần; đến chiều tối chúng tôi
trở về Biên Hoà. Tôi cứ nhắc chừng việc vẽ mẫu áo dài cho bà Năm, vì sợ vẽ không
kịp để giao hàng đúng hẹn, nhưng không ngờ chỉ trong một giờ đồng hồ về khuya, anh
Tùng vẽ xong mấy xấp vải áo dài với bộ mẫu mã và đồ nghề có sẵn, với hình hoa thú,
màu sắc trang nhã linh động…. và một kỷ niệm khác của tôi với anh Tùng và anh Út
Bùi là khi tôi mở quán phở Thanh Sơn tại dãy phố lầu ngang Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát
Khu 3, gần Máy Cưa, quốc lộ 15(BH), được hai anh Tùng và Út vẽ tặng cho tôi bức
tranh khổ 1,5m x 3m diễn tả cảnh sông núi đêm trăng tuyệt đẹp; tôi còn rất nhiều
kỷ niệm đối với anh Út Bùi, một con người nghệ sĩ chân chính, đa tài, trường
chay, đạo hạnh… chùa nào cần đắp tượng Phật hoặc vẽ hình Phật trên tường là anh
sẵn sàng đến làm công quả….Tôi rất thương mến anh Út Bùi, tôi cũng thường đi
theo anh vào các cụm rừng tìm các rễ cây với hình dáng thiên nhiên lạ kỳ, đem về
trau chuốt thành một tác phẩm nghệ thuật, như rễ cây cẩm lai hoặc gõ, làm thành
chân bàn kính thật tuyệt làm sao, hoặc đi với anh vào các nơi bán gỗ phế liệu, mua
những tấm gỗ thông, đem về, cưa đúng kích thước, kế tiếp, đốt cho cháy sém, rồi
lấy bàn chải sắt chà cho bớt phần cháy, xong dùng sơn màu chấm phá vài nét,
treo lên tường thành một bức tranh đầy nghệ
thuật….thế là có người tìm đến hỏi mua…. hoặc nhặt đá sạn và vài thứ vật dụng
phế thải bên đường dùng trang trí cho các hòn non bộ, làm tăng giá trị đến không
ngờ. Bất cứ vật gì, qua tay của người nghệ sĩ vẽ và nắn, cũng có thể trở thành
những món quà quí giá và ý nghĩa…..bức hoạ của anh Út Bùi mà tôi đắc ý nhất và
còn nhớ mãi đến bây giờ là bức tranh mâm ngũ quả bên cạnh lá cờ Phật giáo, bị rách
một chỗ.
Sau
đây là vài dữ kiện liên quan đến Trường Mỹ Nghệ Biên Hoà và những người thợ xuất
thân từ trường nầy.
Nhiều người cho
rằng: “ gốm Cây Mai, gần chùa Cây Mai hoặc khu Lò Gốm, phía sau hãng rượu Bình
Tây-Chợ Lớn Mới bây giờ thuộc Quận 6- Sài Gòn), gốm Lái Thiêu (Bình Dương) và gốm
Biên Hoà đã tạo nên một phong cách gốm Nam Bộ”, nhưng thực tế chỉ đúng một phần,
đó là phần gốm gia dụng… gốm Cây Mai chuyên sản xuất nồi, siêu, trách, trả…; gốm
Lái Thiêu chuyên làm chén, bát, đĩa, muỗng…riêng gốm Biên Hoà làm lu, khạp, ảng
cả chén bát (lò lu Trần Lâm ở xã Hoá An, lò lu của thân mẫu anh Lưu văn Cải ở Tân
Vạn….) là những sản phẩm gốm bình dân nhằm đáp ứng cho đời sống hằng ngày….Còn
gốm mỹ thuật, gốm cao cấp mang tính nghệ thuật và trang trí, đầu tiên ở Nam Bộ
chỉ có ở Biên Hoà. Theo sự sắp xếp của người Pháp, trường Mỹ Thuật Gia Định chuyên
vẽ và trang trí, trường Mỹ Nghệ Biên Hoà chuyên gốm mỹ thuật và đúc đồng, trường
Mỹ Nghệ Thủ Dầu Một (Bình Dương) chuyên về điêu khắc trên gỗ….Nên nói về gốm Mỹ
Thuật thì chỉ có Biên Hoà thôi, bằng chứng trong những lần triễn lãm trong nước
cũng như khắp nơi trên thế giới chỉ có sản phẩm mỹ nghệ Biên Hoà trưng bày và
tuyệt nhiên không có gốm “Cây Mai” hay “Lái Thiêu” tham dự.
Còn nói gốm Biên
Hoà ảnh hưởng gốm Cây Mai lại càng không có lý, vì ngành gốm gia dụng đã có mặt
tại Cù Lao Phố Biên Hoà từ lâu, theo dòng người di dân từ đất Quảng Miền Trung
Việt Nam và đoàn người Hoa do Tướng Trần Thượng Xuyên hướng dẫn lánh nạn nội
chiến từ nước Tàu đến vùng đất Biên Hoà, còn làng gốm Cây Mai được ghi nhận xuất
hiện từ sau năm 1920, sau khi Cù Lao Phố (BH) bị chiến tranh tàn phá và một số đông
người minh hương rủ nhau đến định cư tại vùng chợ Lớn Mới, lập ra.….
Những
Sự Kiện Liên Quan Trường Mỹ Thuật Biên Hoà
Sản phẩm gốm mỹ
thuật Biên Hoà rất đa dạng và phong phú với góc độ nghệ thuật cao, ngoài các hũ,
bình, đĩa, chén…với chất men trắng sữa hoặc trắng ngà thanh thoát ….hoặc các tượng
Phật hoặc hình tượng tranh Tứ Quý, Tứ Bình, Tứ Thời, Bát Tiên hoặc tranh Dân
Gian với chất men xanh lục đồng, màu cổ kính, trầm lắng….qua các tay nghề điêu
luyện của các bậc thầy ông Trần Văn Ơn,
Lê Văn Mậu, Nguyễn Văn Hai….thuộc thế hệ thứ nhất của trường và các anh Trần Văn
Là tự Út Bùi, anh Đỗ Nam, anh Lê Bá Đáng…thuộc thế hệ thứ hai, luôn có sáng kiến
tạo mẫu mã và biến chế màu men thích hợp cho từng loại sản phẩm như đôn voi, đôn
tròn, chậu hoa, tượng….và đã từng ào ạt xuất cảng ra nước ngoài vào thập niên 60 và đầu 70.
Tôi đã từng hãnh
diện về Gốm Mỹ Nghệ Biên Hoà, nhưng theo ông Vương Hồng Sển, nhà sưu tầm và say
mê đồ cổ, nhận xét vào năm 1972: “ hiện nay trong xứ có một trường làm đồ gốm ở
Biên Hoà và kể luôn ở Đà Lạt và ở Lái Thiêu (Bình Dương), Thị nghè và Biên Hoà có trên 40 lò sản xuất đồ gốm, đồ sành, có lò
Thành Lễ (Bình Dương) từng gửi đồ chế tạo bán ra ngoại quốc, nhưng nói về phẩm
chất thì đồ gốm đồ sành ngày nay còn thua đồ thời Pháp thuộc của trường Mỹ Nghệ
Biên Hoà do Tây điều khiển”. Sau khi đọc qua đoạn nhận xét vừa kể, tôi đã không
sao tránh được một thoáng buồn … nhưng
làm sao hơn, đất nước Việt Nam đang tình
trạng chiến tranh, một số thầy, thợ của trường Mỹ Nghệ Biên Hoà phải nhập ngũ
theo lệnh động viên của Bộ Quốc Phòng … thầy Nguyễn Văn Thông (sĩ quan tài vụ/
ngành Bảo An Đoàn) và các tay thợ lành nghề như Trần Ngọc Ẩn (Không Quân), Trần
Văn Là (Tâm Lý Chiến), Nguyễn Văn Bạch(Phòng Đồ Bản Bộ Tổng Tham mưu KBC4002 đường
Trần hưng Đạo-Sàigòn), anh Hai Còn, phục vụ Trường Đại Học Quân Sự, sau biệt phái
qua Thông Tấn Xã Báo Chí….
Chú Sáu Thế
(Nguyễn Văn Thế) từng xuất thân trường Mỹ Nghệ Biên Hoà, sau khi học qua các
trường Mỹ Thuật Gia Định, rồi Hà Nội, và sau cùng tốt nghiệp Kiến Trúc Sư bên
Pháp, về làm việc cho Văn Phòng Cố vấn Mỹ Thuật tại Phủ Tổng Thống thời đệ Nhất
Cộng Hoà, đặt tại số 110 đường Nguyễn Du
Sài Gòn, có xin biệt phái một số cựu học viên trường Mỹ nghệ Biên Hoà về
đây, lo việc nghiên cứu quân phục, sắc phục, huy chương phù hiệu…anh Trần Ngọc Ẩn
(anh hai của cô giáo Trần thị Giếng) phụ trách vẽ phù hiệu, sắc phục ngành Không
Quân, anh Xuân phụ trách vẽ phù hiệu sắc phục ngành Bộ Binh, anh Nguyễn văn Bạch
phụ trách vẽ phù hiệu, sắc phục ngành Cảnh Sát thời VNCH và một số người khác như anh Nguyễn văn Phép, Trần văn Lên, anh Lực…..phụ
trách tạc tượng Đức Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng Sài Gòn
Có vài bài báo
viết rằng: “Ở miền Bắc có ba trung tâm gốm cổ truyền Bát Tràng, Thổ Hà, Hương
Canh và ở miền Nam có hai trung tâm Biên
Hoà và Bình Dương…. Gốm Biên Hoà không có tay nghề cao bằng gốm Bát Tràng và Thổ
Hà….gốm Biên Hoà mang màu sắc và vẻ đẹp phóng túng…không như gốm Bát Tràng và
Thổ Hà mang tính ước lệ cổ điển…do đó, uy tính của ngành gốm Biên Hoà được nâng
cao trên thị trường Quốc Tế….” Từ phê bình đó, chúng ta thấy ngành gốm Biên Hoà
đã có một bước tiến vượt bậc, có thể mô tả là con chim đầu đàn của ngành gốm Mỹ
Thuật trong cả nước.
Gốm mỹ thuật Biên
Hoà được nổi tiếng là nhờ sự truyền đạt nghệ thuật của người Pháp về màu sắc,
nước men và kể cả sản xuất, mà mốc thời gian được kể từ năm 1923, khi hai vợ chồng
ông Robert Balick được bổ nhiệm làm hiệu trưởng và hiệu phó trường Mỹ nghệ Biên
Hoà….
Người dân xứ Bưởi
rất mến mộ hai vợ chồng ông Balick và để tỏ lòng biết ơn, đồng hương Biên Hoà ở
Paris thỉnh thoảng đến viếng thăm ông bà Balick ở miền Nam nước Pháp, tôi tình
cờ được biết, có một lần, phu nhân của Bác sĩ Tứ (từng làm việc tại Biên Hoà) đến
thăm và tặng cho bà Balick một chai nước mắm Phú Quốc, bà Balick rất mừng rỡ; bà
tức khắc mở nắp, rót một giọt nước mắm lên lòng bàn tay rồi ngửi một cách say sưa
như người sành điệu, đã từng thưởng thức hương vị tuyệt vời nầy….
Tại tỉnh Biên Hoà
(nay là tỉnh Đồng nai) hiện nay có hàng trăm xưởng hoặc công ty sản xuất gốm sứ
mỹ thuật, như Gốm Thái Dương, Minh Đức, Việt Thành (xã Tân Hạnh), Đồng Thành, Đồng
Tâm, Long Phú, Hoàn Thành, Thành Phát, Hồng Đức….nhiều xưởng được hô hào trang
bị lò nung bằng “ga” nhằm đảm bảo chất lượng, đã xuất cảng đến các nước Âu, Á, Mỹ châu…và thật
sự mang về một số ngoại tệ đáng kể ….nhưng bây giờ hơi khựng lại vì lý do sản
phẩm không đạt yêu cầu phẩm chất và góc độ nghệ thuật... người thợ gốm vốn dĩ
nghèo, lại làm việc theo quan niệm mới “đếm món lãnh tiền”, chạy đua với thời
gian để đạt chỉ tiêu ẩn định, theo phong trào thi đua sản xuất, đặt nặng về số
lượng hơn là phẩm chất … khiến sản phẩm
mỹ nghệ Biên Hoà kém đi phần nào giá trị, nên bị giới hạn sự thu hút của khách
hàng ngoại quốc. Thật đáng tiếc thay!
Sau cuộc đổi đời
năm 1975, ngành gốm mỹ thuật Biên Hoà có chiều hướng đi xuống, các chủ xưởng nhỏ
buồn tình đời thế sự dẹp bỏ các cơ xưởng làm gốm, còn các chủ xưởng gốm mỹ thuật
lớn còn thê lương hơn…., chánh quyền nhân dân tỉnh tịch thu, trong số những người
chủ nầy tôi biết có anh Đỗ Nam chủ gốm DONA coi như mất trắng…Anh Nam tiếc của,
tiếc công gầy dựng….trở nên người quẩn trí….sau cung theo con qua định cư tại
Úc Đại Lợi….Có nguồn tin cho rằng anh Nam đã trở về Việt Nam làm đơn xin lại
cơ sở gốm mỹ thuật DONA ….
Có người nói rằng, từng thấy anh Nam rơi lệ khi nhìn thấy công trình gốm DONA của
anh đã thuộc về tay người khác….Thật đáng tội
nghiệp cho anh Nam, một người cả đời đam mê nghệ thuật vẽ, nắn, tạc tượng….đóng
góp sản phẩm mỹ thuật làm vẻ vang cho xứ sở Biên Hoà….
Nếu không có cuộc
đổi đời vào ngày 30-4-1975, thì ngày nay mọi người Việt yêu chuộng tự do, đã có
dịp chiêm ngưỡng những phù điêu, hình ảnh của những trận đánh hào hùng của Quân
Lực VNCH cùng những vần thơ bất hủ diễn tả về khí phách của người lính Cộng Hoà:
An Lộc địa sử
ghi chiến tích
Biệt Cách Dù vị
quốc vong thân
hoặc:
Anh đứng ngàn năm
thao diễn nghỉ
Em nằm xoã tóc đợi
thiên thu
hoặc:
Những cánh chim
bằng trong gió loạn
Dưới làn mây bạc
của trời Nam
….
do một nhóm thợ
lành nghề thuộc trường Mỹ Nghệ Biên Hoà, thực hiện điêu khắc chung quanh “vành khăn
tang” dưới chân Nghĩa Dũng Đài tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà, dưới sự hướng
dẫn kỹ thuật và nghệ thuật của thầy Lê Văn Mậu.
Vài
Hình Ảnh Liên Quan đến Trường Mỹ Nghệ Biên Hoà
Ban Giám hiệu Trường Mỹ Nghệ Biên Hoà (Ảnh
chụp khoảng 1950)
Tam cấp thứ nhất: thầy Huỳnh Văn
Thọ và Trần Văn Ơn
Tam cấp thứ nhì: thầy Nhì Bạch
Đường Khúc (áo dài đen), Ông bà Balick (đứng giữa), thầy Nhứt Đặng Văn Quới (bên
phải)
Tam cấp phía sau: quí thầy từ trái
sang phải, thầy Nguyễn Văn Thông, Đặng Cẩm Hồng, Lê Văn Mậu, Mã Phiếu, Huỳnh
Quang Thường, Trương Văn Chỉ, Ung Văn Nam, Nguyễn Văn Đinh và ba nhơn viên Đặng
Nhựt Thăng, Lương Văn Châu (phụ trách bán hàng), Nguyễn Thị Tình(đánh máy)
Trần Thanh Thanh
tạc tượng thầy Nguyễn Thành Phách vào năm 1961, kính tặng thầy để làm kỷ niệm.
Trường Mỹ Nghệ
Biên Hoà, ngoài việc đào tạo và phục vụ nghệ thuật hội hoạ, còn có một điểm son,
được nhiều người biết đến, đó truyền thống thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, rất đáng
được trân quí…thể hiện trong những trường hợp có một vị thầy hoặc một đồng môn
qua đời, tất cả mọi người có liên quan đến trường Mỹ Nghệ Biên Hoà đều được thông
báo tề tựu, dự phần an ủi, tiễn đưa một cách trang trọng, thắm đậm tình nghĩa thầy
trò…. hoặc giả trường hợp, có những học sinh giỏi nhưng vì nhà nghèo, việc không
thể tiến xa hơn, các thầy sẵn sàng chung góp tiền giúp đỡ cho học sinh đó lên Sài
gòn tiếp tục việc học và phát triển tài năng…. Nghĩa cử nầy đã khiến tôi vô cùng
khâm phục và cảm kích viết mấy vần thơ sau đây…
NÉT ĐAN
THANH
Kính tặng quí Thầy và quí anh xuất
thân từ trường Mỹ Nghệ
Biên Hoà.
Đẹp từ pho tượng chân phương
Đẹp qua thuỷ mặc đẹp tràn núi sông
Đôi tay…với cả tâm hồn
Nắn bình tạo mẫu đường cong tuyệt vời
Sắc pha… điểm nét gợi
mời
Phù điêu ẩn hiện dáng người trong tranh
Những câu thơ rất hữu tình
Kèm theo hoạ phẩm lung linh ý đời
Giai nhân e
thẹn mỉm cười
Vườn hoa trăm
sắc vẽ vời bướm ong
Ai về …qua bến
sông Đồng
Chở dùm tôi chút
màu xuân đất trời
Ghé Trường Mỹ
Nghệ quê tôi
Ai còn? Ai mất?
Cuộc đời ra sao?
Tượng, bình,
mẫu mã thế nào?
Có còn vang
tiếng… tự hào như xưa?
Có còn giữ nghĩa thầy trò?
Thời gian dù có
phôi pha kiếp người.
TN
Tôi viết bài viết nầy với tư cách một
người xứ sở Biên Hoà, từng kính phục tài năng vẽ tranh, điêu khắc, đúc đồng của
quí thầy, quí bậc đàn anh cùng bạn bè mà tôi đã có dịp nêu ra trên đây, với cả
tấm lòng trìu mến và vinh danh…Tôi đã cố gắng sưu tầm mọi dữ kiện liên quan đến
Trường Mỹ Nghệ và Gốm Mỹ Thuật Biên Hoà, để trình bày cùng quí đồng hương với niềm hãnh diện, đồng thời để cho các em cháu,
thế hệ sau nầy có dịp biết qua, nhưng sự tìm kiếm của tôi có phần giới hạn, bởi
hoàn cảnh và thời gian xa xứ gần hai mươi năm, trải qua bao nhiêu vật đổi sao dời…Nếu
quí đồng hương có phát hiện sự sơ sót nào , tôi kính xin được niệm tình tha thứ
và xin bổ túc cho. Mong thay.
Nguyễn
Kim Lộc
(Chicago ngày 10-10-10)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét