Thứ Ba, 19 tháng 11, 2019

QUẢ BÓNG TRÒN VÀ NGHIỆP DĨ


QUẢ BÓNG TRÒN & NGHIỆP DĨ

                                    Tôi nhìn quả bóng xác xơ
                                    Bóng nhìn tôi dáng thẩn thờ hoàng hôn
                                    Bóng tròn…bóng vẫn lăn tròn
Còn tôi lệ thuộc vết mòn tháng năm…

            Trước khi đề cập đến chuyện quả bóng tròn cứ mãi lăn theo chân tôi gần suốt cuộc đời, tôi xin mạn phép ghi ra vài nét đặc biệt liên quan đến môn túc cầu của tỉnh Biên Hoà.

*Trước năm 1945, Việt nam còn trong thời kỳ Pháp thuộc, tỉnh Biên Hoà có đội túc cầu Labifor, do ông Sáu Phu làm Phó Hội Trưởng và đội túc cầu CERCLE.  Đến thập niên 50, Biên Hoà lần lượt, có các đội túc cầu sau đây:

-Đội Không Quân Biên Hoà (L’Aviation de Bien Hoa) phần đông cầu thủ là lính Pháp thuộc căn cứ Không Quân Biên Hoà.
            -Đội Xưởng Máy Miền Đông(L’Atelier de Zone Est)
            -Đội Hãng Máy Cưa Tân Mai (BIF)
            -Đội Tiểu Đoàn 64 - đống quân khu vực chùa Một Cột xã Tân Thành
            -Đội bóng Trung Đoàn 22 –Pháp ( 22 ème RIC) cầu thủ toàn lính Pháp

*Thập niên 30, 40, ở Biên Hoà có ba người được giới hâm mộ thể thao ngưỡng mộ, đó là trọng tài Trương Văn Ký (thân phụ của Trưởng Ty Quan Thuế Biên Hoà, lúc bấy giờ) và trọng tài Jean (Nguyễn Tân Phước) gốc người Sadec, nhưng đã chọn Biên Hoà làm quê hương thứ hai; hai vị trọng tài quốc tế nầy nổi tiếng xử phạt phân minh. Và một cầu thủ  mà tôi vô cùng mến mộ và kính nể nhất trong làng túc cầu Biên Hoà đó là chú Tư Xê, nhà ở gần khu Nhà Máy Cưa Tân Mai –BIF (Biên Hoà). Lúc chú còn sanh tiền, cuối thập niên 50,tôi có dịp đá với chú nhiều trận, khi đội Biên Hùng đụng với đội Máy Cưa, mặc dù chú có tuổi rồi, nhưng cầu thủ nào đá lạng quạng với chú là chết với chú ngay – tôi rất hân hạnh được chú Tư mến thương. Mặc dù chú Tư Xê đã đi về thiên cổ lâu rồi, nhưng tôi vẫn còn nhớ lời của Chú ‘Tao thích lối đá của thằng Lộc’. Về tài nghệ đá banh nổi tiếng trên cầu trường quốc tế của chú Tư Xê, tôi xin mạn phép mượn đoạn văn của nhà văn Hoàng Anh Tài dưới đây ‘

Như chúng tôi đã tiết lộ đội bóng Labifor Sport có đến 4 cầu thủ đá thuê, họ ăn chực, nằm chờ tại nhà ông Phó Hội Trưởng Sáu Phu. Nhà này lại có một cô con gái tuổi vừa cặp kê, cả 4 chàng ngự lâm pháo thủ kia đều trồng cây si, nhưng rốt cuộc chỉ có mình anh Xê là đoạt được đĩa mứt gừng. Vỡ lẽ ra, người con gái bị đánh đập tàn nhẫn, không chấp nhận cuộc hôn nhân, không “môn đăng hộ đối”. Thế là đôi uyên ương “thoát ly”, người con gái rời bỏ gia đình để đi theo tiếng gọi của tình yêu. Về Sài Gòn, anh Xê đã tìm được việc làm và đầu quân cho đội banh “Bainier Auto Hall”.


http://lh4.ggpht.com/_sG7mle0MIi8/TIWM4bittLI/AAAAAAAAEm0/ipmaQpHbgBc/IMG_0017.JPG            Kịp đến khi đội tuyển Việt Nam được mời sang thi đấu ở Trung Hoa, anh Xê được chọn là tuyển thủ, nhưng chỉ để phòng hờ vào hàng hậu vệ. Ban Tuyển Lựa chỉ sắp hai anh Cúi và Đước mà thôi. Một hôm anh Đước ngã bịnh thình lình, anh Xê được chỉ định thay thế. Anh Xê đã chơi một trận tuyệt vời làm say sưa khán giả Hồng Kông. Báo chí không ngớt lời ca ngợi cho rằng lối đá của anh Xê oai hùng như “Triệu Tử Long” đương dương Trường Bản.

            Kịp đến khi anh Đước mạnh rồi, được sắp ra sân đá thì khán giả không đồng ý, họ đòi phải có cầu thủ Xê đá, nếu không họ sẽ trả vé. Vẻ vang thay cho một chuyến “đem chuông đi đánh xứ người”, đã trực tiếp cảnh cáo đội bóng tròn người Hoa với những cầu thủ thượng thặng như Mạc Chấn Hoà, Lý Huệ Đường ngày nào còn mạt sát môn đá bóng của Việt Nam chẳng khác nào như “Ếch ngồi đáy giếng”.

 *Biên Hoà có nhiều gia đình đông con trai ham mê môn túc cầu:

            -Gia đình ông ba Cầu, ở hẽm 127, đường Nguyễn Hữu Cảnh xóm Cây Chàm Biên Hoà (đường vào Chùa Một Cột và Miễu Bà Thiên Hậu): có ba anh em ruột đều là cầu thủ : Chú Ba Cầu, anh Trình, anh Đô

-Gia đình anh Hồng Sám tự Xu ở khu chợ Biên Hoà: có 4 anh em trai cùng ham mê môn túc cầu : Anh Xu (Hồng Sám), anh É (Hồng Tư), anh Hiu (Hồng Sáu), anh Út (Hồng Cửu)

            -Gia đình ông bà Hai Hát Bóng ở tại rạp hát Vạn Khánh Hưng, góc đường Lý Thường Kiệt và Phan Châu Trinh Biên Hoà, có ba người con: Bạch, Lộc và Giao

-Gia đình ông bà Sáu Quản có bảy người con trai : Ẩn, Sĩ, Nghĩa, Hiệp, Thành, Công, Phú (hiện định cư tại thành phố Melbourne Australia).

-Gia đình ông Tư Văn, cựu Hạ Sĩ Quan Không Quân Biên Hoà, nhà ở Cù Lao Phố, có năm người con trai và hai đứa con nuôi đều là cầu thủ đá banh có hạng : Hiếu, Thảo, Nhân, Nghĩa, Dũng+hai người con nuôi.


            Bây giờ đến lượt tôi trình bày về quả bóng tròn cứ lăn mãi theo chân tôi đến gần suốt cuộc đời, mà tôi cứ coi đó là nghiệp dĩ

           

           

            Khoảng thập niên 40, 50, tôi còn ở tuổi thiếu nhi, nhà ba má tôi ở đường Thành Thái, chỉ cách sân vận động Biên Hoà chừng năm mươi thước, chiều nào tôi cũng có mặt ở sân banh để xem người lớn tập dợt và tôi thường đá banh vui chơi với bạn bè cùng trang lứa bên ngoài sân cỏ, với trái banh cao su hoặc những trái bưởi non....không ngờ về sau nầy, cả ba anh em tôi Bạch, Lộc, Giao, đều trở thành các cầu thủ khá nổi tiếng ở Biên Hoà. Trong số ba anh em tôi, tôi là cầu thủ dở nhất. Anh tôi (Bạch) từng được đội Không Quân Biên Hoà nhờ đi đá giùm, xuất ngoại đá ở Cao Miên và Lào; em tôi (Giao) cũng được xuất ngoại đá một lần khi là cầu thủ của Cảng Sài Gòn, phần tôi chỉ đá quanh quẩn trong nước.


            Thoạt tiên, khi còn đi học trung học ở Sài Gòn, tôi đá cho hướng đạo sinh Cảnh Sát Đô Thành do anh Du Đạt (huấn Luyện Viên thể Dục thể Thao, nhà ở Rạch Cát -Bình Đông, Sài gòn phụ trách hướng dẫn) và sau đó tôi đá cho đội Hoa Kiều - Biên Hoà,  lúc tôi 17 tuổi . Năm 19 tuổi, tôi đá cho đội Biên Hùng và Tuyển Biên Hoà, đồng thời, cũng đá cho đội Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia Việt Nam.  Năm 1958, tôi 21 tuổi, đá cho đội Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức chỉ một thời gian ngắn, khi tôi thụ huấn khoá sửa chữa quân xa tại đây, và sau khi mãn khoá, tôi được bổ sung cho Đại Đội 12 Quân Cụ, thuộc Sư Đoàn Khinh Chiến 12 tại Kontum thuộc Vùng II chiến Thuật; Tại đây, tôi tham gia chương trình thể dục thể thao và  đá cho đội Tổng Hành Dinh Sư Đoàn, do trung sĩ nhất Lưu Khừng (đồng hương Biên Hoà) giới thiệu.


             Tháng 8-1959, tôi nhận giấy giải ngũ và bảy ngày phép. Tôi giã từ đơn vị sau cùng, Đại Đội Trung Hạng Sửa Chữa 92, KBC-4949, đống tại đường Độc Lập Nha Trang, tôi lên xe lửa xuôi Nam trở về nguyên quán, trong cảnh bùi ngùi chia tay vài người bạn mến thương ở Nha Trang.


Tôi vốn dĩ yêu thích chuyện trinh thám, đã có dịp đọc tiểu thuyết của các tác giả Phạm Cao Củng, có nhân vật trường kỳ là ‘Kỳ Phát’, hoặc tiểu thuyết của Thế Lữ với nhân vật ‘Lê Phong’ trong các truyện Mai Hương Lê Phong, Lê Phong Phóng Viên’, hoặc tiểu thuyết điều tra phóng sự của các tác giả người Pháp… tôi quyết định xin vào làm nhơn viên Cảnh Sát Ty Cảnh Sảt Biên Hoà ngày 10-12-1959 với lòng mong muốn một ngày nào đó tôi trở thành một thám tử và ước mơ của tôi đã trở thành hiện thực (Tôi sẽ thuật cho các bạn nghe vào một dịp khác). Hôm nay, tôi chỉ trình bày về chuyện ‘Quả Bóng Tròn lăn mãi theo chân tôi’… Tôi tiếp tục đá banh cho đội tuyển Biên Hoà, một đội túc cầu đã nổi tiếng từ những năm 56, 57, 58 với phong cách hoà nhã, có nghệ thuật cá nhân, có lối chơi đồng đội, có tinh thần thượng võ và nhất là việc đá đâu thắng đó.


Thành phần đội túc cầu Biên Hoà (thời điểm 1956, với hai bộ áo bộ áo vàng số đỏ, quần trắng và bộ áo trắng số xanh, quần xanh) gồm có :


Trung Phong: Trần văn  Ràng (tiệm vàng Trần Văn Kiêu), hoặc Nguyễn văn Em (sau nầy là tuyển thủ VNCH)

Tả Biên : Nguyễn Văn Đoàn (tiệm giày Nguyễn Nghĩa), hoặc Xiêm (Lò bánh mì Cây Chàm),

Tả Nội :Nguyễn Văn Bạch, hoặc Nguyễn Văn Tị

Hữu Nội : Võ Văn Phước (sau nầy là trung Tá CSQG, Trưởng Ty Long Khánh), hoặc Trầm Cẩm Phiu(từng là tuyển Thiếu Niên VNCH)  

Hữu Biên : Nguyễn Văn Bi, hoặc Nguyễn Văn Dẫu (sau nầy đá cho đội Cảnh sát Sàigòn)

Tiếp Ứng Trái  Nguyễn văn Giao (sau nầy là cầu thủ đội Cảng Sài Gòn, từng được xuất ngoại tranh giải); Nguyễn Văn Hữu (CSát Biên Hoà)

Tiếp Ứng Phải : Nguyễn Kim Lộc, Nguyễn Văn Tị

Trung Ứng :  Hồng Sáu tự Hiu hoặc Bướm (Bửu Hoà)

Hậu Vệ Phải :Nguyễn Văn Được, hoặc Sơn (Bửu Long, thiếu úy BĐQ)

Hậu Vệ Trái : Thái Lình tự Sản, hoặc Âu Bát, hoặc Đực Bún

Thủ Môn : Phạm Văn An, hoặc Hồng Ly


 Khoảng thời gian nầy, Đội Biên Hùng, hay đội tuyển Biên Hoà đều được giới hâm mộ môn túc cầu tỉnh Biên Hoà, nhiệt tình thương mến và ca ngợi đội túc cầu Biên Hoà đá hay, tài năng đồng đều, cầu thủ chạy nhanh, lừa đảo huê dạng, chuyền banh chuẩn xác, nhiều cú sút vào lưới rất tuyệt vời…


 Về chiến thuật , đội bóng Biên Hùng áp dụng đội hình MW, tạm chuyển dịch theo ngôn ngữ thời nay là đội hình 3-2-2-3, với vai trò nặng nề nhất là tả nội, hữu nội và hai tiếp ứng phải và trái; bốn cầu thủ nầy được coi là xương sống của đội, với lối đá linh hoạt, sức lực bền bỉ nhất trong đội; khi tiền đạo có cơ hội tấn công đối phương,  hai tiếp ứng dâng cao yểm trợ tấn công ; ngược lại, khi bị đối phương áp đảo trên phần đất nhà, hai tả nội, hữu nội phải rút về hỗ trợ phòng vệ, giải vây, đoạt bóng, phát bóng lên vùng trung lộ cho trung phong và hai cánh, đồng thời phải gấp rút dâng lên kịp thời để hỗ trợ tấn công. Với đội hình nầy, cho phép thế tấn công áp đảo có bảy cầu thủ tham gia (giàn tiền đạo 5 người và hai tiếp ứng dâng cao) và việc phòng thủ, trong tình thế cam go, có bảy cầu thủ (giàn hậu vệ, tiếp ứng 5 người và hai tả nội hữu nội rút về hỗ trợ).


Hiện nay, chiến thuật MW được coi như đã lỗi thời, các huấn luyện viên chuyên nghiệp không còn lưu tâm nữa, vì đội hình nầy có sự giới hạn về chiến thuật của toàn đội, vì thiếu sự đa dạng vai trò của một cầu thủ. Thí dụ , cầu thủ đá rất lanh lẹ, nhưng chỉ sử dụng có một chân hoặc một chân rưởi, hoặc không thể sử dụng cái đầu; nên việc linh động tạm thời thay thế vị trí (trám) trong đội hình đang diễn biến bị giới hạn. Hiện nay, tất cả cầu thủ đều đá hai chân, sử dụng cái đầu như chân thứ ba; mỗi cầu thủ phải đạt tài năng hoàn hảo về nhận bóng, giao bóng, dẫn bóng và sút bóng, và đặt biệt là phải chạy nhanh…nên đã từ lâu, các huấn luyện viên đã sáng tạo ra những đội hình chiến thuật mới như 4-4-2, hoặc 4-3-3, hoặc 4-4-1-1, với thành phần cầu thủ được chọn lựa kỹ càng hơn, phải có tầm vóc, phải có thể lực, phải đá đều hai chân, phải sử dụng đầu như chân thứ ba, phải hứng bóng bằng ngực, bằng bụng, bằng dùi, phải đón chận bóng như ý, phải chạy nhanh, phải khéo léo sử dụng động tác giã để đánh lừa đối phương trong khi dẫn bóng, phải có tầm quan sát rộng rãi trong khi giữ bóng, để sẵn sàng giao bóng chuẩn xác và tạo lợi thế cho đồng đội và còn nhiều khôn khéo khác cũng được hướng dẫn tỉ mỉ tuỳ theo kinh nghiêm của mỗi huấn luyện viên, với mục đích đào tạo mỗi cầu thủ ngoài vai trò chuyên môn, còn phải có khả năng chơi nhiều vai phụ, để, thay thế tạm thời các vị trí của đồng đội, đang bỏ trống, bằng cách, bộc, lót, để cho đội hình linh động huyền biến đạt nhiều hiệu quả. Với các đội hình vừa kề, cách đây vài năm, còn ấn định rõ ràng cho từng cho từng cầu thủ hàng tiền vệ và hậu vệ trung tâm, như tiền vệ công(phụ việc tấn công), tiền vệ trụ ( phụ việc phòng thủ) cũng như hậu vệ dập (lo truy cản, phát bóng lên), hậu vệ thòng ( lo việc bọc, lót phòng thủ). Hiện nay, trên cầu trường quốc tế, các đội hình 4-4-2, 4-3-3, 4-4-1-1…vẫn được áp dụng, nhưng vai trò của hai tiền vệ giữa và hai hậu vệ giữa được phát huy linh động hơn, tuỳ theo hướng bóng tấn công hoặc bị tấn công mà hai tiền vệ trung tâm và hai hậu vệ trung tâm, uyển chuyển thay phiên nhau theo lợi thế, phụ lực tấn công hoặc phòng thủ, nên những từ chuyên môn Công, Trụ, Thòng, Dập không còn sử dụng nữa.


            Từ năm 1957 đến năm 1963, đội túc cầu Biên Hoà được mô tả là một đội bóng mạnh nhất ở Miền Đông, đá đâu thắng đó. Báo chí Sài Gòn, do các ký giả thể thao Biên Hoà, Vĩnh Ân (Ty Công Chánh BH), Trọng Miên (Tân Phong), đã không ngần ngại tường thuật, ca ngợi  ‘thuở vàng son của nền túc cầu Biên Hoà’.


 Các nhà dìu dắt trong giai đoạn nầy gồm có Đại uý Lâm hữu Phương, Phó Tỉnh Trưởng Nội An, sau nầy thăng lên Đại tá làm Đặc khu trưởng Đặc Khu Côn Đảo (?), thỉnh thoảng Đại úy tham gia một trận, với vai Trung Ứng ; ông Lý Thanh Kiển, viên chức ngành Gián Thu và Công Quản Biên Hoà, ông Lương văn Lựu Trưởng Phòng hành Chánh Ty Công Chánh Biên Hoà, ông Lê Minh Phương viên chức Ty Cảnh Sát Biên Hoà, ông Nguyễn Văn Mầu, Xã trưởng Xã Bình Trưóc (Biên Hoà)…


Đội túc cầu Biên Hoà, ngoài những trận tranh giải hoặc giao hữu  tại tỉnh nhà, đội còn đi đá ở nhiều tỉnh xa như Phan Thiết, Bà Rịa, Vũng Tàu, Long Xuyên, Đà Nẳng , Huế, Ban Mê Thuột… mỗi lần mang chuông đi là mỗi lần mang về chiến thắng, thỉnh thoảng cũng có trận huề, nhưng  ít khi thua…. Đó là thành tích của đội tuyển Biên Hoà của một Thời Vang Bóng.


            Đội túc cầu Tỉnh Biên Hoà cũng từng ghi danh nơi Tổng Cuộc Túc Cầu Việt Nam để tranh hạng với các đội túc cầu ở Sài Gòn. Đội Biên Hoà từng đấu với nhiều đội tại sân Tao Đàn, cũng như tại sân vận động Biên Hoà, như đội Tổng Ngân Khố Sài Gòn, đội Thương Khẩu, …


            Ngoài ra, đội túc cầu Biên Hoà cũng từng đá giao hữu với các đội, Trường Đại học Y Khoa Sài gòn(có sinh viên y khoa Du, làm đội trưởng), đội Xóm Củi( có Hùng, Há, Chạt, Mành Chảy, Ngầu…), đội banh Trung Đoàn 10 của Sư Đoàn 5, đội banh của Sư Đoàn 7 (có đại úy Linh, đại úy Mười …), đội banh của đại đội Quân Cụ 508 (có thủ môn Hiếu) ở Gò Vấp do Đại uý Sung ( người Biên Hoà) chỉ huy và đưa về Biên Hoà đá giao hữu, và cũng từng  đá giao hữu với đội AJS (Sàigòn), tôi còn nhớ rõ trận nầy anh Pière Nhung làm thủ quân cho đội AJS và tôi làm thủ quân cho đội Biên Hoà, hai bên có trao hoa và cờ kỷ niệm.…



từ trái : Dẩu, Phiu, Nhàn, Giao, Linh, Lộc,trọng tài( ?), Piere Nhung, Long



            Trong cuộc đời có rất nhiều thú vui, nhưng thú vui mà tôi đam mê nhất là môn túc cầu, và thích thú nhất là những khi đi đá chầu, đá mướn cho các đội khác, cầu thủ thường được tiếp đãi rất nồng hậu … Năm 1956, khi lãnh đá cho đội xã Túc Trưng (sau nầy có tên là quận Định Quán) tranh giải tại quận Xuân Lộc; đội Túc Trưng thắng liên tiếp ba đội Xuân Lộc,  Dầu Giây và Suối Tre, và đoạt giải, bức chân dung Tổng thống Ngô Đình Diệm vẽ trên lụa, lồng trong khung kính (1m x 1,50m). Trận nầy tôi bị thương nặng, vì  bị cầu thủ Suối Tre đạp vào đầu gối phải, chân trụ của tôi, khi tôi đá tiếp quả bóng còn bay trên không bằng chân trái, từ hướng cánh phải chuyền sang và quả bóng bay thẳng vào góc phải cầu môn, trong khi tôi bị té quỵ xuống sân, vì đầu gối phải của tôi bị chấn thương quá nặng, sưng phù lên đến độ không co lại được.


            Và một trận cầu nữa nhớ đời, nhiều cầu thủ Biên Hùng trong số có tôi, tăng cường đá dùm cho đội bóng của Đại Đội Quân Cụ 104 ở Biên Hoà đá với hội Hạnh thông Tây(Gò Vấp) tại sân Hạnh thông Tây, trận nầy tôi và anh Lê Văn Tẹo tự Ăng Lê, có đụng chạm nhau… Đá banh trên sân cỏ việc đụng chạm trong khi tranh giành bóng là chuyện thường tình, có thể tôi vô tình đụng mạnh anh Lê Văn Tẹo, anh Lê văn Tẹo rượt đánh tôi, khán giả bất bình chạy vào đánh anh Lê Văn Tẹo; ông Hội trưởng Hạnh Thông Tây vội chạy vào sân can ngăn, nhưng không biết khán giả nào đánh trúng ông Hội trưởng bể môi… Trưởng đội bóng 104 ra lệnh tất cả cầu thủ lên xe trở về Biên Hoà…nhưng khi xe chạy đến cầu Bình Lợi thì bị Hiến Binh lái xe chạy rượt theo bắt lại và đưa về đồn Hiến Binh ở Gò vấp điều tra, hỏi cung tôi và Lê Văn Tẹo. Phần tôi, khi được hỏi- có biết ai đánh anh Lê Văn Tẹo và ông Hội Trưởng đội bóng Hạnh Thông Tây hay không ? - Tôi trả lời, tôi không biết ai đã đánh anh Lê văn Tẹo và cũng không thấy ai đánh trúng ông Hội Trưởng đến bể môi…Hiến Binh ghi cung chừng đó rồi cho tôi ra xe về.


            Tôi nhớ một lần khác, một số cầu thủ Biên Hoà lãnh đá chầu cho đội bóng

xã Bình Ba Cây Táo (Đồn Điền Gallia Bình Ba), có tăng cường Maurice (Maurice đá cặp với Đỗ Quang Thách của đội AJS) tranh giải, đấu với đội bóng Bà Rịa, chúng tôi đã đem về chiến thắng vẽ vang cho đội Bình Ba, thời kỳ ông Phạm Hoàng Quân làm Kế Toán Trưởng (Chef Comptable) Đồn Điền.


            Kỷ niệm nữa đáng ghi nhớ trong cuộc đời đá banh của tôi là khi đá cho Phong trào Cách Mạng Quốc Gia Việt Nam khoảng tháng 6 năm 1957, toàn đội bóng Biên Hoà, có tăng cường Bính và Cư (của Việt Nam thương Tín) đi máy bay Air Việt Nam ra Đà Nẳng đá với đội Đệ Nhất Phi Đoàn Đà Nẳng và đội tuyển Đà Nẳng và sau đó, ra Huế,  đá với đội Cảnh Sát Huế (có Hạo số 9 và Don số 6). Chuyển đi nầy do các anh Luật sư Võ Văn Quan, hoạ sĩ Ngô Bảo và nhà báo huỳnh Thành Vị hướng dẫn. Toàn đội bóng Phong Trào CMQG VN được nhắc nhỡ áp dụng lối đá hoà nhã, nghệ thuật, ăn thua không thành vấn đề. Những ngày ở Huế, đội bóng được tiếp đãi rất sức nồng hậu, được đưa đi thăm viếng nhiều danh lam thắng cảnh miền Trung, cả viếng thăm nội thành và dinh thự triều đình Huế.  


            Sau cuộc đổi đời vào tháng 4-1975, tôi bị bắt đi tù cải tạo qua nhiều nơi trại Giam Sông Bé, trại B-5 (ngang Dưỡng Trí Viện Biên Hoà) và khi đến trại Bầu Lâm(Xuyên Mộc-Bà Rịa) tháng 8-1976, tôi được cử phụ trách đội bóng đá và phụ việc nhà bếp Bầu Lâm cho đến khoảng tháng 8-1977, tôi bị ghép tội ‘Âm mưu móc nối tàn quân, đánh trại Bầu Lâm, giải thoát tù cải tạo’; thế là tôi bị còng tay chuyển từ trại tù Bầu Lâm trở về trại giam để chịu sự điều tra và bị buộc thêm nhiều tội có thể dẫn đến tử hình. Tại trại giam Châu Thành Bà Rịa tôi bị tra tấn rất dã man, có thể nói đòn thù thì đúng nghĩa hơn nhưng dù đau đớn đến đâu tôi cũng ráng chịu đựng và phủ nhận lời cáo buộc tội « âm mưu rướt tàn bình về đánh trại Bầu Lâm’. Sau nhiều ngày đêm điều tra không kết quả, tôi bị vào xà lim một thời gian dài và mỗi ngày chỉ được hai miếng bánh bột bằng ba ngón tay và một gô nước lã đun sôi.


            Đến khoảng tháng 8-1978, tôi được cho ra khỏi xà lim, cho tắm sạch sẽ, được cho bồi dưỡng cháo trắng vào buổi chiều hôm trước, để sáng hôm sau được hai nhơn viên điều tra của Bộ Nội Vụ gọi tôi lên văn phòng ‘làm việc’. Tôi được đãi ngộ một ly cà phê sửa đá và thuốc JET. Hai cán bộ nầy đều mặc y phục xanh dương, xuất hiện và tự giới thiệu là nhơn viên điều tra của Bội Nội Vụ và chỉ hỏi tôi về công tác tình báo, đưa cho tôi xem hai quyền album hình, một quyển hình trắng đen mờ nhạt của một số người (có thể chụp trong rừng), một quyển chụp những người ở ngoài thành rất rõ nét; bảo tôi xem kỹ và nhận diện những ai, đã được tôi tuyển mộ làm công tác tình báo ngày xưa, và bây giờ họ đang mai phục ở đâu. Tôi trả lời dứt khoát là tôi không biết gì về việc nầy… Sau đó vài ngày tôi được chuyển từ trại giam Châu Thành Bà Rịa ra trại tù Hàm Tân Z30-C. Nơi đây, những tháng đầu tôi được phân vào đội 34 Xây dựng, nhưng sau đó một thời gian ngắn tôi lại được chuyển qua làm đội phó đội 19, phụ trách đội đá banh, và anh Liêm là cụu Đại Uý QL/VNCH làm đội trưởng 19, phụ trách banh chuyền.




            Năm 1981, tôi được tha về với ba năm quản chế. Tháng 4-1991 tôi cùng gia đình vợ con đi qua Mỹ định cư theo diện HO-6 tại thành phố Chicago (Illinois). Tại đây, nhiều người biết tôi hồi trước là cầu thủ đá banh, nên đề nghị tôi nhận vai trò huấn luyện, dìu dắt đội bóng Người Việt tại Chicago từ năm 1995 đến nay

Thời gian tôi đãm trách vai trò huấn luyện kiêm nhà dìu đắt đội bóng Người Việt tại Chicago, tôi phát hoạ một chương trình huấn luyện một đội bóng không chuyên nghiệp nầy, gồm những người từng là cầu thủ ở Việt Nam và một số thanh niên người Việt ham mê môn túc cầu, đang cư ngu tại thành phố Chicago: Hằng  tuần có hai ngày  thứ Ba và thứ Năm, ra sân vào buổi chiều, tập dợt chính thức về thể lực : chạy bền, chạy rút, nhảy cao; về kỹ thuật: đá xa, đá gần, đá phạt đền, giao bóng, nhận bóng, hứng ngực, đánh đầu, động tác giã, dẫn bóng, quan sát, sút bóng …Chiến thuật: chia làm hai nhóm, tập dợt cách chuyền bóng theo đội hình tấn công và phòng thủ, v..v..và điểm tôi thường nhấn mạnh trước các cầu thủ là phải tập tánh kiên nhẫn, giữ tinh thần thượng võ, đạo đức và phong cách thể thao.

Và thỉnh thoảng tôi cũng nhắc cho các em cháu nhớ về luật lệ môn túc cầu có sự thay đổi theo thời gian, như lúc nào trọng tài cho áp dụng  luật quả bóng vàng, hoặc lúc nào áp dụng các quả đá luân lưu 11 thước, và trường hợp nào trọng tài áp dụng thẻ vàng hoặc thẻ đỏ đối với từng cầu thủ …


Tôi đã từng nhiều lần tổ chức tranh giải bóng đá tại Chicago, mời  các đội bóng người Việt tại Vùng Trung Tây Hoa Kỳ: đội thành phố Kansas ( Missouri), Arkansas(Kansas), đội Davenport (Iowa) , đội Milwaukee (Wisconsin), đội Nghệ Sỹ Ca Nhạc California (gồm có Quốc Anh, Thái Châu, Mạnh Quỳnh, Bằng Kiều, Kiều Linh…), hoặc đi tranh giải tại các tiểu bang  ở Mỹ như Michigan, Indiana, Iowa, hoặc tranh giải Bắc Mỹ tại Toronto (Canada)




            Năm 1998 tôi hướng dẫn đội bóng Người Việt tại Chicago tranh giải Bắc Mỹ tổ chức tại thành phố Toronto(Canada), chuyến đi nầy, đội bóng Chicago thua đội bóng Người Việt –Bắc Cali do anh Lê Văn Đối hướng dẫn và đội bóng Nam  Cali do anh Ngôn 2 hướng dẫn. Lần nầy tôi được hân hạnh gặp ông Trần Sáu, khoảng 77 tuổi, cựu cầu thủ, đá cho đội bóng Ngôi Sao Gia Định ngày xa xưa.(có chụp hình)


Đội bóng Chicago tranh giải tại Grand Rapids -Michigan


            Năm 2000, tôi hướng dẫn đội bóng Người Việt tại Chicago đi tranh giải tại  ở tiểu bang Michigan, nơi đây tôi gặp hai người ông Trần Ngọc Ẩn, Hội trưởng Hội Cựu Chiến Sĩ thành phố Grand Rapids, cũng là trưởng ban tổ chức giải túc cầu và gặp Ngô Nhì thơ ký Hội CCS, tiếp đãi chúng tôi rất nồng hậu…Khi đội bóng chúng tôi trở về Chicago, chừng khoảng một tuần lễ sau thì được anh Ngô Nhì báo tin là ông Trần Ngọc Ẩn, đột ngột qua đời vì chứng bịnh tim. Tôi không qua thăm viếng ông Ẩn, chỉ gởi lời chia buồn và một bài thơ sau đây


NÉN HƯƠNG LÒNG

                        Kính dâng hương hồn anh Trần Ngọc Ẩn,
                                    Cố Chủ Tịch Hội Cựu Chiến Binh Grand
                                    Rapids ( Michigan ).

Tình bạn nên duyên chỉ một ngày.
Một ngày mùa hạ nắng phai phai.
Tôi dẫn đoàn cầu sang tranh giải
Bác ân cần đón tay trong tay.
Tuổi tác dù cao chẳng ngại ngùng
Thủ vai Chủ-tịch Cựu Chiến Binh
Grand Rapids Michigan ấy
Nhất ứng vạn hô thắt chặt tình.
Tôi đi quanh quẩn vô tình hiểu:
Tất cả đều khen tính bác hiền,
Huynh đệ một niềm thương kính bác
Cái tài uyển chuyển tạo cơ duyên.
Cuối chiều tôi đến thăm nhà bác
Buổi tiệc đơn sơ đãi bạn bè.
Chút rượu chí tình, say tâm sự
Thăng trầm nghiệp nước tháng ngày qua.
Bác vẫn một lòng yêu đất Việt,
Âm thầm nhỏ lệ khóc thương dân.
Căm hờn Cộng Sản phường gian ác,
Làm hại cơ đồ đến ngửa nghiêng.
Tôi hẹn năm sau, hè trở lại,
Qua thăm, tiếp tục chuyện đường dài
Chao ơi ! cơ hội đâu còn nữa !!
Bác đã về tiên cảnh mất rồi.
Dù chỉ một ngày vẫn nên duyên.
Nay nghe bác phủi mọi ưu phiền,
Lòng tôi đau xót làm sau ấy...
Đây nén hương lòng tôi kính dâng.
                        (Chicago ngày 10-1-2000)




            Như tôi đã trình bày trên đây, từ năm tuổi tôi đã bắt đầu đá banh cho đến năm nay, đã hơn bảy mươi tuổi, vẫn còn mang nợ ‘quả bóng tròn’. Năm 2009 còn ra sân đá với đội Trung Dũng tại San José – California, coi như trận chót ‘giã từ vai trò cầu thủ lão tướng’




Đội Lão Tướng Chicago                         Lộc , Cang và hai trọng tài


Tôi có cảm nghĩ rằng ít có người có dịp may như tôi, có một chuỗi thời gian dài, gần như gần cả cuộc đời, kể cả năm tháng ở trong tù, cũng như khi đi ra hải ngoại, mặc dù tuổi tác đã cao, nhưng quả bóng tròn cứ mãi lăn theo chân.– Hiện tại tôi không tham gia trận mạc cũng như phụ trách huấn luyện nữa,  nhưng vẫn còn giữ vai nhà dìu dắt, chủ tịch Câu Lạc Bộ Túc cầu Người Việt tại Chicago và chỉ thỉnh thoảng ra sân chỉ các em cháu vài kinh nghiệm trong lãnh vực túc cầu, một môn thể thao được nhiều người hâm mộ nhất trên thế giới.




Lộc, thủ quân đội Chicago bắt tay Dương, thủ quân đội Trung Dũng San Jose (CA)- Bên Phải : Lộc đang chạy



            NGHIỆP DĨ

Trái bóng theo chân từ năm tuổi
Nay hơn bảy chục vẫn còn theo
Cùng lăn trên thảm màu xanh biếc
Hoa bướm đường banh đến xế chiều

Trái bóng lăn theo những bước đời
Sân làng sân tỉnh thắm niềm vui
Lăn theo nghệ thuật vờn sân cỏ
Đón tiếng hoan hô dậy góc trời

Quả bóng lăn theo nhịp núi sông
Khi cao khi thấp lúc xa ….gần
Chào mừng Quốc Khánh – vui dân tộc
Quả bóng lăn tròn theo tháng năm

Quả bóng theo tôi suốt một đời
Từ thời niên thiếu thuở xa xôi
Đến khi nước mất trời nghiêng ngả
Bóng vẫn theo tôi đến trại tù

Bóng lại theo tôi đến xứ người
Phương trời hải ngoại- trọn niềm vui
Tuổi đời càng lúc thêm chồng chất
Bóng vẫn nhìn tôi – bóng mỉm cười
                                                Thế Nhân



NHỮNG  KỶ  NIỆM  KHÓ QUÊN


*Được xem tấm hình ‘đá banh’của Ba tôi.


            Tôi biết ba tôi có một thời chơi môn túc cầu, nhưng không có dịp xem ba tôi đá một trận nào. Mãi đến năm 1970, vào một buổi sáng sớm, Ông Ba Miên (bà con với bà Trần Lệ Xuân) đứng ngoài đầu ngõ, gọi tôi thức dậy đi uống cà phê ở  tiệm Hiệp Hứng trên đầu chợ. Dịp nầy, ông cho tôi biết nhiều tin tức về tình hình chiến sự, cả sự thay đổi thành phần nhân sự trong chánh phủ; sau đó ông dẫn về nhà ông, ông chỉ cho tôi xem một hình chụp đội banh CERCLE, với bộ áo sọc đứng hai màu đen đỏ xen kẽ, tấm hình được ông trang trọng lộng trong khung kính khổ 4 tấc x 2,5 tấc, chưng trong phòng khách nhà ông ở góc đường Phan Chu trinh và Quang Trung Biên Hoà; trong hình có ông (Trần Minh Miên, mặc thường phục), ông Lương văn Lựu(mặc thường phục), trọng tài Ký, trọng tài Jean và ba tôi ( ông Nguyễn Văn Tí, mặc áo thủ môn) và nhiều cầu thủ khác tôi không nhớ tên; tôi rất vui khi được xem tấm hình nầy và tôi định lòng sẽ mượn tấm hình nầy đem chụp lại trong một ngày nào đó, nhưng chưa có dịp thì cách vài năm sau, ông Ba qua đời. Sau nầy tôi có nhờ người liên lạc với Trần Minh Viễn (thứ nam của ông Ba Miên) để nhờ cho chụp bản sao, nhưng rất tiếc tấm hình đã bị thất lạc, và tôi tiếc hơn bao giờ hết khi tôi viết bài viết nầy.



Tôi rất hãnh có người cha, ông Nguyễn Văn Tí tự Hai hát Bóng, từng là thủ môn cho đội túc cầu CERCLE (Biên Hoà), tôi cũng hãnh diện có ba anh em cùng đá cho đội tuyển Biên Hoà của một thời vang bóng, tôi cũng lại hãnh diện có đứa con (Nguyễn Châu Cang), từng đá cho đội năng khiếu Biên Hoà, hiện là huấn luyện viên môn túc cầu cho các trường học ở Chicago (IL), tôi cũng lại hãnh diện có ba đứa cháu nội ham mê đá banh trong số có Aaron Nguyễn, 13 tuổi đang được chọn vào Câu lạc Bộ Túc Cầu Chicago Magic.


Hiện nay tôi không còn phụ trách huấn luyện, tôi giao việc huấn luyện cho Trần Anh Dũng, cựu tuyển thủ tỉnh Đồng Nai, con của ông Trần Văn Phước, Chủ Tịch Hội Đồng Tỉnh Biên Hoà trước năm 1975, và cũng từng là chủ tịch Hội Người Việt Cao Niên tại Chicago trong nhiều năm qua..

Niềm vui cũng là niềm hãnh diện đối với tôi, trong vai trò dìu dắt đội bóng Người Việt tại Chicago, được số đông cầu thủ quí mến, trong số có nguyễn Văn Thịnh, một kỹ sư điện CTA, thường dành cho tôi sự ưu ái đặc biệt là mỗi khi có những trận cầu Quốc tế được tổ chức tại sân Soldier Field - Chicago, với thành phần cầu thủ thượng thặng đến đá như Beckham, Ronaldo, Messi…cậu Thịnh biếu tôi hai vé và đưa xe đến rước hai vợ chồng chúng tôi đi xem.


NHỚ THỜI XA XƯA

                               Bóng tròn, quả bóng tôi yêu
                        Đam mê kỳ diệu những chiều ra sân.

Chiều về nhìn bóng chiều rơi
Trên sân cỏ mượt nhớ thời xa xưa.
Nhớ hồi sức lực còn thừa
Đường banh lã lướt, lối lừa bướm hoa
Tung chân, hứng ngực, đầu đưa
Chạy ngang lướt dọc, đón vừa đường banh
Đường chuyền chính xác thọc nhanh
Tạo bao hứng thú khung thành ngửa nghiêng
Ngả người tung lưới đối phương
Tiếng hoan hô dậy cầu trường còn vang.
Bây giờ nắng xế ngày tàn
Đường banh đã hết dọc ngang nữa rồi.

Nhưng lòng thắm mãi niềm vui
Luyện cho tuổi trẻ… nhớ thời đam mê.

                                     Thế Nhân
                                             (10-10-04)


Khi tôi đang cặm cụi viết bài nầy, một người bạn thân của tôi từ một tiểu bang xa gọi điện thoại thăm và có hỏi tôi

‘Anh đang ở tuổi 77 với  mái đầu bạc trắng, hằng ngày anh còn làm việc gì hữu ích để lấp khoảng trống thời gian nhàn rổi vô vị không ? Tôi có dư quá nhiều thì giờ nhưng không biết làm gì !

Tôi nghe mà tiếc và trả lời với người bạn như sau :

Thưa anh - Mỗi người có mỗi hoàn cảnh khác nhau, tôi không thể nào giúp ý kiến cho anh được, vì tôi không biết sinh hoạt hằng ngày của anh như thế nào. Tôi chỉ trình bày hoàn cảnh của tôi, biết đâu giúp được cho anh phần nào – Tôi không có thì giờ nhàn rỗi như anh - Hằng ngày, tôi giúp con tôi, đưa đi các cháu học và rước về, đôn đốc các cháu chăm chỉ học hành, dạy cháu nói tiếng Việt để các cháu không quên cội nguồn, cuối tuần hướng dẫn các cháu đi ra công viên tập thể dục, chơi môn túc cầu và sau đó dẫn các cháu đi ăn ‘Mc Donald’; thỉnh thoảng tôi làm vài câu thơ đấu tranh cho tự do dân chủ, hoặc viết một đoạn văn về nỗi đau thương của dân tộc Việt Nam thời XHCN… Chừng đó thôi, tôi đã không đủ thì giờ rồi. Anh hãy xem tấm hình dưới đây, anh sẽ thấy vui ngay tôi đang hạnh phúc. Việc làm của tôi rất giản dị nhưng rất vui và có ý nghĩa phải không anh ?        

                                              Chicago, ngày 11-11-2013

                                                         Nguyễn Kim Lộc



Thứ Ba, 11 tháng 6, 2019

KỶ NIỆM VỚI NGHĨA TRANG QĐ BIÊN HÒA

KỶ NIỆM VỚI
NGHĨA TRANG QUÂN ĐỘI BIÊN HOÀ


Đến chiều ngày 29-4-75, khoảng trời vừa tắt nắng, tôi còn đứng trên đồi Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà với nỗi buồn vô hạn, nhìn xe cộ và dòng người tất tả, cùng di chuyển về hướng Sài Gòn. Trên gương mặt mọi người hiện rõ nét hốc hác, mệt mỏi vì đường xa và sợ hải, họ như cố chạy càng xa càng tốt, mong sao thoát khỏi làn sóng đỏ đang vồ dập phía sau lưng… Lòng tôi cũng nôn nã lắm, biết VNCH đã đến ngày tàn, không còn phương thuốc nào có thể cứu chữa được, nhưng tôi nghĩ trách nhiệm và lương tâm của người Cảnh Sát, nên tuân lệnh cấp chỉ huy trực tiếp, thi hành nhiệm vụ đến giờ phút cuối cùng. Tôi đi vòng xuống phía trước tượng Tiếc Thương, thấy gương mặt và dáng dấp người lính chiến ngồi trên bục đá với khẩu súng trường gác ngang trên đùi (do điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu tạc theo mẫu người anh Võ văn Hai, một hạ sĩ binh chủng Nhảy Dù), sao mà buồn quá đỗi, tôi ngắm tượng Tiếc Thương, rồi nhìn những dãy mồ tử sĩ sơn màu tang trắng, nằm ngang dọc thẳng hàng trên đồi Nghĩa Trang, mà cảm thấy nỗi buồn vương vấn, xót thương vô cùng cho thân phận người lính chiến VNCH. Tôi ngẳm lại thân phận mình và thầm nghĩ, chắc cũng đến lúc phải chia tay với anh lính tượng Tiếc Thương nầy rồi. Tôi chào anh và lẩm bẩm mấy câu:
                        Thôi chào anh nhé tôi đi
                        Gặp nhau.. Xin hẹn tháng ngày bình yên
                        Ba năm chung một nỗi niềm
                        Ngùi thương tử sĩ về yên chốn nầy
                        Hồn anh phảng phất đâu đây
                        Vi vu gió lộng hàng cây bạch đàn
                        Con đường dẫn vào nghĩa trang
                        Nghe sao lạnh lẽo bàng hoàng xót xa.

                        Chào anh lần chót… gọi là…
                        Mai sau biết có về qua lối nầy.

Coi như tôi đã làm xong bổn phận của một người Cảnh Sát được thượng cấp cử về làm Trưởng Cuộc Xã Bình An, lo việc an ninh trật tự từ 1973 đến 30-4-1975. Trong khu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà không một nơi nào mà tôi chẳng đi qua, tới lui nhiều lần, nhất là những lần Quân Lực VNCH có một vì SAO rụng hoặc khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đến dự lễ ngày Chiến Sĩ Trận Vong tại Đài Tử Sĩ trên đồi Nghĩa Trang. Việc an ninh trật tự từ ngoài xa lộ vào cổng Nghĩa Trang và chung quanh Nghĩa Trang là trách nhiệm của Cuộc Cảnh Sát Xã Bình An thuộc quận Dĩ An tỉnh Biên Hoà.
Trong những lần vào nghĩa trang, thỉnh thoảng, tôi chứng kiến cảnh trực thăng chở xác binh sĩ tử trận từ các chiến trường sôi động về, từng chiếc poncho gói xác binh sĩ được khiêng vào hiên nhà, phía sau phòng ướp xác, một toán thanh niên khoảng bốn năm người, thường trực làm phận sự, xịt nước tắm rửa các thi thể cho sạch các vết thương, vết máu, trước khi cho vào các hộc ướp lạnh chờ thân nhân đến nhận diện, làm thủ tục nhận xác hoặc đem về mai táng ở quê nhà hoặc chôn tại nghĩa trang nầy. Họ làm công việc rất tự nhiên, không sợ sệt, gớm ghê gì cả, họ không dùng khẩu trang, cũng không thoa dầu…dường như họ đã quen rồi với cái mùi tử khí … Tôi rất cảm  phục những thanh niên lo phần hậu sự nầy.
Tôi nhớ có lần đi ngang qua nghĩa trang, gặp một vị sĩ quan thuộc Đại Đội Chung Sự, vị nầy hỏi tôi ‘Sao tôi thấy Trung Uý cứ ra vô đây hoài vậy ?’. Tôi cười nhạt và trả lời rằng ‘vì có nhiều thân nhân và bè bạn nằm đây nên phải đến thăm viếng hoài thôi’. Sự thật thì, mỗi khi có nhu cầu công tác an ninh trật tự tại khu vực gần Vườn Ương ấp Bình Thắng, tôi thường chọn con đường tắt, từ ngã ba cầu Cầu Bà Lồ chạy qua phía trước hãng giấy Mê Kông vào cổng sau Đại Đội Chung Sự, rồi băng ngang Nghĩa Trang, đến ấp Bình Thắng thay vì phải chạy vòng, xa hơn và tốn nhiều thì giờ. Và có một lần khác tôi gặp một vị hạ sĩ quan khác cũng đặt câu hỏi tương tự, tôi lại trả lời ‘ Vào đây coi ô đất nào đẹp để xí phần’ và được viên hạ sĩ quan nầy vừa cười vừa nói ‘Nghĩa Trang nầy không có tiêu chuẩn dành cho Trung úy đâu’. Tôi cười. Sự thật đúng vậy thôi, mặc dù tôi cũng là mộ cựu quân nhân có số quân 57 A.172035.
Đối với Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà tôi có rất nhiều kỷ niệm và còn được nghe nhiều huyền thoại về anh lính ‘ Tượng Tiếc Thương’.
Nhiều người đến viếng thăm Nghĩa Trang QĐBH đều nói ‘Nhìn anh lính ‘Tượng tiếc Thương’ sao mà buồn quá, nhưng theo tôi, thì ‘ Tượng Tiếc Thương’ không gợi buồn bằng bức hoạ cảnh ‘ Tượng Tiếc Thương’ với hai màu xanh xám nhạt, treo trên tường trong một văn phòng chung sự, có lần tôi ngắm bức tranh, rồi quay ra nhìn một số đông người thuộc nhiều lứa tuổi, phần đông là phụ nữ và trẻ con, đứng cạnh dãy quan tài được phủ những lá cờ vàng, cùng lúc ngửi mùi nhang khói, tự nhiên tôi thấy lòng mình chùng xuống, buồn không thể tả, rồi bỗng nhớ mấy câu thơ của Lê Thị Ý, mà cảm thấy xót thương cho những người phụ nữ Việt Nam trong thời binh lửa…
                        ‘Ngày mai đi nhận xác chồng
                        Say đi để tưởng mình không là mình
                        …
                        Bây giờ anh phủ cờ vàng
                        Anh lên lon giữa hai hàng nến trong
                        Mùi hương cứ ngỡ hơi chồng
                        Ôm mồ cứ tưởng ôm vòng người yêu !’

 Mời các bạn đọc thêm bài thơ sau đầy, để có được giây phút cảm thông nỗi buồn thắm thía của tôi…

                        Chiều Nghĩa Trang

                        Hôm qua chiến địa còn oanh liệt
                        Súng đạn rền vang giết kẻ thù
                        Đến sáng hôm nay im lặng tiếng
                        Người về lòng đất biệt thiên thu.

                        Quan tài một dãy chiều sương lạnh
                        Những lá cờ vàng được phủ lên
                        Những tấm huy chương, bằng tưởng lục
                        Nhạt nhoà màu sắc khói nhang buồn.

                        Tiếng kèn đưa tiễn sang biên giới
Giữa chốn nghĩa trang lạnh đất trời
Cây cỏ úa vàng quanh mộ vắng
Vợ buồn con thét… lệ tuôn rơi.

Tiếc Thương’ tượng lính, buồn thương tiếc
Trước Cổng Tam Quan đón bạn về
Hồn nước vấn vương Đền Tử Sĩ
Dũng Đài Nghĩa Khí ánh gươm soi.

Vành Khăn Tang trắng còn vương lệ
Áo trắng tang chồng cảnh cúc côi
Con khóc thương cha đền nợ nước
Lão bà sùi sụt tiếc thương đời…
                                                (TN)

                       
Sau ngày 30-4-75 tôi không còn có dịp ghé thăm khu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà nữa, vì bị đi tù cải tạo, rồi khi ra khỏi tù, lại bận rộn sinh kế, phụ vợ con kiếm sống qua ngày, kế có cơ hội đi HO qua đinh cư tại Mỹ vào năm 1991 đến nay.
Sau nầy tôi đọc báo và được biết có một số người về thăm Việt Nam có viếng Nghĩa Trang QĐBH. Họ mô tả nơi nầy đã bị đào phá tan hoang và do một đơn vị bộ đội thuộc Quân Khu 7 quản lý, không cho bất cứ ai vào thăm viếng. Tượng ‘Tiếc Thương’ bị giật ngả xuống đất vào những ngày đầu tháng 5-75 trong tư thế , đầu hướng về Sài Gòn, chân chỏng về hướng Bắc, một cánh tay bị gảy lìa ra  và cho kéo đi nơi khác (nghe nói kéo bỏ tại một khoảng đất trống phía bên trái cầu Xa Lộ Đồng Nai, khoảng đất trống cận bờ sông, nơi có một Đại Đội Công Binh VNCH trú đóng trước ngày 30-4-75, và sau đó được kéo bỏ tại một khoảng đất trống khác trong phạm vi Quận Dĩ An), hiện không biết tượng nầy kéo bỏ nơi đâu, chỉ còn lại cái bục, thế mà vẫn có một số người đến đốt nhang chiêm bái, họ cho rằng tượng Tiếc Thương linh thiêng. Số người đến đốt nhang thường có ba dạng, một dạng mê tín, lễ bái cầu xin nọ kia,  một dạng có cảm tình với chế độ cũ và một dạng là thân nhân của tử sĩ VNCH, đến đốt nhang để đỡ nhớ thương những người thân của họ đã chết rồi mà còn bị cầm tù, không ai được vào bên trong để cúng kiếng. Sau nầy chánh quyền địa phương cho đập phá luôn cái bục còn lại để cho không còn dấu tích gì liên quan đến tượng ‘Tiếc Thương’.
Đến ngày 30-4-75 đã có đến 16.000 tử sĩ về an giấc nghìn thu tại nghĩa trang nầy, trong số có cố Đại Tướng Đỗ Cao trí, Tư Lệnh Quân Đoàn 3 kiêm Vùng 3 Chiến Thuật….Dân chúng cư ngụ quanh khu NTQĐBH đặt thêm cho nghĩa trang nầy một cái tên rất khôi hài, đó là Vùng 5 Chiến Thuật, những quân nhân được thuyên chuyển về đây sẽ ngàn năm im tiếng.
Nghĩa Trang Quân Đội được thiết lập vào khoảng năm 1965 trên một ngọn đồi không cao lắm, tiếp giáp các bờ ruộng tư nhân, lò gạch của Bà Hai Đợi và ông Năm Thường về phía Bắc, phía Nam tiếp giáp các khu vườn cây trái và nhà dân, phía Đông tiếp giáp xa lộ Biên Hoà Sài Gòn và phía Tây giáp với một số vườn cây ăn trái và khu hầm đất đỏ. Đài Tử Sĩ được xây trên đỉnh đồi, khu đất bên phải là phần mộ các vì Tướng, phía sau là một khu đất rộng, được phân chia thành từng ô như lưới nhện, mỗi ô là những hàng bia trắng ngay hàng thẳng lối, góc sau bên phải là văn phòng Đại Đội Chung Sự, phía trước là một con đường trán nhựa khoảng chừng non một trăm thước, hai bên có trồng hai hàng cây khuynh diệp, thông ra xa lộ Biên Hoà-Sài Gòn và nơi đầu ngỏ vào,  cận xa lộ có một tượng lính ‘Tiếc Thương’ đặt trên một cái bục cao, anh lính trong thế ngồi nghỉ với khẩu súng trường gác trên đùi và mắt lơ đãng nhìn thẳng hướng đồi Bác sĩ Tín và Hoả Táng Đài, nằm phía bên kia Xa lộ, đối diện nghĩa trang. Ngoài ra, tại trung tâm khu Nghĩa Trang còn có một đỉnh đài cao có tên là NGHĨA DŨNG ĐÀI gồm một trụ bê tông chính cao hơn bốn mươi thước hình một thanh gươm có bốn chân trụ chịu trên bục xi măng bê tông cốt sắt hình tròn có tên là Vành Khăn Tang, vòng cung dài trên bốn mươi thước do một đơn vi Công Binh Kiến Tạo (đại đội 541 ?) xây dựng dự trù hoàn tất trước ngày 19-6-1975, trông thật ngạo nghể uy nghiêm trên vùng mộ địa đượm buồn.

Sau nầy tôi có dịp đọc bài viết của anh Lê Đồng một sĩ quan thuộc Đại Đội Công Binh Kiến Tạo, đăng trên tờ bán nguyệt san Chicago Việt Báo số 84 trang 136, cho biết hiện chính quyền dịa phương đã xây một nhà máy lọc nước Thuận An, án ngữ ngay bên phải cổng Tam Quan, nơi con đường chính hướng đến Nghĩa Dũng Đài. Viết đến đây tôi thoạt nhớ và đoán chắc anh Lê Dồng còn nhớ tôi(?), có một lần tôi can thiệp theo sự yêu cầu của Đại Đội Công Binh Kiến Tạo 451( ?)và anh Trưởng Cuộc Cảnh Sát Long Bình, tôi vào gặp cha xứ làng Cao Thái để xin cho một chiếc xe ủi đất và một xe tải GMC đang công tác ủi đất  trên phần đất xã Bình An do tôi trách nhiệm, bị dân quân làng Cao Thái cưỡng bách bắt đem về đậu trước nhà thờ làng Cao Thái thuộc xã Long Bình( Thủ Đức Gia Định) với một lý do rất khôi hài ‘Chúng tôi từ Bắc di cư vào Nam, mấy ông phải để khu đất nầy(khu đất dối diện Nghĩa trang Quân Đội Biên Hoà) không cần biết của ai, để cho chúng tôi canh tác’. Ông cha xứ nói rằng, việc nầy do các con chiên chủ động và yêu cầu tôi trực tiếp giải quyết với các con chiên, tôi trong tư thế lỡ leo lên lưng cọp, rất phập phòng lo sợ, sợ giải quyết không xong, chiếc xe jeep Cảnh Sát tôi đang sử dụng, bị đốt luôn, thì coi như đại nạn đến với tôi… Tôi cố giữ bình tỉnh, với sự ủng hộ của các anh quân nhân Công Binh, Trưởng Cuộc Long Bình và một nhân viên Quân Cảnh quận Dĩ An. Các người trong họ đạo làng Cao Thái đã vào đầy phòng họp, trong bầu không khí rất là căng thẳng, tôi được mời lên bàn ‘chủ toạ’ để được nghe chất vấn, ông Trùm mang loa phóng thanh, nêu lên nhiều câu hỏi và sau cùng bảo tôi hứa và cam kết để phần đất phía bên kia Xa Lộ ngang Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà cho dân làng Cao Thái canh tác. Đến lượt tôi trình bày, tôi xin hỏi ông Trùm và quí vị trong họ đạo làng Cao Thái rằng nếu nhà cửa của quí vị, tài sản của quí vị bị tôi tước đoạt và cho người khác sử dụng, quí vị có bằng lòng không? Nếu quí vị trả lời bằng lòng, thì tôi sẽ ký giấy cam kết, tôi biết làm như vậy là phạm pháp, tôi sẽ bị ở tù, nhưng tôi sẽ ký… Tôi nhìn quanh phòng họp, thấy mọi người kể cả ông Trùm đều im lặng, không ai trả lời câu hỏi của tôi. Thế là tôi kết luận,  quí vị đã buộc tôi làm điều sai trái, ngoài phạm vi và quyền hạn của tôi,  làm sao tôi có thể viết lời cam kết theo ý quí vị được. Tôi mong quí vị thông cảm cho địa vị nhỏ bé của tôi.  Tôi đến đây với mục đích yêu cầu quí vị thả các quân nhân và trả các quân xa về cho Đại Đội Công Binh (Kiến Tạo 541 ?) đồn trú tại đầu cầu Xa Lộ Biên Hoà thuộc ấp Ngãi Thắng/ Xã Bình An, Chúng ta đang sống trong một xã hội có luật pháp, nên để cho luật pháp giải quyết mọi vấn đề. Nguyện vọng của quí vị, tôi sẽ phúc trình, đạo đạt lên chánh quyền cấp tỉnh để nơi đây thẩm quyền giải quyết…Tôi chào ra về trong sự im lặng đồng tình cho phép của mọi người trong họ đạo làng Cao Thái. Tôi mừng quá, thở phào nhẹ nhõm như vừa trút được gánh nặng ngàn cân ra khỏi người. Trên đường ra Xa Lộ tôi mở máy liên lạc và được biết Bộ Chỉ Huy Tỉnh Biên Hoà đã cho tăng cường ngay hai trung đội CSDC ứng chiến tại Nghĩa trang Quân Đội Biên Hoà chờ yểm trợ tôi khi cần… Đến sáng hôm sau, trong khi tôi đang ngồi trong hội trường BCH Cảnh Sát Khu 3 cùng tất cả Trưởng Cuộc Cảnh Sát toàn Vùng 3 về họp, để chờ nghe ông Biện Lý Phạm Văn Tòng đến chỉ thỉ các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ của Sĩ quan Hình Cảnh Lại, thì được Trung Tá TQLC Nguyễn Minh Châu Quận Trưởng Dĩ An cho gọi máy bảo tôi phải trở về xã Bình An gắp để giải quyết vụ dân quân làng Cao Thái bắt xe ủi và xe GMC của đơn vị Công Binh nói trên…..Câu chuyện đã thuộc về dĩ vãng, tôi chỉ nhắc một đoạn nhỏ liên quan đến Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà và Đại đội Công Binh Kiến Tạo 541(?) trú đóng tại ấp Ngãi Thắng Thuộc Xã Bình An. Tôi không ngờ đã hơn ba mươi năm trôi qua, hôm nay tôi và anh Lê Đồng còn gặp nhau, mặc dù  không tạng mặt tay bắt mặt mừng nhưng gặp nhau trong ý hướng nhớ về Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà, nơi mà tôi với anh đã có một thời phục vụ.

Hơn ba chục năm rồi mà hình ảnh khu Nghĩa Trang Quân Độ Biên Hoà vẫn còn đậm nét trong tôi, với biết bao kỷ niệm, biết bao nhiêu lần tôi chứng kiến cảnh đau thương ‘Lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng trước, Trời ơi ! Là trời !’, chứng kiến bao nét oai hùng của những thiết vận xa M113 chở những linh hồn bất tử của những vì Sao sáng ngời tên tuổi về với Nghĩa Trang trong tinh thần  ‘Anh hùng tử chứ khí hùng nào tử’. Tôi lưu luyến Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà vì nghĩa trang nầy đã cho tôi nhiều kỷ niệm trong hơn hai năm tôi phục vụ tại vùng đất nầy, ngoài ra NTQĐBH còn là một nghĩa trang quân đội lớn nhất Đông Nam Á, đã trở thành một thắng cảnh lịch sử với nhiều kiến trúc ấn tượng, nằm trong lãnh thổ tỉnh Biên Hoà tạo thêm cho Tỉnh Biên Hoà một chút tiếng vang.

Tôi viết phần trên đây cách nay hơn một năm, nay lại có dịp mang ra viết tiếp, vì câu chuyện Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà đang sôi nổi trong dư luận trong và ngoài nước, sau khi Thủ Tưởng Việt Nam ký quyết định số 1568/QĐ-TTg ngày 27-11-2006 ra lệnh Quân Khu 7 bàn giao nghĩa địa xã Bình Anh, một phần đất có địa danh Nghĩa Trang Quân Đội Biên hoà cho Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Bình Dương quản lý và sử dụng vào việc phát triễn kinh tế xã hội.
Sau khi quyết định nói trên được ban ra, nhiều người đã từng quan tâm đến Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà, nhất là thành phần cựu quân VNCH trong và ngoài nước đưa ra nhiều giải đoán, hoặc bi quan hoặc lạc quan hoặc khách quan với những điểm chánh sau đây :
*Đó là dấu hiệu của sự hoà giải và hoà hợp dân tộc, bằng cách chỉ thị cho Quân Khu 7 bàn giao khu đất NTQĐBH đang quản lý, cho UBND Tỉnh Bình Dương làm nghĩa địa dân sự xã Bình An, giúp cho thân nhân của 16.000 tử sĩ VNCH được ra vào tự do để sửa sang mồ mả cho người thân của họ và cũng có thể chánh quyền Việt Nam hiện tại sẽ cho xây dựng nơi nầy thành một Nghĩa Trang Quốc Gia chôn những người lính chiến Việt nam của hai bên chiến tuyến như Nghĩa Trang Quốc Gia ARLINGTON ( Bức Tượng Đá Đen) của Hoa Kỳ tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn.
*Đó là dấu hiệu của sự xoá tên NTQĐBH(cấp Quốc Gia thời VNCH) nay chỉ là nghĩa địa dân sự xã Bình An với diện tích thu hẹp chỉ còn có 58 mẫu thay vì 125 mẫu ta và rồi đây Uỷ ban Nhân Tỉnh Bình Dương sẽ ra thông cáo yêu cầu những người có thân nhân chôn tại nghĩa địa xã Bình An (tức Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà) phải thực hiện việc bốc cốt cải táng nơi khác để UBND Tỉnh Bình Dương sử dụng phần đất nầy vào việc phát triễn kinh tế và xã hội…
*Đó là dấu hiệu của sự khai thác Nghĩa Trang QĐBH làm khu du lịch để hốt tiền của Việt Kiều, nhất là những người có thân nhân đang an giấc nơi đó…

Việc suy đoán thì ai cũng có quyền suy đoán, nhưng kết quả đúng hay sai vẫn phải chờ thời gian sẽ trả lời. Tuy nhiên, lòng tôi vẫn cầu mong Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà sẽ còn lưu dấu tích giữa không gian và cả trong lòng người dân Việt, mặc dù tỉ lệ cầu mong của tôi rất mong manh.
Và sau đây là phần diễn tiến liên quan đến việc hình thành NTQĐBH, do tôi sưu tầm và ghi lại qua nhiều tờ báo trên mang lưới toàn cầu:
-NTQĐBH được thành lập do sáng kiến của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
-Bộ Tổng Tham Mưu/ Quân Lực VNCH, được giao phó công tác dùng trục thăng thi sát địa thế khắp vùng đất rộng thuộc ba tỉnh Gia Định, Biên Hoà và Bình Dương và sau cùng chọn một địa điểm rất tốt đẹp, một ngọn đồi thoai thoải rộng 125 mẫu ta thuộc ấp Bình Thắng, xã Bình An(Dĩ An/ Biên Hoà), dự trù chôn đến 30.000 tử sĩ.
-Một đồ án trong số 54 đồ án hình thành NTQĐBH của Trường Đại Học Kiến trúc Sài gòn đệ trình, được tuyển chọn với tất cả phần kiến trúc như hiện trạng hôm nay gồm Cổng Tam Quan, Đền tử Sĩ, Nghĩa Dũng Đài… và sự phân chia thành từng khu vực trong nghĩa trang…
-NTQĐBH được giao cho Công Binh VNCH(Liên Đoàn 30 Công Binh Kiến Tạo) thực hiện và khởi công hình thành khu đất nghĩa trang vào năm 1965
-Doanh trại Liên Đội Chung Sự và nhà xác được xây cất vào năm 1966 và cũng từ năm nầy, NTQĐBH bắt đầu đón nhận tử sĩ về yên giấc nơi đây.
-Công trình xây Cổng Tam Quan và Đền Tử Sĩ cũng được thực hiện sau đó.
-Tượng ‘Tiếc Thương’ được hình thành qua nhiều giai đoạn, từ khi Thiếu tá ngành Quân Nhu cũng là một điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu vẽ mẫu trên tờ giấy bao thuốc lá, tìm người làm mẫu, đúc tượng bằng thạch cao quét nhũ vàng đặt nơi cổng vào Nghĩa Trang vào ngày 1-11-1966, sau đó một thời gian, tượng đưa về xưởng điêu khắc khoảng 1970, để được đúc lại bằng đồng …
-Sau vụ Tết Mậu Thân(1968) và Mùa hè Đỏ Lửa (1972), NTQĐBH đã chôn đến 10.000 chiến sĩ hy sinh và nhiều tướng tá.
-Đến ngày 30-4-75 đã có đến 16.000 lính chiến tử trận chôn tại NTQĐBH trong số có một ngôi mộ chôn tập thể 60 binh sĩ tử trận sau cùng của cuộc chiến.
-Nghĩa Dũng Đài đang thực hiện dang dở, dự trù hoàn tất trước ngày 19-6-1975, nhưng đến ngày 30-4-75 VNCH chịu cảnh tan hàng, rã ngũ.
-Khoảng đầu tháng 5-75 tượng Tiếc Thương bị giật sập đồng thời một đơn vị bộ đội thuộc Quân Khu 7 được điều động đến trấn giữ nghĩa trang nầy.
-Từ 1998, đã có nhiều cá nhân và nhiều nhóm Việt kiều Hải ngoại phối hợp với những người trong nước lo việc tảo mộ binh sĩ và tướng tá còn nằm tại Nghĩa trang….
-Tháng 7-2007 Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ra quyết định giao nghĩa địa Xã Bình An (tức NTQĐBH trước đây) với diện tích 58 mẫu ta thay vì 125 mẫu do QK 7 quản lý hơn 30 năm qua, cho UBND Tỉnh Bình Dương sử dụng vào mục đích phát triễn kinh tế xã hội.
-Hiện tại, ở hải ngoại, nhiều tờ báo đã đề cập đến NTQĐBH và đưa nhiều giải đoán hoặc lạc quan, hoặc bi quan hoặc khách quan như tôi có dịp trình bày trên đây, ngoài ra còn có một số người suy diễn xa hơn, nhân dịp nhà điêu khắc Nguyễn Thanh Thu đã trở về Việt Nam, họ cho rằng nhà điêu khắc nầy có ý định tái thực hiện ‘Tượng Tiếc Thương’ ở một nơi nào đó, nhưng theo tôi thì việc nầy khó mà thực hiện hoặc không bao giờ có thể xảy ra. Ông Nguyễn Thanh Thu đang  sống với vợ và bảy người con trên một thửa đất hương quả rộng 3.000 thước vuông với nhiều bông hoa,  cây cảnh và tượng mỹ thuật (có thể gọi là vườn Mỹ Thuật gia đình của vợ con ông) có một cái quán cà phê hiệu TƯỢNG ĐÁ, khung cảnh trang trí đơn sơ nhưng rất ư  là ‘nghệ sĩ’, đầy nét mỹ thuật pha chút lãng mạn đương thời…tại Phường 1 Quận Phú Nhuận(Sài Gòn). Nhà điêu khắc tài hoa Nguyễn Thanh Thu vẫn mơ mộng nơi đất trời Việt nam, có người tài trợ để ông thực hiện những tác phẩm điêu khắc để đời, như tượng Đầu Rồng có tên Cửu Long Được Mùa…và ông sẽ dừng chân vĩnh viễn nơi quê hương Việt Nam, còn nếu không có những  điều kiên ưu đãi để ông phát huy nghệ thuật điêu khắc… thì ông sẽ xách gói trở qua Mỹ tiếp tục sống cuộc đời tị nạn…(trích ý trong bài viết về ‘ Tác giả Tượng Tiếc Thương’ của nhà văn Văn Quang đăng trong Thiên Hạ Sự số 198 ngày 4-3-2007).
                                               
Nghĩa trang Quân Đội Biên Hoà quan trọng và có ý nghĩa đối với những người từng phục vụ cho VNCH và thành phần dân chúng có cảm tình với chế độ cũ, còn đối với Chánh quyền Việt Nam hiện tại thì NTQĐBH không có ý nghĩa gì cả, mà dường như còn là cái gai trước mắt họ, nên việc chủ trương xoá bỏ NTQĐBH là giải pháp tốt đối với họ, có lợi cho họ về nhiều mặt, xoá bỏ được mọi vết tích tàn dư, cắt đứt được sự hoài niệm của dân chúng với chế độ cũ, sử dụng khu đất vào việc phát triễn kinh tế và xây dựng xã hội…
Những người Việt ở hải ngoại cũng như ở trong nước quan tâm đến NTQĐBH trong ý hướng muốn bảo tồn Nghĩa trang nầy, coi như một chứng tích lịch sử với những công trình kiến trúc hiện hữu, một thắng cảnh, nhưng không biết can thiệp hoặc thỉnh nguyện bằng cách nào ngoài những lời nói suông, tiếng nói không có một chút sức mạnh của những người chiến bại, chỉ còn cách ngồi chờ việc gì đến sẽ đến mà thôi.

Tôi viết bài nầy, không nhằm mục đích chính trị, cũng không nhằm khơi gợi lòng hận thù, mà chỉ thuần là một kỷ niệm cá nhân đối với NTQĐBH trên hai năm tôi nhận lãnh công tác an ninh trật tự tại xã Bình An, với tư cách một Trưởng Cuộc Cảnh Sát. Tôi mong mỏi Chánh Quyền Việt Nam hiện hữu coi 16.000 tử sĩ người Việt chôn tại Nghĩa Địa Xã Bình An nầy trong tinh thần ‘ Nghĩa Tử Nghĩa Tận’ và cho họ được yên giấc nghìn thu tại nơi đây.
                                                                                    Nguyễn Kim Lộc
                                                                                        (11-03-2007)