Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2017

TẢN MẠN VỀ BIÊN HÒA: XUÂN VÀ TẾT

Vũ trụ tuần hoàn, tiết trời thay đổi… tôi ngồi đây, nơi phương trời xa thẳm nầy, nhớ Biên Hoà 
theo quán tính và tưởng tượng… nắng ấm đã bắt đầu chiếu những vệt đầu tiên trên mặt sông 
Đồng Nai… báo hiệu xuân về. Vạn vật như bừng tỉnh dậy, vươn sức sống… Cây trong vườn 
đã bắt đầu nhú những mầm non xanh biếc. Gió xuân đang chuyển động, có tiếng chim hót 
líu lo trước sân nhà và bướm ong chập chờn trước ngõ, làm tăng vẻ rộn ràng, tươi mát của 
mùa xuân. Mọi người tỏ rõ niềm hân hoan. Các vị cao niên ngồi uống trà đàm đạo, bàn về thú 
chơi hoa kiểng …đồng thời nhắc nhở con cháu chuẩn bị mọi thứ cần thiết dành cho ba ngày Tết,
 còn các cô cậu trẻ cảm thấy nao nao, với lòng mong sớm được mặc quần áo mới và nhận
 các bao lì xì. Dường như chẳng ai hẹn ai, nhưng tất cả mọi người cùng gặp nhau trong ý hướng
 đợi chờ ngày mồng Một Tết xuân Đinh Hợi.
Tôi bất giác nhớ lại những mùa xuân cũ. Ôi! đẹp biết bao trong những ngày cận Tết, 
 từng đoàn én từ phương xa lũ lượt kéo về miền đất ấm,. Miền Bắc, tiết trời se se lạnh, có mưa
 phùn và  có hoa đào nở đó đây trong cảnh vật mơ màng…Miền Nam, tiết trời  ấm áp, nắng xuân
 trong lành, mai vàng tươi thắm, tô điểm cho trời xuân thêm phần rộn rã. Trong thành phố Biên Hoà,
 chim én như chia nhau bay lượn trên các nẻo đường phố thị, là là dọc theo các mái nhà, trông rất 
đẹp... Đó là hình ảnh của những mùa xuân cũ còn hằn trong trí tôi. Bây giờ, nơi đất khách, tôi ngồi 
hình dung lại từng kỷ niệm rồi đăm ra nuối tiếc …   Chỉ còn vài hôm nữa là đến ngày Tết Nguyên 
Đán Xuân Đinh Hợi. Người Việt Nam nói chung và người dân xứ Bưởi nói riêng sẽ tổ chức ngày 
Tết Truyền Thống một cách trang trọng nơi quê mẹ thân yêu.
Còn nơi hải ngoại thì sao ? Chắc các cộng đồng người Việt nam ở khắp nơi trên thế giới cũng tuỳ
 thời tiết và nền văn hoá của mỗi xứ mà tổ chức ngày Tết truyền thống Việt Nam. Tại thành phố
  Chicago năm nào cũng có tổ chức hội chợ Tết Việt Nam gồm đầy đủ các tiết mục chào quốc kỳ,
 lễ dâng hương tưởng nhớ Tổ Tiên, múa lân, mừng tuổi, lì xì , bầu cua cá cọp giải trí…trong một đại
 sảnh, có rất đông người Việt đến tham dự, trong khi ngoài trời, cảnh vật vẫn im lìm, không có 
một nét gì biểu hiện Xuân và Tết Việt Nam, nhưng hầu như mọi người Việt Nam đang sống tha 
phương đều cảm nhận được Xuân và Tết sắp về trên quê mẹ và nghe xuân đang trổi dậy trong lòng,
 khi thấy hình vẽ hoa đào, hoa mai trên các trang báo Xuân hoặc các mặt hàng Tết,bày bán trong các
 khu chợ ViệtNam.
Vào thời điểm nầy, đất trời Chicago không giống như cảnh sắc xuân quê ta, thiếu vắng hoa mai, 
hoa đào; cũng không thấy ông đồ ngồi trên vĩa hè múa bút "Hoa tay thảo những nét, như phượng 
múa rồng bay". Màu Xuân và không khí Tết Việt Nam chỉ nhộn nhịp trong hội chợ Xuân và thoáng 
hiện trên các tờ báo xuân. Thực tế, nơi nầy, đang còn là mùa Đông, bên ngoài những hàng cây trơ 
cành trụi lá, đứng khẳng khiu giữa bầu trời giá buốt, đầy hoa tuyết phủ, thiếu sự ấm áp của nắng 
Xuân quê mẹ, thiếu màu xanh tươi thắm của rừng, núi và biển Việt Nam, thiếu những nét đặc thù
 phong hoá của dân tộc Việt, riêng người xứ sở Biên Hoà cảm thấy thiếu mùi hương hoa cau 
hoa bưởi… nhưng ý xuân vẫn khơi gợi trong lòng người xa xứ nỗi nhớ quê hương Việt Nam, nhớ
 họ hàng cật ruột, nhớ bè bạn thân thương đang ở quê nhà, cũng như đang ở nơi hải ngoại và cảm
 thắm thía làm sao khi nghe mấy vần thơ sau đây của nhà thơ Thế Nhân.
        Xuân quê ta lắm màu lắm vẻ
        Tết bên nầy nhạt tẻ làm sao
        Không mai cũng chẳng có đào
        Hàng cây trụi lá trơ cao nhánh cành.
        Ý xuân gợi tâm tình bạn cũ
        Hai phương trời nhắn nhủ sao đây
        …
        Xuân về lòng thấy nao nao
        Ước cùng bạn uống cạn bầu đồng tâm
        Hai mái tóc âm thầm bạc trắng
        Tình tương thân sầu lắng tháng ngày
        Tôi , anh vui gượng cả hai
        Mong ngày gặp lại giãi bày ‘tình chung’
                                        (Xuân Nhớ Bạn/TN)

Tôi nhớ lại những mùa xuân khi tôi chưa rời đất mẹ, vào những ngày trước tết Nguyên Đán, tôi thường đi thăm các vườn hoa kiểng, Biên Hoà thuở đó, có những vườn hoa và vườn cây kiểng sau đây:
*Vườn hoa và cây cảnh ‘Huỳnh Của’, bên trái quán cháo lòng nổi tiếng cùng tên, số174 đường Trịnh Hoài Đức(Biên hoà), là vườn hoa kiểng gia đình, đặc biệt có nhiều cây tùng, cây bách , do ông Bảy Đắc (thân phụ của ông Huỳnh Của) thiết lập từ trước thập niên năm mươi, và sau nầy, khoảng năm 1968(?), được ông Huỳnh Của mở rộng đồng thời sưu tầm thêm nhiều loại cây kiểng và cây ăn trái, đặc biệt có rất nhiều hoa phong lan, để vừa thoả mãn thú vui hoa kiểng ở tuổi về chiều, vừa kinh doanh nghệ thuật, bán kiểng hoa… Vườn hoa nầy đã giúp cho quán nhậu (trước kia là quán cháo lòng) do cháu Huỳnh Triệu và các người em gái (đều là con của ông Huỳnh Của) quán xuyến, tăng lượng khách rõ rệt. Khách đến ăn nhậu tại quán nầy thường được thoả mãn ba việc, vừa ăn nhậu, vừa ngắm hoa kiểng thiên nhiên, lại vừa được ngắm cả những bông hoa biết nói, các cô gái đẹp, duyên dáng, con của ông chủ vườn hoa…  Thật là một khung cảnh hữu tình cho những người khách thích rượu và yêu thơ. Khi rượu vào đến độ là ngà, họ ngâm nhiều bài thơ, trong số có bài thơ Đề Tích Sở Kiến Xứ của Thôi Hộ sau đây:
        Khứ niên kim nhật thử môn trung
        Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
        Nhân diện bất tri hà xứ khứ
        Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
(dịch: Ngày nầy năm ngoái cửa nầy – Hoa đào mặt ngọc hay hay sắc hồng- Hôm nay mặt ngọc thì không – Hoa đào vẫn đón gió đông khoe cười- tác giả?)
Viết đến đây, người viết bài nầy bỗng nhớ lại thuở xa xưa, quán cháo lòng Huỳnh Của của một thời vang bóng…với những thức ăn ngon và có ba người đẹp, em họ của ông chủ quán, đó là cô Thuỷ, cô Nguyệt và cô Nga, mỗi người mỗi vẻ… nghe đâu ba người đẹp nầy đều có chồng là sĩ quan Quân Lực VNCH và đang cùng gia đình định cư tại nước Mỹ và Canada.  
*Vườn bán kiểng hoa và cây ăn trái, gần nhà ông Tám Cườm ( thường lái chiếc Belair NBL 448 ?), cũng trên đường Trịnh Hoài Đức, khoảng ngang cây xăng Caltex của ông Sáu Sử (Đại Diện một công ty Bảo Hiểm Sài gòn), nơi đây thường tập trung các loại hoa Mồng Gà, Cúc. Vạn thọ, Kim quít, Trái quấc, xoài, mãng cầu…chở từ Miền Tây lên Biên Hoà, và chỉ bán trong những ngày cận Tết.
*Vườn hoa ấp Nội Hoá-Quốc lộ I (Bình An-Dĩ An), do một người Việt sanh sống bên đất Miên chạy thoát Cộng Sản Cao Miên trở về Việt nam, thành lập khoảng năm 1971, trồng nhiều loại hoa bán vào dịp Tết, đặc biệt nơi đây tuyển chọn được nhiều loại hoa hồng và phong lan quí giá. Địa điểm nầy ương trồng với kỹ thuật cao, hoa đẹp, to và tươi tốt, nên khách đến viếng vườn hoa nầy, ít ai ra về tay không, tối thiểu cũng mua vài chậu hoa Vạn thọ..
*Vườn Mai Kiểng của ông Tám Mộng(nhạc phụ của anh Lưu Văn Cải) tọa lạc tại đường Công Lý Biên Hoà, ông Tám tuyển lựa đủ loại mai, từ mai vàng mai trắng đến mai kiến thuỷ, một vườn mai kiểng có một không hai tại Biên Hoà. Những chậu mai hình vuông  được sắp thẳng hàng phía trước ngôi biệt thự của ông Tám. Ông Tám đã tự tay chăm sóc, uốn tỉa, tạo hình  rất công phu, mỗi cây mai có một hình dáng đặc biệt và ông Tám đã không ngần ngại đặt cho mỗi cây mai một cái tên, như Bạch Vân Mai, Hoàng Long Mai, Lồng Bóng Mai …, gốc mai to, được cắt bỏ toàn thân chỉ chừa mỗi một cành mảnh khảnh đầy bông…Vườn mai nầy hiện nay vẫn còn tươi tốt vẫn do bàn tay của ông Tám chăm sóc, nhưng tư cách của người chủ vườn đã bị thay đổi. Trước năm 1975, ông Tám Mộng chăm sóc vườn mai kiểng với tư cách là chủ vườn mai, bây giờ ông Tám chăm sóc vườn mai kiểng của mình với tư cách một người tự nguyện làm công không hưởng lương để có dịp tiếp tục tìm thú vui cây kiểng của chính mình, nhưng hiện tại không phải của mình, trong quảng đời còn lại, sau khi ông đã hiến tất cả tài sản cho ‘Nhà Nước Cách Mạng’.Tôi thầm kính phục ông Tám và nghĩ rằng ông Tám đã quán triệt lẽ vô thường và thắm nhuần hai chữ  ‘Sắc Không’ trong Phật pháp, nên mới có nhiều nghi lực tinh tấn và tinh thần tự tại làm công việc như tôi vừa kể.
*Viếng nhà nghệ nhân Trần Văn Là tự Út Bùi, ở đường Công Lý (BH), để xem hòn non bộ và những bức tranh vẽ cành mai, cành đào rất sống động. Anh xuất thân từ trường Mỹ Thuật Biên Hoà vào thập niên năm mươi, người có biệt tài vẽ và nắn hai tay, một nghệ nhân đúng nghĩa, chuyên vẽ mẫu tạo hình cho các Trung Tâm sản xuất gốm mỹ thuật vùng xã Hoá An và Tân Vạn Biên hoà, là một nghệ nhân nổi tiếng về đấp hòn non bộ và trang trí bàn thờ từ đường theo yêu cầu của gia chủ, anh là một phật tử thuần thành, ăn chay trường, tu tại gia, và thường đi làm công quả , trang trí vẽ tượng Phật hoặc cây bồ đề cho các chùa hoặc làm bất cứ công việc gì thuộc về nắn và vẽ.Tôi có dịp học hỏi ở anh rất nhiều về con đường tu hạnh và nhiều chất ‘nghệ sĩ’ ở anh. Đặc biệt là dưới đôi mắt của anh cái gì cũng hữu dụng,  cái gì cũng có thể trở thành nghệ thuật…như một rễ cây, một viên đá cuội,  một tấm ván thông, hoặc nhiều vật bị bỏ rơi, qua bàn tay mỹ thuật của anh đã trở thành những đồ trang trí giá trị đến không ngờ…nhiều người tìm đến hỏi mua.
*Viếng nơi viết liễn, bán hoa tay của Lý Tiên Sinh thường đặt tại phía trước căn nhà 14 B đường Phan Châu Trinh(Biên Hoà) để xem ông múa bút bằng chữ  Hán ‘ Thiên tăng tuế nguyệt nhân tăng thọ - Lộc mãn càng khôn phúc mãn đường’(ý nghĩa: Trời tăng năm tháng, người tăng tuổi - Lộc đầy trong đất trời, phúc đầy nhà) hoặc vẽ chớp nhoáng bộ tranh tứ thời ‘Xuân Hạ Thu Đông’ hoặc những tấm tranh riêng rẽ ‘Hợp Nhất Gia’(bức tranh mấy con gà), hoặc bức tranh ‘Anh Hùng Tương Ngộ’(bức tranh trên cây có đại bàng phía dưới đất có mãnh hổ)…rất có nhiều người mến mộ tài hoạ tranh chớp nhoáng và tài múa bút của Lý Tiên Sinh, trong số có nhà  thơ Thế Nhân, viết tặng ông  một bài thơ có đoạn như sau:
        …
        Viết tên hai mươi năm
        Bán chữ vào độ xuân
        Vẽ thêm tranh tùng hạc
        Lưỡng long, hổ, điểu, cầm.

        Nét bút còn bay bướm
        Nét vẽ đọng xinh tươi
Tâm hồn đầy sảng khoái
Ở tuổi ngoài tám mươi.
                (Ông Đồ Xưa/Thế Nhân)
       
*Viếng thăm các xưởng gốm mỹ thuật Dona của anh Nam (ở xã Hoá An), anh Đạo (ở Tân Vạn), anh Đáng (ở Tân Đông Hiệp)… để xem các mặt hàng gốm mỹ thuật của Biên Hoà với những hình tượng và phong cảnh nổi tiếng, như bát cảnh Tiêu Tương(Bình Sa Lạc Nhạn, Viễn Phố Qui Phàm….) hay tượng Bát Tiên( Lý Thiết Quả, Hà Tiên Cô, Lử Đồng Tân…), tượng Phúc Lộc Thọ, tượng ba con khỉ ngồi bịt tai, bịt mắt và bịt miệng …đã có một thời xuất khẩu rầm rộ ra nước ngoài, gây được sự chú ý và đón nhận nhiều lời khen của khách hàng yêu thích đồ gốm mỹ thuật của Việt Nam.
* Chợ bán mai cành: Thường vào trưa ngày 28 âm lịch tháng chạp tại mũi tàu đường Nguyễn Hữu Cảnh (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám) và đường Lê Văn Lễ, người dân địa phương thường quen gọi bùng binh ngã năm Công Chánh (Biên Hoà), xuất hiện một chợ bán mai cành. Những cành mai do những người dân nông thôn vùng Đại an, Trị an , Thiện Tân, … đi vào rừng, chặt đem về, lặt trụi lá và thui gốc theo kỹ thuật bảo đảm cành mai sẽ nở rộ vào ngày mùng một Tết và  được họ chuyên chở bằng xe đạp từ miền quê xuống chợ Biên Hoà bán tại địa điểm nói trên, và tại địa điểm nầy nay đã trở thành một chợ hoa và chợ trái cây đủ loại, mà các gian hàng nổi bật và đông khách vẫn là các gian hàng bưởi, Bưởi Biên Hoà, đủ loại bưởi Thanh, bưởi Ổi, bưởi Đường, bưởi Hàng Niên, bưởi Da Cóc, bưởi Da Láng…
Hiện tại ở Biên Hoà chợ hoa và cây kiểng được tập trung tại hai địa điểm gần ngã tư BiênHùng( trong khuôn viên Ty Cảnh Sát Biên Hoà cũ) và một địa điểm khác là Quảng Trường khoảng ngang cây xăng ngã ba Vườn Mít của ông Tổng Lạc ngày xưa.
Xuân và Tết luôn là niềm mơ ước của tất cả mọi người. Xuân tạo màu xanh hy vọng và trải rộng khắp nơi. Tết nhắc lại truyền thống văn hoá lâu đời của dân tộc Việt Nam. Trong ý hướng mừng Xuân đón Tết kính mời quí vị, cùng nhà thơ Thế Nhân đi dạo phố hoa…
                Ta đang dạo phố tìm hoa
                Tình cờ đứng trước Biên Hoà phố xuân
                Em cười tỏ vẻ chào mừng,
                Mời ta chậu sứ, đoá hồng, cành mai,
                Em trao mấy cụm hoa lài,
                Em mời thọ cúc, hoa mai bốn mùa.
                Khách mua… chọn lựa dần thưa
                Còn ta tìm mãi vẫn chưa được gì!
                Em dường hiểu kẻ tình si
                Chợ hoa ngày ấy còn ghi nét hồng
                Tặng ta một đoá hoa lòng
                Năm mươi năm vẫn còn phong nhuỵ hoài.
                Đoá hoa em đặt tên gì?
                Nụ cười cả thẹn làm mê mẫn đời.
                                        (Cô Bán Hoa Xuân/ TN)
Biên Hoà vào xuân có vẻ rộn rịp hơn nhiều nơi, nhất là trong ba ngày Tết, Biên Hoà đón một số lượng khách đáng kể từ thành phố Sài Gòn và các tỉnh phụ cận đến tham quan, ngắm cảnh sông núi Biên Hoà, cảnh Cầu Gành Gối Nhịp Cù Lao, cảnh thác Tri An, Hồ Long Ẩn, hoặc đi đốt nhang lễ Phật, hái lộc đầu năm tại các chùa trên đỉnh núi Bửu Long và Châu Thới, hoặc đưa con cháu đi tắm tại khu Suối Lồ Ồ (Xã Bình An/Dĩ An), có nhiều hồ tắm Phụng Hoàng, Suối Tiên, đặc biệt là hồ tắm Bình Dân, nước hồ được thay đổi thường xuyên trong từng giây phút do một mạch nước thiên nhiên chảy hoài không dứt, hoặc đi thăm các vườn bưởi và các lò gốm mỹ thuật nói trên…
Nói về Xuân và Tết ở Biên Hoà chắc cũng giống Xuân và Tết ở mọi nơi trên đất nước Việt Nam, vì có cùng một truyền thống văn hoá , tập tục thể hiện qua các câu ca dao truyền tụng đến bây giờ, như
Cú kêu ba tiếng cú kêu
Kêu mau đến Tết dựng nêu ăn chè
hoặc
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
hoặc
Mồng một ăn tết nhà Cha
Mồng hai nhà Vợ, mồng ba nhà Thầy.
Tết Nguyên Đán là một ngày Tết đa dạng nhất, lớn nhất trong số chín cái Tết của Việt Nam trong năm, gồm tết Thanh Minh, tết Đoan Ngọ, tết Trung Nguyên…nhưng người Việt Nam ngày nay cũng đã bỏ dần những cái tết không dính dáng gì đến lịch sử của dân tộc Việt Nam, mà trước đây do ảnh hưởng tập tục của ngườiTàu, thời Việt Nam bị Tàu đô hộ, như tết Hàn Thực(sự tích Giới Tử Thôi của nước Tàu), tết Trùng Cửu( sự tích gia đình Hoàng Cảnh/bên Tàu thoát nạn vào ngày 9-9), tết Trùng Thập hoặc Song Thập 10-10(tập tục của nước Tàu)…
Có lẽ, Tết Nguyên Đán Việt Nam là một cái tết được tổ chức công phu nhất với nhiều bận rộn, thường trước ngày Tết cả tuần và sau ngày Tết cả tuần, nào tiệc tất niên, giỗ Tổ nghề nghiệp, cúng đưa Ông Táo về Trời, và bắt đầu từ ngày 28 tháng chạp đã có Chợ Đêm, mọi gia đình bắt đầu chạy đua với thời gian để lo liệu, chuẩn bị các cái dành cho ngày Tết, cúng Gia Tiên, rước Ông Bà, cúng Giao Thừa;  tổ chức nhiều trò chơi nhất, như trẩy hội ở các chùa, múa lân, múa rồng, đốt pháo, biểu diễn võ thuật,  thả diều, cờ người, hội chợ với đủ môn giải trí bầu cua cá cọp…Ăn Tết chính thức thường là ba ngày nhưng không khí Tết loãng dần và thực sự chấm dứt vào ngày mồng bảy tháng Giêng, mà ý nghĩa quan trọng nhất của ngày Tết vẫn là vấn đề đoàn tụ gia đình thân tộc tại nhà Từ Đường để làm lễ cúng gia tiên nhắc nhớ cội nguồn, chúc thọ cha mẹ, mừng tuổi anh chị em họ hàng, trang trải tấm lòng tương trợ, thương yêu, đùm bộc lẫn nhau và lì xì cho con cháu với những lời chúc đẹp.
Trong khi mọi gia đình đang chuẩn bị cúng giao thừa, thì hai hội lân ‘Thanh Bình Đường’ của phường Thanh Bình do con trai ông Chín Đực phụ trách và Hội lân ‘Tân Bình Đường’ của phường Hoà Bình do con ông Tám Xiểng làm chủ, đang ra soát lại nghệ thuật múa lân cùng các thế võ chân truyền để sẳn sàng đi biểu diễn, chúc Tết vào sáng tinh mơ của ngày mùng Một Tết năm Đinh Hợi.  Và dường như tiếng pháo Giao Thừa đã bắt đầu nổ, người viết bài nầy, xin kính chúc quí Đồng Hương MỘT NĂM MỚI AN KHANG - THỊNH VƯỢNG.       
                                                                                        Nguyễn Kim Lộc

                                                                                       (ngày 12-12-2006)

NIỀM ĐAM MÊ THƠ ĐƯỜNG CỦA NHÀ THƠ HÀN BÍCH NGUYỆT

Sau hơn mười năm xa cách, mùa Hè năm nay (2008) tôi tình cờ gặp lại nhà thơ Hàn Bích Nguyệt, nhân chuyến ông từ Việt Nam qua Mỹ,  thăm vợ con của ông tại vùng Orange County/ California và tôi cũng có dịp đến Cali vào khoảng thời gian nầy…..Anh em tay bắt mặt mừng, niềm vui khó tả và tôi ở chơi với ông trên hai tuần lễ; trao đổi đủ thứ chuyện liên quan đến đời sống xã hội và văn học, nhất là chuyện tâm tình của người ở quê nhà và kẻ đang sống nơi hải ngoại tha hương trong ý thơ của Thế Nhân “Hai mái tóc âm thầm bạc trắng - Tình tương thân sầu lắng tháng ngày.”

       Thể là hai anh em tha hồ tâm sự và trong dịp nầy, tôi có dịp học hỏi ở Hàn Bích Nguyệt khá nhiều về thơ văn. Tôi biết ông làm thơ rất sớm, khoảng thời gian còn là học sinh trường Mỹ Nghệ Biên Hòa, thỉnh thoảng ông làm thơ, gởi đăng trên tuần báo Nước Nam hoặc tờ nhật báo Trắng Đen do ký giả kỳ cựu Việt Định Phương làm chủ nhiệm kiêm chủ bút vào khoảng thập niên 50.
Trong các thể thơ, ông đam mê Đường thi một cách lạ thường. Ông trình bày về thú làm những bài thơ Đường của riêng ông, ông viết nháp trên từng tấm bảng nhỏ, dựng ở những nơi trống trải, dễ thấy nhất ở trong nhà, để ông có dịp đọc đi đọc lại, sửa chữa, cân nhắc, đổi ý, đổi từ…cho đến khi nào bài thơ đươc như ý rồi, ông chép vào tập và cho tấm bảng đó được lui xuống, nhường cho bài thơ nháp khác được dựng lên… Ông làm thơ rất nhiều, nhưng chưa tự mình xuất bản một tập thơ nào, chỉ có thơ đăng chung với nhiều tác giả trong các tập “Trăng Rằm”, “Nắng Mai”, Tuyển Tập Đường Thi”…
Ông chơi thơ tài tử, làm thơ đối với ông là một thích thú, say mê vần điệu thi ca, nghệ thuật và cũng để dàn trải nỗi lòng của mình trong những câu thơ, ông thích nhất thể thơ Đường, vì từ ngữ ít mà ý tứ rạt rào, ngoài ra, ông có ý lồng các câu thơ của chính ông vào các họa phẩm của ông với những nét chữ nguệch ngoạc phóng khoáng… thuở chưa có trường phái thư họa hay thư pháp, một lối phóng bút riêng tư mang tánh nghệ thuật, cho bức tranh lung linh màu sắc, ẩn tàng ý nghĩa, thêm phần thi vị.
Ông chê tôi làm thơ Đường không nghiêm túc, không giữ đúng niêm luật bằng trắc, buông thả trong vần điệu, dễ dãi với đối ngẫu….không giữ được cốt cách của một bài Đường thi, chỉ có tám câu, mỗi câu bảy chữ, tất cả 56 chữ, nhưng phải gói trọn tâm tư tình cảm cùng tất cả những gì tác giả muốn gửi gắm, hoặc diễn đạt dù tả cảnh hay tả tình….
Đường thi quả thật rất khó viết, bị ràng buộc đủ thứ luật lệ, một bài đường thi, ngoài việc giữ đúng niêm luật, còn phải đối ý, đối từ ở cặp trạng và cặp luận (bốn câu giữa của bài Đường Thi), và phải giữ độc vận, có nghĩa là các vần cuối câu thơ 1, 2, 4, 6, và 8 phải giống nhau; không được dùng vần khác nhau, gọi là lạc vận; hoặc dùng vần trài trại, gọi là cưỡng vận; lạc vận và cưỡng vận đều nên tránh. Ngoài ra, còn phần niêm luật, chữ thứ nhì của câu thứ hai và thứ ba phải cùng thanh bằng hoặc thanh trắc; câu thứ tư và câu thứ năm, câu thứ sáu và câu thứ bảy cũng như câu thứ nhất và câu thứ tám phải cùng thanh điệu ở chữ thứ nhì.
Ngoài ra, người làm thơ Đường phải nghiêm túc tuân theo luật bằng trắc, các chữ ở vị trí thứ nhì, thứ tư và thứ sáu trong câu thơ, bắt buộc phải đúng, trắc là trắc, bằng là bằng chứ không thể lầm lẫn bằng qua trắc hoặc trắc qua bằng được, do luật “nhị, tứ, lục, phân minh”, còn các chữ ở vị trí khác, có thể châm chước, như chữ thứ nhất, thứ ba và thứ năm trong câu (vần trắc hay vần bằng cũng được), do luật  “nhất, tam, ngũ, bất luận”, một thể thơ có bố cục rất chặt chẽ, luật lệ rất phân minh và bốn câu giữa, tức cặp trạng (câu thứ ba và thứ tư) và cặp luận( câu thứ 5 và  thứ 6), bắt buộc phải đối nhau,  đối ý, đối từ (danh từ  đối danh từ, tĩnh từ đối tĩnh từ), chữ kép đối chữ kép, chữ đơn đối chữ đơn và tránh điệp vận, tránh trùng dấu giọng 3 chữ cuối của câu thơ, tránh dùng vần cập cổ ở ba chữ cuối câu… Và muốn biết bài thơ thuộc luật bằng hay trắc, ta chi cần nhìn vào chữ thứ nhì và chữ thứ sáu của câu thứ nhất, nếu cả hai chữ đều là vần trắc thì bài thơ “luật trắc”, và là vần bằng thì là “luật bằng”. Ngoài ra trong thơ Đường còn có thể Thất Ngôn Tứ Tuyệt hoặc Ngũ ngôn tứ tuyệt, gọi là Đường thi biến thể.

Ông cho tôi một bài học thật là đích đáng, ông nói có nhiều người làm thơ và cố làm cho thật nhiều, làm thơ như cái máy sản xuất thơ, ghép chữ qua lại để thành một bài thơ và nếu không giống thể thơ nào, thì gán cho nó là thơ mới hoặc thơ tư do. Thơ tự do, có bài cũng hay lắm, nội dung rất sâu sắc, nhưng thật sự mà nói, phần lớn các bài thơ tự do, đọc lên, ý tứ mơ hồ, lời thơ không mạch lạc, thiếu nhạc tính, không hấp dẫn người đọc và khiến người nghe không hiểu tác giả muốn nói gì.  Nói đến thơ là phải nói đến luật thơ và vần điệu…Thơ mà thiếu vắng hai yếu tố vừa kể, còn gọi là thơ nữa hay sao?    Ông nói, thậm chí có nhiều người làm thơ nhưng không nắm vững văn phạm, ngữ pháp, cả đến điều căn bản nhất trong nghệ thuật làm thơ là các thanh điệu bằng và trắc. Thanh bằng gồm tiếng có dấu huyền và không dấu; thanh trắc gồm các tiếng có dấu sắc, hỏi, ngã và nặng, mà trong lãnh vực thơ có đến tám thanh và mỗi thanh có tên riêng

1. Phù- bình thanh gồm những tiếng Không dấu
2. Trầm- bình thanh gồm các tiếng có dấu huyền(`)
3. Phù-thượng thanh gồm những tiếng có dấu ngã(~)   
4. Trầm-thượng thanh gồm những tiếng có dấu hỏi(?)    
5. Phù-khứ thanh gồm những tiếng có dấu sắc (’ )  
6. Trầm-khứ thanh gồm những tiếng có dấu nặng (.)
7. Phù-nhập thanh gồm những tiếng có dấu sắc mà đằng    sau có các chữ  c, ch, p, t.
8. Trầm-nhập thanh gồm những tiếng có dấu nặng(.) mà đằng sau có c, ch, p, t.  

Trong ý hướng giúp tôi làm thơ Đường, nhà thơ Hàn Bích Nguyệt dùng bài thơ sau đây giảng giải và phân tách cho tôi hiểu.

Thơ Đường
Phá đề dẫn nhập chuyện gần xa
Kế đó thừa đề phải nói ra
Trạng kể căn nguyên cho khúc triết
Luận bàn mọi lẽ chẳng sai ngoa
Đối nhau từng cặp không trùng ý
Gắn bó hai câu phải xứng hòa
Đoạn kết vài lời cho hợp lý
Thành bài phong hóa dạy người ta.

       Rồi ông nói tiếp, bài thơ Đường hay Đường Thi gồm có bốn phần chánh yếu: Đề, Thực hoặc Trạng, Luận, và Kết.  Đề gồm câu 1(Phá đề) và câu hai (Thừa đề);Trạng gồm hai câu 3 và 4 (phải đối nhau); Luận gồm câu 5 và 6 (phải đối nhau); Kết gồm câu 7 và 8.

Hàn Bích Nguyệt nói rằng, bây giờ, người làm thơ Đường cũng như người thưởng ngoạn nghệ thuật thơ Đường, hiếm hoi lắm vì đòi hỏi trình độ Hán Văn để có thể lĩnh hội được trọn vẹn ý nghĩa sâu sắc của bài thơ, nhất là những bài thơ cổ của các đại thi hào Trung Hoa ngày xưa, bài Đường luật thất ngôn bát cú, chuẩn mực 56 chữ, rồi ông trong niềm say sưa đọc cho tôi nghe một loạt. …

Bài Hoàng Hạc Lâu (thể thất ngôn bát cú)
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không du Hoàng hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tịnh xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu
                                 (Thôi Hiệu)

Dịch: Lầu Hoàng Hạc
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu
Mà đây Hoàng hạc riêng lầu còn trơ
Hạc hoàng đi mất từ xưa
Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông lạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai!
                                 (Tản Đà)


Ông nói, tìm hiểu nghĩa một bài thơ chữ Hán đã khó, dịch một bài thơ chữ Hán ra tiếng Việt lại khó hơn, vì cách viết chữ Hán không có sự phân biệt danh từ chung và danh từ riêng, và cũng không có dạng chữ viết Hoa và chữ không viết Hoa để phân biệt, do đó, dịch thuật rất khó khăn, nhiều khi lệch nghĩa hoặc trái hẳn ý. Ông dẫn chứng câu chuyện Vương An Thạch (bên Tàu) khi chưa làm Tể tướng, đi chấm thi Hương ở  Hàng Châu, ông đã đánh rớt oan uổng một thí sinh, vì trong bài phú của thí sinh nầy có câu:
Minh nguyệt sơn đầu khiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa tâm

Ông nghĩ rằng làm sao có thể “trăng sáng gáy đầu núi” và làm sao “chó vàng nằm trong lòng hoa”. Ông gạt đít hai câu thơ đó và sửa lại…

Minh nguyệt sơn đầu chiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa âm

Ông nghĩ rằng “trăng sáng chiếu đầu núi” và “chó vàng nằm dưới bóng hoa” thì mới có lý chứ.  Nhưng vài năm sau, Vương An Thạch đang làm Tể Tướng, vô tình hiểu được nơi vùng Hàng Châu có một loài chim tên là “Minh Nguyệt” và có một loài sâu tên là “Hoàng Khuyển”. Vương An Thạch tỏ rõ sự ngậm ngùi hối tiếc về câu chuyện chấm thi cách mấy năm qua.

 Đường thi quả là một thể thơ rất khó viết. Cảnh đời  dù hoa mộng thế nào, tình ý dù rạt rào đến đâu cũng chỉ phải gói gọn, cô đọng trong 56 chữ hạn định. Nhờ Đường Thi mà có nhiều thi sĩ nổi danh thiên cổ.  Lý Bạch “thấy dòng sông chảy bên trời” (Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu), Thôi Hiệu bị khói sóng nơi lầu Hoàng Hạc làm cho buồn bã (Yên ba giang thượng sử nhân sầu), hoặc Đỗ Mục đau lòng trước cảnh chia ly, nhỏ lệ thay người đến sáng (Lạp chúc hữu tâm hoàn tích biệt, Thế nhân thùy lệ đáo thiên minh).
Nhiều thi sĩ cho rằng bài thơ Đường 56 chữ hãy còn dài, nên đưa ra thể thơ Thất Ngôn Tứ Tuyệt, chỉ 28 chữ thôi, nhưng vẫn cô đọng được ý bài thơ một cách tuyệt vời… 

Bài Lương Châu Từ (thể thất ngôn tứ tuyệt)
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi
                                 (Vương Hàn)
Dịch: Bài hát Lương Châu
Rượu nho kèo chén lưu ly
Uống thì trên ngựa tiếng tì dục thôi
Say nằm bãi cát ai cười
Xưa nay chinh chiến mấy ai đã về.
                                 (Trần Trọng Kim)

Bài Hồi Hướng Ngẫu Thư
Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi
Hương âm vô cải, mấn mao tồi
Nhi đồng tương kiến bất tương thức
Tiếu vấn: khách tòng hà xứ lai
                          (Hạ Tri Chương)
Dịch: Trở Về Quê, Ngẫu Hứng Viết
Bé đi, già mới về nhà
Tiếng quê vẫn thế, tóc đà rụng thưa
Trẻ con trông thấy hững hờ
Cười đùa hỏi khách đến từ hướng nao
                          (Khuyết Danh)


Thể thơ 28 chữ đã ngắn, nhưng nhiều thi sĩ cho rằng, hãy còn dài, rồi tiến thêm một bước, rút ngắn thêm nữa, đưa ra thể “ngũ ngôn tứ tuyệt”, chỉ dùng 20 chữ thôi mà cũng diễn tả đủ tình- ý, mang mang một trời tâm sự …

Dịch Thủy Tống Biệt (thể ngũ ngôn tứ tuyệt)
Thử địa biệt Yên Đan
Tráng sĩ phát xung quan
Tích thời nhân dĩ một
Kim nhật thủy do hàn
                          (Lạc Tân Vương)

Dịch: Chia Tay Ở Sông Dịch
Nơi đây từ biệt Yên Đan
Máu hung dựng tóc căm hờn lòng sôi
Người xưa chừ đã đi rồi
Hôm nay dòng nước còn trôi lạnh lùng.
                                 (Trần Trọng San(?)

Bài Xuân Oán
Đả khởi hoàng oanh nhi
Mạc giao chi thượng đề
Đề thời kinh thiếp mộng
Bất đắc đảo Liêu Tây
                          (Kim Xương Tự)
Bài dịch:
Đuổi dùm hộ thiếp con oanh
Đừng cho nó ở trên cành trêu ai
Làm kinh mộng thiếp đang say
Thiếp không đến tận Liêu tây cùng chàng.
                                 (Trần Trọng San?)


Phần trên đây là những bài thơ chữ Hán của các đại thi hào Trung Hoa ngày xưa do Hàn Bích Nguyệt đọc cho tôi nghe và ghi lại. Và sau đây là những bài thơ Đường luật của các thi sĩ Việt Nam, cấu trúc luật Đường thi rất nghiêm chỉnh….ông cũng thuộc lòng và đọc cho tôi nghe một hơi….Tôi rất phục ông, tuổi đời đã 75 rồi mà bộ nhớ còn tốt đến như vậy.

Thăng Long Thành Hoài Cổ
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thắm thoát mấy tinh sương.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ,
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.
                                 Huyện Thanh Quan


Khóc Ông Phủ Vĩnh Tường
Trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ơi!
Cái nợ ba sinh đã hết rồi
Chôn chặt văn chương ba thước đất
Tung hê hồ thỉ bốn phương trời,
Cán cân tạo hóa rơi đâu mất,
Miệng túi càn khôn thắt lại rồi,
Hai bảy tháng trời là mấy chốc?
Trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ơi!
                                 Hồ Xuân Hương

Bạn Đến Chơi Nhà
Đã bấy lâu nay bác tới nhà
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa
Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chưa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây ta với ta.
                                 Nguyễn Khuyến

Thương Vợ
Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông
Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mươi mưa dám quản công.
Cha mẹ thói thời ăn ở bạc!
Có chồng hờ hững cũng như không !
                                 Trần Tế Xương

Muốn Làm Thằng Cuội
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!
Trần giới em nay chán nữa rồi!
Cung Quế có ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi
Có bầu có bạn can chi tủi,
Cùng gió cùng mây thế mới vui
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười.
                                 Tản Đà

Hàn Bích Nguyệt giải thích thêm, thơ Đường, luật lệ gò bó quá, nên ít người viết, phần đông giới trẻ bây giờ chỉ thích các thể thơ lục bát, song thất lục bát, ngũ ngôn, thất ngôn trường thiên, hoặc thơ tám chữ, hoặc thơ tự do…rồi ông đọc cho tôi một bài thơ song thất lục bát ông viết về một mối tình trên mạng, người cháu ruột của ông tên Nguyễn Châu Tuấn đang ở Đồng Nai-Việt Nam giao duyên qua mạng lưới Internet với một cô Việt Kiều ở Nhật, và kết quả  hai “cô cậu nầy” đã nên duyên chồng vợ và đã ăn ở với nhau có một mặt con.

Chuyện Tình Trên Mạng

Có những ngày lang thang trên mạng
Thuốc vàng tay tìm bạn chưa ra
Đêm đêm độc diễn mình ta
Chuyện tình trên mạng mãi là cô đơn.
Bỗng bất chợt bóng hồng kiều diễm
Gõ vào tim cách biển trời xa
Ngỡ rằng đùa cợt bóng hoa
Nào ngờ sự thật hóa ra tuyệt vời.
Internet truyền qua Nhật Bản
Kết cuộc tình lãng mạn như mơ
Xe hoa ai kết đợi chờ
Hai người lên mạng lại ngồi hôn nhau.
                                 (Hàn Bích Nguyệt)

Một đoạn trong bài thơ tự do….có tựa “Đời Đời Bên Nhau”

Lời yêu tuôn chảy rạt rào
Bừng lên sức sống một thời vào yêu
Ta đưa nhau vào mộng
Anh nhả nhạc làm thơ
Em đan khâu thần tượng
Cho tình đẹp như mơ.
                    (Hàn Bích Nguyệt)


Và tiếp theo, trong hồi hứng thú, ông đọc thêm cho tôi nghe hai bài thơ Đường luật của ông sau đây…

 Gái Buôn Hương
Phận gái gian truân khổ một thời
Buôn hoa rủ bướm đến vườn chơi
Vài em lỡ bước đành ôm hận
Mấy chị sa chân phải trách đời
Sáng lộ thân ngà chờ khách đến
Chiều phơi dáng ngọc đợi quan mời
Chung vui phút chốc vai chồng vợ
Diễn cảnh tình yêu thấy nghẹn lời.
                          (Hàn Bích Nguyệt)

  Ngoạn Cảnh SAPA
Nắng reo khắp nẻo núi sương mù
Cây cỏ thay màu đổi áo thu
Dế gáy mời đàn nơi tĩnh mịch
Ve ngân gọi bạn chốn hoang vu
Trăng thanh mê cảnh thơm lời phú
Gió mát say tình ngát tiếng ru
Vùng đất Sa Pa mây khỏi phủ
Hoa đào quyến rủ…bước xuân du.
                          (Hàn Bích Nguyệt)

Thơ Đường xuất xứ từ bên Tàu (Trung Hoa) từ thuở xa xưa, được chia ra thành bốn thời kỳ: Sơ Đường (618-713), Thịnh Đường (713-766), Trung Đường (766-835), Vãn Đường(835-907), rồi lan rộng qua Việt Nam từ thời Bắc Thuộc.
Nhờ thơ Đường, Trung Hoa có được nhiều thi sĩ tài ba lỗi lạc như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Thôi Hiệu, Lạc Tân Vương….
Nhờ thể thơ Đường, Việt Nam có được nhiều thi sĩ lưu danh thiên cổ như Trần Tế Xương, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương…
Nét đặc biệt của thơ Đường là cái thú làm thơ xướng họa, hai bài thơ xướng họa sau đây đã một thời gây sôi nổi trong dư luận về quan điểm hợp tác và bất hợp tác với Pháp. Ông Tôn Thọ Tường mượn điển tích “Giang tả cầu hôn” của Lưu Bị trong Tam Quốc Chí(Chuyện của Tàu) để giải bày tâm sự và được ông Phan Văn Trị làm thơ họa.
 Tôn Phu Nhân Qui Thục
Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng
Ngàn năm rạng tiết gái Giang Đông
Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc
Về Hán trao tria mảnh má hồng
Son phấn thà cam dày gió bụi
Đá vàng chi để thẹn non sông
Ai về nhắn với Châu Công Cẩn
Thà mất lòng anh đặng bụng chồng.
                                 Tôn Thọ Tường

Xuất Giá Tòng Phu
       Cài trăm sửa áo vẹn câu tòng
       Mặt ngả trời chiều biệt cõi đông
       Ngút tỏa đồi Ngô un sắc trắng
       Duyên về đất Thục đượm màu hồng
       Hai vai tơ tóc ngang trời đất
       Một gánh cương thường nặng núi sông
       Anh hỡi! Tôn Quyền anh có biết
       Trai ngay thờ chúa gái thờ chồng
                                       Phan Văn Trị
       Hàn Bích Nguyệt nói, muốn trở thành một thi sĩ dù là thi sĩ nửa mùa, điều kiện tối thiểu là phải có niềm đam mê thơ, từ niềm đam mê nầy tạo người ta có thói quen tìm đọc và học thuộc lòng những trang thơ đẹp, những bài thơ hay hoặc những vần thơ bất hủ…. cứ như vậy từ tháng nầy qua năm nọ, đến một lúc nào đó “mình” trở thành một nhà thơ lúc nào không biết, rồi ông thách tôi, cứ thử đi….Rồi sau cùng, ông nói phần trên đây chỉ là gây ý niệm, cần đọc thêm tài liệu luật bằng vần bằng, luật bằng vần trắc hoặc luật trắc vần bằng…..để có thể hạ bút nhẹ nhàng … và có được một bài thơ Đường chuẩn mực.

       Tôi viết bài nầy thay lời cám ơn nhà thơ Hàn Bích Nguyệt đã gây cho tôi niềm hứng thú với thể thơ Đường Luật, giúp tôi lãnh hội một cách sâu xa về thể thơ nầy và tôi xin mạo muội kết thúc bài viết bằng bài thơ sau đây.
             Đường Thi Xướng Họa
       Thích thú làm sao những điệu vần!
       Bài thơ Đường Luật trải màu xuân
       Ẩn tàng thi vị hoa muôn sắc
       Hàm chứa văn chương nghĩa tuyệt trần
       Đối ý đối từ giàu tinh luyện
       Giữ niêm giữ vận đạt cân phân
       Tám câu bảy chữ  khuôn thơ đẹp
       Xướng họa giao tình….kết mối thân.

*Hàn Bích Nguyệt là bút hiệu của ông Nguyễn Văn Bạch, sanh năm 1934 tại Bình Trước Biên Hòa, cựu cầu thủ mang số 10 của đội túc cầu Biên Hùng-Biên Hòa, vang tiếng ngày xưa.

                                              Nguyễn Kim Lộc
                                          Chicago, 04-10-2008